Văn hóa giao thông là một trong những chủ đề quan trọng được các cấp, các ngành và cộng đồng quan tâm. Xây dựng văn hóa giao thông sẽ góp phần hạn chế ùn tắc và tai nạn giao thông, tạo cơ sở vững chắc cho một nền giao thông văn minh và hiện đại, một môi trường giao thông an toàn, nhân ái và thân thiện cho con người và vì con người.
Thời gian qua, công tác đào tạo, sát hạch, cấp, đổi giấy phép lái xe (GPLX) trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã có những chuyển biến tích cực. Đặc biệt, là sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan quản lý Nhà nước trong công tác tổ chức, quản lý, phòng, chống tiêu cực, qua đó đã ngăn chặn những nhũng nhiễu, bất cập xảy ra trong lĩnh vực này. Về phía các cơ sở đào tạo, đã mạnh mẽ đầu tư đổi mới cả về cơ sở vật chất và con người, nghiêm túc trong thi cử để đảm bảo chất lượng đầu ra.
Bắc Ninh hiện có 08 cơ sở đào tạo lái xe, trong đó có 06 trung tâm đào tạo lái xe cả mô tô và ô tô, 01 trung tâm chỉ đào tạo ô tô và 01 trung tâm chỉ đào tạo lái xe mô tô hạng A1, A2. Bên cạnh đó nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, các cơ sở đào tạo đã đầu tư xây dựng trung tâm sát hạch đồng bộ, hiện đại phục vụ cho học viên học và dự các kỳ sát hạch cấp giấy phép lái xe (có 06 trung tâm sát hạch lái xe bao gồm: 01 trung tâm sát hạch lại 1, 03 trung tâm sát hạch loại 2 và 02 trung tâm sát hạch loại 3).
Trong 6 tháng đầu năm 2023, Sở Giao thông Vân tải Bắc Ninh đã sát hạch 25.900 học viên, với 10.289 học viên đã được cấp GPLX.
Ngoài việc chú trọng xây dựng văn hóa giao thông cho học viên, các cơ sở đào tạo lái xe ở Bắc Ninh còn nghiêm túc trong hoạt động thi sát hạch ô tô. (Ảnh – cán bộ Trung tâm Đào tạo và Sát hạch lái xe Đông Đô dùng máy kiểm tra bộ thiết bị công nghệ cao để gian lận thi lý thuyết ô tô trước khi vào phòng thi.
Trao đổi với Tạp chí Văn Hiến Việt Nam, ông Tống Ngọc Đông – Trưởng Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái, Sở Giao thông Vận tải Bắc Ninh cho biết: Thời gian qua, Sở thường xuyên chỉ đạo các cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe đầu tư cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học lái xe, thực hiện đồng bộ theo đúng lộ trình quy định của Bộ GTVT. Đến nay, các cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe đã đầu tư bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại và đồng bộ. Triển khai hoàn thành lắp đặt, đưa phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông vào nội dung giảng dạy, hệ thống thiết bị giám sát quãng đường học thực hành lái xe, ca-bin điện tử, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để quản lí thời gian học lý thuyết…
Cùng với đó, các nội dung bài giảng về đạo đức người lái xe, về văn hóa khi tham gia giao thông đường bộ cũng được các cơ sở triển khai tích cực đến các học viên, điển hình như: Không tham gia, cổ vũ các hoạt động gây rối, cản trở làm mất trật tự an toàn giao thông; không vi phạm cũng như tiếp tay cho các hành vi vi phạm pháp luật, trật tự an toàn giao thông; khi phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông hãy phê phán hoặc ngăn chặn; chấp hành nghiêm túc hệ thống báo hiệu giao thông đường bộ; không sử dụng bia, rượu trước khi điều khiển phương tiện giao thông; không điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định; giúp đỡ người già, người khuyết tật, người bị nạn cũng như trẻ em và những người có hoàn cảnh khó khăn khi tham gia giao thông; khi xảy ra tai nạn giao thông thái độ cần hợp tác, hành vi ứng xử văn minh và lịch sự,… Thông qua các nội dung bài giảng, các học viên sau khi được cấp GPLX sẽ là người tham gia giao thông có văn minh, nắm chắc được những vấn đề cơ bản về phẩm chất, đạo đức và văn hóa khi tham gia giao thông.
Sử dụng ca-bin điện tử trong quá trình đào tạo lái xe tại Trung tâm Đào tạo và sát hạch lái xe Bắc Hà.
Ông Nguyễn Văn Minh – Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Sát hạch lái xe Đông Đô cho hay, ý thức của người điều khiển phương tiện giao thông cần được xây dựng ngay từ khi họ bắt đầu học. Bên cạnh việc giảng dạy kiến thức và kỹ năng khi tham gia giao thông, cơ sở còn cho người học thấy rằng nếu không nắm chắc các quy tắc về an toàn thì khi điều khiển phương tiện sẽ rất dễ gây tai nạn. Cùng với đó, các học viên cần nhận thức được đằng sau tay lái là trái tim. Vì vậy, mỗi người phải tự nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ để đảm bảo an toàn cho chính mình và cộng đồng.
Học viên Nguyễn Văn Phương, thị trấn Thứa, huyện Lương Tài cho hay, trong quá trình học để cấp GPLX ngoài phần học lý thuyết và phần học thực hành lái xe, trường còn lồng ghép các chương trình tuyên truyền về văn hóa khi tham gia giao thông. Tôi thấy những buổi tuyên truyền đó rất bổ ích và ý nghĩa. Qua đây, tôi thấy mình nhận thức được trách nhiệm của bản thân khi ngồi trước vô lăng, đồng thời phải luôn chấp hành đúng Luật Giao thông khi tham gia giao thông.
Để nâng cao chất lượng dạy và học trong đào tạo, sát hạch lái xe, song hành với việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện đảm bảo các tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành thì đội ngũ giáo viên dạy lái cũng phải đáp ứng đủ các tiêu chuẩn theo quy định, ông Minh cho biết thêm.
Với việc nghiêm túc trong công tác đào tạo, sát hạch lái xe tại Bắc Ninh thời gian qua, cùng với đó là việc xây dựng văn hóa giao thông cho người học ngay tại các cơ sở đào tạo sẽ giúp mọi người ý thức được văn hoá giao thông là đạo đức của mỗi người, ý thức đó sẽ đem lại sự an toàn cho bản thân và cộng đồng, góp phần tạo thêm hình ảnh đẹp cho những tuyến đường.
PV
Nguồn: TCVHVN