Nghê là linh vật phổ biến ở đền, đình, miếu mạo của người Việt, nhất là ở vùng châu thổ Bắc Bộ. Là linh vật được được sinh ra trong dòng chảy lịch sử và văn hóa dân tộc, nghê mang những nét đặc trưng của người Việt: dân dã, gần gũi, hiền lành…
Nghê là linh vật đã tồn tại từ lâu trong đời sống văn hóa của người Việt Nam; là biểu trưng mang yếu tố huyền thoại, dũng mãnh. Nghê được khắc trên bia đá, vẽ trên đồ thờ, chạm trên kiến trúc, chầu trước cổng cung điện, lăng tẩm của các bậc vua chúa và trong không gian tôn giáo, tín ngưỡng như đình, chùa, đền, miếu…
Nghê là biến thể từ sư tử và chó, có nguồn gốc từ Trung Á, cụ thể là văn hóa Ba Tư. Tại Việt Nam, nghê xuất hiện từ thời Bắc thuộc và mang dáng vẻ sư tử. Linh vật nghê có nhiều loại, kỳ lân nghê mình vẩy, lưng có sừng, đứng chầu bên hương án, cửa khám, rất thịnh ở thời Lê Trung Hưng.
Thời Nguyễn, đầu kỳ lân nghê không có sừng. Khuyển nghê mang đặc tính của chó, mình không có vảy, đầu không sừng, dáng hình khá phong phú và thường chạm khắc trên đình làng, sinh từ, am miếu. Sư tử nghê thân mập, ngắn, to lớn và thường cõng đài hoa sen, xuất hiện nhiều ở thời Lý-Trần. Long nghê đầu rồng, miệng lớn, râu dài, ức có ngấn chạy xuống bụng, bắp chân có chớp lửa… Nghê Việt có diện mạo rất đặc sắc, biến đổi qua các thời kỳ nhưng luôn thể hiện được tâm hồn, tính cách của người Việt với trạng thái cơ bản là trang nghiêm, cung kính, hoan hỉ, mừng rỡ. Trải qua hàng trăm năm, hiện nay trên địa bàn tỉnh Hải Dương còn lưu giữ được những con nghê mang dáng vẻ đặc trưng từng thời kỳ, gắn liền với lịch sử xây dựng và hình thành của nhiều ngôi đình, đền trong tỉnh.
Theo nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế, sở dĩ có điều đó là do việc phân định đâu là nghê, đâu là sư tử khá phức tạp trong mỹ thuật Việt Nam. Sự nhầm lẫn giữa 2 linh vật này kéo dài khiến nhiều người nhầm tưởng đó chỉ là một. Trong khi linh vật sư tử luôn có minh văn (lời nói rõ) ở các tượng, hình ảnh, còn nghê lại không có.
Hiện tượng này có nguyên do ở yếu tố dân gian. Những nghiên cứu gần đây đã khẳng định, nghê là một linh vật khác hoàn toàn sư tử và chỉ có ở Việt Nam, mang những yếu tố văn hóa đặc trưng dân tộc Việt.
Tại đền Quát, xã Yết Kiêu, huyện Gia Lộc còn lưu giữ 2 tượng nghê bằng đá có niên đại từ thế kỷ thứ XVIII, được đặt ngay trước cửa đền từ khi xây dựng đền thờ cụ Yết Kiêu. Cụ Phạm Hữu Lương, ở thôn Quát, xã Yết Kiêu, huyện Gia Lộc cho biết: Từ xa xưa các cụ truyền lại đôi nghê đá này là kỷ niệm của cụ Yết Kiêu. Khi đấu vật ở Đông Triều, cụ Yết Kiêu đã vật đổ Đô trâu, sau khi thua, Đô trâu sai quân ra dâng tặng phẩm là 10 vuông vải phủ lên 2 con nghê đá.
Khi xây dựng đền thờ cụ Yết Kiêu, nhân dân đưa đôi nghê đá đặt trước cửa đền làm vật kỷ niệm cho đến ngày nay. Tại đình Tự Đông, Di tích lịch sử quốc gia ở phường Cẩm Thượng, TP Hải Dương vẫn còn lưu giữ đôi nghê gỗ từ hàng trăm năm. Ông Lê Quang Tâm, Phó Ban quản lý đình Tự Đông chia sẻ: Từ khi thành lập ngôi đình (thời Hậu Lê, thế kỷ thứ XVIII) đến nay, đình vẫn giữ được nguyên vẹn đôi nghê gỗ quý hiếm. Ban quản lý thường xuyên họp, tuyên truyền, phổ biến đến các tầng lớp nhân dân cùng tham gia bảo tồn và gìn giữ đôi nghê cổ từ xưa truyền lại.
Nghệ nhân Phạm Bá Ngọc, sinh ra trên mảnh đất Hoa Lư, nên anh phải lòng với văn hóa, lịch sử vùng cố đô Hoa Lư. “Không gian văn hóa Hoa Lư” được Phạm Bá Ngọc xây dựng với mục tiêu lưu giữ, phát huy các di sản văn hóa vùng cố đô Hoa Lư nói riêng và văn hóa Việt nói chung. Phạm Bá Ngọc cho biết, cách đây khoảng 3 năm, với sự hỗ trợ, động viên của các nhà nghiên cứu như Trần Hậu Yên Thế, Dương Trung Quốc, Vũ Minh Giang… anh “toàn tâm, toàn ý” tìm hiểu về nghê.
Đền vua Đinh là nơi nghệ nhân Phạm Bá Ngọc tìm đến rất nhiều trong hành trình tìm hiểu về nghê. Với con mắt một nhà điêu khắc, anh bị đôi nghê đá đền vua Đinh hớp hồn. Đôi nghê một đực một cái được tạo hình uy nghiêm mà gần gũi, linh thiêng mà thân thuộc, không quá bé nhỏ nhưng cũng chẳng to lớn kềnh càng, rất Việt Nam.
Qua khảo sát của Bảo tàng tỉnh Hải Dương, toàn tỉnh hiện còn lưu giữ được 42 linh vật nghê, nằm rải rác tại các huyện Cẩm Giàng, Thanh Hà, Nam Sách, Ninh Giang, Tứ Kỳ, Gia Lộc, Thanh Miện và TP Hải Dương. Đa phần linh vật nghê bằng đá, chỉ có 2 con nghê ở đình Tự Đông làm bằng gỗ.
Tháng 4 vừa qua, Bảo tàng tỉnh Hải Dương phối hợp với Cục Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, Bộ Văn hóa-thể thao và du lịch tổ chức trưng bày 200 tư liệu hình ảnh, bản vẽ giới thiệu về linh vật nghê được sưu tầm từ các di tích, hiện vật bảo tàng, có bày một số tư liệu ảnh, hình vẽ về các linh vật của Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ để so sánh. Triển lãm cũng giới thiệu một số hình ảnh linh vật nghê Việt tại các di tích trên địa bàn tỉnh Hải Dương. Qua các tư liệu, hiện vật trưng bày giúp người xem thấy được sự phong phú của linh vật nghê Việt trong văn hóa Việt, sự tương đồng và khác biệt với linh vật của các quốc gia trong khu vực.
Ông Vũ Đình Tiến, GĐ Bảo tàng tỉnh Hải Dương, chia sẻ: Việc bảo tồn, gìn giữ linh vật nghê Việt hiện nay trên địa bàn tỉnh còn gặp khó khăn, trong đó một số công trình tôn giáo chưa được xếp hạng, nhà sư trụ trì, người dân công đức đưa các linh vật ngoại lai vào thờ tự. Để bảo tồn và phát huy giá trị của các linh vật thuần Việt trong đó có linh vật nghê Việt đòi hỏi cấp chính quyền và người dân cùng nâng cao ý thức trách nhiệm trong công tác này.
Đặc biệt phải có sự chung tay của các sư trụ trì, tăng ni và ban quản lý khu di tích, cơ sở tôn giáo tín ngưỡng cùng chung tay bảo vệ, gìn giữ các linh vật thuần Việt cho thế hệ sau.
Theo PLXH