Đã từ lâu, nghệ thuật tuồng được coi là một “quốc bảo” của văn hóa truyền thống dân tộc, nơi lưu giữ và truyền bá chủ nghĩa nhân văn, đạo lý làm người, tinh thần yêu nước của dân tộc Việt Nam, một lâu đài nghệ thuật độc đáo, ngời sáng, rất đáng ngưỡng mộ trong nền sân khấu nhân loại.
Cũng với Thừa Thiên Huế và Bình Định, Quảng Nam được coi là một trong những cái nôi, một trong những trung tâm lớn nhất trong sự phát triển của nghệ thuật tuồng. Theo một số tư liệu lịch sử thì nghệ thuật tuồng có mặt ở dinh trấn Quảng Nam khá sớm, trong thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên, vào thế kỷ 17 với sự xuất hiện của Lộc Khê hầu Đào Duy Từ, người được coi là “tiên tổ” của nghệ thuật tuồng, với vở diễn được coi là kiệt tác của nghệ thuật tuồng: vở “Sơn hậu”.
Đến thời Minh Mang, Thiệu Trị, Tự Đức, Thành Thái ở thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, nghệ thuật tuồng từ triều đình Huế đã lan tỏa và phát triển mạnh mẽ ở đất Quảng Nam với hai làng tuồng được coi là cái nôi tuồng của xứ Quảng là Đức Giáo ở Quế Sơn và Khánh Thọ ở Tam Kỳ ngày nay. Một bia đá ở Khánh Thọ ghi rằng khánh thành cái đình làng này vào thời Thiệu Trị, có tổ chức Hát Bội. Như thế có nghĩa là nghệ thuật này đã có mặt ở vùng đó từ trước khá lâu, đến lúc ấy đã hoàn chỉnh ở mức độ nhất định. Còn làng Đức Giáo thì nhân dân trong vùng truyền tụng câu sau đây: “Đức Giáo vô địa lập chùy, dĩ xướng ca ví nghệ”. Làng này có bốn tộc, lần lượt người của mỗi tộc thay nhau làm lý trưởng và ai làm lý tưởng thì kiêm luôn chức vụ bầu gánh Hát Bội của làng.
Theo GS Hoàng Châu Ký, bậc thông tuệ của tuồng xứ Quảng, thì người được triều đình phong chức vụ chánh quản ca đầu tiên ở đây là ông Quản Lan, một nghệ sĩ lỗi lạc ở Tam Kỳ. Trường hát đầu tiên ở tỉnh cũng ở Tam Kỳ, do chính ông Quản Lan xây dựng, trước lợp tranh sau lợp ngói.
Trước đây gọi trường hát là rạp được xây dựng cố định, gọi rạp là dựng tạm để diễn một đợt nào đó rồi phá dỡ. Bên cạnh Quản Lan, ông Cửu Vị (thân sinh nghệ sĩ Chánh Phẩm) cũng là một thầy tuồng kiệt xuất quê Tam Kỳ hay ông Thập Quảng, thân sinh NSND Nguyễn Nho Túy, quê Điện Bàn nhưng hoạt động ở Bàn Toa (trước thuộc Duy Xuyên nay thuộc Đại Lộc), và trước đó là ông Nhưng Đa ở Quế Sơn, ông Nhưng Nguyên ở Điện Bàn, là những tên tuổi đầy tự hào của tuồng xứ Quảng thời đó.
Đóng góp quan trọng cho sự phát triển vượt bậc của nghệ thuật tuồng Quảng Nam, khẳng định mình như một dòng tuồng lớn của đất nước bên cạnh tuồng Huế và tuồng Bình Định là ông Tuần An Quán Nguyễn Hiển Dĩnh (1853-1926). Từng làm án sát, bố chính, tuần phủ nhiều năm suốt từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi, luôn tự xưng là một ‘quan tuồng”, từng lập gánh tuồng riêng tại nhiệm sở khi đương quyền, khi về hưu, Nguyễn Hiển Dĩnh đã lập hẳn một trường đào tạo nghệ thuật tuồng ngay tại quê hương An Quán, Điện Bàn. Tại đây, ông đã truyền bá những triết lý sân khấu thâm thúy: “Thốn thổ thị triều đình, châu quận/Nhất thân đô phụ tử, quần thần””, tổng kết và nâng cao kỹ năng hát múa và diễn xuất của nghệ thuật tuồng, đào tạo nên nhiều nghệ sĩ kiệt xuất mà tiêu biểu là “Ngũ mỹ của tuồng Quảng Nam”:
Nguyễn Nho Tuý (Đội Tảo) vai kép, Nguyễn Lai vai nịnh, Chánh Đệ vai tướng, Chánh Phẩm vai lão, Văn Phước Khôi vai hề. Tại trường tuồng An Quán, Nguyễn Hiển Dĩnh đã cho ra đời hơn 20 vở tuồng do ông sáng tác, nhuận sắc trong đó có cac vở được coi là mẫu mực của tuồng Quảng Nam như “Lý Mã Hiền”, “Phong Ba Đình”, “Võ Hùng Vương”, “Lục Vân Tiên”, “Trương Đồ Nhục”, “Giáp kén xã Nhộng”…Tại đây, ông cũng đã góp phần đào tạo người cháu của ông trở thành một soạn giả tuồng danh tiếng, đó là nhà soạn tuồng Tống Phước Phổ…
Giai đoạn đầu thế kỷ XX đến năm 1920 là giai đoạn phát triển rực rỡ nhất của tuồng Quảng Nam. Bên cạnh trường tuồng An quán của Nguyễn Hiển Dĩnh là sự ra đời của rạp hát Chú Châu (Hội An), trường Tuồng Vĩnh Điện (thị trấn Vĩnh Điện, huyện Điện Bàn), trường Bàu Toa (xã Đại Thanh, huyện Đại Lộc) và một loạt các trường Tuồng khác ra đời ở Đà Nẵng như: Miếu Bông (xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang), Chợ Mới (phường Hòa Thuận Đông, quận Hải Châu), Nam Ô (phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu)…
Sau cách mạng tháng Tám, hầu hết các nghệ sĩ nổi tiếng của tuồng Quảng Nam đều đi theo cách mạng, kháng chiến. Năm 1952, khi Đoàn tuồng Liên khu 5, đoàn tuồng đầu tiên của cách mạng thành lập, các nghệ sĩ tuồng Quảng Nam như Nguyễn Nho Túy, Nguyễn Lai, Ngô Thị Liễu, Nguyễn Phẩm, Văn Phước Khôi, Tư Bửu…trở thành các trụ cột của Đoàn cùng với vị đoàn trưởng đầu tiên là nhà cách mạng tiền khởi nghĩa Hoàng Châu Ký.
Sau 1954, Đoàn tuồng Liên khu 5 tập kết ra miền Bắc và trở thành một trong những đoàn sân khấu tiêu biểu nhất của nước Việt Nam mới. Các nghệ sĩ tuồng Quảng Nam như Nguyễn Nho Túy, Nguyễn Lai, Ngô Thị Liễu, Văn Phước Khôi, Tư Bửu…kết hợp với các nghệ sĩ tuồng Bình Định như Phạm Chương, Đinh Quả, Minh Đức, Võ sỹ Thừa…làm nên một chùm tinh tú của nghệ thuật tuồng Việt Nam tỏa sáng rực rỡ trên sân khấu trong nước và thế giới. Bên cạnh đó, Hoàng Châu Ký, Tống Phước Phổ đã trở thành những tác giả và nhà nghiên cứu nổi tiếng của nghệ thuật tuồng.
Điểm qua hành trình phát triển và những dấu son của nghệ tuồng Quảng Nam trong hơn 400 năm qua, nhất là trong hơn một thế kỷ gần đây, ta có thể tự hào Quảng Nam là một cái nôi lớn của nghệ thuật tuồng Việt Nam, là quê hương của các soạn giả, đạo diễn tuồng hàng đầu như Nguyễn Hiển Dĩnh, Tống Phước Phổ, Hoàng Châu Ký…các nghệ sĩ kiệt xuất được dư luận trong nước và thế giới đánh giá là những kỳ quan sân khấu như Nguyễn Nho Túy, Nguyễn Phẩm, Nguyễn Lai, Ngô Thị Liễu… (Ngô Thị Liễu sinh ở Quảng Trị nhưng trọn đời sống, hành nghề tuồng ở đất Quảng và là vợ của nghệ sĩ Nguyễn Lai nên có thể coi bà là nghệ sĩ tuồng đất Quảng).
Trong tiến trình phát triển, tuồng Quảng Nam cũng đã tạo ra những nét đặc sắc, độc đáo của riêng mình với dòng tuồng văn, tuồng trữ tình, tuồng hài và tâm lý xã hội cùng khả năng tuyệt vời trong thể hiện đời sống phong phú bên trong, những tấn kịch nội tâm của nhân vật với các tác phẩm đỉnh cao như “Trầm Hương các”, “Hoàng Phi Hổ quá Giới Bài quan”, “Võ Hùng vương”, “Phong Ba đình”, “Trương Đồ Nhục”…
Với những gì đã tạo dựng được trong quá khứ, Tuồng Quảng Nam xứng đáng được coi là một di sản nghệ thuật lớn của mảnh đất di sản văn hóa thế giới đầy tự hào Quảng Nam chúng ta.
Vậy di sản đó hiện được bảo tồn và phát huy ở Quảng Nam ra sao?
Theo thống kê của ngành văn hóa, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam hiện tại có đến 19 đơn vị tuồng đang hoạt động khá thường xuyên gồm Đoàn tuồng bán chuyên nghiệp Sông Thu thuộc huyện Duy Xuyên và 18 câu lạc bộ tuồng không chuyên, trong đó có 7 CLB ở huyện Duy Xuyên, 6 CLB ở huyện Quế Sơn, 5 CLB ở huyện Nông Sơn, 1 CLB ở thành phố Hội An.
Cần phải nói rằng trong điều kiện hết sức khó khăn của sân khấu truyền thống nói chung và nghệ thuật tuồng nói riêng, trong cả nước chỉ có 7 đơn vị tuồng chuyên nghiệp là Nhà hát tuồng VN (thuộc Bộ VHTT&DL), Đoàn tuồng Thanh Quảng (Thanh Hóa), Đoàn tuồng thuộc Nhà hát Nghệ thuật cung đình Huế, Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh (TP Đà Nẵng), Nhà hát tuồng Đào Tấn (Bình Định), Đoàn tuồng thuộc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Khánh Hòa và Nhà hát Hát bội TPHCM.
Trong khi cả 7 đơn vị này dù được ngân sách nhà nước bao cấp gần như toàn bộ kinh phí mà đều đang hoạt động rất trầy trật, ngày càng vắng khán giả thì sự hiện diện của gần 20 đơn vị tuồng bán chuyên và không chuyên trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã là một thành tựu đáng kể của Quảng Nam trong việc gìn giữ phát huy di sản nghệ thuật quý báu này.
Tất nhiên, không tự nhiên mà có được thành tựu này. Nó xuất phát từ chủ trương nhất quán của đảng bộ, chính quyền tỉnh và các địa phương qua nhiều thời kỳ về việc gìn giữ và phát triển nghệ thuật tuồng và dân ca bài chòi. Rất đáng chú ý là việc tỉnh và nhiều huyện tổ chức hội diễn nghệ thuật tuồng liên tục trong nhiều năm, là việc thành lập và duy trì hoạt động của Hội bảo trợ tuồng ở huyện Duy Xuyên từ năm 1992 đến nay hay việc UBND huyện Quế Sơn đã ra hẳn nghị quyết về bảo tồn và phát triển nghệ thuật tuồng, dân ca; huyện Nông Sơn lập và triển khai Đề án khôi phục và phát triển bộ môn nghệ thuật tuồng…
Đặc biệt, chúng ta có thể khẳng định nghệ thuật tuồng không thể vẫn hiện diện hàng ngày trong đời sống nhân dân Quảng Nam nếu không có những mạnh thường quân và những gia đình, những nghệ sĩ tuồng yêu tuồng như máu thịt, trọn đời sống chết với nghệ thuật tuồng. Chúng ta cần tỏ lòng biết ơn bác Nguyễn Quỳnh, nguyên Bí thư huyện ủy Duy Xuyên, nguyên Giám đốc Đài phát thanh truyền hình Quảng Nam – Đà Nẵng, 25 năm tự nguyện đứng đầu Hội bảo trợ tuồng, góp phần to lớn duy trì và phát triển Đoàn tuồng bán chuyên Sông Thu và các CLB tuồng không chuyên huyện Duy Xuyên, làm huyện này trở thành một điểm sáng gìn giữ và phát triển di sản nghệ thuật tuồng không chỉ của Quảng Nam mà còn của cả nước.
Chúng ta cũng cần cảm ơn các vị lãnh đạo và nghệ sĩ của 19 đoàn tuồng bán chuyên và không chuyên trong tỉnh, những người yêu tuồng và cống hiến tất cả những gì mình có để bảo vệ tuồng, những người nông dân chân lấm tay bùn ngày đi làm ruộng tối lên sân khấu diễn tuồng, những nghệ sĩ tuồng con nhà nói nguyện sinh nghề tử nghiệp, bám theo nghề tổ đến cùng trong bất cứ hoàn cảnh nào của cuộc sống như các nghệ sĩ Diệu Thông, Quang Nhiều, Cẩm Phô, Thu Trang…ở Đoàn tuồng Sông Thu hay nhiều nghệ sĩ nghệ nhân của các CLB tuồng không chuyên trong tỉnh.
Không có họ, không còn nghệ thuật tuồng trên đất Quảng Nam.
Ai cũng biết làm tuồng chuyên nghiệp đã khó nhưng làm tuồng không chuyên còn khó hơn nhiều. Tuy vậy, theo đánh giá chung của các nhà nghiên cứu tuồng uy tín và các nghệ sĩ tuồng gạo cộị nước ta, không phải 7 đơn vị tuồng chuyên nghiệp nhà nước mà chính 19 đơn vị tuồng bán chuyên, không chuyên của Quảng Nam cùng hơn 60 đơn vị tuồng bán chuyên, không chuyên khác của cả nước, có thể gọi đúng hơn là các đơn vị tuồng dân doanh, tại Thủ đô Hà Nội, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, TPHCM, Nam bộ mới là lực lượng quan trọng nhất giữ gìn và phát huy di sản nghệ thuật tuồng truyền thống của dân tộc.
Trong khi hầu hết các đơn vị tuồng quốc doanh với kinh phí do nhà nước cấp rất mải mê với việc dựng các vở mới theo các đề tài lịch sử, hiện đại mà sao nhãng việc bảo tồn và phát huy tích tuồng, miếng tuồng truyền thống, nặng áp đặt các giáo lý chính trị mà nhẹ chú ý nhu cầu thưởng thức tuồng hồn nhiên của nhân dân thì các đơn vị tuồng dân doanh chủ yếu tập trung miệt mài khai thác kho tàng quý báu của cha anh, chú tâm thỏa mãn sở thích tuồng của nhân dân nhằm có được tiền để sinh sống và theo đuổi đam mê nghệ thuật.
Bởi thế, không có gì lạ nhiều khi một số vở diễn kinh điển, một số miếng nghề độc đáo tưởng đã thất truyền trên sân khấu tuồng quốc doanh lại dễ dàng tìm thấy trên sân khấu các đơn vị tuồng dân doanh. Và cũng không có gì lạ trong khi tuồng quốc doanh vật vã đi tìm khán giả thi tuồng dân doanh lúc nào cũng sẵn khán giả trung thành của mình.
Từ những trình bày trên, nhất là thực tế của việc bảo tồn và phát triển di sản nghệ thuật tuồng ở tỉnh Quảng Nam chúng ta hiện nay, tôi đề nghị chúng ta ngoài việc nêu bật, khẳng định những thành tựu to lớn, những đặc sắc quý báu của tuồng Quảng Nam trong quá khứ, nên tập trung trao đổi về vai trò vị trí tác dụng của các đơn vị tuồng bán chuyên, không chuyên ở tỉnh ta hiện nay.
Không thấy rõ mặt mạnh mặt yếu, mặt tích cực và tiêu cực, thấu hiểu những đóng góp thầm lặng không gì thay thế được cùng những khó khăn, hạn chế nếu không có sự hỗ trợ hiệu quả của xã hội cùng chính sách tài trợ đúng đắn của nhà nước, coi đó như một hoạt động hết sức cần thiết để giữ gìn và phát huy một di sản nghệ thuật quý báu của dân tộc, của quê hương xứ sở, thì các đơn vị nghệ thuật dân doanh rất đáng trân trọng này khó có thể tồn tại và phát triển để góp phần quyết định giữ cho tuồng xứ Quảng mãi xanh tươi, trường tồn trên quê hương Quảng Nam.
Nguyễn Đức Tuấn,
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc tại miền Trung Tây Nguyên