(Nhân 110 năm ngày Nguyễn Tất Thành lên tàu Latouche Tre’ville tại bến Nhà Rồng)
Thật kỳ lạ khi cho đến giờ, không ít người, trong đó có các “siêu GS” chuyên “nổ” chuyện cuộc đời Bác Hồ, vẫn cho rằng sự kiện bị đuổi học ở trường Quốc học Huế sau khi tham gia biểu tình chống sưu thuế là một bước ngoặt của cuộc đời Bác, quyết định cuộc ra đi cứu nước của Bác ngày 5/6/1911.
Sự thật không hề có chuyện đó.
Các tài liệu lịch sử xác thực, trong đó có cuốn “Hồ Chí Minh – Biên niên tiểu sử” của nhà xuất bản Chính trị Quốc gia xuất bản từ năm 2000, cho thấy, khi tham gia biểu tình chống sưu thuế (tháng 4/1908), Tất Đạt và Tất Thành đang học năm cuối tiểu học Pháp – Việt Đông Ba chứ không phải ở Quốc học Huế. Tuy hai anh bị mật thám Pháp cảnh cáo ghi sổ đen vì thái độ “bài bảo hộ” và ông Nguyễn Sinh Sắc bị triều đình khiến trách (lúc đó ông Sắc đang làm thừa biện bộ Lễ) vì hành vi của hai con nhưng sau đó Nguyễn Tất Thành và anh đã tốt nghiệp bậc tiểu học ở Trường Pháp Việt Đông Ba và được nhận chính thức vào lớp trung đẳng Quốc học Huế (tháng 8/1908). Bởi vậy, sự thật không có chuyện Tất Thành bị đuổi học ở Huế và một mình đi thẳng từ Huế qua các tỉnh miền Trung vô trường Dục Thanh Phan Thiết rồi đến Sài Gòn.
Nguyễn Tất Thành chỉ bỏ dở việc học ở trường Quốc học Huế theo cha khi ông Sắc được điều vào làm việc ở Bình Định. Tại Bình Định, ông Sắc nhận chức tri huyện Bình Khê, ông giữ Tất Đạt bên ông còn Nguyễn Tất Thành được cha gửi theo học tiếng Pháp với thầy Phạm Ngọc Thọ (cha bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, từng là thầy giáo ở Pháp Việt Đông Ba, Huế) ở Quy Nhơn. Thời gian này, có tài liệu cho biết Nguyễn Tất Thành đã từng xin thi làm giáo viên trường làng và đã thi đỗ xuất sắc nhưng tên anh đã bị Phơrie, Khâm sai Pháp, gạch bỏ vì là người đang bị mật thám Pháp theo dõi.
Thời điểm Nguyễn Tất Thành đến Bình Định là khoảng cuối tháng 6 đầu tháng 7 năm 1909. Thời điểm Nguyễn Tất Thành rời Bình Định là khoảng cuối tháng 8/1910. Thời gian Nguyễn Tất Thành ở Bình Định là khoảng trên dưới 1 năm 3 tháng. Như vậy, trong 21 năm ở trong nước trước khi xuất dương, Nguyễn Tất Thành ở quê nhà Nghệ An 10 năm, ở Huế 9 năm, ở Bình Định 1 năm 3 tháng, ở Phan Thiết 3 tháng, ở Sài Gòn 6 tháng.
Sự kiện đáng chú ý nhất trong thời gian hơn 1 năm Nguyễn Tất Thành ở Bình Định chắc chắn là sự kiện chỉ sau hơn sáu tháng làm tri huyện Bình Khê (từ 1/7/1909 đến 17/1/1910), Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đã bị cách chức, bị giải về kinh hạ ngục.
Trong hơn sáu tháng tại Bình Khê, ông Sắc đã kết thân với các văn thân khoa bảng, che chở các gia đình Cần Vương, bênh vực dân nghèo, khích lệ tinh thần yêu nước, chống Pháp, tình đoàn kết tương thân tương ái của dân chúng…Tại đây, tri huyện Nguyễn Sinh Sắc đã nghiêm khắc trừng phạt bằng đòn 50 roi tên điền chủ thân Pháp Tạ Đức Quang vì tội chiếm đất công, ức hiếp, vu vạ dân lành, khinh nhờn phép công.
Bất chấp nhân dân Bình Khê đã gửi đơn minh oan cho ông Sắc, đưa ra những chứng cứ nói rõ trận đòn của quan huyện chỉ có ý nghĩa cảnh cáo, không ảnh hưởng nhiều tới sức khoẻ của Tạ Đức Quang, Quang chết chỉ là do ăn chơi trác táng quá độ, Tổng đốc Bình Định và Công sứ Pháp ở đây đã gửi công văn về triều đình và Khâm sứ Trung Kỳ đề nghị truy cứu tội đánh chết người của ông Sắc.
Hơn 8 tháng sau, 23/9/1910, tuy sự việc đã được bộ Hình phân định rõ ràng và chỉ đề nghị “giáng bốn cấp mà lưu” và “cái bổ kinh chức” nhưng Hội đồng Nhiếp chính triều đình dưới sức ép của bảo hộ Pháp đã không chấp nhận mà phê duyệt “triệt hồi” và “chuyển đi xa”. Cụm từ “chuyển đi xa” có nghĩa là cấm ông Nguyễn Sinh Sắc cư trú tại ba nơi: kinh đô Huế, quê hương Nghệ An, và Bình Định, nơi ông từng làm quan và gây án.
Bản án này không chỉ đã đưa ông quan Nguyễn Sinh Sắc trở về vị trí một thường dân mà còn biến ông thành một kẻ bị lưu đày, bị tách ra khỏi những nơi thân thuộc nhất khi sắp bước vào cái tuổi “Ngũ thập tri thiên mệnh”.
Bước sa chân trong chốn quan trường của cha và bản án nghiệt ngã mà người cha thân yêu phải nhận chắc chắn đã gây nên những chấn động mạnh mẽ và đã tạo nên một bước ngoặt lớn trong cuộc đời Nguyễn Tất Thành.
Ta có thể thấy với sự kiện này, cuộc đời chàng trai 20 tuổi Nguyễn Tất Thành đã có một sự thay đổi lớn: từ một cậu ấm con quan, sống chủ yếu dựa vào chu cấp của cha, anh sẽ phải hoàn toàn tự lo liệu lấy cuộc đời mình.
Trong cuốn “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch” của Trần Dân Tiên, tác giả có kể câu chuyện một trí thức Sài Gòn khi được Nguyễn Tất Thành rủ ra nước ngoài, đã hỏi lại anh lấy tiền đâu ra mà đi thì Tất Thành vừa trả lời vừa giơ hai bàn tay: Đây! tiền đây. Chúng ta sẽ làm việc, sẽ làm bất cứ việc gì để sống và để đi.
Biến cố bất ngờ của cha không thể nói không làm Nguyễn Tất Thành choáng váng nhưng anh đã vượt qua rất nhanh, ý thức rõ những gì mình có, những gì mình phải làm, tìm thấy những sức mạnh mới, nhất là sức mạnh của đôi bàn tay lao động. Anh tin với đôi bàn tay ấy, anh có thể làm được tất cả: tự kiếm sống, trợ giúp cha già và đi tìm chân lý cho đất nước.
Cái án nặng nề, có tính chất triệt hạ đối với ông Nguyễn Sinh Sắc chỉ vì ông bảo vệ công lý, bênh vực dân lành cũng đã cho Nguyễn Tất Thành nhận rõ hơn bao giờ hết tình cảnh đen tối, bế tắc tột cùng của đất nước. Hy vọng mỏng manh làm quan để “toạ nha hành thiện” được như thời Đào Tấn của những người như ông Sắc đã tan thành mây khói. Phong trào Cần Vương đã bị dập tắt từ lâu, vị vua bất khuất Thành Thái đã bị buột thoái vị, những người yêu nước chống Pháp trong triều đình bị thanh trừng quyết liệt, cuộc nổi dậy của sĩ phu Hà Nội liên kết với nghĩa quân Hoàng Hoa Thám mưu chiếm Hà Thành, phong trào Đông Kinh nghĩa thục, phong trào chống sưu cao thuế nặng tại miền Trung bị dìm trong biển máu, các chí sĩ Trần Quý Cáp, Nguyễn Hằng Chi, Huấn Đạo bị xử chém, Huỳnh Thúc Kháng, Ngô Đức Kế, Đặng Nguyên Cẩn, Cự Soạn, Lê Nguyên Thành… bị đày ra Côn Đảo, Phan Chu Trinh bị kết án tử hình sau giảm xuống chung thân và cũng bị đưa thụ hình ở Côn Đảo, chí sĩ hải ngoại Phan Bội Châu và Kỳ Ngoại hầu Cường Để bị trục xuất khỏi nước Nhật, không biết đang lưu lạc ở đâu trên đất Trung Hoa. Các con đường cứu nước bằng khởi nghĩa như Hoàng Hoa Thám, Đông du cầu viện sự giúp đỡ của nước Nhật hay công khai yêu cầu người Pháp thực hiện cải lương dân chủ dân sinh như cụ Phan Chu Trinh đều đã thất bại.
Như vậy, chỉ có thể tìm cách cứu nước bằng một con đường khác, con đường mà Nguyễn Tất Thành đã từng linh cảm khi lần đầu tiên tiếp xúc với khẩu hiện: “Tự do, bình đẳng, bác ái” treo trước của Trường Pháp Việt ở Vinh, hiện rõ dần trong những ngày học ở trường Pháp Việt Đông Ba, Quốc học Huế, sáng tỏ hơn trong những ngày ở nhà thầy giáo Phạm Ngọc Thọ tại Quy Nhơn, vừa học tiếng Pháp vừa được thầy giúp đỡ tìm hiểu, suy nghĩ về công cuộc duy tân của người Nhật, về cuộc cách mạng tư sản dân quyền Pháp, về sự khác biệt lạ lùng của người Pháp ở chính quốc và ở người Pháp ở đất nước mà họ “bảo hộ”. Đó là con đường sang nước Pháp, sang Phương Tây, đến những nơi được coi là tân tiến nhất thế giới “để xem họ làm thế nào để sau về giúp đồng bào mình” (Trần Dân Tiên).
Không phải ở đâu khác mà chính trong những ngày ở Bình Định, sau sự biến Bình Khê, giữa muôn trùng khó khăn giữa tuổi 20, Nguyễn Tất Thành đã đi đến lựa chọn có tính chất quyết định với cuộc đời mình, với vận mệnh đất nước, dân tộc: Bằng mọi cách, phải vượt trùng dương sang phương Tây tìm đường cứu mình, cứu nhà, cứu nước.
Tuy có một số cuốn sách nói tới việc sau khi nhận án của triều đình, Nguyễn Sinh Sắc đã lần vào Nam tìm con và đã từng gặp Nguyễn Tất Thành tại một địa điểm ở Sài Gòn giữa năm 1911, trước khi anh lên đường ra nước ngoài trên tàu Latouche Tre’ville. Nhưng rất dễ thấy chi tiết này không đúng sự thật vì ngay sau khi ra nước ngoài, Nguyễn Tất Thành đã tìm cách liên lạc và 4 lần gửi tiền về mong được giúp đỡ cha đang trong khốn khó nhưng do không có địa chỉ, anh phải nhờ qua Khâm sứ Trung Kỳ và Toàn quyền Đông Dương. Bản thân cụ Cả Khiêm (Cụ Nguyễn Tất Đạt) và cụ Nguyễn Thị Thanh, anh và chị ruột của Nguyễn Tất Thành, sau này cũng cho biết sau lần chia tay ở Bình Khê, cụ Nguyễn Sinh Sắc chưa lần nào gặp lại Nguyễn Tất Thành dù có được biết tin về anh qua cụ Phan Chu Trinh, người từng ở Paris với Nguyễn Tất Thành, phó bảng đồng khoa, đồng nghiệp thừa biện bộ Lễ của ông Sắc, cũng như qua nhiều người khác ở nước ngoài về khi Nguyễn Tất Thành đã là nhà yêu nước Nguyễn Ái Quốc nổi tiếng. Cụ Nguyễn Sinh Sắc mất năm 1929, khi Nguyễn Ái Quốc đang hoạt động ở vùng Đông Bắc Thái Lan.
“Nước mất hãy đi cứu nước, chớ đi theo cha”, cụ Nguyễn Sinh Khiêm kể rằng đó là câu nói mà phụ thân đã dặn Nguyễn Tất Thành, khi không cho Nguyễn Tất Thành cùng anh đưa cha về Huế để thọ án. Hiểu rõ chí lớn của đứa con mang trong mình “đại nghiệp” như ân sư Đào Tấn từng nhận xét, cụ Nguyễn Sinh Sắc đã căn dặn Thành nhiều điều quan trọng và nói với anh: “Con hãy hứa với cha: Dù có chuyện gì xảy đến với cha thì cũng đừng bao giờ quay trở lại tìm cha. Nước mất, hãy đi tìm nước”. Rồi ông nhắc với các con câu danh ngôn mà ông từng nói với Tất Đạt, Tất Thành trong lần cùng các con đến viếng mộ cụ Đào Tấn hai năm trước “Kỳ ấu giả duy phụ mẫu sở hữu chi thân/Kỳ tráng giả duy quốc gia sở hữu chi thân/Kỳ lão giả duy hậu thế sở hữu chi thân”.
Sau cuộc chia tay lịch sử tại Bình Định, cả gia đình cụ Nguyễn Sinh Sắc đã thực hiện trọn vẹn câu danh ngôn quý giá của người xưa truyền dạy. Nguyễn Thị Thanh, Nguyễn Sinh Khiêm, Nguyễn Tất Thành đều đã hiến dâng toàn bộ tuổi tráng niên cho đất nước. Nguyễn Tất Thành trở thành nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc, niềm tin và hy vọng của toàn dân tộc. Nguyễn Thị Thanh và Nguyễn Sinh Khiêm là những chiến sĩ trung kiên của Việt Nam Quang Phục hội, đều phải chịu án khổ sai rồi bị quản thúc ở các tỉnh miền Trung cho tới Cách mạng tháng Tám. Riêng cụ Nguyễn Sinh Sắc, không để thành gánh nặng cho các con, đã một thân một mình, tuổi cao, sức yếu, vẫn thanh thản, kiên cường chịu đựng và vượt qua những đắng cay, khổ ải dằng dặc, là một lão thành uy tín hoạt động trong Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội và một lương y được nhân dân tin yêu ở Đồng Tháp, để lại cho hậu thế một tấm gương cao đẹp.
Nguyễn Thế Khoa