Từ cụm dịch liên quan bệnh viện Việt Đức với 42 ca nhiễm, hơn 9.000 người cách ly; các chuyên gia cho rằng có thể rút ra nhiều bài học về chống dịch sau nới lỏng giãn cách.
Hà Nội nới lỏng các biện pháp giãn cách từ ngày 21/9, cho phép bán hàng ăn mang về và một số dịch vụ khác, vẫn duy trì các chốt kiểm soát dịch bệnh tại cửa ngõ. Chỉ sau 9 ngày, hai ca nhiễm cộng đồng được phát hiện, chỉ điểm chuỗi lây nhiễm tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Bệnh viện dừng tiếp nhận bệnh nhân thông thường, cách ly tạm thời một tòa nhà để phòng chống dịch.
Bệnh viện Việt Đức đã thành lập tổ công tác phòng chống dịch, tận dụng lợi thế có nhiều tòa nhà khác nhau để phong tỏa từng khu nhà khi phát hiện các yếu tố nguy cơ. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội tiếp tục điều tra, truy vết, kiểm soát chuỗi lây nhiễm.
Các chuyên gia nhận định nhiều khả năng còn ghi nhận các ca mới liên quan Việt Đức, có thể tập trung vào nhóm có nguy cơ cao như bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, nhân viên y tế… đã được cách ly.
“Mức độ tiếp xúc và nguy cơ của cụm dịch bệnh viện Việt Đức cao và phức tạp hơn do người bệnh, người nhà di chuyển nhiều giữa các khoa, phòng khác nhau”, bác sĩ Trương Quang Việt, Phó giám đốc CDC Hà Nội, nói. Tuy nhiên, ông cho rằng hiện Hà Nội đã cơ bản kiểm soát được tình hình dịch tại Việt Đức.
Đến nay vẫn chưa rõ nguồn lây nhiễm cho cụm dịch bệnh viện Việt Đức. Song, các chuyên gia cho rằng nhiều tỉnh nới lỏng giãn cách, mở cửa theo lộ trình “bình thường mới”, không nên chủ quan, lơ là các biện pháp phòng chống dịch, nhất là trong bệnh viện có nhiều người yếu thế.
Phó giáo sư Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội, sáng 4/10 nhận định mầm bệnh vẫn âm thầm lây lan trong cộng đồng, khó có thể phát hiện và cách ly hoàn toàn các F0. Tiêm vaccine và các biện pháp phòng ngừa không đặc hiệu khác chỉ giúp kiểm soát không để dịch bùng phát diện rộng chứ không thể ngăn chặn hoàn toàn dịch bệnh. Trong khi đó, bệnh viện là nơi tập trung đông người từ nhiều cộng đồng dân cư khác nhau, có nhiệm vụ cấp cứu chăm sóc người bệnh và chống dịch. Vì vậy, bệnh viện có nguy cơ cao lây nhiễm Covid-19.
“Chúng ta chấp nhận mở cửa thì phải chủ động phòng ngừa và sẵn sàng chấp nhận những ca nhiễm mới. Sống chung không có nghĩa là buông lỏng việc phòng ngừa và không tổ chức dập dịch khi được phát hiện”, phó giáo sư Hùng nói.
Cùng quan điểm về nguy cơ bùng dịch cao tại bệnh viện, bác sĩ Trương Hữu Khanh, chuyên gia dịch tễ, cố vấn khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, cho rằng trong trạng thái “bình thường mới”, nới lỏng giãn cách khiến bệnh nhân và người nhà đôi khi chủ quan, không đeo khẩu trang, đổi người chăm sóc thường xuyên, bệnh nhân đi lại ở nhiều khoa, phòng, không tuân theo khuyến cáo của bác sĩ. Khi có một ca bệnh lọt vào viện, dịch bệnh lây lan nhanh chóng, còn nguồn lực y tế có hạn, không thể mong có “zero Covid”.
Ổ dịch bệnh viện Việt Đức đặt ra vấn đề về xét nghiệm phát hiện Covid-19 tại cơ sở y tế, theo phó giáo sư Hùng. Ông giải thích mọi người dân đều có nguy cơ nhiễm bệnh nếu chủ quan, lơ là, có thể phát bệnh sau vài ngày dù xét nghiệm âm tính. Vì vậy bệnh viện không nên chỉ dựa vào một tờ giấy xét nghiệm để sàng lọc cho người bệnh và người nhà mà cần khám sàng lọc trên nền tảng các triệu chứng và yếu tố dịch tễ.
Các bệnh viện phân luồng bệnh nhân ngay từ cổng, chia khu nội trú, ngoại trú riêng. Người đến từ vùng có dịch hoặc có biểu hiện nghi nhiễm như bị ho, sốt, phải được đưa vào khu sàng lọc riêng để xét nghiệm Covid-19. Trong thời gian chờ đợi kết quả xét nghiệm, họ cần được đưa vào khu cách ly tạm thời, đến khi loại trừ được nguy cơ mới có thể tiếp tục khám chữa bệnh như những bệnh nhân khác. Nhân viên y tế, bệnh nhân điều trị nội trú tại bệnh viện nên được xét nghiệm định kỳ hàng tuần.
Trong tình hình dịch hiện tại, bệnh viện cần tuân thủ chặt hơn hướng dẫn từ Bộ Y tế về xét nghiệm hàng tuần cho bệnh nhân và người nhà chăm sóc. Xét nghiệm kỹ lưỡng, phân khu điều trị và tiêm chủng cho bệnh nhân nội trú dài ngày, “giúp hạn chế lây nhiễm, nhanh chóng khoanh vùng, dập dịch ở bệnh viện”, theo bác sĩ Khanh.
Phó giáo sư Hùng đề xuất thêm là cần siết chặt kiểm soát người ra vào tại bệnh viện, tránh tình trạng thoải mái ra vào khiến mầm bệnh dễ xâm nhập. Cơ sở y tế đảm bảo mỗi bệnh nhân chỉ có tối đa một người thân chăm sóc, không tổ chức thăm nom; áp dụng các phương pháp dinh dưỡng tại chỗ để hỗ trợ bệnh nhân yên tâm điều trị.
Đến sáng 5/10, liên quan Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, đã phát hiện tổng cộng 42 ca ở 5 tỉnh thành, trong 6 ngày. Riêng Hà Nội 34 ca gồm hai người thuộc khoa Ung bướu ở tầng 8 nhà D và nhà ăn bệnh viện; 8 người ở khoa Phẫu thuật tiêu hóa và 21 người ở Trung tâm phẫu thuật Đại trực tràng tầng sinh môn, đều ở tầng 7 nhà D; một tại khoa Hồi sức tích cực 2; hai người từ khu vực phong tỏa đường Phủ Doãn.
Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cách ly y tế từ ngày 30/9.
Theo VNE