Không chỉ độc đáo trong chế tác cũng như mang ý nghĩa sâu sắc để được trao 2 kỷ lục Việt Nam, tác phẩm “Vinh quy bái tổ” còn có sự song hành giữa khâu sáng tạo văn hóa với yếu tố kinh tế để đem lại những giá trị khác biệt.
Chiều sâu nội lực của văn hóa Việt
Ngày 23/12/2022 là một ngày đáng nhớ đối với những người thợ của xưởng tranh gỗ Bùi Gia (xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai, TP. Hà Nội). Đó là ngày tác phẩm đầy tâm huyết của họ cùng lúc được xác lập 2 kỷ lục Việt Nam: “Tác phẩm tranh gỗ thủ công về chủ đề “Vinh quy bái tổ” trên gỗ liền khối lớn nhất Việt Nam” và “Tranh khắc gỗ thủ công về đề tài “Vinh quy bái tổ” có số lượng người được điêu khắc trên tranh nhiều nhất”.
Với quy mô hoành tráng, bao gồm 348 nhân vật, 41 cờ quạt, võng lọng, giáo mác; có 55 con vật và 35 nhà cửa đền đài, đền chùa, bức tranh điêu khắc gỗ “Vinh quy bái tổ” được chế tác trên một thân gỗ cẩm lai Nam Phi nguyên khối dài 8m33, cao 1m70, dày 16cm. Tác phẩm nặng gần 2 tấn này được 10 người thợ có tay nghề cao của xưởng tranh gỗ Bùi Gia thực hiện ròng rã trong 27 tháng mới hoàn thành.
Chia sẻ về bức tranh, anh Bùi Trọng Quân – chủ xưởng tranh gỗ Bùi Gia cho biết, tranh tái hiện lại bối cảnh và nghi thức của một đại lễ tiêu biểu trong lịch sử khoa bảng Việt Nam – Lễ vinh quy, với ý nghĩa tôn vinh truyền thống đạo lý hiếu học, trọng hiền tài và lòng biết ơn hướng về quê hương, nguồn cội. Trong tranh, hàng trăm nhân vật, mỗi người một nét mặt, một dáng đứng khác nhau nhưng tất cả đều hân hoan, nô nức… Bức tranh không chỉ mô tả không khí náo nhiệt, hào hứng của một lễ hội mà còn giúp người xem như được sống lại bối cảnh học hành, thi cử trong xã hội Việt Nam thời xưa.
Theo anh Quân, điểm độc đáo của tác phẩm chính là những nét chạm khắc tinh xảo, có hồn và bố cục của bức tranh được thể hiện theo nguyên tắc “khí vận sinh động”. Nhìn từ xa, dễ dàng nhận thấy bức tranh có sự uyển chuyển, mềm mại, toàn bộ bức tranh toát lên không khí tươi vui, đầy sức sống.
“Dòng người trong tranh nhìn xa như con rồng đang uốn lượn, chuyển động. Các họa tiết, đường nét cũng mang đậm tinh thần văn hóa dân tộc Việt Nam. Tác phẩm thể hiện những nét văn hoá và đạo lý truyền thống quý báu của người Việt là uống nước nhớ nguồn, tôn sư trọng đạo, tinh thần hiếu học và luôn đem tài năng để phụng sự quốc gia”, anh Quân chia sẻ.
Chiêm ngưỡng tác phẩm được trưng bày tại Bảo tàng Hà Nội, nhiều người bày tỏ khâm phục sự kỳ công, khéo léo của những người thợ và cho rằng, ngoài sự hoành tráng thì tác phẩm này còn chứa đựng trong nó chiều sâu nội lực của văn hóa Việt.
Vượt qua thiên kiến “đồ mỹ nghệ tầm thường”
Đánh giá về bức tranh, nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, đề tài vinh quy rất cổ điển, người thợ các làng nghề đều đã làm. Tuy nhiên, cách thể hiện thường sáo mòn dẫn đến các sản phẩm làm ra trở thành đồ mỹ nghệ tầm thường. Trong khi đó, bức tranh “Vinh quy bái tổ” của Bùi Gia hướng tới một tác phẩm hoành tráng, tôn vinh cả một nền khoa cử hơn 800 năm của đất nước, thâu tóm trong đó tất cả những dấu tích của một nền học vấn mà bây giờ không còn nữa. “Tôi đánh giá cao các bạn trẻ vẫn giữ được truyền thống nghề nghiệp quê hương mình và có ý tưởng lớn với sức lao động sáng tạo để tạo ra được tác phẩm để đời”, nhà sử học Dương Trung Quốc nói.
Sản phẩm được tạo tác bởi 10 người thợ trong thời gian 27 tháng.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn – Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chia sẻ, tác phẩm “Vinh quy bái tổ” nhấn mạnh vào những phẩm chất tuyệt vời của của dân tộc Việt Nam và có ý nghĩa rất thiết thực trong việc lưu giữ, phát huy bản sắc dân tộc trong thời kỳ mới.
“Tôi rất mong rằng, bức tranh này không chỉ đạt kỷ lục Việt Nam, mà còn có ý nghĩa lan tỏa những thông điệp tích cực, lan tỏa những tinh thần sâu sắc đến tất cả mọi người, đặc biệt là các nghệ nhân trẻ, để từ đó thông qua các tác phẩm của mình, các nghệ nhân lưu giữ, gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống, để chúng ta khẳng định văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa soi đường cho quốc dân đi, khẳng định rằng văn hóa tạo ra sự tự tin, bản lĩnh để hội nhập tốt hơn, từ đó tạo nên sức mạnh chung cho dân tộc Việt Nam”.
Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, việc làm mới những giá trị văn hóa truyền thống trên chất liệu gỗ, phù hợp với thị hiếu, sở thích của công chúng hiện đại. Nhờ những sáng tạo như vậy, những nét văn hoá của dân tộc tiếp tục được lưu giữ và phát huy.
“Ai sẽ giữ hồn dân tộc đây? Ai sẽ là người giữ các mạch nguồn văn hóa của đất nước đây? Điều trăn trở của tôi đã được giải tỏa một phần với sự tâm huyết của những người ở xưởng tranh gỗ Bùi Gia”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nói.
Khởi đầu cho những tác phẩm lớn hơn, quy mô hơn
Tác phẩm “Vinh quy bái tổ” được nhóm tác giả của tranh gỗ Bùi Gia thai nghén từ cuối năm 2019. Ngay khi thực hiện bản vẽ cho bức tranh, họ đã gặp không ít khó khăn do chưa đủ kiến thức, thiếu các dữ liệu về lịch sử khoa bảng thời phong kiến. Mất gần 1 năm, nhóm tác giả phải lặn lội từ Bắc vào Nam, khảo sát tại các di tích lịch sử tại Kinh thành Huế, Văn Miếu Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long… và đọc thêm nhiều tài liệu, sách, báo để đặt những nét vẽ phác thảo đầu tiên. Rất may, họ đã nhận được sự hỗ trợ quý giá của nhà sử học Dương Trung Quốc; PGS.TS Bùi Hoài Sơn – Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội và họa sĩ, TS Hồ Trọng Minh – Giảng viên Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam.
“Nhờ sự chỉ dẫn của nhà sử học Dương Trung Quốc, chúng tôi mường tượng rõ hơn về trang phục, văn hóa, về không khí sinh hoạt thời kỳ cách đây hàng trăm năm. Nhờ ý kiến tư vấn của anh Bùi Hoài Sơn, chúng tôi được biết là việc làm của mình đi đúng định hướng phát triển công nghiệp văn hóa mà Đảng, Nhà nước đang khuyến khích. Nhờ sự sát sao của anh Hồ Trọng Minh mà anh em thợ thêm tự tin, tiến bộ hàng ngày trong tay nghề. Phải nói rằng chúng tôi rất may mắn khi có được “điểm tựa” vững chắc là các chuyên gia khi họ cùng đồng hành với mình”, anh Quân nói.
Giờ đây, bức tranh đã hoàn thành và nhận được nhiều lời khen ngợi cũng như được đánh giá cao về giá trị kinh tế. Theo anh Quân, nghệ thuật thì khó định giá nhưng chỉ tính chi phí làm ra bức tranh thì con số phải lên đến nhiều tỷ đồng. Cũng đã có một số người quan tâm đến bức tranh, ngỏ ý muốn mua nhưng anh chưa bán. Đồng thời, xen lẫn trong niềm vui, tự hào thì tất cả mọi người trong xưởng tranh Bùi Gia cũng như được cởi bỏ áp lực. Bây giờ họ có thể tự tin về tay nghề, về sức sáng tạo để có thể thực hiện tốt nhất những bức tranh thậm chí có quy mô lớn hơn, phức tạp hơn nữa. Cũng từ sau khi tác phẩm “Vinh quy bái tổ” được công nhận kỷ lục, nhiều người biết đến xưởng tranh gỗ Bùi Gia hơn, khách hàng đến xưởng không chỉ đặt hàng mà còn để được “nhìn tận mắt, sờ tận tay” một tác phẩm hoành tráng.
“Chúng tôi đang ấp ủ ý tưởng làm một bức tranh lớn hơn, quy mô hơn về chiến thắng Bạch Đằng của cha ông ta. Tất nhiên, đây là dự án dài hơi, chúng tôi chỉ thực hiện khi đã có sự chuẩn bị tốt nhất”, anh Quân tiết lộ.
T.Toàn
Nguồn: Congluan.vn
https://www.congluan.vn/buc-tranh-go-lap-2-ky-luc-viet-nam-tim-ve-chieu-sau-van-hoa-viet-post242448.html