Ai là người vợ miền Nam trong tuyệt phẩm gửi người vợ miền Nam của Nguyễn Bính?

15:13 | 22/02/2023

Sau khi tôi đưa bài Nguyễn Bính và Lê Duẩn, có bạn điện hỏi tôi: Nguyễn Bính có hai người vợ miền Nam vậy người nào là đối tượng của bài thơ nổi tiếng Gửi người vợ miền Nam?


Nguyễn Bính, đầu bên trái, ảnh thời ở nhà Đông Hồ – Mộng Tuyết ở Hà Tiên.

Thực ra, câu hỏi này đã được nhà báo Trần Đình Thu đưa ra những cứ liệu rõ ràng để trả lời cho cuộc tranh cãi giữa nhà thơ Lê Thiếu Nhơn với nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhà văn Minh Chuyên và một số bạn văn HN qua tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 2008, cách đây đã 15 năm.

Tuy vậy, rất nhiều người trong giới văn nghệ vẫn chưa biết sự thật, vẫn cho bà Nguyễn Hồng Châu, tên thật là Nguyễn Lục Hà, mẹ nhà thơ Nguyễn Bính Hồng Cầu, chính là người vợ miền Nam trong thơ Nguyễn Bính.

Khi bà Nguyễn Hồng Châu mất năm 2017, lúc 97 tuổi, nhà thơ Thanh Thảo viết một bài thương nhớ bà trên báo Thanh niên, đã gọi bà là người vợ miền Nam trong hai bài thơ Gửi người vợ miền Nam và Đêm sao sáng. Tôi có điện hỏi anh chắc anh không biết đối tượng của hai bài thơ trên không phải là bà Nguyễn Hồng Châu mà là một người vợ miền Nam khác của Nguyễn Bính, bà Mai Thị Mới. Thanh Thảo khẳng định anh chưa biết gì về thông tin đó. Và có lẽ cho đến nay, vẫn còn nhiều người chưa tường tận sự thật trên như nhà thơ Thanh Thảo và người bạn đã hỏi tôi trên nên tôi xin trả lời theo những gì tôi biết.

Bà Nguyễn Hồng Châu tên thật Nguyễn Lục Hà là một trí thức cách mạng đáng kính. Bà là con một gia đình chí sĩ yêu nước chống Pháp gốc Nghệ, được kết nạp Đảng từ năm 1938, khi hoạt động bí mật trong phong trào học sinh sinh viên Sài Gòn. Bố mẹ và hai anh trai của bà đều bị giặc Pháp hại chết. Bản thân bà từng bị bắt giam 2 năm trong lao tù giặc Pháp 2 năm trước cách mạng tháng 8. Bà gặp Nguyễn Bính khi làm báo Quân khu 9 ở bưng biền Nam bộ. Bà có lẽ là phụ nữ xinh đẹp và học thức bậc nhất ở chiến khu hồi đó. Nguyễn Hồng Châu sinh năm 1920, kém Nguyễn Bính 2 tuổi. Trước khi được Bí thư Xứ ủy Nam bộ Lê Duẩn xe duyên với Nguyễn Bính để giữ chân ông ở kháng chiến, bà từng có người yêu là Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh bị kẻ thù giết hại rồi lấy một người chồng làm giáo viên nhưng đã ly hôn sau khi có một con gái. Nguyễn Bính và Nguyễn Hồng Châu cưới nhau vào tháng 10/1951. Tuy vậy, không biết vì lý do gì và do ai chủ động, chỉ biết họ đã chính thức ly hôn chỉ sau chưa đến một năm chung sống. Theo nhà báo Trần Đình Thu, tờ giấy ly hôn của họ do Ủy ban Kháng chiến Hành chính huyện Cà Mau ký ngày 3/8/1952. Lúc họ được chấp thuận ly hôn, bà Nguyễn Hồng Châu đang mang thai nhà thơ Nguyễn Bính Hồng Cầu.

Sau khi ly hôn với bà Nguyễn Hồng Châu, trên đường công tác đi về thôn Hương Mai, xã Phong Nẫm, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre, Nguyễn Bính đã gặp, yêu rồi cưới một người con gái quê là Mai Thị Mới. Đầu năm 1954, bà Mai Thị Mới sinh cho ông một cô con gái. Vợ chồng Nguyễn Bính thống nhất lấy tên quê vợ, làng Hương Mai, đặt tên cho con gái của họ.

Những gì Nguyễn Bính viết trong bài thơ Gửi người vợ miền Nam, bài thơ viết khi bà Nguyễn Hồng Châu không còn là vợ của ông, không có gì lạ khi đều nhắc đến những kỷ niệm với người vợ miền Nam thứ hai, Mai Thị Mới, và đứa con gái miền Nam thứ hai của ông, Nguyễn Hương Mai.

Đó là buổi gặp gỡ ban đầu ở xứ dừa Bến Tre:

Nhớ lại buổi chúng mình gặp gỡ

Xanh bóng dừa bỡ ngỡ nhìn nhau

Cắn môi chẳng nói nên câu

Ai hồng đôi má nghiêng đầu làm thinh

Đường công tác thuyền anh ghé bến

Anh ngập ngừng em thẹn quay đi

Mẹ cười mẹ chẳng nói chi

Đã người kháng chiến mẹ thì cho không…

Đó là niềm vui khôn tả khi mối tình mới của ông rất nhanh đơm hoa kết trái, người vợ báo cho ông biết bà đã mang thai với ông trong ngày cưới, và họ nhanh chóng có một cô con gái và lấy tên quê hương đặt tên cho con:

Trăng hè giãi sáng màu áo cưới

Gió hương bay hoa bưởi thơm lừng

Ghé tai em báo tin mừng

“Nói riêng anh biết anh đừng khoe ai”

Trải chín tháng mười ngày mong mỏi

Sớm đầu xuân ấy buổi khai hoa

Hương Mai tên xóm quê nhà

Vợ chồng liền đặt tên là Hương Mai

Chỉ chừng ấy thôi chắc đã đủ trả lời rõ câu hỏi mà bạn tôi hỏi ai là người vợ miền Nam trong tuyệt phẩm Gửi người vợ miền Nam, bài thơ mà hàng triệu người miền Nam tập kết trên đất Bắc hồi ấy gần như ai cũng nhớ…

NGUYỄN THẾ KHOA (VHVN)

Cùng chuyên mục

Hiệp định Geneve 1954: Một mốc son lịch sử của nền ngoại giao Việt Nam

Hiệp định Geneve 1954: Một mốc son lịch sử của nền ngoại giao Việt Nam

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số

Tinh thần Điện Biên Phủ trên sàn tập “Mệnh lệnh từ trái tim”

Tinh thần Điện Biên Phủ trên sàn tập “Mệnh lệnh từ trái tim”

Khơi dậy tinh thần đọc sách đến học sinh tiểu học Thủ đô

Khơi dậy tinh thần đọc sách đến học sinh tiểu học Thủ đô

Gia Lai: Sôi nổi Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc thiểu số ở huyện Krông Pa

Gia Lai: Sôi nổi Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc thiểu số ở huyện Krông Pa

Thủ tướng chỉ đạo những nhiệm vụ chiến lược, quan trọng để Lạng Sơn phát triển nhanh, bền vững

Thủ tướng chỉ đạo những nhiệm vụ chiến lược, quan trọng để Lạng Sơn phát triển nhanh, bền vững

Hà Tĩnh: Tổ chức thành công “Hội thi Tổ liên gia an toàn PCCC” tại huyện Đức Thọ

Hà Tĩnh: Tổ chức thành công “Hội thi Tổ liên gia an toàn PCCC” tại huyện Đức Thọ

Hà Tĩnh: Nuôi dưỡng, phát huy văn hóa đọc cho giáo viên và học sinh

Hà Tĩnh: Nuôi dưỡng, phát huy văn hóa đọc cho giáo viên và học sinh

Bắc Giang: Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024

Bắc Giang: Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024