Vườn quốc gia Hoàng Liên (Lào Cai) cho biết, trong tháng 8/2023, Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật Hoàng Liên đã tiếp nhận nhiều cá thể động vật hoang dã quý, hiếm (do người dân hiến tặng) về cứu hộ, chăm sóc
Các cá thể động vật được tiếp nhận đều thuộc Nhóm IIB, Nghị định 84/2021/NĐ-CP của Chính phủ về Quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp. Bao gồm 1 cá thể Trăn đất, 3 cá thể Khỉ đuôi lợn, 1 cá thể Khỉ mặt đỏ và 1 cá thể Khỉ mốc.
Trường Mầm non Sao Biển, thành phố Hải Dương bàn giao 3 cá thể khỉ được người dân hiến tặng nuôi làm cảnh cho trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật Hoàng Liên tiếp tục chăm sóc (Ảnh: Vườn quốc gia Hoàng Liên cung cấp).
Đó là 1 cá thể Trăn đất (Python molurus), trọng lượng 45kg, do bà Nguyễn Thị Nhạn ở số nhà 59, đường Bạch Đằng, phường Sao Đỏ, thành phố Chí Linh, (tỉnh Hải Dương) hiến tặng.
Bà Nhạn cho biết, cách đây gần chục năm gia đình phát hiện một con trăn nhỏ ở ngoài ruộng mang về nuôi, chăm sóc cho đến nay to nặng tới 45 kg.
Sau khi được chính quyền địa phương và Hạt Kiểm lâm thành phố Chí Linh tuyên truyền các quy định của Nhà nước về việc nuôi, nhốt các loài động vật hoang dã, bà đã đề nghị Hạt Kiểm lâm thành phố Chí Linh làm thủ tục hiến tặng cho Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật Hoàng Liên (Vườn quốc gia Hoàng Liên) tiếp tục chăm sóc, cứu hộ và tái thả vào tự nhiên.
3 cá thể khỉ ở Trường Mầm non Sao Biển (thành phố Hải Dương) được người dân hiến tặng hiến tặng nuôi làm cảnh, trong đó 2 cá thể Khỉ mốc và 1 cá thể Khỉ mặt đỏ.
Sau khi nhà trường tìm hiểu các quy định của pháp luật và biết đây là loài động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm nên đã trình báo Hạt Kiểm lâm thành phố Hải Dương để làm thủ tục bàn giao cho Trung tâm Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật Hoàng Liên chăm sóc, cứu hộ và tái thả vào tự nhiên theo quy định.
Rùa răng của người dân phường Kim Tân (thành phố Lào Cai) được bàn giao cho Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật Hoàng Liên cứu hộ, để tái thả về môi trường sống tự nhiên khi đáp ứng đủ điều kiện. (Ảnh :Vườn quốc gia Hoàng Liên cung cấp).
Một cá thể Khỉ đuôi lợn (Macaca leonina) khác do người dân trên địa bàn tỉnh Hải Dương tự nguyện giao nộp cho Hạt Kiểm lâm thành phố Hải Dương bàn giao cho Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật Hoàng Liên cứu hộ.
Trung tâm cũng đã tiếp nhận 1 cá thể Khỉ mốc (Macaca assamensis) có trọng lượng 3,0 kg, giới tính đực, cá thể khỉ này do ông Hoàng Văn Nhân ở thôn Bắc, xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn (tỉnh Yên Bái) hiến tặng.
Ông Nhân cho biết ngày 8/3/2022, trong khi đi làm nương tại thôn Noong Tài đã thấy một con khỉ con bị lạc mẹ và đã mang về nuôi và chăm sóc đến nay. Qua tìm hiểu nhận thấy đây là loài động vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm nên đã trình báo Hạt Kiểm lâm huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái để làm thủ tục bàn giao cho Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật Hoàng Liên cứu hộ.
Đặc biệt, ngày 21/8, Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật Hoàng Liên phối hợp với Hạt Kiểm lâm thành phố Lào Cai thực hiện tiếp nhận1 cá thể Rùa răng do người dân địa phương hiến tặng.
Cá thể Rùa răng nặng 8 kg, tình trạng sức khỏe bình thường do gia đình ông Bùi Viết An ở tổ 31, phường Kim Tân, thành phố Lào Cai tự nguyện hiến tặng.
Rùa răng có tên khoa học Heosemys annandalii thuộc Họ Rùa đầm (Emydidae) trong Bộ Rùa (Testudinata). Rùa răng có cơ thể lớn, chiều dài mai tới 470mm. Đặc điểm dễ nhận dạng là Rùa răng có mỏ làm thành 2 mấu nhọn hình răng ở hàm trên rất rõ ràng. Mai phồng, thuôn dài, bờ sau mai không có răng cưa. Bờ trước yếm lồi, bờ sau yếm khuyết, bờ bên phần sau yếm thẳng. Chân dẹp, ngón chân có màng da. Mai màu nâu thẫm hay đen. Đầu xám có những vết đốm đen và vàng, hàm màu vàng. Cá thể non có vạch vàng trên đầu mất dần khi chúng lớn.
Rùa răng sống ở kênh rạch, ao hồ, đầm lầy, kể cả ruộng lúa nước nơi có dòng chảy chậm và vùng nước lợ. Thức ăn là thực vật thủy sinh và rùa răng sinh sống ở một số tỉnh vùng Nam Bộ.
Vườn quốc gia Hoàng Liên cho biết thêm, Rùa răng là loài động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm thuộc phụ lục II – CITES; Nhóm IIB, Nghị định 84/2021/NĐ-CP về Quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp; được đưa vào sách đỏ Việt Nam (2007) – Nguy cấp; Danh lục đỏ IUCN (2021) – Rất nguy cấp.
Hiện tại, cá thể Rùa răng này đang được chăm sóc, cứu hộ và sẽ được Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật Hoàng Liên tái thả về môi trường sống tự nhiên khi đáp ứng đủ điều kiện.
Thời gian gần đây, Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật Hoàng Liên đã tiếp nhận nhiều động vật do người dân chủ động giao nộp.
Điều này cho thấy công tác tuyên truyền và giáo dục bảo vệ động vật hoang dã của Trung tâm và các đơn vị làm công tác bảo tồn thiên nhiên đang đang thực sự mang lại hiệu quả tích cực.
Từ đầu năm 2023 tới nay, Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật Hoàng Liên đã tiếp nhận 29 vụ với 81 cá thể thuộc 20 loài.
Hiện nay, đơn vị đang thực hiện chăm sóc, cứu hộ 119 cá thể thuộc 34 loài động vật hoang dã.
Nguồn: Congluan.vn
https://www.congluan.vn/lao-cai-vuon-quoc-gia-hoang-lien-tiep-nhan-nhieu-dong-vat-hoang-da-do-nguoi-dan-hien-tang-post262275.html