Đi vào miền Nam nước Việt mới nghe được câu cửa miệng: “Nghèo cháy nóp”. Cái nóp là cái gì? Trong bài hát “Nam Bộ kháng chiến” của nhạc sĩ Tạ Thanh Sơn miêu tả hình ảnh thanh niên năm 1945 ra trận: “Nóp với giáo mang ngang vai nhưng thân trai nào kém oai hùng”. Đi chiến đấu, đã mang giáo/ gươm giáo thì nóp ắt cũng loại vũ khí chứ gì?
Thôi thì, không tranh luận, ta hãy tra từ điển cho chắc ăn. “Nóp: Túp con, quây bằng chiếu, bằng cót ở bờ ruộng hay trên thuyền để nằm cho khỏi muỗi”, “Việt Nam tự điển” (1931) giải thích. Gần đây, theo “Đại từ điển tiếng Việt” (1999): “Nóp: Bao lớn làm bằng cói hoặc quây bằng chiếu, bằng cót ở bờ ruộng hay trên thuyền để nằm cho khỏi muỗi”. Quây là quây như thế nào mà khỏi muỗi? Hơn nữa với từ cót, ta lại hình dung ra chính là tấm phên đan bằng tre, nứa tạm bợ bọc quanh cái gì đó nhằm che chắn, làm sao tránh được muỗi? Trước hết, xin nói ngay, về cái nóp, có liên quan đến bàng trong ca dao Nam Bộ có câu:
Chiều hôm em đứng giã bàng
Thương anh quảy nóp trong hàng quân đi
Bàng này không phải cây bàng tỏa rợp bóng mát, chính là loại cỏ cao từ trên 1 mét đến 2 mét, ống tròn như đầu đũa, thẳng tựa cây cói/ cây lác,”Trắng da vì bởi mẹ cưng/ Đen da vì bởi lội bưng nhổ bàng”. Sau khi thu hoạch bàng, phơi khô vài ba nắng, người ta dùng chày đem giã/ nện cho dẹp dùng để đan đệm, túi đệm, nóp… Chày giã bàng tự như chày đâm tiêu nhưng cao và to ngang đầu người, thường làm bằng gỗ sao là công việc nặng nhọc dành cho đàn ông, kể cả việc dùng liềm cắt bàng. Hình ảnh lao động này còn được phản ánh trong lời ăn tiếng nói thuở xưa:
Chàng đi cắt bàng cho nàng đươn đệm
Mãn mùa rồi bán đệm chia đôi
Đươn là đan, phát âm theo người miền Nam. Đệm này dùng làm nóp, đại khái là lấy tấm đệm to, gấp lại theo hình chữ nhật, bề dọc dài chừng hai thước, ngang chừng một mét, may kín hai đầu, như vậy còn hở một bề dọc. Khi ngủ, người ta chui vào đó làm một giấc nhằm tránh muỗi mòng ở vùng đất: “Muỗi kêu như sáo thổi/ Đĩa lềnh tựa bánh canh”.
Tại sao gọi nóp?
Ai cũng biết, thời buổi này, một thông tin sau khi đã được công bố, ai cũng có thể “phát tán” bằng “phương pháp” copy + past. Chính vì thế, thông tin từ một nguồn đã được phổ biến rộng khắp. Chẳng hạn, về nóp, tôi nhận thấy từ trang web đến Facebook hầu hết đều chia sẻ thông tin của nhạc sĩ Dân Huyền đã lý giải: “Chuyện truyền miệng kể rằng, cách đây hàng trăm năm, trong một trận tấn công vào nghĩa quân ở Đồng Tháp Mười, một sĩ quan Pháp thấy một vật lạ – một cái bao hình như bằng rơm đan, đủ cho một người chui vào, có thể xếp lại làm tấm lót ngồi, liền hỏi tên thông ngôn (phiên dịch). Tên này cũng chưa rõ là cái gì, muốn trả lời ngay là “chiếu xếp”, nhưng không dám động đến tiếng “xếp” (tiếng Pháp có nghĩa là chỉ huy) vì sợ xúc phạm đến “quan lớn” (vì cái xếp dùng để lót ngồi). Y bèn nói trại ra là “chiếu nếp”. Ít lâu sau, một tên đội người Việt đóng đồn ở Đồng Tháp Mười tên là Nếp, cấm không được dùng tên y để chỉ “chiếu nếp”. Từ đó “chiếu nếp” được gọi là “chiếu Nóp” rồi dần dà thành “chiếc Nóp”. Cái tên đó lưu truyền cho đến bây giờ”.
Thật ra cách giải thích lý thú này, nghe cho vui lúc nhâm nhi lai rai ba sợi đặng đưa cay thêm thi vị, chỉ là cách giải thích “từ nguyên” theo lối dân gian. Tên gọi nóp hoàn toàn không liên quan gì đến giai thoại trên, nó chính là từ vay mượn. Người trước nhất, có thể nói cụ Vương Hồng Sển đã khẳng định trong “Tự vị tiếng nói miền Nam” (NXB Văn hóa – 1993): “Nóp: Do tiếng Miên”. Ấy là cụ căn cứ vào “Từ điển Miên – Pháp” của J.B Bernard: Nôp, Kontil nôp: “”Natte en jonc cousue en forme de sac, les voyageurs s’en servent en guise de moustiquaire”. Từ đó, cụ có giải thích: “Kontil là đệm dệt bằng cây bàng, chiếu thô. Nóp, ban đêm dùng khi ngủ, che thân khỏi muỗi đốt, ban ngày dùng gói các vật cần dùng, y phục v.v…” (tr.489).
Kiểm chứng lại từ “Từ điển Khơme-Việt” (NXB Khoa học xã hội – Hà Nội – 1979) do Hoàng Học biên soạn, ta biết kontil ghi theo lối người Pháp chính là “con-têk: chiếu” (tr.18); “nôp: cái nóp; đêk nôp: ngủ nóp” (tr. 706). Từ vật dụng làm chiếu ấy, người Khơme đã sáng chế ra chiếu nóp: con-têk nôp – chiếu nốp là chiếu có công dụng như ta đã biết. Và, người Việt đã làm theo kể cả vay mượn cách gọi.
Nếu người Việt vay mượn từ nóp của người Khơme, ngược lại, họ vay mượn của ta từ gì cũng nhằm chỉ vật dụng che cho lúc ngủ không bị muỗi đốt/ chích/cắn? Theo cụ Sển chính là từ mùng. “Từ điển Khơme-Việt” cũng cho biết: “mung: mùng, book mung: giặt mùng, màn” (tr. 833). Khi ta nhớ lại câu ca dao:
Gió đưa cơn buồn ngủ lên bờ
Mùng ai có rộng xin ngủ nhờ một đêm.
Lưu ý ở đây phải là mùng, chứ không phải giường, vì rằng, nó đã phản ánh sinh hoạt của thời ban đầu khai hoang mở đất, lưu dân cần cù chất phác, “bán lưng cho đất, bán mặt cho trời” ngủ thế nào cũng được, miễn là tránh được muỗi, chứ không nhất thiết phải giường, phải chăn êm nệm ấm. Lời ăn tiếng nói bình dị, dân dã ấy, ngẫm ra không hề ngẫu hứng mà đã phản ánh sinh hoạt của một thời. Từ “mùng” vây mượn ấy, chắc chắn người Khơme không thể biết với người Việt, tùy theo ngữ cảnh mùng còn còn được phát âm là mồng, thí dụ chỉ về ngày có mồng 1, mồng 2, mồng 3 v.v…
Một khi vây mượn từ nóp, trong tiếng Việt hoàn toàn không có từ đồng âm dị nghĩa. Nếu có nốp dù phát âm từa tựa nóp nhưng hai miền Nam-Bắc lại hiểu khác nhau. “Nốp: Sang trọng, quý phái” (Đại từ điển tiếng Việt, 1999); “Nốp: (nớp): Nao núng, sợ nốp gan: Kinh sợ, hồi họp không yên” (Đại Nam quấc ậm tự vị, 1895). Trở lại với thành ngữ “Nghèo cháy nóp”, ta hiểu, gia tài không có gì, nghèo sặc gạch, nghèo mạt rệp, chỉ mỗi cái nóp mà nó cũng cháy béng, “tiêu tán thòng”, đúng là kêu trời không thấu. Nói như người miền Nam chính là: “Nghèo tanh, nghèo hôi/ Nghèo lồi mắt cá/ Nghèo sạt xương hông/ Nghèo không gạo nấu/ Nghèo thấu Ngọc Hoàng/ Nghèo tàn, nghèo mạt/ Nghèo khạc ra tro/ Nghèo ho ra máu/ Nghèo náu vô bờ/ Nghèo lờ con mắt/ Nghèo thắt ống chưn/ Nghèo sưng cần cổ/ Nghèo lỗ máu đầu/ Nghèo cực như trâu/ Một xâu, hai thuế…”.
Còn người miền Bắc một khi nói về nghèo, ta có thể chọn câu gì? Chà, trong thởi gian ngẫm nghĩ, ta hãy văn chương thư giãn một chốc xem sao. Rằng:
Thiên hạ xác rồi còn đốt pháo
Nhân tình trắng thế lại bôi vôi.
Câu này của Tú Xương hay ở chỗ nhà thơ vận dụng đồng âm của từ “xác” như một thủ pháp chơi chữ. Xác ở đây hiểu theo nghĩa bóng là xác xơ, kiết xác, túng thiếu đến độ không bói đâu ra một xu; do đó, mới có câu thành ngữ: Nghèo kiết xác. Mà đốt pháo, tất nhiên cũng có xác/ xác pháo thì xác này lại là phần vỏ, bã sau khi pháo đã nổ. Nếu ai đó hỏi cắc cớ, với từ “xác” trong tiếng Việt thì nó được so sánh với gì? Ta có thể tìm thấy câu trả lời qua một đoạn thơ của Tú Mỡ:
Lời ông tuyên bố đẹp như thơ
Nhưng tiếc thay ông vụng phỉnh phờ
Nước Pháp ngày nay tôi cứ tưởng
Đang xơ như nhộng, xác như vờ.
Xác được so sánh với vờ. Còn “xơ như nhộng” lại có cách nói tương tự là “trần như nhộng”. Vậy, “vờ” là gì? Có câu ca dao:
Đời người như bóng phù du
Sớm còn tối mất, công phu lỡ làng
Phù du là tên gọi khác của con vờ: “Thứ côn trùng ở trên mặt nước, hóa thành hình thì chết” (Việt Nam tân tự điển). Nhưng vờ cũng đồng âm với vờ/ giả vờ, vờ vĩnh, vờ vịt, làm bộ làm tịch, giả đò… Nếu không muốn nói xác như vờ, ta còn có cách nói khác, chẳng hạn nhà văn Nam Cao viết: “Thai buồn rầu nghĩ tới bộ quần áo độc nhất của hắn xác như tổ đỉa”; hoặc “rách như tổ đỉa”. “Tổ đỉa” là cái tổ của con đỉa chăng? Đã có tranh luận về cụm từ tổ đỉa trong thành ngữ này, chúng tôi vẫn thuận theo cách giải thích của “Đại từ điển tiếng Việt”: “Cây dại mọc ở bờ nước, lá thường xác xơ, tớp túa; dùng để ví trạng trái rách rưới, lôi thôi, nham nhở”. Còn có thành ngữ tương tự: “Rách như xơ mướp”. Một khi mướp song hành cùng xơ, ca dao lại chơi chữ cực kỳ lý thú:
Biết tay ăn mặn thì chừa
Đừng trêu mẹ mướp mà xơ có ngày
Thì xơ ở đây vừa ngầm hiểu là xơ mướp, chỉ có phần vỏ, xác, đừng hòng xơ múi – tức không thể chấm mút, kiếm chác gì thêm được – nhưng cũng hiểu xơ xác, xơ rơ xác rác, thân bại danh liệt nên chớ dại mà trêu mẹ mướp.
Qua những thí dụ nêu trên, ta thấy rằng, kiết và xác nếu đi chung hoặc tách riêng cũng đều hàm nghĩa như “Việt Nam tự điển” (1931) đã giải thích: “Kiết: nghèo xác không có tiền của”, có các từ cùng nghĩa như kiết cáu, kiết cú, kiết xác. Và nó đã đi vào vài thành ngữ như ta đã biết. Tuy nhiên, vẫn chưa hết, chẳng hạn nhà văn Ngô Tất Tố viết: “Nhà em kiết xác mồng tơi, ai còn dám rời hoa tai cho mượn?”. Thành ngữ “Kiết xác mồng tơi” còn có dị bản “Nghèo rớt mồng tơi”. Rắc rối trong thành thành ngữ này vẫn là cách hiểu về “mồng tơi”.
Có phải là “loại rau ăn cây leo, khi ngắt hết lá để nấu ăn chỉ còn trơ lại thân xác, đây là thành ngữ chỉ sự nghèo túng đến mức kiệt quệ” – như gia đình nhà văn đã giải thích? (Tắt đèn – NXB Văn học – 2013, tr.100). Dù nhiều người tán thành, thế nhưng vẫn có ý kiến cho rằng, “mồng tơi” lại là phần trên của cái áo tơi ngày xưa thường được kết bằng lá cọ, lá gồi…
Chẳng hạn, “Từ điển thành ngữ Việt Nam” của Viện Ngôn ngữ học giải thích: “Nghèo đến xơ xác cùng kiệt. Rớt: rơi rụng; mồng tơi hay mùng tơi là phần trên của áo tơi che mưa nắng hiện vẫn dùng ở một số tỉnh miền Trung. Mùng tơi thường được kết dày, bằng các dọc lá tốt nên tơi rách mùng tơi vẫn còn nguyên. Áo tơi mà rớt mồng tơi là rách nát hoàn toàn. Người mà phải dùng loại áo tơi này hẳn là nghèo, là khốn khó lắm”. Thiết nghĩ, cách giải thích này hợp lý hơn.
Một khi nói đến nghèo, ngoài các câu nêu trên, tiếng Việt cực kỳ phong phú khi xuất hiện “thành ngữ” hoàn toàn không có từ nghèo nhưng vẫn hiểu cực nghèo: Trên răng dưới dái/ trên răng dưới khố/ trên răng dưới ca tút. Ca tút chính là cách phát âm của vây mượn từ tiếng Pháp cartouche: bao đạn. Thì “cái ấy” được ngầm hiểu là nơi chứa “đạn dược” – nhằm tránh đi cái từ “tế nhị” khó nói. Do đó, cách sử dụng khéo léo từ ca tút trong trường hợp này đã được chấp nhận.
Theo Công an nhân dân