Mất nửa đời học làm thơ, mất cả đời học làm người

10:19 | 12/01/2022

Mới đây, trên chương trình Việt Nam của VTV1 có chiếu bộ phim tài liệu về làng Chùa của tôi. Bộ phim có cảnh người làng Chùa viết những câu nói của mình về thơ ca và cuộc sống lên những tấm phướn màu đỏ treo dọc hai bên đường làng. Hình ảnh ấy gợi cho tôi nhớ đến những năm tháng tôi còn là một chàng trai. Tôi thường tha thẩn đi dọc đường làng để đọc trên những bức tường xưa cũ những câu nói về thơ ca và đời sống. Tôi không biết những câu nói ấy có tự bao giờ, nhưng ý nghĩa của nó vẫn còn nguyên giá trị cho tới ngày nay và tôi tin sẽ còn lại mãi mãi. Lúc này, tôi càng thấu hiểu hơn nguồn cội sinh ra những vẻ đẹp và nền tảng văn hóa của một dân tộc.


Người thổi sáo 2, sơn dầu trên toan, khổ 12 x 160cm.

Năm 2007, một trong những tờ báo lớn nhất của Colombia đã phỏng vấn tôi về thơ ca. Tờ báo đã chạy một tít lớn kéo dài cả hai đầu trang bằng câu nói của người làng tôi: “Thơ ca không làm ra lúa vàng gạo trắng, nhưng làm ra giấc mơ cho người gieo trồng’’. Sau này khi tôi đọc nhiều sách hơn, sống nhiều hơn, tôi hiểu hơn ý nghĩa câu nói của những người nông dân của một làng quê Bắc Bộ như biết bao ngôi làng khác trên xứ sở chúng ta.

Thơ ca hay nói rộng hơn là văn hóa quyết định ý nghĩa sống của con người. Nếu không có văn hóa, thì đời sống con người cũng chỉ là hình thức sống của một loài mà bản chất của đời sống ấy cũng không khác gì các loài khác đang hiện diện trên thế gian này. Nhân loại cho tới lúc này không bớt đi dịch bệnh, không bớt đi những cuộc chiến tranh, không bớt đi sự thù hận…Và nếu nhân loại không luôn mang trong mình những giấc mơ đẹp đẽ và lớn lao về thế gian này thì có lẽ nhân loại không đủ ý chí để bước đi trên con đường đầy sóng gió của mình, sẽ bị nhấn chìm vào bóng tối của sự hưởng thụ vật chất đớn hèn, của sự thù hận, nỗi sợ hãi và tuyệt vọng từ rất lâu rồi.

Người làng Chùa của tôi nói:’’Không có ăn không thể bước đi, không có chữ không nhìn thấy đường’’. Chữ ở đây là văn hóa. Chưa bao giờ người Việt Nam lại sống trong một đời sống vật chất nhiều như bây giờ. Nhưng khi đời sống vật chất càng đầy đủ thì văn hóa càng cần phải mạnh mẽ và trùm phủ đời sống này hơn bao giờ hết. Vật chất có thể đưa con người tới cực điểm của sự thỏa mãn dục vọng nhưng chỉ có văn hóa mới đưa con người chạm tới hạnh phúc.

Do thời gian và chiến tranh mà cổng làng tôi đã bị phá hủy. Sau này, những người già của làng tôi đã kêu gọi con cháu dựng lại cái cổng làng đó. Những người già của làng nói: “Chúng tôi không kêu gọi dựng lại cái cổng làng bằng gạch đá mà kêu gọi dựng lại những chữ trên cổng làng đó’’. Trên cổng làng xưa của làng tôi có viết bốn chữ “Vọng tự nhập xuất’’, nghĩa là: nhìn chữ để biết việc ra vào. Chữ ở đây là văn hóa và việc ra vào là phép ứng xử của con người với cuộc đời này, với thế gian này. Dựng lại bốn chữ kia là dựng lại một nền văn hóa, dựng lại nhân cách và tư tưởng sống của tổ tiên, ông bà – những người đã dựng lên ngôi làng và dựng lên lịch sử cũng như văn hóa của ngôi làng đó. Cho đến lúc này, tôi nhận ra rằng: đó không chỉ là tư tưởng sống của một ngôi làng mà là tư tưởng sống của nhân loại.

Người làng Chùa của tôi nói:’’Thơ ca là ngũ cốc trên cánh đồng người’’. Trên cánh đồng đất đai, ngũ cốc mọc lên để duy trì sự sống của con người. Nhưng trên ‘’cánh đồng người’’ thì thơ ca là ngũ cốc để nuôi lớn và duy trì những vẻ đẹp nhân tính con người. Thơ ca ở đây không phải là một thể loại của nghệ thuật sáng tạo mà chính là văn hóa. Bản chất của thơ ca nói riêng và văn học nói chung là chứa đựng những vẻ của đẹp tâm hồn, của lịch sử và của đời sống con người. Thứ ngũ cốc ấy cần thiết hơn mọi loại ngũ cốc. Nó nuôi lớn và xác lập sự khác biệt cũng như giá trị giữa con người và hoang thú.

Người làng Chùa của tôi nói: ‘’Người làng Chùa làm thơ vì vui, vì buồn và làm thơ vì cái chết nhưng không bao giờ làm thơ vì lòng hận thù’’. Người làng Chùa của tôi lại nói: ‘’Một chữ có ÂN thì nở hoa, vạn chữ chỉ có OÁN thì sinh sâu bọ’’. Đấy là bản chất của văn chương. Đấy là con đường duy nhất của văn chương chân chính. Thù oán trong một con người thì chỉ có thể là thù oán của một người, nhưng thù oán được cấy vào chữ nghĩa, được dựng lên trong một thứ được gọi là văn chương sẽ làm cho sự thù oán đó lan rộng tới nhiều người, đôi khi cả một cộng đồng và kéo dài nhiều thế hệ.

Tôi đã đi dọc đường làng từ thuở ấu thơ cho tới lúc này. Một ngôi làng trải qua biết bao khó khăn, thăng trầm, mất mát trong cuộc sống nhưng những người dân của ngôi làng từ thế hệ này đến thế hệ khác đã thấu đạo làm người và thấu lẽ văn chương. Thuở đôi mươi, tôi không hiểu hết những dòng chữ viết vụng về trên những bức tường xưa cũ của làng tôi. Nhưng rồi tôi bước chân ra khỏi làng, đi đến nhiều nơi trên xứ sở mình, trên thế giới và tôi quay về để hiểu làng tôi, hiểu những dòng chữ của người nông dân bình dị. Những người làng tôi không phải là giáo sư, tiến sỹ, không phải là nhà văn, nhà thơ nhưng họ đã sống suốt đời trên mặt đất này, đã suy ngẫm trong ngôi nhà của họ, đã cày cuốc và gieo hạt, đã hòa đồng vào thiên nhiên vô tận, đã yêu thương và dâng hiến. Tất cả đã mở ra con đường cho họ bước đi về phía ánh sáng.

Những người già làng tôi nói: “Sống được từng nào thì viết được từng ấy’’. Tôi nhận ra rằng sống mới là điều khó khăn nhất, như người làng Chùa tôi nói: ‘’Mất nửa đời học làm thơ, mất cả đời học làm người’’. Con người phải học sống trong suốt cả thời gian họ hiện hiện trên thế gian này. Chỉ khi nằm xuống thì lớp học làm người mới tạm thời kết thúc. Người ta có thể học ba năm để biết viết không sai một thể loại văn chương nhưng phải học cả đời để biết làm một con người đúng nghĩa.

Thế gian này, đời sống này hình như chẳng có gì mới mẻ hơn. Tổ tiên, ông bà, cha mẹ chúng ta đã dạy chúng ta tất cả những gì chúng ta cần phải học cho cuộc sống và sự sáng tạo của mình. Cho tới tận lúc này, tôi vẫn không hết ngạc nhiên và thường tự hỏi: vì sao những người nông dân ở một ngôi làng nhỏ bé lại có thể viết ra những câu nói như vậy. Câu trả lời của tôi cho chính tôi là: bởi họ đã sống đến tận cùng nên họ đã chạm vào chân lý của cuộc sống. Trong hương ước của làng tôi, đoạn mở đầu viết: “Làng ta không phải làng trạng nguyên, bảng nhãn, nhưng là làng hiếu học tự ngàn xưa. Người làng ta lấy đức làm gốc và lấy thơ để truyền đức”.

Hãy đi thật xa, hãy lắng nghe thật nhiều, hãy trải qua mọi thăng trầm để một ngày trở về đi dọc đường làng đọc lại lời người xưa mà thấu hiểu đời sống và giá trị của kiếp người cũng như giá trị của tất cả những gì gọi là sáng tạo.

Hà Đông, một ngày đầu đông 2021!

 

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều

Video hay

Cùng chuyên mục

Sôi động giải Đua thuyền truyền thống Quốc gia năm 2024 tại Quảng Bình

Sôi động giải Đua thuyền truyền thống Quốc gia năm 2024 tại Quảng Bình

Nhiều điểm du lịch hấp dẫn du khách khi đến Quảng Bình

Nhiều điểm du lịch hấp dẫn du khách khi đến Quảng Bình

Nghệ An: Bế mạc Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam

Nghệ An: Bế mạc Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam

“ĐIỆN BIÊN VẪY GỌI”, VỞ KỊCH HAY VỀ DÂN CÔNG ĐIỆN BIÊN.

“ĐIỆN BIÊN VẪY GỌI”, VỞ KỊCH HAY VỀ DÂN CÔNG ĐIỆN BIÊN.

HÀ TĨNH: Ý nghĩa cao đẹp từ một giải thể thao phong trào

HÀ TĨNH: Ý nghĩa cao đẹp từ một giải thể thao phong trào

ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP VÀ HAI ĐÓNG GÓP THIÊN TÀI QUYẾT ĐỊNH CHIÊN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ VÀ ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975.

ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP VÀ HAI ĐÓNG GÓP THIÊN TÀI QUYẾT ĐỊNH CHIÊN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ VÀ ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975.

Kỉ niệm về Ngày 30-4: NSND LÊ CHỨC VỚI “HÁT RU NƠI ĐỒNG ĐỘI YÊN NGHỈ”

Kỉ niệm về Ngày 30-4: NSND LÊ CHỨC VỚI “HÁT RU NƠI ĐỒNG ĐỘI YÊN NGHỈ”

Hà Tĩnh: Xúc động chương trình nghệ thuật “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”

Hà Tĩnh: Xúc động chương trình nghệ thuật “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”

Hà Tĩnh: Long trọng hội thảo nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Cố Tổng bí thư Trần Phú

Hà Tĩnh: Long trọng hội thảo nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Cố Tổng bí thư Trần Phú