Gia Cát Lượng là một chính trị gia và nhà quân sự kiệt xuất trong lịch sử Trung Quốc. Từ hàng nghìn năm nay, ông được coi là hoá thân của trí tuệ và tài thao lược. Ông từng đưa ra 3 tiên tri, cả 3 đều chuẩn xác, trong đó lời tiên tri cuối cùng đã ứng nghiệm hơn 300 năm sau.
Gia Cát Lượng, tự Khổng Minh, hiệu Ngọa Long, là một chính trị gia và nhà quân sự kiệt xuất trong lịch sử Trung Quốc. Thời trẻ, ông sống ẩn cư ở vùng Long Trung. Gia Cát Lượng thường tự so sánh mình với Quản Trọng, Nhạc Nghị. Từ hàng nghìn năm nay, ông được coi là hoá thân của trí tuệ và tài thao lược. Ông không chỉ có tài tính toán sau màn trướng mà còn có thể bấm tay bói toán, giỏi thuật chiêm tinh và xem phong thủy, đoán trước được tương lai. Mọi người lúc đó đều xem thường những khả năng này của ông, chỉ có những người bạn như Từ Thứ, Thôi Châu Bình tin vào tài trí của Gia Cát Lượng. Ông từng đưa ra 3 tiên tri, cả 3 đều chuẩn xác, trong đó lời tiên tri cuối cùng đã ứng nghiệm hơn 300 năm sau.
1. Dự đoán chính xác tương lai của bạn
Theo ghi chép trong “Tam quốc chí”, vào những năm đầu Kiến An, Gia Cát Lượng cùng những người bạn Từ Thứ, Thạch Nghiễm Nguyên, Mạnh Công Uy đi học xa nhà ở Kinh Châu. Ba người bạn học hành rất chăm chỉ, nhưng chỉ có Gia Cát Lượng là người duy nhất xem bài qua loa, mỗi ngày đều ung dung chờ đợi, ôm gối thở dài nói với ba người bạn rằng: “Xem số làm quan của ba huynh, các huynh có thể làm tới Thứ sử, quận thú”.
Ba người bạn hỏi làm sao Gia Cát Lượng biết được, nhưng ông chỉ cười không trả lời. Sau này, Mạnh Công Uy nhớ quê hương và muốn trở về phương bắc, Gia Cát Lượng nói: “Trung Quốc có nhiều sĩ đại phu như vậy, cần ngao du bốn phương, sao phải trở về quê hương!”
Nhiều năm sau, lời tiên đoán của Gia Cát Lượng đã thành hiện thực. Từ Thứ làm chức quan tới Ngự sử trung thừa, tương đương Viện trưởng Viện Kiểm sát tối cao, là Thứ sử thống lĩnh 13 châu; Mạnh Công Uy làm chức Thứ sử Lương Châu. Thứ sử là một loại Ngự sử, tiến hành giám sát trách nhiệm. Sau khi Thạch Nghiễm Nguyên quy phục Tào Tháo, ông đã làm quan lên tới chức Quận thú. Gia Cát Lượng đã biết trước đường quan lộ của các bạn, ông đã trở thành một kỳ nhân lớn thời đó.
2. Con trai không phải là nhân tài
Gia Cát Chiêm là con trưởng của Gia Cát Lượng. Gia Cát Lượng rất quan tâm đến Gia Cát Chiêm. Một lần nhận được thư của Gia Cát Chiêm, chữ viết rất xấu. Gia Cát Lượng rất không hài lòng, đồng thời cảnh cáo Gia Cát Chiêm uống rượu cần có chừng mực. Năm Kiến Hưng thứ 12 (năm 234), Gia Cát Lượng từng viết thư cho anh trai là Gia Cát Cẩn, nói rằng: “Gia Cát Chiêm năm nay đã 8 tuổi, tuy rằng rất thông minh dễ thương, nhưng Gia Cát Chiêm trưởng thành quá sớm, e rằng sẽ không thành nhân tài”.
Vào mùa thu năm Viêm Hưng thứ nhất (năm 263), Tư Mã Chiêu, Đại tướng quân của Tào Ngụy, lập kế hoạch tấn công quy mô lớn vào nước Thục. Đặng Ngải dẫn quân nhanh chóng tấn công Phù Thành và Miên Trúc. Gia Cát Chiêm tại Phù Thành lại chùn bước, không tiến lên. Hoàng Sùng nhiều lần khuyên Gia Cát Chiêm nhanh chóng tiến quân, chiếm giữ những địa thế hiểm trở, không cho quân địch tiến vào đất bằng. Đáng tiếc là Gia Cát Chiêm do dự và không nghe theo. Vì điều này mà Hoàng Sùng rơi nước mắt. Đặng Ngải đánh thẳng một mạch, Gia Cát Chiêm dẫn quân rút về phòng giữ Miên Trúc. Hoàng Sùng khích lệ bộ hạ của mình tử chiến và bản thân Hoàng Sùng cuối cùng cũng bị giết. Gia Cát Chiêm cố hết sức chống cự, cuối cùng, cả ông và con trai Gia Cát Thượng đều tử trận. Không lâu sau, Đặng Ngải đến Thành Đô, Lưu Thiện đầu hàng, Thục Hán diệt vong.
3. Sau Vạn Tuế vượt ta qua đây
Vào năm Kiến Hưng thứ nhất (năm 223), danh gia vọng tộc Ung Khải của quận Ích Châu lợi dụng Hoàng đế Lưu Bị của Thục Hán qua đời ở Vĩnh An, thừa cơ giết chết Thái thú Chánh Ngang, dấy binh kêu gọi bốn quận ở Nam Trung nổi dậy chống lại Thục Hán. Lúc này, chính quyền Thục Hán bị quân Tào Ngụy, Đông Ngô và Nam Trung bao vây ba phía, có thể nói chế độ Thục Hán lúc bấy giờ đang lung lay sụp đổ. Nhằm thoát khỏi tình thế bất lợi đó, Gia Cát Lượng, tể tướng của Thục Hán nắm thời cơ, vào năm Kiến Hưng thứ 3 (năm 225), Gia Cát Lượng đích thân dẫn hàng vạn quân tiến vào ba hướng, bình định phiến loạn ở Nam Trung.
Gia Cát Lượng dẫn đầu đại quân, thế mạnh như vũ bão, vùng Nam Trung thúc thủ đầu hàng, Gia Cát Lượng áp dụng chiến lược “đánh vào tâm lý là hàng đầu, đánh vào thành là sau; tâm chiến làm đầu, binh chiến là kế sau”. Câu chuyện về bảy lần bắt được Mạnh Hoạch diễn ra ở đây, cho đến khi Mạnh Hoạch phải bội phục sát đất Gia Cát Lượng, và hứa về sau nhất định không tạo phản nữa. Đội quân do Gia Cát Lượng chỉ huy đã đi xuống phía nam, đến tận Tinh Linh Xuyên (nay là Đại Diêu, Vân Nam), Lộng Đống (nay là bắc Diêu An, Vân Nam), Tiểu Bột Lông và Đại Bột Lông (đều ở phía đông nam của Hạ Quan, Vân Nam), và tiến vào vào khu vực Nam Ninh. Đi được mấy trăm dặm, Gia Cát Lượng thấy giặc đã bị đánh bại, đã quyết định lập bia ghi công. Trên tấm bia, Gia Cát Lượng chỉ viết chín chữ: “Vạn tuế chi hậu, thắng ngã giả quá thử” (Sau Vạn Tuế vượt ta qua đây).
Thoán Ngoạn, người Vân Nam, nguyên là vua Phiên của Vân Nam vào cuối thời nhà Tùy và đầu thời nhà Đường. Thoán Ngoạn nổi dậy chống lại nhà Tùy. Tháng 2 năm Khai Hoàng thứ 17 (năm 597), Hoàng đế Tuỳ Văn Đế phái Sử Vạn Tuế làm chỉ huy hành quân đánh Thoán Ngoạn. Sử Vạn Tuế dẫn quân vào tỉnh Nam Ninh. Thoán Ngoạn cố thủ nhưng đã bị Sử Vạn Tuế đánh bại. Quân Tùy đi hàng trăm dặm, khi ngang qua tấm bia ghi công của Gia Cát Lượng, thấy trên bia đá có khắc dòng chữ: “Vạn tuế hậu, thắng ngã giả quá thử”. Hoá ra ‘Vạn tuế’ mà Gia Cát Lượng đề trên bia đá là chỉ Sử Vạn Tuế.
Sau đó, Sử Vạn Tuế ra lệnh lật ngược tấm bia rồi tiếp tục tiến về phía tây, liên tục chiến đấu hơn nghìn dặm, tiêu diệt hơn 30 bộ tộc Khương ở phía tây nam, bắt sống hơn 20 vạn người. Chư Khương vô cùng sợ hãi, Thoán Ngoạn buộc phải đầu hàng.
Gia Cát Lượng dựng bia đá này đã tiên đoán chính xác rằng sau hơn 300 năm sau sẽ có một vị tướng tên là Vạn Tuế sẽ vượt qua ông và tiến quân xa hơn về phía nam. Quả thực là thần kỳ!
Theo SOH