Từ thế giới ngầm đến thế giới bên kia: sự xa hoa vẫn hiện hữu dù thân xác đã nằm sâu dưới ba tấc đất…
Bạn đã từng nghe đến tên Yekaterinburg – thành phố diễn ra một số trận đấu World Cup 2018 ở Nga? Đây là thành phố công nghiệp phát triển ở miền trung xứ bạch dương, nằm chếch về phía đông dãy núi Ural hùng vĩ với dân số gần 1,5 triệu người.
Nhưng có thể bạn chưa biết, thành phố này còn có quá khứ khét tiếng cùng một nghĩa trang kì lạ nhất thế giới: Khu tưởng niệm Shirokorechenskoe.
Tại đây an nghỉ nhiều tài năng xuất chúng của thành phố như nghệ sĩ dân gian, nhà khoa học và những người anh hùng trong Thế chiến Thứ hai. Các tấm bia mộ đều chạm khắc độc đáo chưa từng thấy với phù điêu, đá quý; hay hoa văn sẽ được khắc trực tiếp lên đá granit bằng kĩ thuật laser.
Nhưng phần nghĩa trang nằm khuất sau rặng thông mới gây bất ngờ hơn cả. Những bia đá granit khổng lồ khắc hình chủ nhân ngôi mộ; kích thước còn to hơn người thật và đầy đủ… các kiểu “pose” dáng khác nhau!
Dù vậy, đặc điểm chung của “khu phức hợp lăng mộ” này là sự giàu sang phú quý, với hình ảnh áo suit và áo khoác da hàng hiệu, dây chuyền vàng và hình xăm, tay cầm điếu xì gà và chìa khóa xe sang Mercedes.
Sẵn tiện, chiếc xe của họ cũng được chạm khắc đâu đó trên ngôi mộ và đôi khi còn có… ảnh các “cô đào” của người đã khuất nữa! Ngó nghiêng thêm một chút, ta lại thấy các tấm bia của cả một gia đình “danh gia vọng tộc” được dựng liền kề nhau, khiến người viếng mộ cảm thấy choáng ngợp như bước vào đại sảnh của nhà phú quý nào chứ đâu phải là nghĩa trang!
Khu mộ này thuộc về những tay anh chị cộm cán ở thành phố công nghiệp Yekaterinburg, Nga vào thập niên 90.
Sau khi Liên bang Xô Viết sụp đổ, kinh tế nhiều vùng ở Đông Âu sa sút nhưng không phải là thành phố Yekaterinburg. Từ sau Thế chiến Thứ hai, rất nhiều xí nghiệp, nhà máy đã Liên Xô dời về thành phố miền trung này. Trong đó có Uralmash thuộc ngành công nghiệp nặng – một trong những doanh nghiệp lớn nhất nước Nga cho đến ngày nay.
Sự phát triển không gián đoạn về kinh tế trong bối cảnh xã hội có nhiều biến động đã làm khoảng cách giàu nghèo tăng lên. Người giàu có bị dòm ngó và có nhu cầu cần được bảo vệ. Và như vậy “loạn thế tình thù” đã xảy ra, những cuộc giao dịch tiền của, bảo kê hộp đêm và các mặt hàng cấm lan nhanh , hình thành nên các băng nhóm đấu tranh với nhau quyết liệt.
Nổi lên nhất là băng Uralmash – cùng tên với xí nghiệp lớn nhất thành phố. Còn cả thành phố thì chìm trong tăng gia sản xuất điên cuồng, để đổi lấy những cuộc sống giàu sang xa hoa mà cũng rất đáng sợ, khi các băng đảng lao vào tranh giành địa vị tàn khốc.
Nếu không đụng độ trên đường phố hay vào tù “bóc lịch” thì những người bọn họ sẽ tái ngộ, trùng phùng ngay tại… khu nghĩa trang đặc biệt này! Trên bia mộ không chỉ khắc tên thật mà còn có biệt danh trên giang hồ và cả những kĩ năng, ngón đòn hiểm hóc của dân anh chị, ví dụ như “bậc thầy dùng dao” hay “cú đấm sấm sét tử thần”.
Một buổi chiều tà lạc bước trong khu tưởng niệm Shirokorechenskoe của thành phố miền trung nước Nga, bạn sẽ thấy bên dưới tán thông rậm rạp là hàng loạt ảnh bia mộ hiện lên đầy uy nghi, khí khái ngút ngàn trong phục trang cổ điển của thập niên 90. Dám cá là bạn sẽ cảm thấy choáng ngợp, thú vị mà cũng có chút rờn rợn, phải vậy không?
Theo Tri thức trẻ