“Mỗi biển tên đường mang tên anh hùng trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc chính là những trang sử sinh động minh chứng không ai, không điều gì bị lãng quên”.
Nhà báo Lê Đức Dục, Báo Tuổi Trẻ – tác giả phóng sự “Dòng tên trên đá núi, đã thành tên phố phường” – tác phẩm được trao giải A Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVII – năm 2022 đã nhấn mạnh như vậy trong cuộc trò chuyện với PV Báo Nhà báo & Công luận xung quanh phóng sự này.
Hai mươi năm say mê vùng biên giới phía Bắc
+ Cùng đồng nghiệp làm nên tác phẩm “Dòng tên trên đá núi, đã thành tên phố phường”, hẳn anh phải có niềm say mê đặc biệt với vùng biên giới phía Bắc hùng vĩ và những cuộc chiến vệ quốc oai hùng?
– Là phóng viên nghiêng về theo dõi mảng biên giới – biển đảo của Báo Tuổi Trẻ, có thể nói biên giới phía Bắc luôn có sức hấp dẫn đặc biệt với cá nhân tôi. Ngoài vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên, bản sắc văn hóa độc đáo và tình người còn nhiều nét nguyên sơ, hồn nhiên, biên giới phía Bắc còn lưu dấu nhiều cuộc chiến tranh vệ quốc từ hàng chục thế kỷ qua.
Lời thề lính Vị Xuyên từ dòng chữ khắc trên báng súng của anh hùng Nguyễn Viết Ninh.
Đặc biệt, cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc là một chương sử bi tráng và hào hùng của quân và dân ta. Khởi đầu vào sáng 17/12/1979 và cuộc chiến này không chỉ dài một tháng như nhiều người vẫn nghĩ mà nó kéo dài đúng 10 năm, đến năm 1989 mới kết thúc ở mặt trận Vị Xuyên (Hà Giang). Mặc dù kéo dài mười năm (1979-1989) nhưng vì nhiều lý do trong mối quan hệ giữa hai nước, cuộc chiến này gần như không được nhắc đến trong một thời gian dài.
Trong một lần trả lời phỏng vấn của chúng tôi về cuộc chiến tranh biên giới năm 1979, Đại tá Nguyễn Mạnh Hà (nguyên viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) từng nói rất xác đáng: “Là một người nghiên cứu lịch sử nhưng cũng là một người lính, tôi xin nói thẳng là dù bất cứ hoàn cảnh nào thì hòa bình vẫn là quý giá nhất. Chiến tranh biên giới kết thúc thật sự, chúng ta mới có thể tiếp tục sự nghiệp đổi mới, có những chính sách lâu dài và bền vững để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống nhân dân, để có một vị thế mới trong bản đồ ngoại giao thế giới như hôm nay. Nhưng như vậy không có nghĩa là trang sử về chiến tranh biên giới đã khép lại. Lịch sử bản chất là sòng phẳng, khách quan, cái gì đã xảy ra rồi cũng có lúc sẽ được đặt lại trên bàn cân lịch sử để luận định. Chúng ta nhìn lại chiến tranh biên giới, trước hết là để học bài học cho chính mình: cái gì lẽ ra đã có thể tránh được, cái gì cần nhớ để nhắc lại cho thế hệ sau”.
Khi những đường phố trên đô thị biên giới được mang tên các anh hùng liệt sĩ hy sinh từ 1979-1989 chính là một thái độ rõ ràng và sòng phẳng với lịch sử, một lần nữa khẳng định: Đảng, Nhà nước và nhân dân không bao giờ lãng quên cuộc chiến, lãng quên sự hy sinh mà những tên đường là một minh chứng sinh động và thuyết phục.
Để thực hiện tác phẩm này, ngoài tôi chịu trách nhiệm thực hiện chính, còn có sự đồng hành của phóng viên Nguyễn Đức Bình. Bình cũng là người luôn song hành cùng tôi trong suốt hành trình theo dõi mảng biên giới phía Bắc. Cùng với đó là anh Nguyễn Ngọc Quang, vốn là lái xe của báo nhưng lại là một cameraman bay flycam rất tốt, sẵn sàng hỗ trợ tôi về hình ảnh.
+ Tác nghiệp ở vùng biên ải không phải là điều dễ dàng, đặc biệt khi tác phẩm này sử dụng rất nhiều tư liệu lịch sử, thưa anh?
– Để thực hiện tuyến bài “Dòng tên trên đá núi, đã thành tên phố phường” không chỉ là chuyến đi hai tuần qua các đô thị biên ải, nơi có các tên đường phố mang tên các anh hùng mà còn là tích lũy tư liệu trong gần hai mươi năm theo đuổi mảng đề tài này. Làm báo rất cần sự tích lũy tư liệu, và làm báo về mảng biên giới, biển đảo thì tích lũy tư liệu càng quan trọng gấp bội. Từ Hà Nội lên Tây Bắc, cho dù nay đường sá rất tốt so với trước nhưng nếu không tích lũy tư liệu tốt, đôi khi phải mất hành trình gần cả ngàn cây số để bổ sung thêm một tấm ảnh hay một tư liệu, vì thế tôi rất ý thức về tích lũy tư liệu.
Ví như trong các tên đường mang tên các anh hùng, có tên anh hùng Nguyễn Viết Ninh – người có câu nói nổi tiếng được khắc lên báng súng và được anh em mặt trận Vị Xuyên coi như lời thề trên đá: “Sống bám đá, chết hóa đá, thành bất tử”. Gần 10 năm trước, khi phát hiện anh hy sinh vào chiều 29 Tết, chúng tôi đã từ Hà Giang về chính quê nhà anh đúng dịp chuẩn bị giỗ để viết bài “Nằm lại Vị Xuyên trước lúc giao thừa”. Những tư liệu về anh hùng Nguyễn Viết Ninh được chúng tôi lưu kỹ, và khi triển khai tuyến bài này các tư liệu tích lũy được sử dụng.
Cũng tương tự như thế với các anh hùng khác. Câu chuyện trải dài trên nhiều địa phương, nếu không có tích lũy tư liệu sẽ rất khó triển khai tốt các ý tưởng của mình.
May mắn thay, chúng tôi có kết nối tốt cùng các tỉnh đoàn, khi đến các tuyến phố, các bạn bí thư phường đoàn luôn có mặt để đưa chúng tôi đi tận từng con phố, tìm hiểu và thực hiện phỏng vấn. Hình ảnh và sự hỗ trợ của các bạn đoàn viên cũng là thông điệp tri ân của người trẻ với sự hy sinh của những người ngã xuống.
Lấy “mới”, “độc đáo”, tạo hiệu ứng tích cực làm cốt lõi
+ Thay vì trình bày theo cách truyền thống, “Dòng tên trên đá núi, đã thành tên phố phường” được thể hiện theo hình thức Megastory, anh cho rằng điều này giúp tác phẩm tăng thêm sức hút?
– Sự ra đời của công nghệ đã góp phần giúp các tác phẩm báo chí chuyển tải tối đa thông tin để tạo hiệu ứng tốt nhất. Cũng câu chuyện đó, nếu trình bày trên báo in thì không thể diễn đạt tốt như dùng video cùng với nhiều hình ảnh bao quát và sinh động.
Đặc biệt, cách trình bày các nội dung bài viết với hình thức mỗi cụm nội dung như là một biển tên đường tạo thêm hiệu ứng thị giác. Do đó, người đọc được trải nghiệm nội dung thông qua cả hình thức, cái này trong nghiên cứu văn học gọi là “thi pháp học”, nói nôm na là “nghiên cứu tính nội dung của hình thức”.
Phóng viên Lê Đức Dục (ngồi trước) và Đức Bình tại cửa khẩu Ma Lù Thàng trong chuyến tác nghiệp.
+ Sau nhiều năm theo đuổi, dành nhiều tâm huyết cho thể loại phóng sự, theo anh đâu là yếu tố cốt lõi để làm nên một tác phẩm ấn tượng?
– Theo tôi, yếu tốt cốt lõi khi làm phóng sự vẫn là cái mới, cái độc đáo và tạo được hiệu ứng tích cực. Năm 2010, tôi được giải Nhì Giải Báo chí Quốc gia với loạt bài “20 năm nhà giàn DK1”. DK1 là hệ thống nhà giàn bảo vệ thềm lục địa phía Nam, tuy có mặt ở thềm lục địa phía Nam 20 năm nhưng nó vẫn rất mới vì đó là lần đầu tiên được đưa ra công khai trên báo chí. Từ câu chuyện nhà giàn, Báo Tuổi Trẻ đã phát động chương trình lắp pin năng lượng mặt trời thắp sáng nhà giàn để từ chương trình này lan tỏa ra chương trình Góp đá xây Trường Sa những năm tiếp theo.
Hay năm 2014, tôi đoạt giải Nhất Giải Báo chí Quốc gia cho tuyến bài “Chui túi ni lông qua suối”. Nó độc đáo bởi ít ai biết có cách qua suối kỳ lạ như thế, nhưng câu chuyện không dừng ở đó. Từ bài báo đó, người đọc hiểu hơn gian nan của thầy cô và học trò trên hành trình đến với con chữ. Và cũng từ bài báo đó, một cây cầu treo trị giá hơn 10 tỷ đồng được xây cho bà con ở bản Sam Lang – bối cảnh câu chuyện…
+ Xin cảm ơn anh!
Kỳ Hoa (Thực hiện)
Nguồn: Congluan.vn
https://www.congluan.vn/khong-ai-khong-dieu-gi-bi-lang-quen-post252178.html