Bà cụ mù nắm chặt đôi bàn tay người chồng đang mang trên người đủ thứ ống truyền. Ông bảo bà cứ yên tâm, tôi sắp khỏe, sắp về nhà với bà được rồi. Còn bà cười hiền từ, dụi đầu vào ngực ông tìm sự bình yên.
“Hạnh phúc chẳng ở đâu xa lạ, hạnh phúc ở ngay trong cuộc sống vốn rất hối hả, xô bồ này”, anh Quang Đoàn, nhiếp ảnh làm việc ở thành phố Bắc Giang nói với chúng tôi như vậy.
Người đàn ông cầm máy ảnh trong suốt nhiều năm, chứng kiến nhiều khoảnh khắc vui, buồn, đau đớn của nhiều người, lần đầu tiên rơi lệ trước những hình ảnh anh chứng kiến: người đàn bà mù chăm chồng bệnh phổi ở bệnh viện. Bà đấm lưng cho ông, ông đọc báo cho bà nghe, họ cùng rúc rích cười, nói đủ chuyện trong nhà ngoài xóm, và đặc biệt, đôi bàn tay họ luôn đan chặt vào nhau.
Bộ ảnh của anh Quang Đoàn về vợ chồng ông Nguyễn Văn Minh 68 tuổi, bà Phạm Thị Nhung, 62 tuổi tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang mới chia sẻ cách đây ít giờ lên mạng xã hội đã khiến người xem rung động. Không chỉ ngưỡng mộ tình cảm hai vợ chồng đã lớn tuổi dành cho nhau, nhiều người còn ước ao mình cũng tìm được một nửa thật sự, để cuối đời có hạnh phúc bình yên như thế.
“Tôi nhận lời mời chụp ảnh cho chị Huyền, chị nhờ tôi chụp thêm giúp cho cha mẹ chị mấy tấm hình. Chị hỏi tôi có thể đợi ông bà ra viện không, tôi bảo tôi sẽ vào tận bệnh viện. Những gì tôi chứng kiến trong khoảng 1 giờ đồng hồ bên giường bệnh đã khiến tôi bối rối, sống mũi tôi cay xè. Tôi từng nghi ngờ về tình cảm con người dành cho nhau trong cuộc sống lắm bon chen này, nhưng tim tôi đã rung động trước những cử chỉ quá tình cảm của bà cụ mù dành cho chồng và ngược lại”, nhiếp ảnh Quang Đoàn kể lại.
Chia sẻ với phóng viên Thanh Niên, chị Nguyễn Thị Huyền (29 tuổi, kinh doanh, đang định cư tại Ba Lan, mới về Việt Nam) con gái của ông bà Minh – Nhung cho hay, bố mẹ chị từng lỡ dở một lần đò trước khi đến với nhau, tuy nhiên các con lớn lên lúc nào hai người cũng rất tình cảm.
“Bố mẹ tôi từng bán hàng ăn ở nhà. Từ ngày mẹ bị mù, mọi việc chăm lo bữa ăn, giấc ngủ, đi lại của mẹ đều do bố tôi đảm nhiệm. Chiều chiều bố dắt mẹ đi dạo, bố đọc sách báo cho mẹ nghe, bón cơm cho mẹ ăn. Bố nói năng nhẹ nhàng, lúc nào cũng sợ mẹ buồn, ảnh hưởng tới huyết áp. Mấy ngày trước, bác sĩ hỏi sao bố bệnh nặng mà nhập viện muộn thế, bố nói sợ vào viện rồi mẹ ở nhà thì ai chăm sóc”, chị Huyền kể.
“Bố nhập viện cấp cứu lúc 1 giờ khuya, mẹ tôi cũng lật đật theo các con vào bệnh viện, chúng tôi có can thế nào cũng không được. Mẹ nói các con cứ về đi, để mẹ chăm bố. Bố nằm viện được vài ngày, sức khỏe ổn thì chiều nào cũng bắt taxi về nhà để ăn với mẹ một bữa cơm, lấy thuốc cho mẹ uống, sau đó mới lại trở lại vào bệnh viện để kịp giờ tiêm thuốc. Trước khi đi, bố dặn rất kỹ chúng tôi cách chăm sóc mẹ cẩn thận, thuốc nào cho mẹ, uống lúc mấy giờ thì tốt nhất, đi đâu bố cũng luôn nghĩ về cho mẹ”, chị Huyền xúc động.
Theo Thanhnien