Chuyện ít biết về nguyên Tổng biên tập Báo Hà Tĩnh

10:13 | 21/06/2018

Làm việc ở nhiều cương vị khác nhau rồi mới vào nghề báo, nguyên Tổng biên tập Báo Hà Tĩnh Trần Văn Trạc (SN 1925, trú ở huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) vẫn nhớ như in những tháng ngày trong sự nghiệp cầm bút.


Từ cậu bé rải truyền đơn cách mạng

Ông Trần Văn Trạc sinh ngày 27/5/1925, tại xóm Cầu Thượng xã Trung Lạc ( nay là xã Cẩm Lộc, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh). Ông Trạc xuất thân trong một gia đình nông dân thuộc lớp “kinh tế hộ” khá nhất làng thời bấy giờ, nhà ông có 5 con trâu và vài mẫu ruộng.

Gia đình ông được cán bộ Việt Minh giác ngộ từ đầu năm 1945 sau đó, gia đình đã trở thành điểm “bí mật” nuôi giấu cán bộ hoạt động cách mạng.

Cụ Lương Thị Bân (mẹ ông Trạc) được kết nạp Đảng năm 1946, bà làm Bí thư chi bộ của Hội phụ nữ xã Trung Lạc. Bà Bân từng bí mật giao nhiệm vụ cho ông đi rải truyền đơn vận động nhân dân ủng hộ Việt Minh, kêu gọi toàn quốc kháng chiến.

Với sự thông minh, linh hoạt, nên mọi công việc mẹ giao ông đều làm trọn vẹn. Rồi chàng thanh niên Trần Văn Trạc được kết nạp vào Mặt trận Việt Minh.

Sau ba năm thử thách, đến năm 1949, chi bộ đã kết nạp ông vào Đảng.

Ông Trạc bảo với tôi: “Trước khi bước vào cuộc đời làm báo, ông đã là ‘cổ động viên tích cực’ của làng. Hồi ấy cán bộ xã biết Trạc “văn hay chữ tốt”, nên đã giao hai nhiệm vụ vừa viết tin địa phương, vừa nghe đài, đọc báo Đảng để tổng hợp lại tình hình. Sau đó, mỗi chiều lại trèo lên cây đa làng đọc cho bà con nghe”.

Hoạt động ở xã một thời gian khá dài, Trần Văn Trạc được ông Bí thư Huyện ủy Cẩm Xuyên phát hiện “nhân tố” cần đào tạo, nên điều về làm cán bộ văn phòng tổng hợp Huyện ủy.

Lúc ấy cán bộ rất ít, ông trẻ và khỏe, làm việc chẳng bao giờ có một giấc ngủ trưa… Năm 1952, ông Trần Văn Trạc được bổ nhiệm làm Chánh văn phòng Huyện ủy Cẩm Xuyên. Năm 1957, do tình hình và nhiệm vụ mới, ông được tổ chức điều chuyển sang làm Trưởng phòng thông tin văn hóa huyện Cẩm Xuyên.

Đến năm 1960, ông lại được Tỉnh ủy Hà Tĩnh xét chọn và gửi đi đào tạo lớp Phóng viên báo chí tại trường Đại học Nhân dân Hà Nội (tiền thân của Học viện báo chí và Tuyên truyền).

Kết thúc khóa học, ông Trần Văn Trạc trở về làm Phóng viên Báo Hà Tĩnh.

Tổng biên tập tờ Báo Hà Tĩnh là ông Võ Trọng Cúc, Thư ký tòa soạn anh Phạm Hồ. Cả tòa soạn và phóng viên lúc ấy chưa tới chục người, nên cả việc đưa bài và chấm lỗi, sửa mo rát tại nhà in, thủ trưởng và phóng viên đều thay nhau làm.

Phóng viên Trần Văn Trạc được phân công viết bài phóng sự  về điển hình nông nghiệp trong hợp tác xã. Đối với ông, đây là lần thử sức đầu tiên của nghề viết báo, yêu cầu vừa nắm đầy đủ thông tin, đồng thời phải phân tích được cách làm hay của điển hình đó. Rút ra bài học kinh nghiệm để mọi người học tập.

Ông lần tìm đọc lại giáo trình báo chí, rồi tìm mấy bài phóng sự hay của Thép Mới, Hữu Thọ, Hà Đăng…. về nghiền ngẫm, rồi nghĩ người ta viết giỏi như thế, ngoài văn phong chữ nghĩa, điều cốt lõi là họ bám sát thực tiễn. Thực tiễn chính là môi trường rèn luyện cho nghề báo trưởng thành.

Đối với ông Trần Văn Trạc: “Vinh quang nhất của người làm báo, là có tác phẩm hay. Bài báo ấy, viết ra phải có lợi cho Dân, cho Đảng”.

Những câu chuyện vinh quang thời gian khó

Để tìm một điển hình hay nhất trong các điển hình, ông Trạc tìm đến Ty nông nghiệp Hà Tĩnh, nhờ một kỹ sư nông nghiệp tư vấn giúp. Thật may mắn cho ông, anh kỹ sư nông nghiệp nọ vừa nhiệt tình, vừa có kiến thức trồng trọt khá chuyên sâu. Anh đã bổ túc cho ông Trạc, để có kiến thức khi đến hỏi bà con về cơ cấu mùa vụ, khí hậu vùng miền, tập quán cơ cấu canh tác.

Ông tâm sự: Bài phóng sự : “Đại Thanh thêm mùa lúa mới” sau khi báo Hà Tĩnh đăng, đã được ông Nguyễn Xuân Linh, Bí thư Tỉnh ủy khen hay. Đây là một điển hình, làm vụ thu đạt năng suất cao nhất nước, lần đầu tiên đạt 5 tấn/ha.

Để có được bài viết này, ông đã đến Kỳ Phong (Kỳ Anh) ra Kim Lộc (Can Lộc) tìm hiểu nhân tố theo ngành nông nghiệp giới thiệu. Cuối cùng, mới chọn được Hợp tác xã Đại Thanh là điển hình cách làm mới, năng suất mới hiệu quả cao nhất.

“Nếu bây giờ chú chịu khó tra cứu tài liệu, thì bài báo ‘Ngôi sao sáng trên công trường Đá Cát’ đăng trên Báo Hà Tĩnh chắc vẫn còn lưu giữ ở thư viện”, ông nói. Đấy là bài báo, ông Trạc viết về một đội thanh niên trẻ Hoa Lộc, trong chiến dịch thủy lợi Bồng Sơn, do tỉnh đoàn thanh niên Hà Tĩnh phát động.

Sức trẻ của thanh niên hồi ấy làm thủy lợi, khí thế “dời non lấp biển”, PV Trạc dã chủ động đề xuất ngay với Tổng biên tập Võ Trọng Cúc cho vào ngay công trường đang thi công tại Kỳ Trinh để thâm nhập thực tế. Một chuyến đi đầy vất vả mãi không phai mờ trong ký ức.

Khi tới Kỳ Trinh, trời đã chập choạng tối. Đường tới công trường còn xa, lúc này bụng đã đói cồn cào, hai chân đạp xe đạp đã mỏi rả rời. Ông Trạc, bèn tìm tới một ngôi nhà ở gần đường quốc lộ 1A xin nghỉ nhờ. Thật may mắn cho ông quá, chủ nhà là hai vợ chồng nông dân thật thà, tốt bụng. Họ nấu mời ông chén cơm rất chu đáo. Tuy cơm độn khoai lang khô, nhưng vẫn đãi khách hai quả trứng gà rán cùng bát canh dưa cải. Một bữa ăn, ông thấy ngon nhất trong cuộc đời mình. Ngon vì tấm lòng người dân quá tốt, khi ông đưa tiền và phiếu gạo thanh toán cho gia đình, họ không nhận.

Bà chủ nhà còn bảo: “Nhà bác chẳng ai ăn sổ gạo cả, lấy làm chi của con cho tội nghiệp”. Đường vào Kỳ Trinh không thể đi xe đạp được, đẩy xe vào cũng khó, công trường đầy đất, đá ngổn ngang. Thế là, chủ nhà đã cho ông ăn ngủ, lại mất công “giữ xe miễn phí” cho chàng Phóng viên  để chàng lội bộ vào công trường.

Tới công trường Đá Cát, ông Trạc đã “bám chân” anh đội trưởng xem từng khối đất, khối cát, hỏi và ghi chép tỷ mỷ từng người cầm ven đến người khiêng đất, vác đá. Hai đêm liền, ông Trạc đã hòa nhập văn nghệ với tiếng hát thanh niên trên công trường. Trở về tòa soạn báo Hà Tĩnh, ông đóng cửa phòng hai ngày ròng rã và say sưa viết, tới mức quên cả giờ ăn cơm bếp.

Số báo Hà Tĩnh có bài báo này của ông phát hành đã được Bác Hồ đọc. Từ thủ đô Hà Nội, Bác Hồ đã điện cho ông Nguyễn Xuân Linh – Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh về điển hình này. Bác nói ngay trên điện thoại: “Bác đã đọc bài ‘Ngôi sao sáng trên công trường Đá Cát’, đề nghị tỉnh cho người thẩm tra lại. Nếu điển hình đúng như báo nêu, Bác sẽ tặng Bằng khen cho đội”.

Cán bộ tỉnh xuống kiểm tra thực tế công trường, sau đó“Tập thể Đội thủy lợi Hoa Lộc” đã được Bác Hồ tặng bằng khen.

Hôm tỉnh Hà Tĩnh làm lễ tuyên dương Đội thủy lợi Hoa Lộc, và đón nhận bằng khen Bác Hồ, ông Nguyễn Tiến Chương – Phó bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh nói vui với ông đội trưởng rằng: “Chiếc bằng khen này, các chú phải chia vinh dự cho phóng viên Trần Văn Trạc một nửa. Bởi không có phóng viên đưa điển hình kịp thời, thì không có vinh dự này”. Câu nói vui của ông Chương đã mấy thập kỷ trôi qua, đến bây giờ ông Trần Văn Trạc vẫn nhớ như in với nhiều tình cảm xúc động.

Ông kể cuộc đời làm báo của ông và đồng nghiệp thời ấy gian khổ nhưng tràn ngập tình yêu thương đùm bọc của nhân dân. Những ngày đội bom, đạn đến cầu Phủ núi Nài đưa tin, viết bài, sự nguy hiểm khốc liệt của chiến tranh luôn rập rình, nhưng ông Trạc vẫn thấy hào hứng và vững tin ở chiến thắng.  Những đêm ông ngồi dưới hầm trú ẩn chong đèn thức thâu đêm viết tin bài cho báo Hà Tĩnh ngày mai lên khuôn.

Có kỷ niệm không bao giờ quên được, đó là đêm cùng anh Võ Trọng Cúc đạp xe đạp ra Hà Nội họp. Lúc qua Cầu Cầm, máy bay Mỹ ném bom dữ quá, 2 anh em ngồi nấp dưới mương quá lâu. Khi máy bay địch rút lui, lúc đó đã hai giờ sáng. Anh Cúc lúc này đuối sức, không thể đạp xe được nữa. Bỗng ông Trạc phát hiện cách đường quốc lộ khoảng 500 mét có một nhà kho chứa phân hoá học của Hợp tác xã. Hai ông tìm tới để nghỉ sáng hôm sau đi tiếp. Ông Cúc vốn tính rất cẩn thận, ngủ nhưng sợ mất xe đạp, nên bảo ông Trạc đưa vào kho và tìm dây “cột xe” bên “cột” nhà.

Khi ông Cúc đang rọi đèn pin để ông Trạc buộc xe thì đột nhiên nhóm dân quân tuần tra trong vùng ập tới. Phát hiện có ánh sáng, họ tưởng kẻ gian nên định áp giải cả hai người về xã. Cả ông Trạc và ông Cúc bình tĩnh đưa giấy tờ cho họ xem và thành thật nói “Muốn vào kho chợp mắt tý vì đi đường mệt quá”. Khi thấy cả hai ông đều có “Thẻ nhà báo” đỏ chót, thế là mọi nghi ngờ tan biến. Họ mời cả hai ông về nhà Chủ tịch xã ngủ. Sáng hôm sau, trước lúc tạm biệt, gia đình ông chủ tịch xã nấu cháo gà chiêu đãi 2 nhà báo.

Tôi hỏi ông Trạc : “Bác đã từng là Tổng biên tập Báo Hà Tĩnh, rồi làm tổng Biên tập Báo Nghệ Tĩnh. Nhưng bác lại kể nhiều về chuyện đi và viết, mà chưa kể đến chuyện bác làm lãnh đạo?”.

Ông Trần Văn Trạc cười vui : “Làm báo đâu phải làm lãnh đạo là vinh quang. Vinh quang nhất của người làm báo là có tác phẩm hay. Bài báo ấy, viết ra phải có lợi cho Dân, cho Đảng. Mà muốn đạt được bài báo hay, phải đi nhiều, đọc nhiều và có đôi mắt nhìn đúng sự thật, khách quan. Điều quan trọng cái Tâm người làm báo phải sáng, nếu Tâm không sáng thì làm ‘con chữ’ làm sao sáng được”. Tôi suy ngẫm điều ông Trần Văn Trạc nói, chắc không bao giờ cũ đối với các thế hệ cầm bút.

Ghi chép của Phan Thế Cải, tháng 6/2018.

 

Theo Infonet
 

Video hay


Cùng chuyên mục

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

AMS AMBASSADOR 2024: Khi các đại sứ Ams chứng minh câu nói: “Học sinh chuyên không chỉ giỏi việc học!”

AMS AMBASSADOR 2024: Khi các đại sứ Ams chứng minh câu nói: “Học sinh chuyên không chỉ giỏi việc học!”

Hà Tĩnh: Cô bé có tấm lòng nhân hậu

Hà Tĩnh: Cô bé có tấm lòng nhân hậu

Doanh nhân Đỗ Thị Hồng đạt ngôi vị Hoa hậu Nhân ái tại Miss Business Earth 2024

Doanh nhân Đỗ Thị Hồng đạt ngôi vị Hoa hậu Nhân ái tại Miss Business Earth 2024

Chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hồ Chí Minh và chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám

Chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hồ Chí Minh và chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám

Tiến sỹ, đại tá Nguyễn Thanh Liêm giữ chức vụ Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình

Tiến sỹ, đại tá Nguyễn Thanh Liêm giữ chức vụ Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình

Thủ tướng: Chính phủ quyết tâm chuyển đổi số sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả

Thủ tướng: Chính phủ quyết tâm chuyển đổi số sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả