Quá trình căng thẳng leo thang thành một cuộc xung đột rộng lớn hơn ở Syria đã được gây ra bởi các cuộc đụng độ giữa Israel và Iran, khi Tehran đang gia tăng đáng kể tiềm lực quân sự ở Syria bằng cầu vận chuyển hàng không lớn nhất trong hàng chục năm qua.
Nguy cơ xung đột Israel-Iran gia tăng ở Syria
Vào ngày 30 tháng 4, các cuộc tấn công tên lửa mạnh đã đánh vào các địa điểm quân sự của Syria ở các tỉnh Hama và Aleppo. Đã có nhiều thương vong, chủ yếu là của các lực lượng ủng hộ Iran và các sĩ quan, chuyên gia quân sự Iran.
Không ai đứng ra nhận trách nhiệm về vụ tấn công này nhưng người ta tin rằng hoạt động này được thực hiện bởi Không quân Israel.
Các quan chức Israel không đưa ra bình luận nào, nhưng Bộ trưởng tình báo Israel Katz nói, đất nước của ông sẽ không cho phép Iran có tiền đồn quân sự nào trên lãnh thổ Syria, để từ đó tập trung vũ khí và đưa sang Lebanon cho Hezbollah để tấn công Israel.
Còn Bộ trưởng Quốc phòng Israel Avigdor Lieberman thề sẽ sử dụng vũ lực để đánh tan bất kỳ nỗ lực nào của chính quyền Tehran nhằm thiết lập một “bàn đạp quân sự” ở Syria. Ngoài ra, Israel cũng sẽ không bao giờ cho phép Iran sở hữu vũ khí hạt nhân.
Chính phủ Israel tin rằng Iran đã hợp tác với Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên để có được năng lực hạt nhân, mặc dù thực tế là IAEA (Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế – International Atomic Energy Agency) khẳng định, chính quyền Tehran tuân thủ các cam kết quốc tế của mình.
Israel đã nhắm vào các tiền đồn của lực lượng dân quân người Shiite do Iran hậu thuẫn ở Syria và đã sẵn sàng cho khả năng xấu nhất. Về mặt nguyên tắc, Syria vẫn đang còn tình trạng chiến tranh với Israel.
Nội các Israel đã tập hợp đầy đủ trong một cuộc họp khẩn cấp ngay sau cuộc tấn công vào rạng sáng ngày 30/4. Lực lượng Quốc phòng Israel (IDF) cũng đang chuẩn bị phương án sẵn sàng cho các máy bay tấn công không người lái Heron ТР tấn công vào bất kỳ hệ thống phòng không nào được dùng để chống lại lực lượng không quân Israel ở Syria.
Các chiến đấu cơ hàng đầu của Israel như F-15I Ra’am (Thunder), F-16I Soufa (Storm), F-35I Adir có thể hoạt động bên ngoài khu vực tấn công của các hệ thống tên lửa phòng không S-300PMU1 (150km) hay S-300PMU2 (200km) mà Nga có thể đã cung cấp cho Syria, hoặc tiếp cận các mục tiêu đất bằng chiến thuật bay ở độ cao thấp hơn 60m.
Các chiến đấu cơ Israel có tên lửa không đối đất AGM-142 Have Nap với phạm vi tấn công 100km và tên lửa hành trình tiên tiến Delilah để thực hiện các cuộc tấn công ở khoảng cách lên tới 250km. Nếu Nga cung cấp S-300 cho Syria, hệ thống phòng không này sẽ được sử dụng để đối phó với chúng, nhưng cũng sẽ khá là khó khăn cho Syria.
Vào ngày 30 tháng 4, kho vũ khí cho tên lửa là mục tiêu chính của các đợt tấn công của tiêm kích Israel. Một trong những vị trí được cho là một căn cứ quân sự của Lữ đoàn 47 gần thành phố Hama, được sử dụng bởi những dân quân Shi’ite do Iran hậu thuẫn.
Những tuyên bố và hành động trái ngược nhau của Nga và Mỹ
Liệu có sự trùng hợp nào không khi hoạt động này được tiến hành vào thời điểm Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã đến thăm Israel và chỉ vài ngày sau khi Nga tuyên bố không còn bị ràng buộc bởi bất kỳ nghĩa vụ đạo đức nào trước đây để cung cấp hệ thống phòng không S-300 cho Syria?
Nhà lãnh đạo ngành ngoại giao Hoa Kỳ đã khẳng định rõ ràng “quyền của Israel để bảo vệ chính mình”.
Ông Pompeo cố ý bỏ qua việc các cuộc đàm phán ở Astana (do Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ bảo lãnh) đã tạo ra rất nhiều điểm nhấn trong tiến trình hòa bình Syria và cáo buộc rằng, vai trò của các cuộc đàm phán Geneva cho đến nay đã không tạo ra bất kỳ bước đột phá nào trong việc tìm ra cách giải quyết xung đột Syria.
PV/TH