Từ ngày 8/7-13/7, triển lãm “Không gian Di sản văn hóa Việt Nam” sẽ chính thức diễn ra tại Vườn tượng An Hội, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam.
Triển lãm “Không gian Di sản văn hóa Việt Nam” là sự kiện văn hóa quan trọng nhằm giới thiệu, quảng bá, tôn vinh những giá trị của di sản văn hóa, và thiên nhiên độc đáo của Việt Nam đã được UNESCO vinh danh.
Phố cổ Hội An – nơi diễn ra triển lãm “Không gian Di sản văn hóa Việt Nam” – Ảnh: BTC
Đây cũng là dịp để các tỉnh, thành phố quảng bá tiềm năng, sức hấp dẫn của du lịch xanh, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên đất nước của cộng đồng; tạo động lực thu hút mạnh mẽ các nguồn lực phát triển du lịch, nâng cao vị thế hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.
Triển lãm “Không gian Di sản văn hóa Việt Nam” sẽ giới thiệu các sản phẩm của nghề thủ công truyền thống, tôn vinh sản phẩm tiêu biểu của các nghệ nhân, làng nghề, qua đó quảng bá về tiềm năng du lịch làng nghề, mở rộng mối quan hệ giữa các làng nghề, giữa người sản xuất với du khách.
Nội dung trưng bày của triển lãm “Không gian Di sản văn hóa Việt Nam” gồm:
Triển lãm ảnh chủ đề “Hành trình qua những miền di sản Việt Nam”: giới thiệu về các di sản được UNESCO vinh danh, di tích lịch sử danh lam thắng cảnh, các di tích quốc gia đặc biệt, di sản văn hóa phi vật thể quốc gia với 160 bức ảnh nghệ thuật được lựa chọn trưng bày.
Đó là các di sản thiên nhiên thế giới như: Vịnh Hạ Long, Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng; di sản văn hóa thế giới: Quần thể di tích Cố đô Huế, Khu phố cổ Hội An, Khu di tích Chăm Mỹ Sơn, Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long, Di tích Thành nhà Hồ; di sản hỗn hợp văn hóa và thiên nhiên thế giới: Quần thể danh thắng Tràng An; di sản văn hóa phi vật thể: Nhã nhạc – Âm nhạc Cung đình Việt Nam, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Dân ca Quan họ, Ca trù, Hội Gióng ở đền Sóc và đền Phù Đổng – Hà Nội, Hát xoan, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ, Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh, Nghi lễ và trò chơi kéo co ở Việt Nam, Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, Nghệ thuật Bài chòi Trung bộ, Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam; khu dự trữ sinh quyển thế giới tại Việt Nam; di sản tư liệu: Mộc bản triều Nguyễn, Bia đá các khoa thi tiến sĩ triều Lê và Mạc; Châu bản triều Nguyễn, Mộc bản kinh Phật thiền phái Trúc Lâm chùa Vĩnh Nghiêm, Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế, Mộc bản trường Phúc Giang, Sách “Hoàng hoa sứ trình đồ”; công viên địa chất toàn cầu:Cao nguyên đá Đồng Văn, Công viên Non nước Cao Bằng, Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO Đắk Nông.
Triển lãm với chủ đề “Di sản quanh ta” trưng bày và trình diễn thời trang áo dài truyền thống – Ảnh: BTC
Một hoạt động triển lãm ảnh tại Hội An – Ảnh: Phan Sơn
Hình ảnh trưng bày tại triển lãm – Ảnh: BTC
Một gian hàng trưng bày tại triển lãm “Không gian Di sản văn hóa Việt Nam” – Ảnh: BTC
Khu trưng bày “Du lịch qua những làng nghề truyền thống Việt Nam“: Qua những hình ảnh và 100 sản phẩm thủ công mỹ nghệ được giới thiệu, khu trưng bày như một hảnh trình du lịch đưa du khách đến với các làng nghề truyền thống dọc miền đất nước, trải nghiệm và khám phá những nét đẹp rất riêng để hiểu hơn về tinh hoa văn hóa dân tộc. Có thể kể đến: nghê dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc Tày, nghề chạm khắc bạc của người Mông, nghề đan lát của dân tộc Mảng, làm khèn, in sáp ong của dân tộc Dao…Khu trưng bày cũng giới thiệu một số tác phẩm thủ công, mỹ nghệ của các nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú, thợ giỏi của các làng nghề truyền thống: gốm sứ Bát Tràng, mây tre đan Phú Vinh, chạm bạc Đồng Xâm, gỗ mỹ nghệ Sơn Đồng, hoa giấy Thanh Tiên, gốm Phù điêu Hải Phòng, nghệ thuật điêu khắc ánh sáng…
Khu trưng bày không gian “Sắc màu Di sản” của các tỉnh, thành phố: 25 tỉnh, thành phố tham gia triển lãm lần này: Hà Giang, Điện Biên, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Ninh Bình, Hải Phòng, Hưng Yên, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Cần Thơ, Tây Ninh, Bà rịa – Vũng Tàu, Cà Mau mang đến những sắc màu di sản, nét văn hóa đặc sắc của từng địa phương, trong đó tập trung giới thiệu các di sản văn hóa, thiên nhiên, các danh thắng tiêu biểu của địa phương, những điểm đến được du khách yêu thích; giới thiệu nét đặc sắc về sinh hoạt cộng đồng; quảng bá tiềm năng du lịch sinh thái, du lịch bền vững tại địa phương, sản phẩm thủ công truyền thống tiêu biểu, nghệ thuật ẩm thực, sản vật của địa phương.
Ngoài ra, trong suốt thời gian diễn ra triển lãm, còn có chương trình giao lưu nghệ thuật dân gian truyền thống “Sắc màu di sản”: Chương trình giao lưu văn hóa nghệ thuật dân gian truyền thống với chủ đề “Sắc màu di sản” diễn ra hàng ngày tại khu Triển lãm, giới thiệu các loại hình di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc, các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống như: xẩm, ca trù, trống quân, quan họ, hát Xoan, múa Xòe Thái, dân ca ví dặm,hát bài chòi, cồng chiêng Tây Nguyên, múa Xoang Tây Nguyên biểu diễn nhạc cụ dân tộc, lễ hội Bỏ mạ, cà kheo, bắn nỏ… góp phần tôn vinh di sản văn hóa, khơi dậy niềm tự hào dân tộc.
Vân Anh
Báo Công luận
https://www.congluan.vn/hom-nay-8-7-khai-mac-trien-lam-khong-gian-di-san-van-hoa-viet-nam-post203437.html#p-0