Tôi biết là có khi nghe điện, nhận lời mời thì nao nức lắm. Nhưng ngày thực tế đến thì chưa biết thế nào. Đấy là khi NSƯT Lệ Ngải gọi điện mời Tết này nhớ về chơi hội làng nhé.
Hội làng Ngang Nội ở xã Hiên Vân, huyện Tiên Du, Bắc Ninh là vào ngày 25 tháng Giêng. Trước Tết, bà Lệ Ngải đã gọi rồi, chúc xuân sớm và dặn trước để nhớ mà chuẩn bị.
Sao từ những lúc này tôi đã nghĩ sớm đến hội hè còn xa những xa mấy tháng nữa vậy? Đấy là bởi ngẫm tháng ngày bay nhanh lắm, có khi vừa nghe câu hát hội xuân, ngoảnh đi ngoảnh lại đã thấy gần hết năm rồi, lại ngóng chờ đến lần đi nghe hát mới.
Mà vừa nao nức nghĩ, lại lẫn những lo lo, thật đúng như quan họ hát rằng “những là năm liệu bảy lo”, là bởi đã hai năm nghe điện rồi, nhưng hội có thành đâu. Ấy là bởi dịch giã nên đã hai đợt, hội hè quan họ khắp vùng Kinh Bắc đều không thành được. Xuân hội năm nay liệu có thể nào không…
Ba làng Ngang Kiều, Ngang Na, Ngang Nội của xã Hiên Vân bám theo sườn một quả núi đất lẫn đá kéo dài được cho là hình con rồng, dốc thoai thoải. Nhìn xa từ trên đường cao tốc Hà Nội – Lạng Sơn chỉ thấy cây xanh mọc vồng lên cao trên hai quả núi kề nhau, hao hao nhau hình dáng bầu tròn, loáng thoáng những vạt đất nâu đỏ. Con đường rẽ phải từ cao tốc hút thẳng vào giữa hai vồng núi mà đi đến gần, những nhà thưa, vườn thoáng sẽ dần rõ ra theo những con dốc. Một cảm giác bán sơn địa là lạ, hoang sơ, như câu hát “Ăn ở trong rừng” mà cố nghệ nhân Nguyễn Đức Sôi, ông cụ thân sinh ra nghệ sĩ Ngải, đã mượn từ chèo đưa sang một giai điệu khác, trở nên quan họ đến lạ lùng: “Ba bốn năm ăn ở trong rừng/ Chim kêu vượt hót nửa mừng nửa lo/ Sa chân bước xuống mạn đò/Sông sâu sào ngắn khôn dò tới nơi/ Hiu hiu gió thổi về chiều/ Một đàn nhạn trắng dập dìu trên non/ Đêm đông nghe vượn ru con…”.
Làng Ngang Nội ở vào phía đằng cuối quả núi, nhìn qua ao nước đến con đường nhỏ và cánh đồng mặt ruộng loang loáng rộng hắt bóng hình núi thấp. Phía ấy là thị trấn Sơn, thị trấn nhỏ cách đường lớn không xa mà có cảm giác gì heo hút. Thưa thớt chợ nhỏ nối con đường cây dài ven mương nước đưa người đi sâu nữa về mạn Phật Tích huyền thoại.
Cả một vùng cỏ nước, cây lá, sườn dốc, núi thấp lô nhô nơi này, thật lạ, vẽ vào tâm tưởng những hình dung vời xa, cách chia. Nhưng ở nơi vời vợi và lộng gió ấy, những con người thân mật đã đón chờ với một không khí thân gần. Những gia đình vui niềm vui ăn Tết lại, dù Tết Nguyên đán đã qua gần hai chục ngày rồi, nhưng hội mới là Tết của làng. Nhà lại nhà, những mâm cỗ chờ, những câu hát đợi. Bước chân về phía ngôi chùa nhỏ văng vẳng lời ca đối đáp hai nhóm quan họ hai làng kết chạ gặp nhau: Ngang Nội ở đây và Đặng Xá (Đương Xá) từ phía dốc Đặng cuối thành phố Bắc Ninh xuống.
Ba làng Ngang đẹp lắm, những ngôi nhà thoai thoải dốc núi mà lên. Chúng tôi đi dạo vòng quanh cửa nhà, đền chùa rồi về các nhà ăn cỗ. Nói các nhà, vì một nhóm bằng hữu trung niên có, thanh niên có, đến thăm nhà này, rồi sẽ lại sang nhà khác nữa. Hoặc có khi phải chia nhau ra để trưa nay vào mâm với các nhà cho trọn vẹn. Đấy là khi nhà nghệ sĩ Lệ Ngải mời chúng tôi, vợ chồng thầy Nguyễn Đức Minh nguyên giảng viên sân khấu điện ảnh Hà Nội và nghệ sĩ Nguyễn Thị Xuân nguyên diễn viên tuồng trung ương cũng mời chúng tôi về cái nơi mà họ đã sinh ra và lớn lên ấy. Mà giữa các gia đình nghệ sĩ của Ngang Nội đó thì có họ có hàng. Ngôi nhà khác nữa lại là đằng ông em của vợ chồng nghệ sĩ Minh Phức – NSƯT Vũ Tự Lẫm cũng ở gần ngay đây, đi lên đi xuống vài ngõ là thấy. Mà không gặp mặt nâng chén rượu gặp gỡ với ông Tự Lẫm thì cứ liệu!
Thật tình, nói chuyện đi hội xuân quan họ, không phải khi nào cũng giống mấy cách miêu tả mĩ miều lãng mạn rằng về để lắng vào những giai điệu mượt mà đã vinh danh di sản thế giới, để trải nghiệm những canh hát quan họ cổ thiết tha không nỡ rời chân. Mà chính là về để gặp gỡ nhau trước đã, gặp những con người trong bộn bề bận rộn tháng năm, vẫn dành ra cho mình, cho nhau những ngày thật không làm gì, để rộng mở, để hỏi thăm hỏi nom, nhớ chuyện cũ, gợi chuyện xa gần, bồi hồi, thân mật. Thế nên, hội năm trước, có chuyện buồn mà cảm động. Ngay hôm trước hội, người chị của nghệ sĩ Lệ Ngải qua đời. Như lẽ thường trong ngày Tết chung của cả làng cả xóm, việc buồn riêng đình nén lại rồi sau đó mới tổ chức đám hiếu. Nhưng còn khách khứa, bạn bè đã hẹn về chơi hội thì sao… Ông Ngân chồng nghệ sĩ Lệ Ngải quyết định, thật là như họp đơn vị, quán triệt, thông qua, thống nhất: Việc gia đình ta, em cứ lo chu toàn ở bên nhà chị với các cháu. Còn ngày mai, đón bạn về gặp gỡ mừng xuân, anh sẽ đại diện đón tiếp chu đáo! Và ngày hội trong ngôi nhà được xây sửa rộng rãi để còn đón được nhiều bạn về chơi, đã thực là như thế. Mọi người gặp nhau trìu mến, thoáng chút bùi ngùi. Cái nghĩa, cái tình của người quan họ, người vùng quan họ trước sau là vậy. Ông Ngân, người lính năm xưa, vẫn thật nhiệt tình dù ở cái tuổi ngoài 60, có lần sắp chào ra về, ông còn trèo lên hái cho tôi mấy quả khế.
Nhớ thế, thì tôi lại mong dịch chuyển những ngày hội lễ ấy vào dịp nào thư nhiên, đất trời yên ả trong năm, không phải lúc chao đảo như rơi vào cơn biến động dịch giã này. Tất nhiên suốt cả 365 ngày từ hội xuân năm nay mới sang được hội xuân năm sau, chứ ai chiều cho mà tặng mình một lễ hội giữa mùa thu đâu. Hội hè thì phải gặp gỡ, cầm tay hôm nay mà nhớ hội năm qua, chuyện trò, nghe hát, hát cùng đôi ba câu ngẫu hứng để mong năm nay, năm sau còn những dịp gặp nữa, chứ không phải cứ kính mến, cảm kích mà ngồi đấy tưởng tượng ra cảnh hội ngộ đề huề cho được.
Nhiều năm, cũng những lời mời hẹn của “bà trùm” Nguyễn Thị Kim Quýnh, cựu quân y sĩ, Chủ nhiệm Câu lạc bộ quan họ Đặng Xá về dự hội làng Đặng. Cũng lời mời từ sớm của nghệ nhân Nguyễn Năng Địch làng Lim, sắp hội rồi đấy, mời thầy trò cháu cùng gia đình về chơi hội vào nhà bác nhé! Từ bên Lũng Giang (Lim) bước sang bên này con đường thị trấn, làng quan họ Lũng Sơn lối gạch cũ mấp mô. Người bạn tôi, anh Hữu Nam nhiều năm dạy ở trường chính trị tỉnh, đã có mấy mùa hội đón tôi bên chén rượu gia đình trong tiếng ca quan họ vang khắp thôn xóm. Tôi nhớ anh nói với người nhà, em Hưng đây cứ mỗi năm đến hội Lim lại về chơi. Câu ấy của anh, tôi coi như một lời mời. Lại lời khác nữa của liền anh Nguyễn Xuân Trường làng quan họ Đọ Xá giữa thành phố Bắc Ninh: “Sắp hội làng chú mùng bốn tháng Giêng, nhớ về chơi con nhé. À, mày nhớ đưa cả bố vợ mày về nữa nhé!”
Mỗi năm, tôi thường nhận được những lời mời về chơi quan họ. Có khi không vào hội, một dịp nào đó trong năm có việc gì bên ấy, lại một lời mời thân tình thầy trò tôi về tham dự. Như năm ngoái 2020, nhanh quá, đã hơn năm rồi đấy, Chi hội Âm nhạc – Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bắc Ninh và gia đình nghệ sĩ Lệ Ngải làm lễ tôn vinh cố nghệ nhân Nguyễn Đức Sôi, đông kín hội trường những người hát ca yêu kính, hâm mộ cụ. Tập bản thảo mấy chục bài quan họ cụ đặt lời mới, cụ sáng tác, cụ bẻ làn nắn điệu, đã được coi như các bài quan họ cổ, được tặng khắp lượt như một tư liệu quý, đợi ngày thành cuốn sách. Nhưng cũng hơn năm rồi mà chưa nên ấn phẩm đáng mong đợi. Biến động chung làm chậm lại bao nhiêu ước ao.
Bao nhiêu lời hẹn mà giờ trong đời sống đầy những tình thế cách ly này, bỗng đâu ùa về, ở một khoảng cách xa mờ, ngai ngái. Một tình thế sống mà gọi ta, ngóng chờ ta, nhưng cũng chính bởi thực tại khốc liệt nhiều tháng qua mà nó khiến cho ta phải băn khoăn áng chừng trước những điều cách trở. Bỗng thấy như những câu ca xa xưa chẳng những vang vọng đến bây giờ, mà nó còn trở nên ứng hợp đến thế với những tình huống sống, với nỗi niềm, cảm tình của không ít con người hiện tại. Chả phải người ta đã hát thế sao: “Bâng khuâng nhớ cảnh nhớ người/ Nhớ nơi quan họ vội rời chân đi/ Một mình lên núi Ba Vì/ Chim kêu vượn hót quản chi đường rừng…”. Một đêm lạnh sắc cứa ra được, 20 năm rồi, hội Lim năm 2001 ấy, ở nhà của chú Trọng em trai nghệ nhân Nguyễn Năng Địch, đã muộn, thầy Nguyễn Hùng Vĩ phấn khởi quá hát mãi với nghệ sĩ Vũ Tự Lẫm, mãi mà chưa dứt ra về được: “Bây giờ chia rẽ đôi nơi/ Kẻ về người ở như khơi mạch sầu/ Ruột tằm chín khúc quặn đau/ Gấm này ai tỏ cho nhau hỡi lòng… Chị/ Anh rằng Ba ơi, đương vui thế này, sao vội giở ra về, liệu có nhớ đến chúng tôi/ em không…”.
Theo Đại đoàn kết