Khơi nguồn sáng tạo từ tài nguyên di sản

14:40 | 28/12/2021

Với việc tham gia Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO từ năm 2019, Hà Nội đang hướng đến việc phát triển bền vững trên cơ sở khai thác nguồn lực văn hóa sáng tạo. Theo các chuyên gia, thành phố nên thúc đẩy sáng tạo trên cơ sở nguồn tài nguyên di sản phong phú, đồ sộ.


Triển lãm trong Tuần lễ Khơi nguồn sáng tạo Hà Nội.

Nếu không bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, phố đi bộ chung quanh hồ Hoàn Kiếm vào dịp cuối tuần luôn là một điểm nhấn văn hóa, du lịch nổi tiếng của Hà Nội. Đây là nơi nhiều nhóm nhạc, nhóm nhảy, các họa sĩ đường phố ưa thích. Phố đi bộ đã tạo nên sức bật mạnh mẽ cho du lịch, thương mại của quận Hoàn Kiếm. Không gian phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm được định danh là một không gian sáng tạo. Và không gian đó hình thành từ việc tổ chức lại Di tích quốc gia đặc biệt hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn.

Mới đây, trong cuộc thi thiết kế sản phẩm lưu niệm về Văn Miếu-Quốc Tử Giám (thuộc Tuần lễ Thiết kế sáng tạo Việt Nam), có một sản phẩm độc đáo đã giành giải nhất, đó là bộ sản phẩm mang tên “Khứ hồi”. Trong quá trình chế tác sản phẩm gốm, có rất nhiều sản phẩm cong, vênh, vỡ… Thông thường chúng bị bỏ đi. Nhưng những mảnh gốm Bát Tràng bỏ đi được nhà thiết kế Lưu Như Ngọc dùng để ghép thành sản phẩm mới. Với tông mầu chủ đạo là men trắng và men lam với nhiều sắc độ khác nhau, các mảnh gốm vỡ được tạo thành bộ tranh gốm lắp ghép, ở trên đó, có hình ảnh rùa đội bia đá, có họa tiết hoa sen.

Đó đều là những hình ảnh đặc trưng của Văn Miếu-Quốc Tử Giám. Bộ sản phẩm đã tạo ra sự kết nối giữa truyền thống văn hiến với nét đặc sắc của làng nghề gốm Bát Tràng trứ danh của đất Thăng Long-Hà Nội. Trong tương lai, “Khứ hồi” sẽ được triển khai để trở thành sản phẩm lưu niệm độc đáo dành cho khách tham quan khi đến với Văn Miếu-Quốc Tử Giám. Dù rất khác nhau về tính chất, quy mô, nhưng những thí dụ nêu trên đều có một điểm chung là sử dụng tài nguyên di sản của Hà Nội để tạo nên những sản phẩm mới, đầy tính sáng tạo.

Hà Nội có nhiều di sản văn hóa tiêu biểu. Ngoài Di sản thế giới-Trung tâm Hoàng thành Thăng Long, thành phố còn có 20 di tích quốc gia đặc biệt và hàng nghìn di tích cấp quốc gia, cấp thành phố, 1.793 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó 26 di sản được ghi vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Cùng với đó, Hà Nội có 1.350 làng nghề và làng có nghề, nhiều làng nghề sản xuất những sản phẩm giá trị văn hóa cao như thêu Quất Động, sơn mài Hạ Thái, mây tre đan Phú Vinh, gốm Bát Tràng, lụa Vạn Phúc, tò he Xuân La… Từ nguồn tài nguyên di sản đó, các nghệ nhân, nghệ sĩ, nhà thiết kế đã sáng tạo ra những sản phẩm văn hóa mới. Đây cũng là hướng đi được nhiều chuyên gia đề xuất, gợi ý trong tọa đàm “Khơi nguồn sáng tạo” (trong Tuần lễ Khơi nguồn sáng tạo Hà Nội 2021) mới được Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức. Trưởng ban Văn hóa-Văn phòng UNESCO tại Việt Nam Phạm Thị Thanh Hường cho biết: “Nguồn lực di sản, con người là nguồn vốn khổng lồ để Hà Nội trở thành kinh đô sáng tạo không chỉ của Đông Nam Á. Vì Hà Nội là thủ đô duy nhất có bề dày hơn 1000 năm với tài sản văn hóa và xã hội độc đáo.

Có một bài học hữu ích cho Hà Nội từ việc xây dựng Thành phố sáng tạo tại Chiềng Mai (Thái Lan). Họ có mật độ tập trung làng nghề thủ công, nghệ nhân, họ lấy động lực sáng tạo làm công cụ chính để bảo tồn di sản và làng nghề. Chính việc thiết kế và sáng tạo đã đưa di sản ở Chiềng Mai trở lại đời sống, thu hút giới trẻ. Sáng tạo là tái sinh di sản phù hợp dạng thức mới, sáng tạo là công cụ bảo tồn tốt nhất nếu không có sáng tạo thì nó bị biến mất và đào thải trong xã hội”.

Nhiều chuyên gia về văn hóa, công nghiệp văn hóa, sáng tạo khác cũng nhất trí với đề xuất này. Song, để khai thác tài nguyên đó, quyết tâm chính trị là chưa đủ, cần những giải pháp. Các chuyên gia đề xuất, thành phố cần tạo ra môi trường thông qua cơ chế chính sách phù hợp để hoạt động sáng tạo được phát triển. Kiến trúc sư Nguyễn Duy Thanh (Trường đại học Xây dựng) nhận định: “Thực trạng hoạt động sáng tạo bây giờ thường là điểm sáng đơn lẻ, đang phân bố rải rác. Để đưa hoạt động sáng tạo phục vụ nhiều hơn cho xã hội, chúng ta cần “dung môi” để hoạt động này diễn ra tốt hơn. “Dung môi” đó cần sự kết nối giữa các bên, giữa không gian sáng tạo với nhau, giữa không gian sáng tạo với xã hội, với chủ đầu tư.

Ở đó cần có cơ chế chính sách phù hợp thúc đẩy sáng tạo. Sáng tạo vì con người, con người được thụ hưởng sáng tạo trong môi trường đó, thu hút được nhiều người thụ hưởng”. Hà Nội đã có những thành công bước đầu nhưng để trở thành Thành phố sáng tạo theo đúng nghĩa, cần nỗ lực hơn nữa, nhất là cải thiện chính sách để thúc đẩy hoạt động sáng tạo.

Theo Nhân dân


Cùng chuyên mục

Hà Tĩnh: Nhiều dấu hiệu sai phạm tại di tích văn hóa Truông Bát

Hà Tĩnh: Nhiều dấu hiệu sai phạm tại di tích văn hóa Truông Bát

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Lễ kỷ niệm cấp quốc gia 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

Lễ kỷ niệm cấp quốc gia 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

Hành trình đến với bà con vùng bão lụt Yên Bái

Hành trình đến với bà con vùng bão lụt Yên Bái

TÌNH NGƯỜI TRẢI QUA NHỮNG NỖI ĐAU TỪ BÃO LŨ

TÌNH NGƯỜI TRẢI QUA NHỮNG NỖI ĐAU TỪ BÃO LŨ

HÀ NỘI: Tỏa sáng từ mái trường Ngọc Lâm thân yêu

HÀ NỘI: Tỏa sáng từ mái trường Ngọc Lâm thân yêu

LỜI CHIA BUỒN CỦA TT HOA KỲ JOE BIDEN GỬI PHU NHÂN NGÔ THỊ MẬN VỀ VIỆC TBT NGUYỄN PHÚ TRỌNG TỪ TRẦN

LỜI CHIA BUỒN CỦA TT HOA KỲ JOE BIDEN GỬI PHU NHÂN NGÔ THỊ MẬN VỀ VIỆC TBT NGUYỄN PHÚ TRỌNG TỪ TRẦN

Thủ tướng bổ nhiệm 2 tân Thứ trưởng Bộ Công an

Thủ tướng bổ nhiệm 2 tân Thứ trưởng Bộ Công an

Ra mắt cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về Quốc hội trong tiến trình đổi mới

Ra mắt cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về Quốc hội trong tiến trình đổi mới