Cải lương không thể chết ngay trên chiếc nôi sinh ra nó, chỉ có biết làm hay không mà thôi.
Giữa lúc nhiều đơn vị cải lương công lập ở miền Tây Nam Bộ phải sáp nhập thành trung tâm văn hóa hoặc giải thể, các đoàn cải lương tư nhân đã tự nuôi sống mình bằng nỗ lực làm mới.
Năng động và đổi mới
Không còn là những nét vẽ nguệch ngoạc về bức tranh ảm đạm của sân khấu cải lương miền Tây như trước. Hiện nay, đồng bằng sông Cửu Long đã có 5 sân khấu cải lương tư nhân hoạt động hiệu quả. Họ đã học theo mô hình tư nhân của TP HCM để thu hút công chúng đến với các vở diễn của mình.
Các ông bầu cải lương tư nhân như: NSƯT Minh Mẫn (Đoàn Văn công Đồng Tháp), Nguyễn Quang (Sân khấu Thầy Năm Tú ở Tiền Giang), Thạch Long (Sân khấu Ngôi sao Phương Nam ở Cần Thơ), NSƯT Minh Đương (nhóm Nghệ sĩ đoàn Cà Mau) và NSƯT Thanh Nam với công ty sân khấu mang tên ông đã mang lại cho sàn diễn cải lương miền Tây những vở hấp dẫn, thu hút đông đảo khán giả như: “Tô Ánh Nguyệt”, “Nửa đời hương phấn”, “Chung Vô Diệm”, “Dương Quí Phi”, “Rạng ngọc Côn Sơn”…
Đưa cho chúng tôi xem bức ảnh các công nhân tháo bảng hiệu Đoàn Văn công Đồng Tháp, NSƯT Minh Mẫn – tự là “Mẫn liều”, vị trưởng đoàn đã gắn bó với thương hiệu này suốt 40 năm – bật khóc. Từ khi Đoàn Văn công Đồng Tháp sáp nhập Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật của tỉnh, ông đã đứng ra thành lập công ty tổ chức sự kiện và giải trí mang tên Văn công Đồng Tháp. “Tôi muốn giữ tên thương hiệu của tỉnh nhà, nơi tôi và nhiều thế hệ nghệ sĩ đã gắn bó. Bây giờ cải lương tư nhân ở miền Tây, trong đó có Đồng Tháp, thực sự là nơi để anh em nghệ sĩ gắn kết làm nghề…. Trong khi trước đây, lúc còn ở đoàn công lập, do thói quen “nhận đủ lương, hát đủ chỉ tiêu”, các nghệ sĩ cứ tà tà cho qua ngày, còn cảm nhận của người xem thì mặc kệ. Chúng tôi phải vận dụng nhiều bài học kinh nghiệm từ các sân khấu xã hội hóa ở TP HCM cho mô hình đặc thù của các tỉnh miền Tây để duy trì hoạt động” – NSƯT Minh Mẫn nói.
Công ty Văn công Đồng Tháp liên tục nhận được đơn đặt hàng tổ chức biểu diễn, hội nghị, sự kiện và trên hết là sự kết hợp với các nghệ sĩ ngôi sao tại TP HCM, cụ thể với Đoàn Cải lương Sen Việt của ông bầu Lê Nguyên Đạt để đưa cải lương đến với khán giả miền Tây. “Thách thức lớn đối với chúng tôi là bằng mọi cách làm cho sàn diễn sáng đèn. Các vở diễn, chương trình phải thật sự hấp dẫn, xứng với tấm vé khán giả mua vào xem” – NSƯT Minh Mẫn bày tỏ.
“Nước lên, thuyền lên”
Tương tự, NSƯT Thanh Nam, nguyên Trưởng Đoàn Cải lương Nhân dân Kiên Giang, đã lập sân khấu tư nhân mang tên ông, đi vào hoạt động hơn 2 năm qua. Nếu hầu hết các đoàn cải lương công lập của tỉnh bây giờ chỉ hoạt động cầm chừng thì công ty sân khấu tư nhân của NSƯT Thanh Nam đã có sô diễn đều đều. Cách làm của NSƯT Thanh Nam là gắn kết với các ngôi sao sân khấu ở TP HCM, dựng những vở tuồng mà khán giả thích. NSƯT Thanh Nam cho biết các đơn vị tư nhân ở tỉnh, chỉ cần từ 300- 500 triệu đồng tiền vốn cho mỗi vở diễn thì đã có thể công diễn và thu hút người xem.
NSND Lệ Thủy, sau khi tham gia các vở diễn ở công ty của NSƯT Thanh Nam, đúc kết: “Chọn đúng vở hay, mời đúng nghệ sĩ tên tuổi tham gia, cách làm coi trọng khán giả của các ông bầu tư nhân ở đây làm cho cải lương miền Tây có sự khởi sắc”.
Trả lời câu hỏi có phải khán giả miền Tây không còn yêu nghệ thuật cải lương, các ông – bà bầu cải lương ở miền Tây đều trả lời là không phải. Bằng chứng là ở đâu trên mảnh đất này hễ có đám tiệc là có cải lương. Nhưng do cách tổ chức, cách làm của các đơn vị công lập một thời khiến cải lương trở nên hiu quạnh.
“Khi đã có công ty, sân khấu cố định, anh chị em nghệ sĩ có điều kiện đầu tư cho vai diễn, tìm tòi sáng tạo và ngày càng có nhiều kịch bản cải lương đủ sức thu hút khán giả đến rạp” – nghệ sĩ Thạch Long nói.
Theo NLD