Trong lần gần nhất gom rác ở bãi biển Vĩnh Lương, Harrie đã được một trăm người giúp đỡ. Nhưng nhiều người Việt e ngại rằng liệu thành quả của dự án Scuba có giữ được lâu dài?
Những người Tây (nếu thuật ngữ này đủ ổn để gọi cả người Hàn Quốc, Nhật Bản) nhặt rác ở Việt Nam đã không phải là tin tức gì mới mẻ. Tít báo “ông Tây nhặt rác” đã xuất hiện từ cách đây gần chục năm. Mới cách đây vài ngày, một lời kêu gọi của chàng Tây nhặt rác trên trang mạng xã hội có vẻ không nhận được nhiều sự quan tâm từ cộng đồng mạng.
Lượn một vòng các trang mạng xã hội, bạn sẽ dễ dàng nhận ra, những chia sẻ của hoa hậu, nghệ sĩ hay người nổi tiếng khác có lượt tương tác (yêu thích và chia sẻ) từ hàng nghìn tới hàng chục nghìn chỉ sau một ngày. “Mọi sự so sánh đều là khập khiễng”, nhưng nhìn vào con số hơn một trăm lượt yêu thích trên hơn bảy nghìn lượt xem mà lời kêu gọi tình nguyện của dự án Scuba có được, thật sự sẽ khiến người ta muốn so sánh một chút. Và có thể, dù chỉ là một khả năng nho nhỏ thôi, chúng ta sẽ tự rút ra cho mình một kết luận gì đó.
Những người bạn nước ngoài yêu thích di chuyển đã ghé thăm Việt Nam, rồi sau đó quyết định mở ra một dự án nâng cao nhận thức và bảo tồn môi trường biển. Harrie Kerley là người sáng lập ra dự án Scuba. Anh cùng những người bạn của mình đã quyết định bỏ ra rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc để đi nhặt rác, làm sạch các bờ biển ở Việt Nam.
Với những gì họ đã làm được, là người dân Việt Nam, chúng ta không thể không khỏi cảm thán và biết ơn. Nhưng biết ơn là chưa đủ, mục đích của họ là truyền đi cảm hứng, thì người nhận được niềm cảm hứng này cũng nên bắt đầu hành động như một lời hồi đáp chân thành.
Ý thức kém tới từ đâu?
Nói về những vấn đề môi trường, chúng ta thường hay tự nhận rằng người Việt sở dĩ đối đãi chưa tốt với thiên nhiên là do ý thức kém. Nhưng cái ý thức kém đó, rốt cuộc cũng phải từ một nguyên nhân nào đó cụ thể hơn.
Đất nước sau nhiều năm chìm trong đói khổ, mục tiêu thoát nghèo dường như đã trở thành điều duy nhất chúng ta hướng tới. Những mục tiêu chính phủ đề ra được tổng kết hàng năm trong chương trình Tết cũng là những con số về tăng trưởng kinh tế như GDP, cán cân thương mại, lạm phát, FDI, kiều hối…
GDP có thời đã từng được Bộ Công thương Hoa Kỳ tuyên bố là một trong những phát minh vĩ đại nhất thế kỷ 20. Cho đến nay, đó vẫn là chỉ số quan trọng nhất dùng để đánh giá năng lực làm kinh tế của một quốc gia. Và Việt Nam luôn là một trong những quốc gia có tỷ lệ tăng trưởng GDP cao trong khu vực.
GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2018 tăng gấp 1,3 lần so với năm 2015. Thế nhưng bạn có thấy chất lượng cuộc sống của mình tăng tương ứng? Có thể trong 3 năm đó, nhiều người đã mua được nhà mới, xe mới, du lịch nước ngoài dăm ba chuyến. Nhưng cuối cùng chênh lệch giàu nghèo ngày càng cao, và ai cũng đều phải gánh chịu hậu quả từ những bất công của xã hội, hủ bại của quan trường, truỵ lạc của đạo đức. Và dù bạn cho rằng mình không thuộc thành phần chịu nhiều ảnh hưởng bởi chất lượng cuộc sống giảm sút, thì bạn sẽ vẫn phải hít bụi mịn len lỏi tới từng căn phòng sang trọng với đầy đủ tiện nghi của mình.
Trong cuốn sách “Bức xúc không làm ta vô can” của tiến sĩ Đặng Hoàng Giang, ông có viết rằng: “… Nếu tính đến những hủy hoại môi trường ở Trung Quốc thì hàng năm phải đánh tụt GDP của nước này tới 3%”. Ông cũng trích dẫn lời của Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Robert Kennedy:
“GDP không bao gồm vẻ đẹp của thơ ca, sự bền vững của hôn nhân, mức sắc sảo của các cuộc tranh biện, mức liêm chính của viên chức. Nó không đo được lòng dũng cảm, trí tuệ, hay cam kết của chúng ta với đất nước. Nó đo mọi thứ, trừ những gì làm cho cuộc sống này đáng sống”.
Thế nhưng, chúng ta đang hủy hoại những gì làm cho cuộc sống của mình đáng sống để đánh đổi lấy sự tăng trưởng kinh tế. Từ mục tiêu của quốc gia, tới mục tiêu của các gia đình, và thậm chí, kinh khủng hơn, giờ nó đã trở thành mục đích sống và làm người của phần lớn thế hệ trẻ. Sự tăng trưởng khập khiễng này có phù hợp với lợi ích lâu dài của mỗi người chúng ta và của dân tộc? Kiểu tăng trưởng “nhất tuấn già bách xú” (một điểm tốt che trăm điều xấu) như thế không thể bền vững, và thực chất chính là sự thụt lùi.
Nhưng điều này thì liên quan gì tới ý thức kém của người dân? Có chứ, khi cả một quốc gia lúc nào cũng chăm chăm “kiếm tiền” một cách không bền vững, người ta sẽ coi trọng lợi ích và việc thu được hơn sự phó xuất và việc cho đi. Tư duy kiếm lợi bất chấp phương cách, hậu quả chắc chắn ảnh hưởng tới khả năng biết suy nghĩ và cân nhắc tới lợi ích của người khác, của cộng đồng.
Vì tăng trưởng kinh tế, người ta có thể sạt rừng, thay đổi dòng chảy của sông để xây các công trình thủy điện. Và tới ngày nay, rất nhiều quốc gia phát triển đã thấm bài học phản kháng của thiên nhiên để liên tục cho gỡ bỏ các công trình thủy điện lớn nhỏ. Vì tiền, người ta có thể chặt rừng phòng hộ, buôn gỗ lậu, đổ chất thải nguy hiểm chưa qua xử lý ra sông biển, sử dụng vô tội vạ thuốc trừ sâu… Rồi với tư duy chỉ biết cái lợi nhỏ nhoi trước mắt, người ta sẽ chẳng cần quan tâm tới việc phân loại, xử lý và vứt rác thế nào để bảo vệ môi trường. Tất cả đều tới từ tư duy: gia tăng lợi ích lấn át hết thảy.
Lời giải cho mọi vấn đề xã hội
Vì lợi ích trước mắt, vì sự lười biếng và thiếu lòng trắc ẩn, chúng ta từ bỏ “những gì làm cho cuộc sống này đáng sống”. Chúng ta từ bỏ những bờ biển nên thơ với bờ cát dài sạch sẽ, những cánh rừng rậm rì xanh mướt, những con phố gọn gàng thoáng đãng, những mảnh đất phì nhiêu mầu mỡ và bầu không khí trong lành mát rượi. Chúng ta từ bỏ cả sự ăn năn, nỗi sợ hãi khi làm điều không đúng, đến cả sự ngại ngùng, nhục nhã khi phải để người nước khác đến dọn rác do chúng ta vứt ra trên mảnh đất của mình.
Trong lần gần nhất gom rác ở bãi biển Vĩnh Lương, Harrie đã được một trăm người giúp đỡ. Ngoài những người bạn ham du lịch được anh kêu gọi tới từ khắp nơi trên thế giới, cũng có nhiều người Việt trẻ tới giúp anh. Nhưng trong những lời bình luận để lại, nhiều người Việt bày tỏ nỗi niềm có căn cứ của mình, rằng liệu thành quả của Scuba có giữ được lâu dài. Họ nói, người Việt chỉ có trách nhiệm với những gì gắn với lợi ích của mình. Những gì thuộc về tài sản “cha chung không ai khóc” thì sớm muộn cũng sẽ thành nạn nhân của sự ích kỷ.
Giữa sự hoang tàn về đạo đức do văn hóa vị tư, tôn thờ lợi ích kinh tế, lợi ích cá nhân gây ra, không gì có thể cứu giúp môi trường sống, môi trường xã hội và cả quốc gia này bằng sự thăng hoa trở lại của lòng Nhân. Mà như người xưa đã nói, đó chính là bạn đừng làm những gì mình không muốn cho người khác. Lời giải cho mọi xung đột xã hội, không phải chỉ là tránh xung đột lợi ích, mà nó chính là nền tảng đạo đức vững chắc ra sao. Và để đạo đức nâng cao trở lại, chúng ta cần những người sẵn sàng muốn hy sinh hơn nữa để truyền cảm hứng.
Bạn không cần phải đợi một ai đó đứng ra kêu gọi, dẫn tay bạn và chỉ cho bạn phải làm gì. Bạn không cần phải có quá nhiều lý do, cảm thấy có liên đới thì mới thu dọn đống đổ nát ruỗng mục của những người vô cảm xung quanh. Đôi khi bạn phải làm vì đó là điều… phải làm mà thôi.
Theo ĐKN