Bài 3: Người người thi đua, Ngành ngành thi đua

18:17 | 25/05/2023

Những năm tháng kháng chiến chống Pháp có thể nói là giai đoạn cho thấy lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thu hút được sự tham gia hưởng ứng của mọi người, mọi nhà, mọi ngành, mọi lứa tuổi


Và chính sự tham gia đông đảo ấy đã làm nên hiệu quả của hàng loạt phong trào thi đua thời kỳ này, từ đó góp phần không nhỏ vào thắng lợi chung của dân tộc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Hậu phương thi đua với tiền phương
Ngày 11/6/1948, tại Chiến khu Việt Bắc, Bác Hồ ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”. Trước đó, ngày 1/5/1948, Người đã cho ra đời “Lời kêu gọi thi đua yêu nước”. Hai văn bản liên tiếp, xuất hiện chỉ trong vòng chưa đầy một tháng, cùng một nội dung, mục tiêu, đủ để thấy, tính cấp bách của việc toàn dân, toàn quân phải ra sức thi đua sản xuất, giết giặc như thế nào.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện thân mật với Anh hùng Lao động Nguyễn Phúc Đồng (ngành quân giới) và nữ anh hùng Nguyễn Thị Năm (Dệt Nam Định) trong buổi họp mặt các đại biểu dự Đại hội liên hoan anh hùng, chiến sĩ thi đua công nông binh toàn quốc lần thứ II tại Hà Nội ngày 7/7/1958. Ảnh tư liệu

Không dừng lại ở đó, dường như động viên, thúc đẩy cho được phong trào thi đua luôn là nỗi thường trực trong Bác. Trong “Lời kêu gọi đồng bào tăng gia sản xuất”, đăng trên Báo Cứu quốc, số 1488, ngày 6/3/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh) chỉ rõ: trong lúc ở mặt trận, bộ đội và dân quân hăng hái đánh giặc để chuyển mạnh sang tổng phản công, đồng bào ở hậu phương có nhiệm vụ: 1. Thi đua tăng gia sản xuất; chăn nuôi thêm súc vật, giồng thêm nhiều thóc lúa, hoa màu, bông, rau. Trai, gái, già, trẻ, mỗi người đều phải cố gắng, người đã tăng gia sản xuất sẽ tăng gia sản xuất nhiều hơn, người chưa tăng gia sản xuất sẽ phải tăng gia sản xuất. Chúng ta quyết thực hiện khẩu hiệu: Toàn dân canh tác, bốn mùa canh tác. 2. Thi đua tiết kiệm, tránh xa xỉ, phí phạm, để dành lương thực cho bộ đội hoặc cho những lúc túng thiếu. Làm hai việc trên là góp sức vào công việc chuyển mạnh sang tổng phản công. Tôi mong đồng bào cố gắng.

Chỉ ba năm sau đó, tháng 2/1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho nông dân toàn quốc, động viên tăng gia sản xuất. Trong thư, Người khen ngợi nông dân, mặc dù năm trước có nhiều thiên tai, địch họa, vẫn duy trì sản xuất tốt nên lương thực vẫn đủ cung cấp cho nhân dân và bộ đội. Tuy nhiên, Người nhắc nhở: năm 1951, kháng chiến tiến mạnh hơn, nông dân phải chuẩn bị lương thực đầy đủ hơn nữa để bộ đội ăn no, đánh thắng. Chiến sĩ ở mặt trận thì thi đua giết giặc lập công, còn đồng bào hậu phương thì thi đua tăng gia sản xuất. “Mùa này nhất định là một mùa thắng lợi”. Nông hội cần phải đi sát với dân, đôn đốc, giúp đỡ dân về mọi mặt; nhà nông cũng phải giúp nhau để cùng sản xuất tốt.

Đặc biệt, động viên phong trào thi đua ở hậu phương, Người tặng mấy câu thơ: “Ruộng rẫy là chiến trường/Cuốc cày là vũ khí/Nhà nông là chiến sĩ/Hậu phương thi đua với tiền phương”.

Trong bài viết: “Thi đua ái quốc, hiện tại và tương lai vẻ vang của nước ta”, Báo Nhân Dân, số 15, ngày 5/7/1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ: Thi đua ái quốc nhằm ba mục đích chính: Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm. Tức là làm cho nhân dân no, ấm, biết chữ, làm cho Tổ quốc độc lập, tự do. Muốn đạt mục đích ấy, người người phải thi đua, ngành ngành phải thi đua. Ai làm việc gì, nghề gì cũng thi đua làm cho nhanh, cho tốt, cho nhiều. Chiến sĩ thì thi đua diệt giặc lập công, đồng bào thì thi đua tăng gia sản xuất.

“Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”
Quán triệt và thực hiện những chỉ huấn của Người, phong trào thi đua yêu nước trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược đã được toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta hưởng ứng tham gia với hàng loạt các phong trào thi đua, điển hình như: “Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm”, “Bình dân học vụ”, “Hũ gạo kháng chiến”… Ngoài chiến trường, các chiến sĩ thi đua giết giặc lập công; ở hậu phương, nhân dân thi đua tăng gia sản xuất giỏi, diệt giặt đói, diệt giặt dốt… Khẩu hiệu lúc đó là: “Ruộng rẫy là chiến trường, cuốc cày là vũ khí, nhà nông là chiến sỹ, hậu phương thi đua với tiền phương”“Người người thi đua, ngành ngành thi đua, ta nhất định thắng, địch nhất định thua”…

Đặc biệt, để chuẩn bị nguồn lực cho chiến dịch Điện Biên Phủ, khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng” đã biến thành hành động thực tế, là “tiêu chí thi đua” của hàng triệu nhân dân ta ở hậu phương, cả vùng tự do và các vùng căn cứ du kích.

Trong bài nói tại Đại hội các chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc tháng 5/1952, Người chỉ rõ: Nhân dân ta thi đua tăng gia sản xuất và tiết kiệm để cải thiện đời sống tinh thần và vật chất của quân và dân, cung cấp đầy đủ cho kháng chiến, chuẩn bị chuyển sang tổng phản công. Quân đội ta thi đua diệt giặc lập công để tiêu diệt nhiều sinh lực địch, chuẩn bị chuyển sang tổng phản công, để kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công, hoàn thành dân chủ mới, tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Về nội dung thi đua, Người cho rằng: Có người tưởng lầm bộ đội chỉ có nhiệm vụ diệt giặc lập công, không trực tiếp tăng gia sản xuất và tiết kiệm. Nói thế không đúng. Bộ đội đánh thắng trận, quý trọng chiến lợi phẩm, thế là tăng gia sản xuất. Bộ đội quý trọng của công, quý trọng quân trang quân dụng, thế là tiết kiệm. Còn bộ đội ở hậu phương, các ngành quân nhu, quân giới, quân y, vận tải, v.v… càng phải thi đua tăng gia sản xuất và tiết kiệm. Trong việc sử dụng dân công, càng phải tiết kiệm để đồng bào hậu phương đủ lực lượng và ngày giờ đặng thi đua tăng gia sản xuất và tiết kiệm.

Còn “ai thi đua với ai?”, Người cho biết: Thi đua giữa người này với người khác, đơn vị này với đơn vị khác, điều đó ai cũng hiểu. Một điều nên nhắc là: ngành này có thể và nên thi đua với những ngành khác. Thí dụ: một đơn vị nông thôn có thể thi đua với một đơn vị bộ đội và một đơn vị công nghệ. Xã A và nhà máy B ký giao ước với bộ đội C, sẽ tăng gia và tiết kiệm bao nhiêu. Bộ đội C ký giao ước diệt nhiều giặc, cướp nhiều súng. Thế là công nông binh thi đua với nhau, cùng nhau tiến bộ. Kết quả là lực lượng của ta về mọi mặt đều tăng gấp đôi. Ta sẽ diệt giặc gấp đôi, thắng lợi gấp đôi. Kết quả là kháng chiến sẽ thắng lợi gấp đôi, kiến quốc sẽ thành công gấp đôi. Kết quả là dân giàu nước mạnh.

Phong trào Bình dân học vụ ở Hà Nội những ngày đầu độc lập. Ảnh tư liệu

Một trong số những phong trào thi đua nổi bật trong những năm kháng chiến chống Pháp là “Hũ gạo kháng chiến”. Phong trào được phát động trong bối cảnh những năm 1951 – 1952, cuộc kháng chiến chống Pháp của quân và dân ta đang bước vào thời kỳ khó khăn, gay cấn nhất, giặc Pháp mạnh về mọi mặt (cả về khí tài, quân trang, quân dụng, lương thực thực phẩm…), trong khi phía ta chưa kịp phục hồi sau nạn đói, sản xuất nông nghiệp lạc hậu dẫn đến lương thực khan hiếm, thiếu thốn về mọi mặt.

Thực tế đó đã khiến Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngay thời điểm đó đã chỉ thị: Phải tiết kiệm từ cái nhỏ đến cái to, không xa xỉ, hoang phí, không bừa bãi, phô trương hình thức: “Giấy bút, vật liệu đều tốn tiền của Chính phủ, tức là của dân; ta cần phải tiết kiệm. Nếu một miếng giấy nhỏ đủ viết, thì chớ dùng một tờ to. Một cái phong bì có thể dùng hai ba lần” – Người nhấn mạnh.

Người còn nhấn mạnh việc tiết kiệm ở các nội dung cụ thể: 1 – Tiết kiệm sức lao động; 2 – Tiết kiệm thời gian; 3 – Tiết kiệm tiền của; 4 – Tất cả mọi người đều phải cùng tiết kiệm. Từ những lời dạy đó của Người, toàn quốc đã tạo nên phong trào tiết kiệm. Từ ông già bà cả đến những em thiếu nhi quàng khăn đỏ… nhất nhất, vui vẻ “thắt lưng buộc bụng”, nhường lại một phần trong khẩu phần ăn ít ỏi hàng ngày của mình cho “hũ gạo kháng chiến”. Nhờ đó, “Hũ gạo kháng chiến” được gây dựng, tiếp thêm sức mạnh, sức chiến đấu cho Bộ đội cụ Hồ để góp phần giúp cuộc kháng chiến chống Pháp thành công.

Hà Anh

Nguồn: Congluan.vn

https://www.congluan.vn/bai-3-nguoi-nguoi-thi-dua-nganh-nganh-thi-dua-post249060.html


Cùng chuyên mục

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024):  GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024): GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hồ Chí Minh và chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám

Chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hồ Chí Minh và chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám

Lê Duẩn với văn hóa và con người Việt Nam

Lê Duẩn với văn hóa và con người Việt Nam

Thủ tướng: Chính phủ quyết tâm chuyển đổi số sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả

Thủ tướng: Chính phủ quyết tâm chuyển đổi số sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả