Người thành phố mong mưa đầu mùa để xua tan sự nóng bức trong ngôi nhà bê-tông với tường cao, cửa kín.
Trẻ con chờ mưa đầu mùa để chạy long nhong trong hẻm tắm mưa. Một thú vui khác của trẻ con thành phố trước đây, trong đêm mưa đầu mùa là xách lon sữa bò ra hè đường bắt dế từ hang hốc, kẹt đá, bờ rào hay bay từ cánh đồng xa vào theo ánh đèn.
Ngẫm ra, cơn mưa đầu mùa đối với đô thị là để giải nhiệt, đối với trẻ con là để tái diễn trò chơi kỷ niệm tắm mưa và bắt dế. Nhưng rồi theo thời gian, sự phát triển của xã hội, nhà bê-tông kín cổng cao tường đã có quạt máy, máy lạnh. Còn trẻ con thì có những thú vui khác bằng điện thoại thông minh, ít chạy long nhong trong hẻm tắm mưa và ra vỉa hè rình bắt dế.
Nhưng ở quê, mưa đầu mùa, ngoài chuyện đồng áng, vườn tược còn có thú đi soi ban đêm. Ngày xưa chưa có đèn pin tiện dụng, sáng lòa, sáng xa đeo trên trán để đi soi đêm, thanh niên nông thôn dùng đuốc lá dừa, đèn khí đá đi soi ếch, soi nhái, soi cá… Bây giờ “văn minh” hơn nhưng đồng ruộng bị thu hẹp bởi những vuông tôm công nghiệp, nơi nào trồng lúa không hiệu quả người ta đã lên liếp trồng dưa, trồng cây ăn trái khác nên việc đi soi sau những cơn mưa đầu mùa cũng không còn hào hứng, tưng bừng như trước.
Tuy nhiên, thanh thiếu niên nông thôn còn một thú vui khác, ít thay đổi mà người lớn hay trẻ em đều rất náo nức mỗi khi có mưa đầu mùa vào tháng 5, tháng 6 trút xuống. Đó là… đi bắt cá lên.
Theo quy luật tự nhiên, mỗi khi mưa đầu mùa trút xuống, càng lớn càng tốt, đặc biệt là mưa vào buổi xế chiều khi nước từ sông rạch đang lớn tràn vào mương vườn thì cá dưới mương theo đường nước mưa chảy ngược xuống, bắt đầu cho cuộc di cư ngược dòng, tìm về đồng ruộng, ao hồ để sinh sản. Lúc này người lớn, trẻ con dầm mưa xách nơm, đeo giỏ, mang thùng đi bắt cá lên. Những con cá rô, cá trê, cá lóc, nếu là cá cái thì bụng mang đầy trứng, đua nhau phóng lên, lội ngược đường nước, vượt cạn, bất kể sống chết, để tìm đến nơi ở mới bắt đầu cho mùa sinh sản thuận theo tự nhiên.
Người đi bắt cá lên theo các đường nước do mưa lớn chảy xuôi xuống mương hoặc rảo theo các lối đi trong vườn, quanh gốc rơm, đống củi, đống rác… sẽ thấy những con cá đi lạc, có khi chúng mắc kẹt lại đâu đó, cố sức vẫy vùng tìm bằng được con đường sống để xuống được ao, hồ, ruộng đồng. Nhưng hầu như đều rơi vào tay người đi bắt cá lên.
Tôi đã có cả một tuổi thơ gắn liền với những cơn mưa đầu mùa với thú vui bắt cá lên như vậy. Hầu như cá lên đầu mùa mưa đều rất lớn, bụng đầy trứng, căng thịt, ú nù, sẽ được chế biến thành những món ăn dân dã nhưng rất ngon cho bữa cơm gia đình.
Hồi nhỏ tôi là tay “sát cá”, không chỉ đi câu, đi cắm, đi bắt hôi, đi mò, đặt lợp, đặt bung mà ngay đi bắt cá lên tôi cũng thường bắt được rất nhiều cá, ăn không hết thì má tôi đem ra chợ bán.
Mấy hôm nay rảnh rỗi, tôi mở YouTube thấy nhiều video quay cảnh soi ếch, bắt cá lên đầu mùa mưa lòng thấy nôn nao, chợt sống lại với kỷ niệm những ngày thơ ấu nơi quê nhà. Rồi ngủ mơ thấy mình trở về thời thơ ấu đi bắt cá lên, đi soi nhái, soi ếch sau những cơn mưa đầu mùa.
Khi giật mình thức dậy, lòng tôi lại quay quắt nhớ quê.
Theo Người lao động
https://nld.com.vn/van-nghe/bat-ca-len-dau-mua-mua-2022052220040115.htm