Đêm qua, trong phát biểu tại lễ kỷ niệm 50 năm giải phóng tỉnh Quảng Trị và 50 năm sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ thành cổ Quảng Trị, Chủ tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc đã xúc động đọc nguyên văn bài thơ Lời người bên sông và nhắc tới tác giả “người chiến sĩ Thành cổ năm xưa Lê Bá Dương” (lời Chủ tịch Nước):
Đò lên Thạch Hãn…ơi chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm
Bài thơ này được Lê Bá Dương viết khi trở lại Quảng Trị tháng 7 năm 1987, một mình thả hoa tưởng nhớ đồng đội trên dòng sông Thạch Hãn như anh từng làm trong những tháng 7 từ năm 1976. Hành trình thả hoa và bài thơ xúc động của anh đã được lãnh đạo Quảng Trị tiếp thu chính thức tạo nên lễ hội thả hoa hàng năm trên dòng sông lịch sử kỷ niệm sự kiện 81 ngày đêm thành cổ Quảng Trị. Bài thơ được lưu truyền rộng rãi ở Quảng Trị và cả nước, được coi là “bài thơ thần” tưởng nhớ những người đã hy sinh ở đây và tên tác giả đã được tạc trên hai bia đá lớn ở cả bờ bắc và bờ nam dòng sông Thạch Hãn như lời của tất cả những người đang sống gửi tới những người đã khuất vì độc lập tự do của mảnh đất này. Nhưng sau đó, vì sức ép của một vị tướng cao cấp cũng là cựu binh Quảng Trị, người bị Lê Bá Dương vạch trần những hành động cướp công của đồng đội, tên tác giả đã bị đục bỏ. Hội CCB thành cổ chịu ảnh hưởng của ông tướng này cũng rêu rao Lê Bá Dương không phải là tác giả của bài thơ. Tuy nhiên, từ khiếu nại chính đáng của Lê Bá Dương, các đồng đội Quảng Trị chính trực, dư luận xã hội và sự vào cuộc của Cục bản quyền tác giả Bộ VHTT&DL, tên anh được trả lại với bài thơ bất hủ trên hai tấm bia đá.
Ít người biết cựu binh Quảng Trị, nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Bá Dương là con trai NSND tuồng cự phách Lê Bá Tùng, quê ở Vinh, Nghệ An. Anh sinh ngày 10/4/1953. Năm 1968 khi mới 15 tuổi anh đã khai tăng tuổi xin nhập ngũ vào Trung đoàn 27 Nghệ An, một trong những đơn vị “cơm Bắc giặc Nam”. Từ giữa năm 1968 anh bắt đầu chiến đấu trên chiến trường Quảng Trị và từ đó đến năm 1973, cái tên Lê Bá Dương được biết đến với những danh hiệu “dũng sĩ diệt Mỹ”, “dũng sĩ diệt cơ giới”, “dũng sĩ diệt máy bay” và phong trào B5 (Mặt trận Trị Thiên – Huế) học tập tinh thần “xung kích như Lê Bá Dương, chốt chặt như Lê Bá Dương”. Thời gian đó các báo Nhân Dân, Quân Đội, Tiền Phong từng có nhiều bài ảnh về Lê Bá Dương. Trong mùa hè đỏ lửa 1972, anh cùng tiểu đoàn 2, trung đoàn 27, sư 390 tham gia 81 ngày đêm bảo vệ thành cổ Quảng Trị. Trung đoàn 27 lúc bấy giờ mang tên Trung đoàn Triệu Hải (ghép tên hai huyện Triệu Phong, Hải Lăng). Ở đây, Lê Bá Dương từ chiến sĩ đã được đưa lên các cương vị chỉ huy tiểu đội, trung đội, đại đội rồi tiểu đoàn. Anh từng hai lần được đưa vào danh sách đề nghị phong tặng Anh hùng nhưng do chưa hy sinh chỉ bị thương nặng kéo dài không tự kê khai thành tích được nên luôn lỡ dịp và lỡ luôn từ đó đến nay.
Hiện anh là phóng viên thường trú của tạp chí Văn hiến VN tại Nha Trang. 47 năm qua anh vẫn không ngừng cùng các đồng đội còn sống đi tìm hài cốt và di vật của những đồng đội đã mất đưa về cho gia đình và tổ chức những chuyến hành hương từ khắp mọi miến đất nước về Quảng Trị cho các cựu chiến binh và gia đình liệt sĩ. Quảng Trị vẫn không ngừng cháy bỏng trong anh…
Nguyễn Thế Khoa/ Văn hiến Việt Nam