Gần 600 người lính thuộc Sư đoàn 356 đã anh dũng hi sinh trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc tại mặt trận Thanh Thủy, Vị Xuyên, Hà Giang vào ngày 12/07/1984.
Rạng sáng ngày 17/2/1979, Trung Quốc ồ ạt xua quân xâm lược tuyến biên giới phía Bắc nước ta mở màn cho cuộc chiến 30 ngày trên địa bàn các tỉnh: Cao Bằng, Lạng Sơn, Hoàng Liên Sơn (nay là tỉnh Lào Cai và Yên Bái), Lai Châu, Hà Tuyên (nay là tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang), Quảng Ninh và những xung đột kéo dài suốt 10 năm sau đó.
Như vậy, sau ngày 17/02/1979, cả 7 tỉnh biên giới phía Bắc đều có chiến tranh, nhưng thời điểm ác liệt nhất là giai đoạn 1984-1989 trên mặt trận Vị Xuyên. Nhiều sư đoàn và các đơn vị chủ lực của Quân khu, Bộ Quốc phòng và các đơn vị bộ đội, nhân dân tỉnh Hà Tuyên (Hà Giang và Tuyên Quang) đã trực tiếp tham gia chiến đấu.
Thiếu tướng Sùng Thìn Cò, nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 2 cho biết: Có những trận đánh, chúng ta hy sinh cũng khá nhiều, như trận đánh ngày 12/07/1984 với mật danh MB84. Riêng Sư đoàn 356 đã có tới gần 600 chiến sỹ hy sinh chỉ trong một ngày. Ngày 12/07 vì thế được coi là ngày “Giỗ trận” Vị Xuyên.
Mặt trận Vị Xuyên từ năm 1979 – 1989 đã có 16 Sư đoàn, 4 Lữ đoàn và nhiều Trung đoàn của Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia chiến đấu.
Suốt một dải từ Điểm cao 1509, qua Bình độ 1200 + 1000 đến các Điểm cao 772, 685, ngã ba Thanh Thủy (Hà Giang)… đã diễn ra hàng nghìn trận đánh ác liệt với những cái tên nghe qua đã dựng tóc gáy như: Thung lũng Gọi Hồn, lò vôi Thế Kỷ, đồi Thịt Băm, thác Âm Phủ,… để nói về những ngọn núi, thung lũng bao quanh Thanh Thủy.
Biết bao chiến sỹ đã anh dũng hy sinh để giữ vững từng tấc đất biên cương của Tổ quốc, hài cốt của nhiều chiến sỹ vẫn còn nằm lại dưới thung lũng sâu, trong khe đá chưa quy tập được. “Sống bám đá, chết hóa đá, thành bất tử” đã trở thành phương châm sống và chiến đấu của người lính Vị Xuyên năm xưa.
Năm 2016, vào ngày “Giỗ trận” của Sư đoàn 356, trước đài hương đồng đội, nhạc sỹ Trương Quý Hải đã xúc động cất lên những giai điệu “Về đây đồng đội ơi” tưởng nhớ những người lính đã ngã xuống, mãi mãi ở tuổi đôi mươi. Đến nay, sáng tác này của nhạc sỹ Trương Quý Hải, cũng là một cựu chiến binh thuộc Sư đoàn 356 năm nào, đã trở thành một bài ca bất hủ để tưởng nhớ những liệt sỹ anh dũng hy sinh trên mặt trận biên giới phía Bắc giai đoạn 1979-1989. Lời ca và giai điệu bài hát mỗi khi cất lên như chạm vào cảm xúc nghẹn ngào của tất cả mọi người dân đất Việt.
Như lời nhạc sĩ từng kể lại, là người trực tiếp tẩm liệm cho cả trăm liệt sĩ trong những ngày tháng khốc liệt đó, cho đến hôm nay, hình ảnh những người lính trẻ măng với những nụ cười hồn nhiên, hàng ngày vẫn vui đùa với trẻ nhỏ, bỗng chốc ngã xuống trước làn đạn địch vẫn không thể nào phai trong tâm trí anh.
Nhạc sĩ viết bài hát “Về đây đồng đội ơi” chỉ trong một ngày ngập tràn cảm xúc cùng anh em đồng đội tính chuyện lập cây hương ở cao điểm 468 tưởng nhớ những người bạn đã hy sinh. Bài hát như tiếng gọi thiết tha tới những người bạn chung chiến hào đã mãi ra đi trong cuộc chiến đấu bảo vệ từng tấc đất biên cương của Tổ quốc.
Giờ đây, Đài hương tại cao điểm 468, xã Thanh Thủy, một địa chỉ văn hóa, du lịch tâm linh không chỉ của tỉnh Hà Giang mà còn của cả nước, là nơi để các đồng đội và nhân dân cả nước đến thắp hương tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống tại mặt trận Vị Xuyên, Hà Giang.
Các liệt sỹ hy sinh trên mặt trận Vị Xuyên thuộc 32 tỉnh, thành từ Bình Trị Thiên (nay là các tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế) trở ra. Nhắc đến Vị Xuyên, không thể không nhắc đến nghĩa trang liệt sỹ Vị Xuyên, nơi yên nghỉ của gần 1.800 người trong tổng số hơn 4.000 người đã ngã xuống để bảo vệ từng tấc đất biên cương. Trong số đó, có tới hơn 200 ngôi mộ liệt sỹ “chưa biết tên”, và cả ngôi mộ tập thể của các liệt sỹ hy sinh tại hang Sập mới được quy tập về đây.
Trong một chuyến công tác lên Nhà tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ mặt trận Vị Xuyên, PV Infonet đã được bà Lê Thị Thế (Phú Thọ), mẹ của liệt sỹ Trần Trung Thực, kể lại: “Khi lên đến mặt trận Hà Tuyên, con trai tôi có gửi thư về dặn mẹ đừng gửi thư nữa, con không có hòm thư đâu, trong thư nó bảo: “Mẹ yêu quý của con, con tạm biệt mẹ. Các em con còn bé nhỏ quá không làm gì được đỡ đần cho mẹ. Các em đừng khóc, đừng quấy mẹ nữa, anh về sẽ mua kẹo cho các em”. Nó viết thư về, các em nó cứ khóc nức nở.
Liệt sỹ Trần Trung Thực nhập ngũ năm 1980 sau khi vừa học xong cấp 3, thuộc Trung đoàn 149, Sư đoàn 356 và hy sinh năm 1985. Đến nay gia đình vẫn chưa tìm được hài cốt liệt sỹ Thực.
Chiến tranh bảo vệ biên giới đã lùi xa, nhưng ký ức về nó vẫn không hề phai nhạt trong tâm trí người Việt cũng như những chiến sỹ đã dành trọn tuổi thanh xuân để giữ gìn từng tấc đất của Tổ quốc. Ông Hoàng Thế Cương (Hà Giang), nguyên Phó trưởng ban Tác chiến, Sư đoàn 356 kể:
“Cho đến bây giờ tôi vẫn nhớ về những người đồng đội đã anh dũng hy sinh. Anh hùng liệt sỹ Nguyễn Viết Ninh là người đã có lời thề khắc trên báng súng: “Sống bám đá, chết hóa đá thành bất tử”. Anh là Trung đội trưởng chỉ huy đơn vị rất anh dũng, dù bị thương nhiều lần nhưng vẫn bám trụ đến cùng và chỉ huy các chiến sỹ nhiều lần ngăn chặn cuộc tiến công của quân địch. Sau đó anh được anh em đồng đội đưa về hang Suối Cụt và hy sinh đúng vào đêm 29 Tết Nguyên đán năm 1985, sau trận đánh trên cao điểm 685.
Nhiều đồng đội xung phong nhập ngũ khi tuổi đời còn rất trẻ, đa số ở độ tuổi 17-19. Trong ba lô của những đồng chí ấy, những kỷ vật để lại chủ yếu là những kỷ niệm về người mẹ, về gia đình và trường lớp, chứ không hề có những tấm hình của người bạn gái nơi hậu phương.”
Nhắc đến những ngày ác liệt đó, bà Trần Thị Thủy (Hải Phòng), Y tá Tiểu đoàn Quân y, Sư đoàn 314, vẫn không giấu nổi niềm tự hào xen lẫn xúc động: “Ước mơ của tôi cũng trở thành hiện thực khi tôi được nhập ngũ năm 1980 và được cử đi học ngành quân y, lúc đó đã 22 tuổi nhưng tôi chỉ có 34 kg. Sau đó, tôi được phục vụ mặt trận Vị Xuyên với nhiệm vụ chăm sóc, cứu chữa cho anh em thương, bệnh binh.
Tôi vẫn nhớ những kỷ niệm đi xin gạo về nấu cháo cho anh em thương binh, những người tuy tuổi đời còn rất trẻ nhưng râu tóc họ để rất dài do không có điều kiện cắt, và cũng không có nước để tắm gội. Kỷ niệm không thể quên được là khi anh em thương binh được chuyển xuống, chúng tôi coi nhau như những người thân thiết, coi nhau như tất cả cùng chung một quê, nên chỉ gọi nhau với một cái tên “Quê”, cứ thế gọi “Quê ơi ăn đi”, “Quê ơi cố gắng giành lại sự sống nhé”.
Có những người đã ra đi và nằm rải rác ở khắp các cánh rừng, ở những rìa hang, khe đá mà chưa từng một lần được đồng đội thắp hương. Bây giờ có được nhà tưởng niệm để anh em về sinh hoạt là tôi cảm thấy phần nào bớt nguôi ngoai đi sự xót xa, tôi cũng cảm nhận được rằng đồng đội của mình đỡ tủi hờn”.
Là chiến sỹ từng cầm súng chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc giai đoạn 1979-1989, Thiếu tướng Sùng Thìn Cò, Phó Tư lệnh Quân khu 2, cho biết, tại các điểm cao thuộc xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang, nơi xảy ra những trận chiến ác liệt tại mặt trận Vị Xuyên năm xưa, do điều kiện chiến tranh, bom mìn, hiện nay chưa thể quy tập hết liệt sỹ về các địa phương.
“Còn khoảng 2.500 liệt sỹ đang nằm tại đây, hàng ngày chúng ta đứng dưới nhìn lên đỉnh núi, biết rằng các đồng chí đang nằm đó nhưng chưa thể đưa về. Đã hơn 30 năm qua, thân nhân gia đình các liệt sỹ có người còn, người mất, các cụ chỉ mong ước trước khi nhắm mắt còn được thấy con mình trở về nhà”,Thiếu tướng Sùng Thìn Cò nói.
Theo Infonet