Đạt điểm tối đa mà vẫn trượt đại học – bình thường hay bất thường?

12:17 | 27/09/2021

Kỳ thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông (TN.THPT) năm học 2020-2021 đã qua. Kỳ tuyển sinh vào CĐ – ĐH năm 2021 sắp hạ màn. Nhưng dư luận xã hội và các phương tiện truyền thông vẫn đang xôn xao và bất an. Đại diện Bộ GD-ĐT đã trả lời, nhiều lãnh đạo các trường ĐH đã thông tin, nhưng dường như tất cả vẫn còn đang ngỡ ngàng, ngơ ngác – nhất là từ khi có một vị GS.TSKH của Đại học Quốc gia Hà Nội khẳng định: “30 điểm trượt ĐH, không có gì là ngạc nhiên”.

Đúng! Không có gì là ngạc nhiên. Bởi từ nhiều năm nay, sau mỗi kỳ tuyển sinh vào CĐ-ĐH thế nào cũng có chuyện: Điểm cao chót vót mà vẫn không đỗ ĐH (chủ yếu là nguyện vọng 1), phải gửi thư cầu cứu, nhờ các phương tiện truyền thông tỏ bày hoặc than thở trên mạng xã hội v.v…

Vì đâu nên nỗi?

Trước hết là vì: Kỳ thi 2 trong 1 – có mục tiêu 3 chung (được gọi là kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia) vì nhiều lý do, ngày càng xa rời mục tiêu ban đầu, trở nên bất cập và khập khễnh. Dường như, khó có thể dung hòa mục tiêu xét tốt nghiệp THPT (có tính phổ cập hóa) với lấy điểm để xét tuyển sinh vào các trường CĐ-ĐH (tuyển chọn người tài, thực học) trong một đề thi tối đa 150 phút. Đề thi vừa phải hoặc dễ một chút cho số đông thí sinh đủ sức “qua cầu” thì khó phân loại thí sinh, khó tìm được nhân tài. Đề thi khó một chút thì kêu như một luận văn tốt nghiệp ĐH – thậm chí có năm kêu là: như Luận án TS! Thật là dở cười, dở khóc. Thế là, độ khó của đề thi cứ giảm dần đều…

Được vài năm, hơi hướng và dấu ấn Kỳ thi THPT Quốc cứ nhạt phai dần. Đến các năm 2020 và 2021, do tình hình dịch bệnh, nó đã trở lại thành Kỳ thi Tốt nghiệp THPT. Lúc này, chủ trương giao quyền tự chủ cho các trường ĐH đã trở thành hiện thực. Cho nên, việc lấy điểm Kỳ thi TN.THPT để xét tuyển vào ĐH chỉ được Bộ GD-ĐT khuyến khích và chỉ còn là 1 trong 3-4 phương thức tuyển sinh khác, mà các trường CĐ-ĐH có quyền tự đặt ra.

Bởi thế, việc tổ chức thi Tốt nghiệp THPT, Bộ GD-ĐT giao chủ yếu cho các địa phương (tỉnh, thành phố) trực tiếp quản lý. Các trường ĐH không còn tham gia nhiều khâu trông coi và chấm thi, không còn tráo bài giữa các địa phương. Đâu lại hoàn đó. Tình trạng nương tay, thương học trò trải qua thời dịch bệnh, bệnh thành tích… là chuyện có thật. Chưa kể tới những vụ tiêu cực khủng khiếp kéo dài ở một số địa phương cho đến ngày vỡ lở. Điều đó khiến điểm thi của thí sinh tăng cao. Có những năm “mưa điểm 10”. Hỏi sao, điểm xét tuyển vào ĐH cao chót vót. Nhưng có thực học, thực chất hay không – đó là chuyện khác!

Một lý do nữa, là chế độ cộng điểm ưu tiên cho thí sinh nói chung và thí sinh ở một số nhóm Trường ĐH và Học viện. Dư luận từng đặt câu hỏi: Tuyển sinh vào ĐH bằng điểm thật hay điểm ưu tiên. Ưu tiên là cần thiết để thực hiện chính sách xã hội, thể hiện sự ưu việt của chế độ đối với việc phát triển văn hóa – giáo dục ở những vùng miền còn có nhiều khó khăn… Nhưng cộng điểm ưu tiên đến đâu, để khỏi mất cơ hội cho bao nhiêu thí sinh thực học – thực tài phải nuốt nước mắt nhìn cổng trưởng ĐH, kêu trời! Chỉ vì những thí sinh kia bằng mình, thậm chí kém mình mà lại nghiễm nhiên “đăng khoa”. Lấy ví dụ, trường Phổ thông dân tộc nội trú Nghệ An 2, có 5 lớp 12 = 149 thí sinh. Trong đó 90% đỗ nguyện vọng 1, có lớp đỗ ĐH 100%. Sau cộng điểm ưu tiên có 36 em đỗ từ 30 điểm trở lên, 18 em đỗ ĐHBK Hà Nội, 5 em đỗ ĐH Y Hà Nội, 5 em đỗ Học viện An Ninh Nhân dân, 3 em đỗ Học viện Cảnh sát Nhân dân, 8 em đỗ Khoa Hàn quốc học thuộc ĐHKH-XHNV (trường có điểm “lọt cửa”: 30 điểm). Một bảng vàng thành tích mà trường THPT chuyên nhiều tỉnh, thành còn mơ. Trong số đó có 95% các em được cộng điểm ưu tiên 2,75 (Tuổi trẻ Online – 20/9/2021).

Kỳ thi và Tuyển sinh năm 2021, ngoài 4 lý do nêu trên, còn thấy có những lý do phát sinh khiến cho điểm tuyển đầu vào ĐH tăng bất thường. Trước hết, đó là chuyện “thật như đùa”: thí sinh khóa này có hơn 1 triệu, tăng 11% so với năm học trước. Đó là lứa tuổi Quý Mùi (Dê vàng – 2003). Các em chào đời gánh biết bao kỳ vọng của các bậc cha mẹ, khiến cho lớp tuổi này đông đúc đến lao đao từ khi cạnh tranh vào mầm non, xô cửa xông vào khi học Tiểu học, khốn khổ khi lọt qua cánh cổng Trường THCS và cũng khổ sở không kém gì khi chen chân vào THPT và bây giờ là Đại học! Có 795.000 thí sinh đăng ký xét tuyển và ĐH, tăng 24% so với năm 2020.

Đồng thời, theo Bộ GD-ĐT giải thích, tổ hợp xét tuyển có môn tiếng Anh năm nay điểm tăng cao đáng kể. Không biết chất lượng dạy học môn này đã tốt hơn, từ chỗ tụt hậu đáng lo ngại bỗng chuyển biến mau lẹ, tích cực hay đề thi dễ hơn. Nhưng đây là lý do góp phần làm cho việc xét tuyển có những đột xuất, bất ngờ.

Lại nữa, trong điều kiện dịch bệnh nặng nề, nhiều thí sinh không đi du học nước ngoài nữa. Các em ở lại học trong nước. Số này, theo Bộ GD-ĐT cũng chiếm một tỷ lệ kha khá, khiến cho điểm chuẩn và ĐH tăng lên. Trong khi đó, tỷ lệ tuyển sinh vào CĐ-ĐH năm 2021 không tăng hoặc tăng không đáng kể. Xu hướng chọn ngành nghề năm nay cũng có thay đổi theo hướng thiết thực hơn: hot nhất là khoa học – kỹ thuật, đào tạo giáo viên, công an – quân đội. Nó kéo theo một số nhóm ngành nghề và nhóm trường tăng vọt về điểm chuẩn.

Cuối cùng, phương thức tuyển sinh cởi mở, đa dạng theo quyền tự chủ của các trường ĐH năm nay tăng cường nhiều hơn. Nó khiến cho việc lấy điểm thi TN để xét tuyển sinh vào ĐH chỉ là một trong những phương thức được vận dụng, với một tỷ lệ eo hẹp. Mà điển hình là trường Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa), ngành Sư phạm Văn chất lượng cao chỉ còn 15 chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển này. Cho nên có thí sinh “dù thi đạt điểm 10 tuyệt đối ở cả 3 môn xét tuyển (tổng điểm 30) vẫn không trúng tuyển” (Tuổi trẻ 17/9/2021). Cũng như thế, ngành Hàn quốc học (Trường Đại học KHXH – NV, Đại học Quốc gia Hà Nội) có điểm chuẩn là 30 điểm. Thí sinh nếu không có điểm ưu tiên phải đủ 3 điểm 10 ở 3 môn thì mới đủ điều kiện trúng tuyển.

Theo dữ liệu của Bộ GD-ĐT, cả nước có 61 thí sinh thi đạt 29,5 điểm trở lên nhưng không đỗ nguyện vọng nào trong mùa tuyển sinh năm nay. Giải thích theo lối “quan phương” thì đó là điều bình thường. Nhưng nhìn tổng quát những gì vừa lý giải ở trên vẫn thấy đó là bất thường. Hết năm này sang năm khác, cứ bất thường một cách xót xa, nhức nhối đến thế sao? “Điểm chuẩn có chuẩn”, có đủ sức vực dậy niềm tin về những kỳ tuyển sinh ồn ào, nhốn nháo, thất thần và lao đao khốn khổ cho thí sinh, phụ huynh và cho toàn xã hội?

Có cách nào để tuyển Đại học thực chuẩn hay không?

Trước hết, đồng ý với chủ trương tăng cường quyền tự chủ cho các Trường Đại học. Trong đó có quyền tự chủ tuyển sinh để có cách chọn được người tài và đủ chỉ tiêu đầu vào. Nhưng cần phải công khai hóa, minh bạch hóa cho toàn xã hội biết những nội dung, tiêu chí, quy trình, cách thức và tỷ lệ phần trăm của từng phương thức, cho từng mùa tuyển sinh. Ví dụ: xét học bạ thì cần phải biết thực hư của những cuốn học bạ “đẹp” có thực chất hay không? Chọn những học sinh có giải trong các kỳ thi học sinh giỏi các bộ môn văn hóa hoặc sáng tạo khoa học kỹ thuật đang có nhiều ồn ào, ngờ vực như hiện nay, thì liệu có đáng tin (xin nói thêm, đã từng có năm chính Bộ GD-ĐT cũng thấy việc tuyển thẳng những thí sinh đoạt từ giải Ba trở lên vào ĐH là vô lối, đã bãi bỏ nhưng sau thấy như thế sẽ làm chết yểu chủ trương: mỗi địa phương phải có 1 trường THPT Chuyên và sức sống của cuộc thi sáng tạo KH-KT, nên “mèo lại hoàn mèo”). Cũng như thế, cái gọi là cuộc thi Đánh giá năng lực của mấy Đại học Quốc gia, cũng tầm  phơ tầm phào, năm có năm không, lần làm, lần mất, nội dung và cách thức cũng còn lắm chuyện phải bàn… Ngay cả với một số trường và Học viện cần phải thi năng khiếu, thì cũng đã có rất nhiều lời ta thán về tính minh bạch, thực chất, công khai.

Có những trường ĐH thực sự cần tới người thực tài thì nên chăng, bỏ cộng điểm ưu tiên. Trong tuyển sinh 0,5 điểm là đậu hay rớt huống hồ vài ba điểm “trời cho”. Những ngành học mũi nhọn của quốc gia hay những ngành học “hot” hãy để cho thí sinh “tay bo” chọi nhau về điểm, ai cao điểm thì lấy, không cộng điểm ưu tiên khi tuyển sinh. Ngay cả với những trường mang tính đặc thù như công an – quận đội cũng đến lúc phải xem lại các loại điểm ưu tiên. Phải đâu cứ con trong ngành thì được cộng điểm, phải đâu cứ là chiến sĩ nghĩa vụ đi thi, thì có điểm “lộc trời”… Bản thân các trường, các học viện ấy cũng vì thế mà không có cơ hội chọn được nhiều thí sinh có điểm cao thật sự. Và, vô hình trung nhiều thí sinh con nhà thường dân điểm thi thật, tuy rất cao, nhưng không được cộng điểm ưu tiên, cũng ngậm ngùi “bái vọng” cổng trường mà thôi…

Đã có mấy đời Bộ trưởng GD – ĐT thực hiện cải cách thi cử. Nhưng hình như càng cải càng rối. Có những kỳ thi, tiêu cực làm cho cả xã hội choáng váng. Những kẻ gian manh còn vung tay còng, nhoẻn nụ cười tuyên bố trước khi “nhập kho”, rằng: xã hội toàn thằng gù, mình mà thẳng lưng thành kỳ dị. Chua chát và mỉa mai thay.

Cho nên, đã cải cách thi cử rồi, vẫn phải cải cách thi cử tiếp. Có điều phải làm rốt ráo, căn cơ, phải thật sự dám đổi mới, bài bản và quyết liệt.

Trước hết, cần bỏ ngay, không vấn vương thương xót kỳ thi Tốt nghiệp THPT (nếu có vướng Luật, thì Luật do con người làm ra. Luật cho phép sửa đổi… Luật cơ mà!). Một kỳ thi mà hằng năm có 98% – 99% thí sinh đậu tốt nghiệp, thì thi làm gì? Bảo rằng, thi để đánh giá, rút kinh nghiệm về chương trình, SGK, cách thức và chất lượng dạy – học? Thì, một năm học – một niên khóa đã có các kỳ thi học sinh giỏi, thi học kỳ với đề của trường và Sở, các cuộc hội thảo, hội giảng, bồi dưỡng chuyên đề, thi giáo viên giỏi… sao không tận dụng những cơ hội ấy để đánh giá, đúc rút?.

Vả lại học THPT đang tiến tới phổ cập. Đã bỏ kỳ thi tốt nghiệp tiểu học, tốt nghiệp THCS, thì bỏ thi tốt nghiệp THPT cũng là đúng lộ trình. Các trường ĐH có quyền lựa chọn phương thức tuyển sinh, thậm chí không dùng đến kết quả thi tốt nghiệp THPT, thì việc tổ chức thi như hiện nay chẳng còn mấy ý nghĩa, chỉ như “vẽ rết thêm chân”, tốn kém, nặng nề. Nên có một kỳ kiểm tra cuối khóa hoặc kết hợp với kỳ thi hết học kỳ II năm lớp 12 do địa phương tổ chức chặt chẽ, có giám sát của Bộ, rồi cấp cho các thí sinh một chứng chỉ hoàn thành chương trình. Thế là đủ! (Hiện nay các trường ĐH còn sử dụng kết quả thi tốt nghiệp để xét tuyển sinh là vì họ sẽ bớt tốn kém, nhàn nhã và yên tâm khi Bộ GD – ĐT còn khuyến khích phương thức xét tuyển này).

Mục tiêu 3 chung của kỳ thi 2 trong 1 đến nay, có thể nói dường như phá sản. Nếu bỏ được kỳ thi tốt nghiệp THPT, thì kỳ thi tuyển sinh vào đại học vẫn cần được duy trì và trở nên cấp thiết. Nhưng nó phải được thực sự cải tiến, đổi mới từ nội dung đề thi, cách thức tổ chức thi, thời gian làm bài, thời gian thi tuyển sao cho rải ra chứ không nên dồn lại vào một thời điểm. Đặc biệt là khâu chấm thi.

Đã đến lúc không còn chần chừ gì nữa: phải sớm thành lập các Trung tâm khảo thí độc lập theo vùng miền hoặc theo các nhóm ngành/trường ĐH gần nhau về yêu cầu về phương thức xét tuyển. Tới lúc đó việc xét tuyển ĐH căn cứ vào kết qủa học bạ, kiểm tra năng lực… không nên xem là chủ đạo nữa. Những phương thức này vẫn có nhiều bất cập, sơ hở, hạn chế. Có những cuốn học bạ điểm rất cao và “đẹp”, nhưng có muôn vàn lý do các thầy cô trường THPT nhẹ tay khi đánh giá…

Mong ước chung của xã hội là sau mỗi mùa tuyển sinh ĐH là không có, hoặc có ít những “lời ong tiếng ve”, những tiếng “hờn giận oán sầu”. Không thể để mãi cảnh: điểm thi ngất ngưởng, chót vót mà vẫn “bất thường, bất ổn, bất an”. Tất cả những điểm cao đầu vào trong các kỳ tuyển sinh ĐH đều phải là những điểm của học sinh giỏi thực tài! Tại sao lại để, những học sinh mỗi môn thi đều 9 – 9.5, thậm chí 10 mà vẫn trượt ĐH. Người ta lại xem đó là chuyện bình thường? Giải được bài toán đầy oan ức này, cần phải có tiếng nói đồng tâm của các chuyên gia, các nhà giáo dục, các thành viên trong xã hội và nhất là cần có sự chuyển động đúng hướng của Bộ GĐ – ĐT nước nhà.

         Đ.T.H

DĐ: 0903221258

ĐC: Phòng 303, nhà K3,

khu tập thể Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

Đường Nguyễn Phong Sắc, phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội

 Đinh Thiên Hương

Cùng chuyên mục

Quảng Bình: Cần sớm trùng tu, tôn tạo Tượng đài nữ pháo binh Ngư Thuỷ

Quảng Bình: Cần sớm trùng tu, tôn tạo Tượng đài nữ pháo binh Ngư Thuỷ

Hoa Kỳ phối hợp cùng Việt Nam tổ chức Hội thảo khu vực về chống IUU

Hoa Kỳ phối hợp cùng Việt Nam tổ chức Hội thảo khu vực về chống IUU

Cư Kuin: Phát huy hiệu quả nguồn vốn ủy thác

Cư Kuin: Phát huy hiệu quả nguồn vốn ủy thác

Quảng Bình: Người dân xã Vạn Ninh hiến đất để mở rộng đường giao thông

Quảng Bình: Người dân xã Vạn Ninh hiến đất để mở rộng đường giao thông

Quảng Bình: Huyện Minh Hóa khai mạc tuần Lễ hội

Quảng Bình: Huyện Minh Hóa khai mạc tuần Lễ hội

NHCSXH huyện Krông Nô: Tổ chức tập huấn nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng

NHCSXH huyện Krông Nô: Tổ chức tập huấn nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng

Tuyên truyền phòng, chống ma túy và các tệ nạn xã hội cho các em học sinh

Tuyên truyền phòng, chống ma túy và các tệ nạn xã hội cho các em học sinh

Từ “Giám đốc mê ca hát” đến sự nghiệp giảng dạy

Từ “Giám đốc mê ca hát” đến sự nghiệp giảng dạy

Chỉ thị số 40-CT/TW và sức mạnh từ sự đồng lòng ở Ea H’Leo

Chỉ thị số 40-CT/TW và sức mạnh từ sự đồng lòng ở Ea H’Leo