Sau gần 3 năm chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, tháng 3/2022, Việt Nam chính thức mở cửa thí điểm đón khách du lịch Trung Quốc. Điều này có tác động rất lớn đến ngành du lịch Lào Cai, nhất là đối với thị trường khách du lịch quốc tế.
Lý giải về kết quả đạt được, ông Hà Văn Thắng, Giám đốc Sở Du lịch cho biết: Năm 2022, Lào Cai đã phát huy hiệu quả các sản phẩm du lịch đặc trưng mang thương hiệu của Lào Cai như Festival “Tinh hoa Tây Bắc – kết nối khát vọng xanh”; Chương trình nghệ thuật “Sa Pa lặng lẽ yêu – The Mong Show”.
Cùng với đó là xây dựng và đưa vào khai thác nhiều sản phẩm du lịch mới như Giải “Triathlon 2022” tại Bắc Hà, tái hiện Chợ tình Sa Pa, Lễ hội Tình yêu và hoa hồng, Sa Pa – thổ cẩm và hoa; 8 sản phẩm du lịch thể thao kết hợp nhiều loại phương tiện (đi bộ, xe đạp, ô tô, cano, kayak, chạy bộ, cưỡi ngựa tại Bắc Hà); Festival Cao nguyên trắng Bắc Hà với chủ đề “Nghiêng say mùa đông”, Giải chạy vượt núi quốc tế -VMM (Vietnam Mountain Marathon); đưa vào hoạt động thử nghiệm 2 sản phẩm tour thể thao mạo hiểm trượt thác nước Love Canyoning và Wild Canyoning tại Vườn Quốc gia Hoàng Liên được du khách đón nhận và đánh giá cao.
Các hoạt động nổi bật đã đưa Lào Cai trở thành điểm đến ưa thích của du khách, góp phần thu hút lượng lớn khách du lịch đến Lào Cai, đặc biệt là khách quốc tế.
Lào Cai tập trung khai thác thị trường khách quốc tế.
Bản Cát Cát được trang trí rất nhiều nơi phục vụ cho việc sống ảo của các bạn trẻ. Đặc biệt, ở đây còn cho thuê cả những bộ trang phục dân tộc, nhiều màu sắc giúp bức ảnh trở nên lung linh hơn đó.
Địa điểm vui chơi giải trí được nhiều du khách tham quan Lào Cai yêu thích đó là Sun World Fansipan Legend.
Điểm nổi bật trong khai thác khách quốc tế của ngành du lịch Lào Cai là đã kết nối được với các thị trường tiềm năng thông qua các chương trình xúc tiến, gặp gỡ, trao đổi, kết nối cho các doanh nghiệp lữ hành (Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc, Anh, New Zealand), nhất là Trung Quốc với các thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch giữa Sở Du lịch Lào Cai (Việt Nam) và Cục Văn hóa và Du lịch châu Hồng Hà (Trung Quốc); Hội nghị xúc tiến khởi động tuyến du lịch vàng “hai quốc gia, sáu điểm đến” Việt Nam – Trung Quốc; ký kết bản ghi nhớ hợp tác phát triển du lịch giữa Hiệp hội Du lịch tỉnh Lào Cai và Hiệp hội Du lịch vừa và nhỏ Hàn Quốc.
Đặc biệt, Lào Cai luôn duy trì và có chiến lược cụ thể để thu hút thị trường khách du lịch quốc tế truyền thống (Trung Quốc, Nhật Bản, Pháp, Mỹ, Anh), đồng thời khai thác những thị trường mới như Đông Á, Đông Nam Á… và duy trì hiệu quả việc khai thác thị trường khách cao cấp đến từ Tây Âu (Pháp, Đức, Anh, Hà Lan, vùng Scandinavia), Bắc Mỹ (Mỹ, Canada) và Đông Âu. Mặt khác, mở rộng các hoạt động xúc tiến tại thị trường du lịch mới nổi như Trung Đông, Ấn Độ. Sau khi Lào Cai tổ chức các hoạt động xúc tiến trong năm 2022, lượng khách du lịch Ấn Độ đến Lào Cai trong 4 tháng năm 2023 tăng 8 lần (5.600 lượt) so với năm 2022.
Có được thành công trên một phần do ngành du lịch đã chuyên nghiệp hóa việc nghiên cứu và phát triển thị trường, trong đó đi sâu nghiên cứu và thu hút theo phân đoạn thị trường, đặc biệt tập trung vào khách nghỉ dưỡng và giải trí,từ đó phát triển các sản phẩm du lịch phù hợp.
Mặc dù đã có những thành công nhưng cũng như các địa phương trong nước, Lào Cai gặp nhiều khó khăn trong việc khai thác thị trường khách du lịch quốc tế sau khi thực hiện mở cửa hoàn toàn sau đại dịch Covid-19. Những khó khăn đã được xác định liên quan đến thủ tục cấp visa, thời hạn visa. Hiện Việt Nam mới miễn thị thực cho công dân 25 quốc gia, thời hạn visa được 15 ngày (trong khi Thái Lan miễn thị thực (visa) đối với công dân của 65 quốc gia và thời gian miễn visa được kéo dài 30 – 45 ngày, một số trường hợp là 90 ngày), do đó hạn chế lượng khách quốc tế đến Việt Nam nói chung và Lào Cai nói riêng, nhất là ảnh hưởng đến thời gian lưu trú, khả năng quay trở lại của du khách.
Hoạt động tham quan, lưu trú của khách du lịch quốc tế tại khu vực biên giới liên quan đến một số quy định của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, nhất là quy định cấp phép cho khách du lịch quốc tế tham quan khu vực biên giới và phải đóng phí 10 USD/khách, chưa tạo thuận lợi để thu hút khách du lịch quốc tế, bởi đặc thù Lào Cai là tỉnh biên giới nên trung tâm kinh tế và các điểm du lịch chủ yếu tại các khu vực biên giới.
Hoạt động xúc tiến với thị trường quốc tế còn hạn chế, hiện tại chủ yếu là xúc tiến trực tuyến, lồng ghép hoạt động của các phái đoàn quốc tế đến làm việc tại Lào Cai, chưa tổ chức được chương trình xúc tiến trực tiếp tại nước ngoài.
Nguồn nhân lực lao động trong ngành du lịch còn thiếu, nhất là đội ngũ nhân viên, hướng dẫn viên tiếng Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ…). Nếu so sánh với năm 2019, ngành du lịch Lào Cai hiện thiếu hụt khoảng 11.000 lao động.
Các sản phẩm đáp ứng thị hiếu của khách quốc tế còn ít hoặc các dự án đang triển khai chưa đi vào hoạt động (sân golf Bản Qua, các khu nghỉ dưỡng, khu vui chơi đẳng cấp quốc tế, dự án khách sạn cao cấp…). Các mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch sinh thái triển khai theo Quyết định 922 ngày 2/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ gặp nhiều vướng mắc liên quan đến thủ tục đất đai, xây dựng…
Trong thời gian tới tỉnh Lào Cai sẽ cùng ngành du lịch, các địa phương và doanh nghiệp du lịch, lữ hành có các giải pháp tháo gỡ, khơi thông điểm nghẽn, tạo thuận lợi nhất để phát triển du lịch, thu hút khách du lịch, nhất là khách quốc tế.
T.H
Nguồn: Congluan.vn
https://www.congluan.vn/lao-cai-tap-trung-khai-thac-thi-truong-khach-quoc-te-post249882.html#p-2