Bánh chưng Bờ Đậu – Thơm ngon hồn thiêng dân tộc

11:36 | 30/12/2020

Làng nghề bánh chưng Bờ Đậu thuộc xã Cổ Lũng, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên ra đời đã gần 60 năm. Đây là một trong năm làng nghề bánh chưng nổi tiếng nhất khu vực miền Bắc. Sản phẩm bánh chưng Bờ Đậu giống như bánh chưng truyền thống nhưng chất lượng vượt bậc bởi những công đoạn chế biến cầu kỳ, cùng những tâm tình của người nghệ nhân được gói ghém trong những chiếc bánh xanh mướt.


Bánh chưng Bờ Đậu nức tiếng, một trong những làng nghề làm bánh chưng ngon nhất miền Bắc.

Món ngon truyền thống

Ngoài việc là nơi có loại trà Tân Cương, Thái Nguyên còn được biết tới bởi rất nhiều loại đặc sản nổi tiếng khác. Trong đó, bánh chưng Bờ Đậu luôn là một trong những loại bánh truyền thống mang đậm hương vị và bản sắc của vùng núi rừng nơi đây.

Theo lời người dân vùng này, tổ nghề của món bánh chưng này chính là cụ bà Nguyễn Thị Xuân. Cụ Xuân hay còn gọi là cụ Đấng là người của xã Cổ Lũng. Khi xưa, quán bánh của cụ mở ra ở ngay ven đường lúc nào cũng đông nghịt khách ra vào thưởng thức món bánh chưng. Chỉ cần đi qua thôi đã ngửi thấy hương thơm phảng phất của món bánh truyền thống nổi tiếng này.

Đến khi tuổi cao, cụ Đấng đã truyền lại nghề làm bánh chưng cho con cháu và cho đến ngày nay món bánh này vẫn luôn được lưu truyền và đã giúp cho nơi đây trở thành làng nghề truyền thống nổi tiếng. Hiện nay, làng nghề này vẫn còn rất nhiều hộ dân làm bánh chưng để kinh doanh nên món bánh này vẫn luôn được gìn giữ và nó đã trở thành món ăn đặc sản nổi tiếng của người Thái Nguyên. Bạn bè khắp mọi nơi xa gần cứ hễ nhắc tới vùng đất Thái Nguyên là lại nhắc tới món bánh này.

Đến nay, với lịch sử gần 60 năm duy trì và phát triển, bánh chưng Bờ Đậu đã khẳng định được thương hiệu và trở thành một trong 5 làng bánh chưng nổi tiếng nhất miền Bắc.

Làng nghề bánh chưng Bờ Đậu quanh năm đỏ lửa, những nồi bánh chưng phả hơi, mùi bánh mùi lá thơm lừng.

Bánh chưng Bờ đậu cũng giống như bao loại bánh chưng thông thường của người dân Việt Nam. Nguyên liệu chính cũng là gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn, lá dong… Thế nhưng, người Bờ Đậu đã ‘nâng tầm’ chiếc bánh này để mỗi khi thưởng thức, ai cũng phải tấm tắc khen. Làm được điều đó ngoài sự tỉ mỉ, khéo léo của người nghệ nhân thì khâu tuyển chọn nguyên liệu là quan trọng nhất.

Món bánh chưng này được làm từ gạo nếp được trồng tại khu vực núi rừng của huyện Định Hóa nên gạo rất dẻo và thơm. Lá dong dùng để gói phải là loại lá dong nếp dày và có bản rộng chủ yếu là lá dong rừng tự nhiên của vùng Chợ Đồn, Na Rì, Bạch Thông (Bắc Kạn), Võ Nhai, Định Hóa (Thái Nguyên), Chiêm Hóa (Tuyên Quang)… Về phần nhân bắt buộc phải làm bằng loại đỗ xanh lòng vàng, vỏ mỏng, có vị thơm tự nhiên. Thịt lợn trong nhân chủ yếu sử dụng thịt ba chỉ hoặc thịt nửa mỡ nửa nạc được tẩm ướp với hạt tiêu Bắc và các loại gia vị ít nhất một ngày trước khi gói.

Khi gói, người dân Bờ Đậu chỉ sử dụng tay mà không dùng đến khuôn để cảm nhận, điều chỉnh chiếc bánh thật chặt, vuông đều bằng nhau. Đây là điều đặc biệt mà chỉ riêng những nghệ nhân Bờ Đậu mới có. Bánh được gói chặt tay khi luộc thường không bị biến dạng, căng phồng mà vuông thành sắc cạnh, hạt nếp dẻo, rền bánh, có mùi thơm đậm đà. Bánh gói xong, thường phải luộc sôi khoảng 10 tiếng và lúc nào cũng phải để nước ngập bánh.

Người gói bánh chưng Bờ Đậu hoàn toàn không dùng khuôn, nhưng vẫn gói được những chiếc bánh đều tăm tắp.

Điều đặc biệt và bí quyết riêng để bánh chưng Bờ Đậu ngon mà không nơi nào có được là nguồn nước dùng để luộc bánh. Nước phải được dẫn từ núi Cẩm nằm sát phía sau làng nghề Bờ Đậu về để lắng lại trong các bể ở mỗi gia đình, sau đó mới bơm vào các nồi luộc. Theo người dân ở đây, nguồn nước này được coi như ‘nước giếng thần’, chỉ khi luộc bởi chính loại nước này mới cho được màu sắc đẹp và mùi thơm đặc biệt.

Tại những lò luộc bánh chưng lửa đỏ rực cả ngày, không khí lúc nào cũng như Tết, mùi bánh, mùi lá quyện vào nhau thơm nức.

Làm giàu từ bánh chưng

Bánh chưng ở đây không chỉ ăn ngày lễ, Tết, giỗ chạp mà được người ta mua vào bất kể ngày nào trong năm, giống như một thức quà bánh ngon, dành để biếu, tặng mọi người. Chính vì nhu cầu cao nên làng nghề bánh chưng Bờ Đậu ngày càng phát triển và mở rộng quy mô.

Ông Nguyễn Hải Âu – Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ và Thương mại Hảo Âu, Cựu Trưởng ban Quản lý làng nghề cho biết: “Ban đầu làng Bờ Đậu cũng có những nhà làm bánh chưng, nhưng quy mô nhỏ lẻ sản xuất manh mún nên không phát triển được chất lượng và thương hiệu. Đến năm 2009, làng nghề truyền thống bánh chưng Bờ Đậu ra đời, đáp ứng kỳ vọng của nhân dân. Sau đó năm 2013, sản phẩm của chúng tôi nhận được cúp vàng thương hiệu toàn quốc, năm 2014 thì vinh dự nhận danh hiệu làng nghề tiêu biểu toàn quốc. Cùng với đó, hàng năm, làng nghề đều đi dự thi cho các sản phẩm truyền thống tại các địa phương và đều giành được kết quả cao.”

Ông Nguyễn Hải Âu – Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ và Thương mại Hảo Âu, Cựu Trưởng ban Quản lý làng nghề bánh chưng Bờ Đậu.

Ông Âu cũng chia sẻ: Ban đầu từ một nghề truyền thống thì nay nghề làm bánh chưng đã phát triển theo hướng thương mại, nâng tầm chiếc bánh chưng, đưa chiếc bánh chưng đến nhiều vùng miền trong cả nước và nước ngoài. Nhiều nhà từ chiếc bánh chưng đã vươn lên làm giàu. Có những gia đình đã xây được nhà, mua được xe ô tô cũng nhờ chính món đặc sản địa phương này. Hiện tính cả làng nghề mỗi ngày gói được 1 tấn gạo. Mỗi gia đình bán ra được từ 200 – 300 chiếc bánh chưng các loại. Thời điểm cận tết, cả làng phải gói đến 4 tấn gạo.

Ông Nguyễn Hải Âu bên cạnh nồi bánh chưng khổng lồ, mỗi nồi có thể chứa được 300 chiếc.

Với kỹ thuật ngày càng cải tiến, nhiều gia đình đã sắm thêm nồi điện để đun bánh chưng, nâng kích thước của những chiếc nồi khổng lồ, luộc tối đa có thể được 300 chiếc bánh. Cải tiến hệ thống trục vớt bánh chưng trong nồi luộc để giảm thiểu công sức và thời gian lao động. Một số hộ đã nghĩ ra cách hút chân không để đem được bánh chưng đi xa, đóng những mã QR truy dấu nguồn gốc và đăng ký thương hiệu riêng.

Nghề làm bánh chưng truyền thống không chỉ giúp cho người dân xóm 9 Bờ Đậu có thu nhập ổn định mà còn kéo theo nhiều dịch vụ khác phát triển như: kinh doanh bánh chưng tại chỗ, vận chuyển bánh chưng ra các tỉnh, đi nước ngoài, cung cấp bánh chưng vào các siêu thị, cửa hàng, cung ứng gạo và nguyên liệu làm bánh, cung cấp chất đốt…

Bánh chưng đã giúp người dân Bờ Đậu vươn lên làm giàu.

Phục vụ Tết năm nay, bà con làng nghề bánh chưng Bờ Đậu ngoài bánh chưng truyền thống đã sản xuất thêm bánh chưng dài của dân tộc Tày, bánh chưng lá giềng, bánh chưng gấc, bánh chưng nếp cẩm… tạo nên sự phong phú, mới mẻ cho sản phẩm, đáp ứng đa dạng nhu cầu người tiêu dùng. Trong đó, bánh được chia làm nhiều loại, giá cả cũng có sự chênh lệnh nhau. Đối với loại bánh chưng nhỏ được bán với giá 20.000 đồng/1 chiếc. Loại bánh chưng vuông nhỡ có giá 30.000 – 40.000 đồng/1 chiếc. Đối với bánh vuông to, chủ yếu bán trong ngày tết có giá khoảng 50.000 đồng/1 chiếc.

 

Quang Tới – Đình Tuyến

Video hay


Cùng chuyên mục

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

AMS AMBASSADOR 2024: Khi các đại sứ Ams chứng minh câu nói: “Học sinh chuyên không chỉ giỏi việc học!”

AMS AMBASSADOR 2024: Khi các đại sứ Ams chứng minh câu nói: “Học sinh chuyên không chỉ giỏi việc học!”

Hà Tĩnh: Cô bé có tấm lòng nhân hậu

Hà Tĩnh: Cô bé có tấm lòng nhân hậu

Doanh nhân Đỗ Thị Hồng đạt ngôi vị Hoa hậu Nhân ái tại Miss Business Earth 2024

Doanh nhân Đỗ Thị Hồng đạt ngôi vị Hoa hậu Nhân ái tại Miss Business Earth 2024

Chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hồ Chí Minh và chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám

Chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hồ Chí Minh và chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám

Tiến sỹ, đại tá Nguyễn Thanh Liêm giữ chức vụ Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình

Tiến sỹ, đại tá Nguyễn Thanh Liêm giữ chức vụ Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình

Thủ tướng: Chính phủ quyết tâm chuyển đổi số sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả

Thủ tướng: Chính phủ quyết tâm chuyển đổi số sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả