Thời chiến, làng Stơr (xã Tơ Tung, huyện Kbang, Gia Lai) kiên cường, đoàn kết chống lại kẻ thù xâm lược. Thời bình, cả làng cùng nhau bảo tồn và phát triển mạnh mẽ nghề đan lát thủ công nâng cao thu nhập, phục vụ du khách…
Xuôi theo Quốc lộ 19, Làng kháng chiến Stơr cách TP Pleiku khoảng 80km, là nơi anh hùng Núp được sinh ra và lớn lên. Cũng tại đây, anh Núp đã phát động và lãnh đạo bà con dân làng đứng lên đánh Pháp, từ đây mô hình “làng kháng chiến” từ chiến trường Gia Lai ra đời.
Tự hào hơn anh hùng Núp là người Tây Nguyên đầu tiên được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, là người được bạn bè quốc tế mến phục.
Thời chiến dân làng Stơr đoàn kết, kiên cường chống lại kẻ thù xâm lược, thời bình dân làng cùng nhau đan lát phát triển kinh tế
Trong chiến tranh, dân làng Stơr luôn đoàn kết, kiên cường chống lại kẻ thù xâm lược. Chiến thắng kẻ thù, thời bình dân làng tiếp tục cùng nhau gìn giữ, bảo tồn và phát triển nghề đan lát truyền thống.
Theo ông Đinh Hmăng (67 tuổi, làng kháng chiến Stơr), trước đây dân làng chỉ bán cho nhau. Năm 1993, khi Làng kháng chiến Stơr đã được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cấp bằng Di tích lịch sử văn hóa, khách du lịch vào thăm quan và thấy ấn tượng với những món đồ đan lát thủ công, tinh xảo nên đã mua về làm quà lưu niệm.
Những sản phẩm bắt mắt được tạo nên bởi đôi bàn tay tài hoa của các nghệ nhân làng Stơr
Với việc phát triển của xã hội, Làng kháng chiến Stơr đã trở thành một địa điểm du lịch hấp dẫn rất nhiều đoàn khách trong và ngoài nước đến tham quan. Chính vì vậy, bà con trong làng đã phát triển mạnh mẽ nghề đan lát, thiết kế nhiều các sản phẩm đan lát thủ công phong phú như: gùi, thúng, mẹt, đồ lưu niệm…nhằm phục vụ cho nhu cầu của du khách ghé thăm làng, qua đó nâng cao đời sống kinh tế.
Bên cạnh đó, từ năm 2019 các sản phẩm do nghệ nhân làm ra được trưng bày tại khu phục dựng Làng kháng chiến Stơr để phục vụ du khách tham quan. Điều này đã góp phần tạo động lực để người Ba Na ở Tơ Tung duy trì, bảo tồn nghề đan lát truyền thống.
“Già đã gắn bó với nghề đan lát gần như trọn cuộc đời. Từ những vật dụng đơn giản như cái rổ, cái rá và dần khó hơn là đan gùi, thúng, mẹt, đồ lưu niệm… Nguyên liệu được bà con dùng để đan lát thủ công là từ thiên nhiên ở rừng và rẫy như: Tre, nứa, lồ ô hoặc các loại dây leo như: Mây, cói, dây rừng… Ngoài ra, bà con còn sử dụng các loại vỏ cây mềm nhưng có độ dai rất tốt để làm đế hoặc dây quai cho sản phẩm vừa bền lại khá bắt mắt”, già Hmăng bộc bạch.
Chiếc gùi được đan bằng tre, mây, vật dụng không thể thiếu của cộng đồng dân tộc thiểu số ở vùng cao Tây Nguyên
Được biết, để hoàn thành được một chiếc gùi có hoa văn độc đáo phải tốn ít nhất 4 ngày, còn đan gùi thông thường khoảng 2 ngày. Vì vậy, giá bán những vật dụng này cũng nằm ở mức từ 350 – 500 ngàn đồng/chiếc, những vật dụng đặc biệt thì hơn 1 triệu đồng.
Do nhu cầu khách hàng lớn nên nhiều nghệ nhân trong làng đã cùng tập trung lại một chỗ để làm. Trung bình mỗi tuần thu về từ 2 – 3,5 triệu đồng từ việc bán các vật dụng đan lát thủ công.
Theo chia sẻ của người dân làng Stơr, nghề đan lát đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ trong từng công đoạn, từ khâu chuẩn bị nguyên liệu cho đến khâu cuối cùng thành sản phẩm. Đặc biệt, người Ba Na ở làng Stơr có nhiều kỹ thuật đan như: Cài lóng mốt, lóng đôi, lóng ba hoặc cài nan hình lục giác cùng kết hợp lối kết nan, quấn nan rất phức tạp và tinh vi đầy sáng tạo.
Những năm gần đây, chính quyền đã có nhiều hỗ trợ giúp bà con ổn định với nghề đan lát và tăng thêm thu nhập
Già Đinh Ngơn (75 tuổi, trú tại làng Stơr) trải lòng: “Tôi già rồi, cái chân cũng mỏi nên cùng với những người lớn tuổi khác trong làng tập trung lại để đan lát. So với lên rừng làm cây sắn, cây lúa rẫy thì nghề đan lát vẫn mang lại thu nhập cao hơn nhiều cho bà con. Tuy nhiên, tôi cũng rất lo sợ khi nghề đan lát sẽ bị mai một bởi thế hệ trẻ ít chuộng gùi tre mà chỉ thích túi xách, giỏ nhựa… Chúng tôi hy vọng chính quyền sẽ mở thêm những lớp dạy nghề để một số nghề truyền thống như đan lát được lưu giữ, ngày càng phát triển hơn nữa”.
Ông Hoàng Văn Luân – Phó Chủ tịch UBND xã Tơ Tung cho biết: “Hiện chúng tôi đang tích cực quảng bá nhằm tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm đan lát tại địa phương. Mặt khác, xã cũng thường xuyên tuyên truyền, vận động thế hệ trẻ học nghề đan lát thủ công truyền thống để bảo tồn bản sắc của dân tộc, có thêm nguồn thu nhập, góp phần nâng cao đời sống gia đình…”.
Trần Hiền
Nguồn: Congluan.vn
https://www.congluan.vn/gia-lai-lang-khang-chien-stor-ngay-dem-giu-lua-nghe-dan-lat-truyen-thong-post263155.html