DẠY HỌC TÍCH CỰC ĐỐI VỚI CÁC MÔN LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ TRONG BỐI CẢNH HIỆN NAY

9:59 | 01/08/2023

Trước sự bùng nổ của các cuộc cách mạng công nghiệp, đời sống kinh tế, xã hội, văn hóa của các quốc gia trên thế giới thay đổi nhanh chóng. Một trong những lĩnh vực chịu sự tác động không nhỏ từ các cuộc cách mạng này chính là giáo dục. Khoa học – kỹ thuật phát triển làm thay đổi cách dạy và học, buộc người dạy và người học cần có những thay đổi trong phương pháp dạy – phương pháp học để thích nghi. Bài viết này sẽ làm rõ những tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đối với việc dạy và học; từ đó, đề xuất một số phương pháp dạy học tích cực đối với các môn lý luận chính trị hiện nay.


 

1. Đặt vấn đề

Lịch sử phát triển nhân loại đã và đang chứng kiến bốn cuộc cách mạng công nghiệp. Qua mỗi cuộc cách mạng ấy, con người dù muốn hay không cũng phải đối diện với những thay đổi vô cùng đáng kể, làm ảnh hưởng đến công việc, cuộc sống và hơn hết là lượng tri thức mà chúng ta phải tích lũy hằng ngày. Thực vậy, các thành tựu khoa học công nghệ từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang dần len lỏi vào cuộc sống của mỗi con người trên toàn thế giới theo nhiều chiều hướng, phương thức và mức độ khác nhau. Đặc biệt, đối với việc giảng dạy các môn lý luận chính trị hiện nay cần phải có những thay đổi thích hợp cốt để đáp ứng sự vận động nhanh chóng của tình hình thời sự quốc tế và trong nước, cũng như giúp học viên tiếp tục bồi đắp niềm tin vào lý tưởng cách mạng, vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng và Nhân dân ta đã lựa chọn.

2. Tác động của cách mạng công nghiệp đối với quá trình dạy và học

Theo Đại Từ điển tiếng Việt do Nguyễn Như Ý chủ biên [10, 283], một trong những nội hàm của từ “cách mạng” chính là quá trình thay đổi lớn và căn bản theo hướng tiến bộ trong một lĩnh vực nào đó. Trong suốt tiến trình phát triển, đã có nhiều cuộc cách mạng nổ ra làm thay đổi thế giới, tạo ra hàng loạt sự biến chuyển sâu sắc về chính trị, văn hóa, xã hội cũng như trong lĩnh vực khoa học và kỹ thuật. Thông qua các cuộc cách mạng, loài người tiến thêm một bước để đạt đến trình độ văn minh, hiện đại hơn nhưng đồng thời cũng đòi hỏi họ phải có những thay đổi nhất định để thích ứng với những chuyển động không ngừng đó.

Theo Klaus Schwab [9], người sáng lập và chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế Giới đã mô tả về cách mạng công nghiệp 4.0 thông qua những mốc thời gian quan trọng. Hiện nay, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã, đang và sẽ tiếp tục tạo ra những thay đổi thần kỳ cho xã hội loài người. Trong đó, phương pháp dạy họcnói chung và phương pháp dạy học các môn lý luận chính trị nói riêng cũng không nằm ngoài những ảnh hưởng từ cuộc cách mạng này.

Theo Lê-nin, phương pháp là cách thức, là con đường, là phương tiện nhằm giúp con người đạt tới những mục đích nhất định trong hoạt động nhận thức và thực tiễn [13, 105]. Dựa trên cách tiếp cận quá trình dạy học khác nhau, nhiều nhà nghiên cứu, tác giả cũng đã hình thành, khái quát hóa thành những định nghĩa khác nhau về khái niệm “phương pháp dạy học”. Chẳng hạn, I. Ia. Lecne cho rằng phương pháp dạy học là một hệ thống những hành động có mục đích của giáo viên nhằm tổ chức hoạt động nhận thức và thực hành của học sinh, đảm bảo cho học sinh lĩnh hội nội dung học vấn [11, 62]. Trong khi đó, I. D. Dverev nhận định đây là cách thức hoạt động tương hỗ giữa thầy và trò nhằm đạt được mục đích dạy học. Hoạt động này được thể hiện trong việc sử dụng các nguồn nhận thức, các thủ thuật logic, các dạng hoạt động độc lập của người học và cách thức điều khiển quá trình nhận thức của giáo viên [4, 55]. Từ một số định nghĩa trên có thể nhận thấy dù được diễn giải và tiếp cận dưới nhiều góc độ thì “phương pháp dạy học” là cách thức tổ chức, điều khiển và tương tác giữa hai chủ thể cơ bản gồm người dạy và người học nhằm đạt được mục tiêu và nội dung dạy học. Phương pháp dạy học có thể chịu sự tác động từ nhiều yếu tố, cả chủ quan từ người dạy và người học lẫn khách quan như môi trường, phương tiện hay hình thức tổ chức dạy học… Trong đó, trước những thay đổi của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phương pháp dạy học truyền thống đang dần bị thay thế bởi sự len lỏi của khoa học và kỹ thuật vào môi trường giáo dục. Có thể nhận thấy một số biểu hiện phổ biến như sau:

Thứ nhất, với sự phát triển không ngừng của công nghệ thông tin, thế giới số trở thành một kho tri thức khổng lồ của cả nhân loại. Bỏ qua những hạn chế và tiêu cực nhất định, không gian mạng là nơi người học có thể tìm kiếm bất kỳ loại tri thức khoa học cần thiết cho bản thân từ khoa học tự nhiên đến khoa học xã hội bên cạnh các nguồn tài liệu khác… Đây chính là điều kiện làm thay đổi thói quen học tập thụ động truyền thống của người học. Hiện nay, với chiếc máy tính cá nhân hay điện thoại thông minh, mọi người có thể học bất cứ nơi đâu, bất cứ khi nào và bất cứ nội dung nào. Điều này đã giúp cho quá trình học tập, tiếp thu kiến thức của nhân loại trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.

Thứ hai, sự thay đổi của cách thức tiếp cận thông tin trong thế giới ngày nay đã làm cho phương pháp dạy học truyền thống dường như không còn phù hợp nữa. Người học có thể chủ động khai thác thông tin từ nhiều nguồn tài liệu khác nhau, từ đó, xuất hiện một nhu cầu mới trong quá trình dạy và học, đó là chia sẻ thông tin và tranh luận, thay vì chỉ có cung cấp thông tin một chiều từ thầy đến trò như trước đây. Hơn bao giờ hết, khi tri thức không còn chỉ còn bó hẹp trong sách giáo khoa, giáo trình, người học cần một môi trường mở để trình bày, biện luận với người dạy và những người học khác. Đây được xem là phương thức giúp người học chủ động tìm kiếm và lĩnh hội tri thức.

Thứ ba, cách mạng công nghiệp lần thứ tư xâm lấn từ lĩnh vực sinh học đến y khoa, từ ngành kỹ thuật cho đến những lĩnh vực tưởng chừng như khoa học khó có thể can thiệp vào. Với cuộc cách mạng 4.0, phương tiện dạy học không còn đơn giản là bảng đen, phấn trắng mà đã được thay thế bằng nhiều thiết bị hiện đại hơn, phục vụ đắc lực hơn cho nhu cầu dạy và học của con người. Thời gian gần đây, người thầy đã được sự trợ giúp bởi nhiều thiết bị công nghệ mới như bảng điện tử tương tác, phòng thí nghiệm mô phỏng, hệ thống nghe nhìn hiện đại… làm cho bài giảng trở nên gần gũi, sinh động và hấp dẫn hơn.

Trên đây chỉ là ba trong số rất nhiều những biểu hiện của sự ảnh hưởng từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đối với quá trình dạy và học, tuy nhiên một điều có thể dễ dàng nhận thấy rằng: Đổi mới phương pháp dạy học theo hướng hiện đại là một nhu cầu cấp thiết, mang tính sống còn, tạo điều kiện cũng như cơ hội giúp người học tiệm cận được với trình độ phát triển của khoa học – kỹ thuật thế giới và nhu cầu hội nhập trong tương lai. Về điều này, C. Mác đã từng nhấn mạnh đến vai trò vượt trội của khoa học trong việc làm biến đổi toàn bộ kết cấu trong việc sử dụng lao động sống vào quá trình sản xuất của nền đại công nghiệp [12, 21]. Ông cho rằng: “… Theo đà phát triển của đại công nghiệp, việc tạo ra của cải thực tế trở nên ít phụ thuộc vào thời gian lao động và số lượng lao động đã chi phí…, mà đúng ra, chúng phụ thuộc vào trình độ chung của khoa học và vào sự tiến bộ của kỹ thuật, hay là phụ thuộc vào việc ứng dụng khoa học ấy vào sản xuất” [7, 368-369].

3. Đề xuất một số phương pháp dạy học tích cực đối với các môn lý luận chính trị

Đổi mới phương pháp dạy học trước những chuyển biến nhanh chóng để bắt kịp xu thế của cuộc cách mạng 4.0 đòi hỏi cần có quá trình nghiên cứu, vận dụng phù hợp đối với từng lĩnh vực nhất định. Đặc biệt, đối với các môn lý luận chính trị, việc đổi mới phương pháp giảng dạy lại càng có những khó khăn, thách thức hơn so với các môn thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên. Bởi lẽ, bản thân các môn lý luận chính trị thường có tính khái quát hóa, trừu tượng hóa rất cao, chứa đựng lượng kiến thức và hệ thống khái niệm phức tạp đòi hỏi người học phải có sự kết hợp của nhiều kỹ năng, trong đó có việc liên hệ giữa lý luận và thực tiễn. Lê-nin từng khẳng định: “… đối với Mác thì tiêu chuẩn duy nhất của lý luận là phải trung thành với hiện thực” [14, 196] hay Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã cho rằng: “Thống nhất lý luận với thực tiễn là một nguyên tắc căn bản của chủ nghĩa Mác – Lê-nin. Thực tiễn không có lý luận hướng dẫn thì thành thực tiễn mù quáng. Lý luận mà không liên hệ với thực tiễn là lý luận suông” [8, 72]. Chính vì vậy, việc học tập nói chung và để nâng cao chất lượng giáo dục chính trị nói riêng hiện nay cần phải có những phương pháp dạy và học thích hợp. Học thuộc lòng những khái niệm, nguyên lý hay kết luận khoa học mà không biết cách thức áp dụng vào công việc, cuộc sống của mình là việc làm hoàn toàn vô nghĩa. Thời đại của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 không cần những người chỉ thuộc làu lý thuyết, ra rả những khẩu hiệu bởi đã có một kho lưu trữ dữ liệu số khổng lồ của cả nhân loại. Thời đại này cần những con người biết vận dụng lý thuyết đã học, biết liên kết và sáng tạo dựa trên những thứ đã được các bậc “tiền bối” đặt nền móng để kiến tạo nên những thành tựu mới. Điều này đòi hỏi trong phương pháp dạy học hiện nay đối với các môn khoa học nói chung và các môn lý luận chính trị nói riêng cần phải chú ý sử dụng một số phương pháp sau đây:

Một là, phương pháp thuyết trình có kết hợp với chứng minh, minh họa, liên hệ với thực tiễn. Thuyết trình là phương pháp dạy học sử dụng lời nói để tác động lên người học nhằm giúp họ hiểu được nội dung, ý nghĩa của vấn đề. Đây là một phương pháp khá gần gũi, quen thuộc đối với các môn học thuộc lĩnh vực khoa học xã hội. Tuy nhiên, mặc dù là một phương pháp đơn giản, phổ biến, không cần sử dụng nhiều phương tiện dạy học đi kèm nhưng nếu chỉ dừng lại ở việc phân tích, giải thích, diễn giải thì có thể dẫn đến nhàm chán, kém lôi cuốn người học. Vì vậy, để phương pháp thuyết trình hiệu quả thì sau khi giải thích để người học biết, hiểu được một nội dung lý luận chính trị nào đó, người dạy bắt buộc phải đưa ra những dẫn chứng trong thực tiễn đời sống chính trị, xã hội để chứng minh.

Chẳng hạn, khi giảng dạy về các vấn đề có liên quan đến “giai cấp”, “nhà nước” trong phần chủ nghĩa duy vật lịch sử, sau khi giúp người học nhận diện được các yếu tố cơ bản như khái niệm, đặc trưng, nội hàm, người dạy có thể liên hệ đến thực tiễn Việt Nam, chẳng hạn chính sách khai thác thuộc địa của thực dân Pháp đã làm du nhập quan hệ sản xuất tư bản vào nước ta, làm chuyển biến cơ cấu kinh tế và cơ cấu xã hội của một nhà nước phong kiến độc lập. Từ đó, làm phân hóa giai cấp vốn có như địa chủ phong kiến, nông dân cũng như xuất hiện các giai cấp mới như: giai cấp công nhân, giai cấp tư sản… Một ví dụ minh họa khác đó là vấn đề xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân đã được đề ra trong nhiều văn kiện quan trọng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Người dạy cần phân tích, làm rõ để người học nắm bắt thế nào là nhà nước pháp quyền, đây có phải là một kiểu nhà nước hay không… Thậm chí, tùy vào đối tượng và chương trình giảng dạy, giáo viên có thể liên hệ mở rộng đến nhà nước pháp quyền ở các nước tư sản và điểm khác biệt của nó với nhà nước pháp quyền mà nước ta đang xây dựng…

Hai là, phương pháp thảo luận, trao đổi nhóm/lớp. Đây là hình thức tổ chức dạy học trong đó người học có thể cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, ý kiến của mình trong phạm vi của một nhóm hoặc lớp. Đây là phương pháp có tác dụng tích cực giúp người học có thể chủ động, khắc sâu, phát triển cũng như hệ thống hóa [5, 96] những vấn đề có liên quan đến nội dung bài học. Như vậy, bên cạnh phương pháp thuyết trình, người dạy nhất thiết cần phải tạo điều kiện, cơ hội cho người học được nói, được bày tỏ và thể hiện quan điểm, chính kiến của mình.

Cụ thể là, sau khi phân tích, diễn giải về khái niệm, kết cấu của quan hệ sản xuất, lực lượng sản xuất cũng như quy luật sự phù hợp của quan hệ sản xuất với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, giáo viên có thể đặt vấn đề mang tính gợi mở để người học cùng nhau chia sẻ, thảo luận như sau: C. Mác từng nhận định rằng: “Cái cối xay quay bằng tay đưa lại xã hội có lãnh chúa, cái cối xay chạy bằng hơi nước đưa lại xã hội có nhà tư bản công nghiệp” [6, 187]. Vậy theo các bạn, “cái cối xay” quay bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo và vạn vật kết nối sẽ đưa lại một xã hội như thế nào? Như vậy, thông qua hoạt động thảo luận nhóm cùng cách đặt vấn đề mang tính mở, bám sát với nội dung lý luận đã trình bày, người dạy và người học có điều kiện tương tác với nhau nhiều hơn, cũng đồng thời là cơ hội để trao đổi thông tin, ý kiến, làm phong phú, khắc sâu thêm nội dung đã được học thông qua phương pháp thuyết trình.

Ba là, phương pháp dạy học sử dụng tình huống có vấn đề. Trong giảng dạy bất cứ lĩnh vực khoa học nào, mục tiêu quan trọng nhất mà người dạy mong muốn đạt được chính là người học có thể vận dụng tri thức đã lĩnh hội được giải quyết vấn đề đặt ra trong lý luận và thực tiễn. Trong quá trình người học giải quyết các tình huống có vấn đề, một mặt có thể kích thích, khơi gợi thái độ tích cực, năng động của người học; mặt khác, đây là cơ hội giúp họ trang bị kỹ năng giải quyết vấn đề [4, 95-96] trong đời sống chính trị – xã hội. Thực vậy, với sự phát triển của khoa học – kỹ thuật, sự tràn lan thông tin trên không gian mạng, đặc biệt là các trang mạng xã hội, đòi hỏi người học cần có kỹ năng để phán đoán, nhận định, đánh giá và chọn lọc được tri thức hữu ích cho bản thân. Đồng thời, có thể lập luận, phản bác lại các thông tin sai trái, đi ngược lại với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Chẳng hạn, khi giảng dạy về một trong các đặc trưng của xã hội xã hội chủ nghĩa trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) là có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp, sau khi giải thích các khái niệm, cho người học hiểu được bản chất của các vấn đề lực lượng sản xuất, quan hệ sản xuất, chế độ sở hữu… người dạy có thể đặt ra một tình huống như sau: “Trong lúc lang thang lướt Facebook, bạn X nhìn thấy trên dòng tin tức của mình có một bài viết khá dài đề cập đến vụ việc sai phạm đất đai ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Nội dung bài viết được lập luận chặt chẽ, có căn cứ pháp lỹ rõ ràng và nêu quan điểm kết luận rằng: Đất đai ở Việt Nam cần phải tư hữu hóa để tránh những vụ việc như trên, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích chính đáng của người dân. Đọc đến đây, bạn X gật gù đồng tình nhưng vẫn còn chút gì đó băn khoăn. Nếu anh/chị là người quen của bạn X, anh/chị sẽ giải quyết tình huống này như thế nào?”. Như vậy, có thể nhận thấy, thông qua một tình huống có liên quan đến vấn đề thời sự nóng hổi, người học trước khi tìm cách giải quyết tình huống còn cần phải thực hiện hàng loạt các bước như: (i) Phân tích tình huống, nắm bắt vấn đề cần giải quyết; (ii) Tìm kiếm thông tin để hiểu rõ bản chất vụ việc được nêu lên trong tình huống; (iii) Tìm kiếm, nghiên cứu các văn bản của Đảng và Nhà nước có liên quan đến vấn đề này; (iv) Đề xuất các giải pháp để xử lý tình huống.

Trên đây chỉ là ba trong số nhiều phương pháp giảng dạy tích cực, giúp người học có thể chủ động chiếm lĩnh kiến thức, giải quyết các vấn đề nảy sinh trong lý luận cũng như thực tiễn. Đồng thời, khi đổi mới phương pháp dạy học theo những hướng tiếp cận nêu trên, người học có thể đạt được những kỹ năng/ cấp độ theo bảng phân loại tư duy của Bloom (Bloom’s Taxonomy) cũng như thang Bloom chỉnh sửa (Bloom’s Revised Taxonomy) là: Nhớ, Hiểu, Vận dụng, Phân tích, Đánh giá và Sáng tạo [1, 2, 3]. Tuy nhiên, đổi mới phương pháp giảng dạy không phải là một công việc ngắn hạn mà nó đòi hỏi cả một quá trình tìm tòi, nghiên cứu cũng như sự tâm huyết của người giáo viên/ giảng viên.

4. Kết luận

Hơn hai trăm năm và bốn cuộc cách mạng công nghiệp đã khiến cho xã hội loài người có những thay đổi đáng kể trên nhiều phương diện, trong đó có lĩnh vực giáo dục. Đứng trước những thời cơ và thách thức từ cuộc cách mạng 4.0 mang lại, lực lượng lao động Việt Nam nói chung và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước nói riêng trong tương lai cần được giáo dục trở thành những con người có khả năng thích ứng với khoa học và công nghệ mới, có tư duy độc lập, sáng tạo trong giải quyết vấn đề. Điều này một phần bắt nguồn từ quá trình đổi mới phương pháp giảng dạy ngay từ hôm nay./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] A.W. (Tony) Bates, Teaching in a Digital Age (Guidelines for designing teaching and learning), TONY BATES ASSOCIATES LTDVANCOUVER BC, 2015

[2] Anderson, L.W., Krathwohl, D.R., Airasian, P.W., Cruikshank, K.A., Mayer, R.E., Pintrich, P.R., Raths, J., Wittrock, M.C., A Taxonomy for Learning, Teaching, and Assessing: A revision of Bloom’s Taxonomy of Educational Objectives, New York: Pearson, Allyn & Bacon, 2001

[3] Bloom, B.S. (Ed.). Engelhart, M.D., Furst, E.J., Hill, W.H., Krathwohl, D.R., Taxonomy of Educational Objectives, Handbook I: The Cognitive Domain, New York: David McKay Co Inc, 1956

[4] Bùi Thị Mùi, Lý luận dạy học đại học (Tài liệu bồi dưỡng dành cho giảng viên các trường đại học, cao đẳng), Khoa Sư phạm – Đại học Cần Thơ, 2014

[5] Bùi Thị Mùi, Giáo dục học đại cương (Tài liệu bồi dưỡng dành cho giảng viên các trường đại học, cao đẳng), Khoa Sư phạm – Đại học Cần Thơ, 2014

[6] C. Mác và Ph. Ăng-ghen, Toàn tập (tập 4), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995

[7] C. Mác và Ph. Ăng-ghen, Toàn tập (tập 46 – Phần II), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006

[8] Hồ Chí Minh, Diễn văn khai mạc lớp lý luận khóa I trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương, Trích: Tuyển tập (Tập II), Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1980

[9] Klaus Schwab, The Fourth Industrial Revolution, Penguin Books Ltd, London – United Kingdom, 192 pages

[10] Nguyễn Như Ý (Chủ biên), Đại từ điển tiếng Việt, Nxb. Văn hóa thông tin, Hà Nội, 1998

[11] Nguyễn Văn Hộ, Lý luận dạy học, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2002

[12] Trương Ngọc Nam, Quan điểm của C. Mác về sự tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ nhất tới sự biến đổi của xã hội và con người – Ý nghĩa của nó trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Tạp chí Triết học, số 4 (323), tháng 4/2018

[13] V.I. Lênin, Toàn tập (tập 29), Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva, 1961

[14] V.I. Lê-nin, Những “người bạn dân” là thế nào?, Trích: Toàn tập (tập 1), Nxb. Tiến bộ, Mát-xcơ-va, 1978

THÔNG TIN TÁC GIẢ

ThS.NCS. Nguyễn Quang Thành

Trường ĐH Kinh tế – Luật, ĐHQG TP. HCM

Địa chỉ liên hệ: Trường Chính trị Đồng Tháp, Số 411 Phạm Hữu Lầu, Phường 1, TP. Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp
Số điện thoại: 0395.602.191

Email liên hệ: nqthanh.tct.01032017@gmail.com

Nguồn: TCVHVN

Cùng chuyên mục

Liên hoan Thực hành tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt tại Hà Tĩnh

Liên hoan Thực hành tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt tại Hà Tĩnh

NHCSXH huyện Đăk R’Lấp giải ngân cho vay người chấp hành xong án phạt tù

NHCSXH huyện Đăk R’Lấp giải ngân cho vay người chấp hành xong án phạt tù

Nhiều điểm du lịch hấp dẫn du khách khi đến Quảng Bình

Nhiều điểm du lịch hấp dẫn du khách khi đến Quảng Bình

Cư Kuin: Phát huy hiệu quả nguồn vốn ủy thác

Cư Kuin: Phát huy hiệu quả nguồn vốn ủy thác

Quảng Bình: Người dân xã Vạn Ninh hiến đất để mở rộng đường giao thông

Quảng Bình: Người dân xã Vạn Ninh hiến đất để mở rộng đường giao thông

HÀ TĨNH: Ý nghĩa cao đẹp từ một giải thể thao phong trào

HÀ TĨNH: Ý nghĩa cao đẹp từ một giải thể thao phong trào

Quảng Bình: Huyện Minh Hóa khai mạc tuần Lễ hội

Quảng Bình: Huyện Minh Hóa khai mạc tuần Lễ hội

NHCSXH huyện Krông Nô: Tổ chức tập huấn nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng

NHCSXH huyện Krông Nô: Tổ chức tập huấn nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng

Kỉ niệm về Ngày 30-4: NSND LÊ CHỨC VỚI “HÁT RU NƠI ĐỒNG ĐỘI YÊN NGHỈ”

Kỉ niệm về Ngày 30-4: NSND LÊ CHỨC VỚI “HÁT RU NƠI ĐỒNG ĐỘI YÊN NGHỈ”