Người xưa truyền lại rằng, trên ngọn núi cao đó có một chiếc chum rất lớn, rất thiêng. Tương truyền nếu gia đình nào sinh được 10 người con trai thì có thể lên đỉnh núi khiêng chiếc chum đó về nhà và điều kỳ diệu sẽ xảy ra…
Sự tích huyền bí
Dãy núi giáp danh giữa xã Hà Ngọc và xã Hà Sơn, huyện Hà Trung (Thanh Hóa) nằm sát bên con sông Lèn (nhánh chính của sông Mã đổ ra biển) được người dân quen gọi là núi chum vàng. Trên đỉnh cao nhất của dãy núi này có một khối đá lớn, nhìn từ dưới chân núi lên, khối đá này rất giống hình một chiếc chum.
Theo lời kể của các bậc cao niên trong xã, câu chuyện về chiếc chum vàng hóa đá không biết có tự bao giờ, chỉ biết nó đã ăn sâu vào tiềm thức người dân nơi đây, lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Chuyện kể rằng, xưa kia nó là chiếc chum đá, bên trong chứa rất nhiều vàng.
Sau một biến cố, chiếc chum vàng này đã hóa đá nên ngọn núi đó được gọi là núi chum vàng. Từ đó, người ta cũng rỉ tai nhau những câu chuyện ly kỳ về chiếc chum, trong đó có chuyện nếu gia đình nào sinh được 10 người con trai, có thể lên núi khiêng chum về và mọi điều ước sẽ linh nghiệm.
Trao đổi với báo chí, bà Lê Thị Tại (70 tuổi) thôn Ngọc Sơn, xã Hà Sơn chia sẻ: “Tôi được nghe các cụ kể lại xưa gia đình nào cũng cố gắng để sinh được 10 người con trai. Họ hy vọng được lên núi khiêng chiếc chum vàng đó về nhà. Có một gia đình sống trong vùng rất nghèo, vì muốn có được chiếc chum vàng đã cố gắng sinh được 10 người con.
Tuy nhiên, họ chỉ sinh được 9 người con trai, thiếu một người nữa mới đủ nên hai ông bà đã đi xin một người con trai về làm con nuôi cho đủ 10 người. Khi những người con khôn lớn và đến tuổi trưởng thành, người bố đã đưa các con họ đến dưới chân núi và bảo các con lên khiêng chiếc chum vàng đó về. 10 người con hào hứng, cùng nhau trèo lên đỉnh núi để khiêng chiếc chum vàng”.
Tuy nhiên, khi 10 người con lên đến nơi thì mọi dự định bỗng chốc tan biến. Bởi, nơi 9 người con ruột đặt tay lên phiến đá đều di chuyển, chỉ duy nhất cậu con nuôi vẫn không tài nào nhấc được. Phiến đá vẫn đứng im lìm trong ánh mắt ngạc nhiên của 9 người anh em còn lại. Sau đó, 9 người anh đã xảy ra mâu thuẫn với người em nuôi, họ liên tục cãi nhau. Còn người cha, thấy các con cãi lộn, nghĩ lỗi do con nuôi nên liên tục mắng người đó.
“Người con nuôi bị cha mắng không biết nói gì, mắt tròn xoe nhìn cha. Cùng lúc đó, trời nổi giông, gió bay tới tấp và chiếc chum vàng bỗng hóa thành đá trong khoảnh khắc. Đôi tay của người con nuôi lúc đó cũng bị dính chặt nơi chiếc chum, anh cố dứt ra mà không được. Bởi vậy, chiếc chum bị nghiêng một góc là vì lý do đó”, ông Hoàng Văn Sáu ở thôn Ngọc Sơn- được người dân cho là hậu duệ của gia đình họ Hoàng có 9 người con trai kể lại.
Một người dân khác cũng cho biết, câu chuyện này được kể từ đời nọ tới đời kia. Có lẽ, với các sự vật trong tự nhiên có hình thù, người ta thường gán cho nó một câu chuyện để “có hồn” và thêm phần thi vị. Chuyện 9 người con trai trong họ nhà ông cùng khiêng chum là một cách mà người xưa lý giải về độ nghiêng của khối đá có hình chiếc chum.
Danh lam thắng cảnh hiếm có
Ông Nguyễn Văn Lợi (57 tuổi), thôn Ngọc Sơn, xã Hà Sơn mô tả: “Khối đá có hình chiếc chum này có bán kính rộng hơn 2m, cao hơn 1m. Bên trên chiếc chum đá có một khối đá nhỏ giống như nắp chum rộng gần 1m, rất dày và nặng. Chiếc chum đá này nằm trên một khối đất rộng và bằng phẳng trên đỉnh núi. Không hiểu sao, chưa ai có thể nâng được cái nắp đá trên cái miệng chum này ra. Chúng tôi nhiều lần cùng nhau khiêng ra nhưng không được”.
Theo ông Lợi, chính vì chưa ai có thể khiêng được nắp đá lớn đậy chum đó ra nên sự tích về chiếc chum vàng hóa đá vẫn còn là một bí ẩn. “Bên trong chum đá bị bịt chặt nên không ai có thể biết bên trong chiếc chum này có những gì”, ông Lợi nói.
Còn với khách thập phương, mỗi lần tới xã Hà Ngọc đều tìm đến nơi có chiếc chum đá để một lần được chiêm ngưỡng và nghe kể chuyện xưa. Ông Minh Tiến (người dân bản địa) cho hay: “Nhiều người khách nói với tôi rằng, họ nghe chuyện chiếc chum rồi liên tưởng tới câu chuyện xưa. Có người tấm tắc khen khối đá giống chiếc chum thật”.
Được biết, ngoài ngọn núi có chiếc “chum vàng” hóa đá thì trên địa bàn xã Hà Sơn còn có nhiều di tích và danh thắng gắn liền với nhiều sự tích như đền: Cô Bông, Hàn Sơn, đền Cây thị… Những sự tích liên quan đến các di tích, danh thắng trên đều thể hiện ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, tình yêu nam nữ son sắt thủy chung và để lại cho thế hệ mai sau những bài học quý giá…
Nơi đây, ngoài núi Đụn có chum vàng, còn lưu giữ nhiều di tích, danh thắng nổi tiếng. Đặc biệt là đền thờ Thái úy Lý Thường Kiệt – danh tướng thời nhà Lý, có công rất lớn trong việc đánh đuổi quân xâm lược nhà Tống vào năm 1070 – 1077, đồng thời có nhiều đóng góp to lớn cho người dân trấn Thanh Hóa…
Theo ĐS&PL