Lễ trao tặng giải thưởng và các danh hiệu cao quý đã được tổ chức trang trọng lần lượt tại hai địa điểm: Nhà hát Lớn Hà Nội và Nhà hát Thành phố Hồ Chí Minh. Ở Hà Nội, nghệ sĩ Lê Khanh, người được phong danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân trẻ nhất có bài phát biểu thật ấn tượng. Chị không cầm văn bản, nhưng đấy là bài phát biểu hay và cảm động. Nghe chị phát biểu, tôi quay sang nói với nữ Phó Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Kim Cúc: đúng là một Nghệ sĩ nhân dân!
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, trước ngày trao giải tôi nhận được mẩu thư viết vào một trang sổ tay của nhà văn, nhà báo lão thành Trần Bạch Đằng: “Thân gửi đồng chí Bộ trưởng. Tôi có việc bận nên không dự được. Báo đồng chí biết”. Tôi hiểu ẩn ý đằng sau lý do đồng chí Trần Bạch Đằng không tới dự. Tôi vội gọi điện, khẩn khoản mời anh. Nể tình lâu nay dành cho “chú em”, đồng chí Trần Bạch Đằng đã thay đổi ý kiến và nhận lời tới dự. Tôi thật thà hỏi qua điện thoại: “Anh Tư đã có xe chưa hay để anh em cho xe tới đón?”. Tôi nghe tiếng anh cười khà khà trong máy: “Tao không đi là không muốn đi, chứ tao thiếu gì ôtô, mậy”. Tới nơi, anh có câu trả lời rất hóm khi một số người thắc mắc: “Sao anh Tư chỉ được trao Giải thưởng Nhà nước mà không phải là Giải thưởng Hồ Chí Minh?”. Anh cười: “Bởi họ trao cho cái phần sáng tác yếu nhất của tôi”. Mà có lẽ là anh nói thật.
Với văn chương, anh luôn nói đấy là công việc anh làm bằng tay trái. Cái mạnh nổi trội của anh không phải là thơ văn, mà là báo chí. Tôi hiểu ý anh muốn nói, nếu đánh giá đúng, nhiều lĩnh vực khác anh có những đóng góp quan trọng, xuất sắc hơn nhiều.
Câu chuyện bình, xét trao các giải thưởng bao giờ cũng có rất nhiều điều để nói! Trên cương vị Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin, người được giao làm Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật một nhiệm kỳ, trong thâm tâm, tôi rất không muốn tiếp tục có giải thưởng này. Tôi cũng hiểu, việc dừng lại không phong tặng các danh hiệu giải thưởng cho những văn nghệ sĩ xứng đáng, thực tài sẽ là điều khó. Nhưng dù khó, cũng cần phải cân nhắc. Qua các lần bình xét, trao giải, trong đội ngũ văn nghệ sĩ luôn có những ồn ào, so bì, thắc mắc? Có một điều chắc chắn, việc bình xét, dù là có các cấp Hội đồng, nhưng kết quả không phải bao giờ cũng khách quan, kịp thời, đúng đắn. Tốt hơn nên để cho công chúng và thời gian đánh giá, tôn vinh những giá trị trường tồn, đích thực của các tác giả và tác phẩm. Những người thực tài sẽ có thực danh. Nền văn hóa nghệ thuật nước nhà không cần phải truy tặng các giải thưởng văn học nghệ thuật cho Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Đình Chiểu và biết bao danh nhân văn hóa khác. Không có Hội đồng nào có thể làm được vai trò cao cả và khách quan thay cho xã hội và công chúng. Thật đáng tiếc, có rất nhiều trường hợp văn nghệ sĩ thực sự tài năng đã không được tôn vinh. Nhà thơ Hữu Loan, tác gả “Màu tím hoa sim” lẽ ra phải được nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật đợt năm 2006. Thế rồi, bỗng có những ý kiến, lại được một đồng chí lãnh đạo tuyên giáo nêu lên, rằng “Không thể trao giải thưởng cho ông vì bên Mỹ vừa in thơ Hữu Loan”. Một lý do quả là kỳ cục và ngược đời. Lẽ ra, bên Mỹ in thơ Hữu Loan thì Hữu Loan càng đáng được nhận giải thưởng. Một tên tuổi nghệ sĩ chèo tài năng bậc nhất của đất nước, nghệ sĩ Xuân Hinh, qua mấy lần bình xét, cho đến bây giờ cũng không được công nhận Nghệ sĩ nhân dân. Những ca sĩ nổi tiếng, được công chúng hết sức mến mộ, yêu thích như Trọng Tấn, Anh Thơ… đến hôm nay vẫn nằm ngoài danh sách, phong tặng. Và còn rất nhiều những người sáng tác văn học, nghệ thuật, nhiều nghệ sĩ, ca sĩ, diễn viên tên tuổi khác không được các Hội đồng trao cho họ các danh hiệu, các giải thưởng mà họ xứng đáng được nhận. Điều quan trọng hơn là xã hội luôn trân trọng tôn vinh những nhà văn hóa, những nghệ sĩ thực tài. Tên tuổi và những tác phẩm của họ sẽ sống mãi với thời gian.
Tôi luôn có cảm giác buồn và áy náy mỗi khi nhận được những lá đơn kiến nghị, khiếu nại, tố cáo việc này việc kia sau mỗi lần xét tặng.
(Trích tự truyện “Đi tìm một vì sao”)
Nguyễn Thế Khoa