‘Cô gái vót chông’ trong câu chuyện một nhà thơ Ê Đê

19:36 | 10/12/2021

‘Cô gái vót chông’ vừa được hoa hậu Đỗ Thị Hà diễn tấu đàn T’rưng tại cuộc thi Hoa hậu Thế giới 2021, không chỉ thú vị ở giai điệu của nhạc sĩ Hoàng Hiệp. ‘Cô gái vót chông’ gắn liền với câu chuyện thăng trầm của một nhà thơ dân tộc Ê Đê – Mô Lô Y Choi.


Ảnh minh họa.

“Cô gái vót chông” là một trong những ca khúc nổi tiếng bậc nhất của nhạc sĩ Hoàng Hiệp (1931-2013). “Cô gái vót chông” nằm trong chùm 6 tác phẩm mà nhạc sĩ Hoàng Hiệp được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2000.

“Cô gái vót chông” cùng những ca khúc quen thuộc khác như “Câu hò bên bờ Hiền Lương”, “Trường Sơn Đông – Trường Sơn Tây”, “Viếng lăng Bác”, “Ngọn đèn đứng gác”, “Mùa chim én bay”… đã chứng minh nhạc sĩ Hoàng Hiệp là một bậc thầy phổ thơ trong nền âm nhạc Việt Nam.

Tính đến lúc hoa hậu Đỗ Thị Hà diễn tấu tại cuộc thi Hoa hậu Thế giới 2021, thì ca khúc “Cô gái vót chông” đã ra đời được 56 năm. Công chúng chủ yếu biết đến ca khúc “Cô gái vót chông” với tác giả là nhạc sĩ Hoàng Hiệp, nhưng ít người biết đồng tác giả là nhà thơ Mô Lô Y Choi.

Nhạc sĩ Hoàng Hiệp lúc sinh thời không có dịp gặp mặt nhà thơ Mô Lô Y Choi. Nhắc đến ca khúc “Cô gái vót chông”, nhạc sĩ Hoàng Hiệp từng tâm sự: “Vào năm 1965, tình cờ đọc báo Văn Nghệ, tôi thấy bài thơ “Cô gái vót chông” của Mô Lô Y Choi. Bài thơ đã tạo cho tôi nhiều cảm hứng. Sẵn vốn chất liệu Tây Nguyên ấp ủ từ trước, tôi phổ nhạc bài thơ khá nhanh. “Cô gái vót chông” lập tức được tốp nữ của Nhà hát Ca múa nhạc Trung ương dàn dựng. Tác phẩm này về sau được biểu diễn ở một số nước châu Âu, được ghi đĩa ở Pháp… Vài năm sau, ca khúc được ca sĩ Tường Vi trình bày đầy sáng tạo, nâng lên một tầm cao mới, sống mãi trong lòng người thưởng thức cho đến bây giờ”.

Nghĩa là, nếu không có sự xuất hiện của nhà thơ Mô Lô Y Choi thì không thể có ca khúc “Cô gái vót chông” của nhạc sĩ Hoàng Hiệp, và không thể có màn diễn tấu đàn T’rưng của hoa hậu Đỗ Thị Hà hôm nay? Vậy, nhà thơ Mô Lô Y Choi là ai và viết bài thơ “Cô gái vót chông” trong hoàn cảnh nào?

Nhà thơ Mô Lô Y Choi là người dân tộc Ê Đê, sinh năm 1930 tại Buôn Thinh, xã Ea Trol, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên. Người dân địa phương vẫn thường gọi nhà thơ Mô Lô Y Choi là Ma Luê (cha của thằng Luê).

Năm 1954, Mô Lô Y Choi rời quê nhà tập kết ra Bắc và học Trường Sư phạm miền núi Trung ương, sau đó tiếp tục được đào tạo khóa học lý luận phê bình văn nghệ do Bộ Văn hóa tổ chức. Năm 1962, Mô Lô Y Choi về công tác ở tạp chí Văn Nghệ Việt Bắc.

Mùa hè năm 1965, nghe qua Đài Tiếng nói Việt Nam phản ánh không khí đồng bào Ê Đê ở Tây Nguyên hăng hái vót chông để đánh giặc, Mô Lô Y Choi nhớ người vợ Ksor H’Đô nơi rừng núi Sông Hinh cũng đang ngày đêm dự phần vào cuộc kháng chiến ấy. Mô Lô Y Choi chong đèn ngồi viết bài thơ “Cô gái vót chông”.

“Tiếng ai hát dưới ánh trăng tròn
Cô gái sông Ba búi tóc thon
Tay vót chông, miệng hát không nghỉ
Như bao cô gái ở trên non

Ai nhanh nhanh tay vót bằng tay em
Chim hót không hay bằng em hát ru em
Mỗi mũi chông em vót cắm sâu xuống đất
Lũ giặc Mỹ lao vào chết queo
Còn giặc Mỹ cọp beo
Lũ làng chưa yên bụng phát nương hát hò
Em chưa ngừng tay vót chông rào buôn rẫy
Bọn giặc Mỹ chạy rồi, tre rừng ta làm nhà, chòi cao

Chân ta đi chưa nghỉ, trời chưa xanh
Buôn làng ta nhà chwua dài thêm tranh
Em vót nhiều chông làm cạm bãy
Đuổi kơ- soc Mỹ xuống biển xanh
Đất nước ta mới liền nhau
Em chặt tre làm đinh hót, đinh năm
Quanh lửa hồng em vui nhảy múa
Đón Ama Hồ vô Nam cùng uống rượu cần”.

Vì sao “cô gái vót chông” được trìu mến thành “cô gái sông Ba”? Vì buôn làng của Mô Lô Y Choi thuộc địa phận tỉnh Phú Yên giáp ranh với tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Gia Lai, có con sông Ba chảy xuôi về biển Đông.

Bài thơ “Cô gái vót chông” sau khi đăng trên tạp chí Văn Nghệ Việt Bắc, đã được chọn đăng lại trên báo Văn Nghệ cuối năm 1965. Và bài thơ “Cô gái vót chông” được giai điệu của nhạc sĩ Hoàng Hiệp chắp cánh bay cao, bay xa.

Năm 1966, nhà thơ Mô Lô Y Choi quay lại chiến trường Tây Nguyên, công tác ở Ban tuyên huấn tỉnh ủy Đắk Lắk. Sau năm 1975, nhà thơ Mô Lô Y Choi về quê nhà sum họp với “cô gái sông Ba” Ksor H’Đô và tiếp tục làm công tác tuyên huấn cho đến khi nghỉ hưu.

Nhà thơ Mô Lô Y Choi chưa từng in tập thơ riêng. Gia tài thi ca của nhà thơ Mô Lô Y Choi chỉ có khoảng 50 bài thơ, ngoài “Cô gái vót chông” nổi tiếng thì có những bài thơ mà ông tâm đắc như “Hát nữa đi em”, “Có Đảng hôm nay”, “Ơn Bác mùa xuân”, “Buôn Thinh vào hội”, “Tiếng hát Sông Hinh”…

 

Tuy Hòa

 

Video hay


Cùng chuyên mục

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024):  GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024): GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Lê Duẩn với văn hóa và con người Việt Nam

Lê Duẩn với văn hóa và con người Việt Nam

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự ‘Ngày hội Văn hóa vì hòa bình’ của Hà Nội

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự ‘Ngày hội Văn hóa vì hòa bình’ của Hà Nội

Hành trình đến với bà con vùng bão lụt Yên Bái

Hành trình đến với bà con vùng bão lụt Yên Bái

TÌNH NGƯỜI TRẢI QUA NHỮNG NỖI ĐAU TỪ BÃO LŨ

TÌNH NGƯỜI TRẢI QUA NHỮNG NỖI ĐAU TỪ BÃO LŨ