Truyện ngắn: Giỗ ba

9:37 | 03/07/2019

Đầu tháng, má đã gọi: “Hai mươi này đám giỗ ba, về nghen con!”. Tôi lại ậm ừ cho qua chuyện, má đành thở dài: “Con mà không về, chắc ba con buồn lắm, hồi đó ổng thương con nhất nhà”. Nói rồi, má dường như nặng lòng thêm. Tôi im lặng hồi lâu rồi đành ngắt máy. Tháng này, tôi vẫn còn nhiều kế hoạch phải hoàn thành.


Từ ngày tôi lên Sài Gòn học rồi quyết định ở luôn trên này, má buồn nhiều lắm. Ba đã mất khi tôi chuẩn bị vào lớp Sáu. Tôi không được biết nguyên nhân ba mất, và cũng không hiểu vì lý do gì mà các bác trong nhà luôn nói: Con nít không nên biết. Ba mất, một mình má bươn chải nuôi tôi và anh Hai ăn học. Còn tôi không thôi thắc mắc vì sao ba lại qua đời. Cái cảm giác mơ hồ về mọi thứ đôi khi còn tệ hơn khi biết rằng ba đã mất. Tôi gặng hỏi, mắt má ậng nước mà im lặng không đáp, anh Hai cũng quay ngang né tránh. Cho tới một ngày, tôi bỏ đống đồ hàng đang chơi với nhỏ Hân, chạy vội về nhà khi tình cờ nghe câu chuyện của má nó nói với mấy cô trong xóm: “Ông Năm Hưng ra thị xã cặp bồ với bà nhà giàu nào đó rồi bị chồng người ta ghen, túng quá nhảy lầu tự tử. Cái ông coi hiền vậy mà…”. Hôm đó, tôi một mình trốn trong gian nhà nhỏ của má con tôi, khóc nhiều lắm.

Từ khi ba mất, nội bảo má con tôi dọn ra gian nhà nhỏ phía sau. Nội không trách cứ hay xua đuổi, nhưng lúc ấy tôi cảm nhận được thái độ của nội đối với má con tôi đã khác. Ánh mắt vừa giận vừa thương, vừa đau lòng vừa đay nghiến nội nhìn tôi, đến giờ vẫn làm tôi thấy sợ.

Ngày giỗ đầu của ba, dòng họ đến đủ đầy, chật kín gian nhà lớn. Mọi người gọi anh Hai lên chuẩn bị thắp nhang cúng ba. Anh Hai lẳng lặng làm theo. Suốt buổi má chỉ cặm cụi nấu nướng, dọn dẹp trong bếp. Hình như má biết trước sự ghẻ lạnh này nên sáng đó đã gọi tôi dậy, cùng với má lên nhà thắp cho ba nén nhang. Tôi cứng đầu, trùm kín người trong chăn. Má nài nỉ rồi hăm dọa. Tôi dùng dằng, miễn cưỡng đi theo. Đó cũng là lần đầu tiên sau ngày ba mất, tôi đứng trực diện trước di ảnh của ba và đàng hoàng thắp cho ông nén nhang. Tôi không hiểu vì sao mình lại như thế. Tôi rất thương ba. Những ngày có ba bên cạnh, là những ngày gia đình tôi hạnh phúc nhất. Tôi nhìn ba, ba cũng nhìn tôi. Tim tôi ứ nghẹn, đau thắt. Tôi vụt chạy ra khỏi nhà.

Đường làng buổi sớm vẫn còn ướt đẫm sương đêm, từng bước chân tôi như bê bết, vướng víu. Tôi không chạy nữa. Trước mắt tôi là ba, hình như ba cõng tôi trên vai. Đó là ngày đầu tiên tôi vào lớp Một. Đêm trước, tôi vì háo hức nên cứ thấp thỏm, lăn lộn không chịu ngủ. Ba đưa cánh tay bảo tôi nằm lên. Ba ôm tôi vỗ về, kể về ngày đầu đi học của ba. Tối hôm đó, tôi đã ngủ rất ngon. Buổi sáng, ba nhẹ nhàng gọi tôi dậy để tôi không mè nheo vì đòi ngủ nướng. Đường đến trường ngày đầu tiên như xa hơn bao giờ hết. Tôi nửa muốn đi học, nửa lại sợ. Thấy tôi bước đi chậm chạp, ba cõng tôi lên vai. Ôm siết cổ ba, tôi nhẩm theo bài ca ba đang ngân nga. “Ngày đầu tiên đi học, mẹ dắt con đến trường. Con vừa đi vừa khóc, mẹ dỗ dành yêu thương”.

“Mai mốt con sẽ đổi chữ “mẹ” thành chữ “ba” nha ba”. Nói xong câu đó, tôi rời tay ba, chạy về phía cô giáo với mấy đứa bạn cùng xóm đang đứng. Sau hồi lâu nói chuyện với bạn, tôi quay lại. Ba vẫn đứng nguyên ngoài cổng nhìn về phía này. Tôi vẫy tay về phía ba, ba mỉm cười, gật đầu hạnh phúc.

Tôi chưa từng nghĩ và dường như cũng không dám nghĩ, một ngày nào đó sẽ không còn ba bên cạnh. Mỗi lần tôi bị nội gọi, ba lại đi cùng. Nội hay rầy tôi vì thói nghịch ngợm như thể con trai. Ba bênh vực vì tôi còn nhỏ. Nội trách ba cứ nuông chiều rồi tôi sẽ hư. Ba chỉ cười: “Út con ngoan lắm… nhưng để con dạy lại”. Với ba, yêu thương và dạy dỗ vốn rất rạch ròi. Ba không trách tôi vì cứ luôn đi chơi với đám con trai trong xóm nhưng ba đã đánh tôi đau điếng khi biết tôi ra bờ sông khi nước lớn để hái mấy trái bần non.

Má hay nói tôi càng lớn càng giống ba y đúc, từ khuôn mặt cho tới tính tình. Ba mạnh mẽ và luôn cố chấp trước những điều ông cho là đúng. Như lần ba quyết định lấy má làm vợ. Ngày ấy, ông bà nội hết sức can ngăn vì cái gọi là môn đăng hộ đối. Nhưng vì thương cảnh nhà, thương tấm lòng của má nên ba vẫn cứ khăng khăng. Dù rằng, sau đám cưới ba sẽ chẳng có gì từ gia tài của ông bà, ba vẫn đồng ý. Càng khó khăn, càng thiếu thốn ba càng thương má, thương anh em tôi nhiều hơn. Và cũng tuyệt nhiên, ba chẳng ghét hận ông bà. Những hôm cuối tháng được lãnh lương, ngoài phần quà bánh mua cho anh em tôi, lúc nào ba cũng dành một phần đặc biệt để mời ông bà. Mọi người nói tôi kiên cường, mạnh mẽ và cố chấp giống ba; nhưng tôi biết mình không đủ vị tha như ông. Vì cái lý do nghe từ hàng xóm, vì sự ghẻ lạnh của bà nội mà tôi trách ba, hận ba. Tất cả những yêu thương, chăm bẳm và kỷ niệm, tôi vô tâm phủi sạch. Kể từ đám giỗ đầu tiên đó, tôi đã không đốt cho ba thêm nén nhang nào nữa.

***

“Mười một năm rồi đó Út, em còn trách hận gì nữa mà không chịu về hả?”. Anh Hai nổi giận, lặn lội từ quê lên tìm tôi khi biết giỗ ba lần này, tôi lại không về. Mới đó thôi mà đã mười một năm tôi không còn ba bên cạnh, mười một năm tôi sống trong oán hận, ghét bỏ. Người ba mà tôi từng rất yêu thương, tôn trọng bỗng nhiên ra đi vì một người phụ nữ khác, không phải là má, khiến tôi không thể nào chấp nhận được.

“Em đã hiểu lầm ba rồi đó Út à… ba không như em nghĩ đâu!”. Tôi giật mình: “Vậy sự thật là thế nào? Sao không ai nói cho em?”. Anh tôi cúi đầu, đan chặt hai bàn tay đang run run: “Ba mất không phải vì bồ bịch hay ghen tuông gì hết. Ba mất là vì em đó. Anh với má thương em nên không nói. Nội dù lạnh nhạt với má con mình, nhưng cũng không nỡ nói cho em vì lúc đó em còn quá nhỏ…”. Anh Hai dường như cũng chẳng còn đủ bình tĩnh, giọng anh càng run hơn: “Trước khi mất, ba đã dúi vào tay má số tiền rồi dặn má mua xe đạp cho em. Ba vì cố gắng để kiếm đủ số tiền đó trước ngày em nhập học mà không ngại trời mưa, trơn trợt đã trèo lên sân thượng để sửa lại đường dây điện cho người ta. Ba mất vì tai nạn chớ không có nhảy lầu tự tử gì hết. Ngôi nhà mà người ta đồn là của ba với vợ bé, vốn chỉ là một nhà giàu trên thị xã thuê ba sửa điện thôi…”.

Từng lời, từng lời của anh Hai như hàng ngàn mảnh vỡ thủy tinh đang cắt cứa vào đáy lòng tôi. Sự thật mà tôi luôn mong mỏi kiếm tìm, cái lý do mà con nít không nên biết hóa ra là thế. Vì tôi, vì đòi hỏi của tôi mà ba mới mất. Tôi như chết lặng.

***

Giỗ ba năm nay vẫn đông đủ mọi người. Cảm giác tiếc thương hay xót đau theo thời gian đã dần nguôi ngoai. Nội bình yên chấp nhận mất mát. Má tôi vẫn lặng lẽ cúi mặt mỗi khi nhắc nhớ. Quỳ trước bàn thờ ba, tôi nín lặng không khóc. Cảm giác dằn vặt, tự trách đang đeo đẳng, bám riết lấy tôi. Uất hận, trách hờn hay đớn đau vì sự thật, tất cả tôi đều không muốn. Tôi lấy hết can đảm nhìn thẳng vào di ảnh của ba. Vẫn khuôn mặt đó, vẫn ánh mắt và nụ cười của ba nhưng hiện tại lòng tôi đã khác xa so với mười mấy năm trước. Ba nhìn tôi mỉm cười hiền từ. Ông vẫn là người bao dung và hết mực yêu thương chúng tôi. Tôi dập đầu lạy ba.

“Đứng dậy đi Út… Chỉ là ba con vắn số nên chịu thôi. Nội bây giờ cũng chẳng còn hơi sức đâu mà dằn vặt nguyên cớ, nguồn cơn nữa. Bởi nói ra nếu không phải nội cố chấp chuyện ba với má con, thì ba con cũng đâu phải bươn chải khổ cực như vậy. Lần này về ăn giỗ xong thì ở lại với nội, với má bây thêm mấy ngày nữa nghen. Gì đâu mà cứ đi biền biệt…”. Nói rồi, nội run rẩy đưa tay về phía tôi, tôi nắm lấy bàn tay gầy khô của nội. Khẽ nhìn về di ảnh, hình như ba nhìn tôi mỉm cười.

 

Truyện ngắn: Hồng Như/Theo Báo Cần Thơ

Video hay

Cùng chuyên mục

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự ‘Ngày hội Văn hóa vì hòa bình’ của Hà Nội

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự ‘Ngày hội Văn hóa vì hòa bình’ của Hà Nội

Hành trình đến với bà con vùng bão lụt Yên Bái

Hành trình đến với bà con vùng bão lụt Yên Bái

Trần Nhuận Minh: CHÙM THƠ PHÓNG VIÊN

Trần Nhuận Minh: CHÙM THƠ PHÓNG VIÊN

TÌNH NGƯỜI TRẢI QUA NHỮNG NỖI ĐAU TỪ BÃO LŨ

TÌNH NGƯỜI TRẢI QUA NHỮNG NỖI ĐAU TỪ BÃO LŨ

Chung tay cùng Tạp chí Văn hiến Việt Nam chia sẻ khó khăn với bà con vùng bão lũ

Chung tay cùng Tạp chí Văn hiến Việt Nam chia sẻ khó khăn với bà con vùng bão lũ

Hành trình đến với danh hiệu Hoa hậu Nhân ái của doanh nhân Nguyễn Thị Phương

Hành trình đến với danh hiệu Hoa hậu Nhân ái của doanh nhân Nguyễn Thị Phương

Lễ ra mắt Chi hội Nữ trí thức khối Văn hóa Nghệ thuật “Những đóa hoa sen Việt Nam”

Lễ ra mắt Chi hội Nữ trí thức khối Văn hóa Nghệ thuật “Những đóa hoa sen Việt Nam”

TẢN MẠN ĐÔI ĐIỀU TỪ DU THUYỀN TRÊN DÒNG LA GIANG

TẢN MẠN ĐÔI ĐIỀU TỪ DU THUYỀN TRÊN DÒNG LA GIANG

Hội An khánh thành dự án tu bổ di tích Chùa Cầu

Hội An khánh thành dự án tu bổ di tích Chùa Cầu