Làm gì để cổ vật hồi hương?

13:47 | 25/11/2021

Mới đây, câu chuyện chiếc mũ quan triều Nguyễn cùng hộp đựng được gõ búa 600 nghìn euro (khoảng 16 tỷ đồng) được nhiều người quan tâm. Một lần nữa, câu chuyện làm gì để cổ vật hồi hương lại được nêu ra, cho thấy mối quan tâm của xã hội về những hiện vật đang trôi dạt ở xứ người.


Phiên đấu giá đó do nhà đấu giá Balclis ở Tây Ban Nha tổ chức, thu hút sự quan tâm của giới sưu tập cổ vật Việt Nam. Phiên đấu diễn ra dưới hình thức online. Trên website của Balclis, thông tin vật phẩm được giới thiệu rất ngắn gọn: “Mũ quan Việt Nam thời Nguyễn, cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20”. Mũ đi kèm hộp gỗ sơn son thếp vàng chạm trổ hoa văn, tình trạng khá mới, chỉ hư hỏng nhẹ.

Chiếc mũ quan triều Nguyễn đi kèm với hộp gỗ chạm khắc tinh xảo.

Theo ông Vũ Kim Lộc – nghệ nhân phục chế mũ thời chúa Nguyễn, chiếc mũ này là loại phốc tròn thuộc về Văn ban, thân mũ được kết bằng lông đuôi ngựa theo kiểu kết kép là dùng 2 lông làm thành một dây để kết. Còn hộp bằng gỗ được sơn son thếp vàng có hoa văn tứ linh.

Tuy nhiên, điều khiến giới sưu tập cổ ngoạn “choáng váng”, đó là giá khởi điểm chỉ 500 euro, ngay sau đó cứ tăng dần vào những ngày sau đó, đạt 70.000 euro khi bắt đầu phiên đấu và giá gõ búa là 600 nghìn euro (16 tỷ đồng, chưa tính 25% thuế và phí).

Nhiều nhà sưu tập bày tỏ “ngoài sức tưởng tượng”, “giá cao khủng khiếp”, “không thể hiểu nổi” về giá “chốt” này.

Ngay sau phiên đấu giá, giới sưu tập cổ vật quan tâm tới chủ nhân “bí ẩn” thắng trong phiên đấu chiếc mũ và hộp đựng mũ quan triều Nguyễn? Sự quan tâm này đã dần được giới truyền thông làm sáng tỏ. Theo đó, người đấu giá online mang mã số 5496 là một doanh nhân người Việt rất yêu và tâm huyết với Huế. Bởi tình yêu ấy, vị doanh nhân này đã quyết tâm đấu giá cho bằng được chiếc mũ quan giá trị này để mang cổ vật trở lại cho đất nước. Nhiều khả năng thời gian tới, người này cũng sẽ hiến tặng cổ vật này cho cố đô Huế.

Một số ý kiến cho rằng, đối với những cổ vật quý, có giá trị văn hóa, lịch sử thì các cơ quan quản lý văn hóa của các địa phương hay cơ quan quản lý văn hóa cấp quốc gia cần sớm có kế hoạch để đưa cổ vật hồi hương. Tuy vậy, cơ quan nhà nước lại có những cái khó nhất định. Có thông tin cho rằng, ngay khi chiếc mũ quan triều Nguyễn đưa lên đấu giá, lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cũng chỉ theo dõi chứ không thể đấu vì giá quá cao.

Việc cổ vật Việt Nam “được giá”, thậm chí “giá cao chót vót” trong thời gian gần đây, giới sưu tầm bình luận, đó là tín hiệu vui. Tuy nhiên, đó cũng lại chính là “chướng ngại vật” để cổ vật Việt khó có cơ hội hồi hương bởi không phải ai cũng có sẵn tiền để lao vào “cuộc đua”. Mà theo dự đoán của giới chuyên gia, giá cổ vật Việt trong thời gian tới còn tăng cao trong các sàn mua bán, đấu giá quốc tế.

Một số chuyên gia, nhà nghiên cứu cho rằng, để chúng ta không phải luôn “chậm chân” khi mua cổ vật Việt Nam ở nước ngoài và để có thể “hồi hương” những cổ vật ấy, Nhà nước nên có những chính sách hợp lý và thông thoáng. Theo đó, cần ban hành những văn bản pháp lý cho phép các tổ chức và cá nhân ở Việt Nam tham gia đấu giá cổ vật ở nước ngoài, cần có một thị trường mua bán cổ vật hợp pháp ở trong nước, được nhà nước thừa nhận và được bảo trợ bởi hệ thống pháp lý chặt chẽ nhưng thông thoáng. Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện để những nhà đấu giá danh tiếng như: Sotheby’s, Christie’s, Butterfield, Nagel Auction… tham gia đầu tư vào thị trường đấu giá cổ vật và mỹ thuật ở Việt Nam. Các bảo tàng công lập cũng nên có những chuyên gia theo dõi sát các cuộc mua bán và các phiên đấu giá cổ vật để sớm có những thông tin cần thiết.

Song, cũng có ý kiến cho rằng, không phải cổ vật gì cũng cần hồi hương. Ông Trần Đình Sơn – chuyên gia cổ vật, tác giả nhiều sách về cổ vật Việt và là một nhà sưu tầm cổ vật lớn trong nước – bày tỏ công khai trên truyền thông: “Vấn đề mua cổ vật Việt từ nước ngoài về lại Việt Nam, theo tôi cần phải được nhìn nhận lại, để tránh trường hợp người ta đi từ cực đoan này đến cực đoan khác. Trước đây, những đồ vật kia từng được xem là di sản phong kiến hủ bại, đốt bỏ đập phá chẳng thương tiếc gì. Khi thì người ta lại đòi mua khắp nơi trên thế giới đem về. Có người lại cho rằng cổ vật Việt thì nhà nước phải mua hết đem về bảo tàng. Tiền đâu mà mua cho nổi”.

Về phiên đấu giá chiếc mũ triều Nguyễn vừa rồi, nhà sưu tầm cổ vật Trần Đình Sơn cũng bày tỏ: “Ước gì chiếc mũ đấu giá cực cao vừa rồi và nhiều cổ vật Việt khác nữa, được người nước ngoài trúng đấu giá, vào tay những bảo tàng, những nhà sưu tầm càng nổi tiếng càng tốt”.

Theo ông Sơn, cổ vật Việt, trừ những hiện vật lịch sử – văn hóa quan trọng, có giá trị rất cao, thì cần phải tìm mọi cách đưa về lại Việt Nam; số còn lại, cứ để cho người các nước mua bán, sưu tầm với giá càng cao càng mừng, nằm trong các bộ sưu tập càng nổi tiếng càng tốt. Vì đó là cách làm tăng giá trị cổ vật cũng như văn hóa Việt Nam trên thế giới. Vào tay nhà sưu tập chuyên nghiệp, các bảo tàng lớn, đó cũng là cách lưu giữ rất tốt cổ vật Việt Nam. Điều quan trọng, cổ vật đó nằm ở đâu thì cũng là sản phẩm “made in Việt Nam”.

Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn chỉ ra một thực tế, chúng ta đang có hệ thống cổ vật quý hiếm, đại diện cho hầu hết các giai đoạn lịch sử trong các bảo tàng từ Bắc đến Nam, hiện vẫn chưa trưng bày hết. Ở Huế, cổ vật triều Nguyễn có nhiều món vô cùng quý hiếm vẫn còn cất trong kho, vì chưa xây được một bảo tàng trưng bày bài bản. “Như thế, tốn nhiều tiền để mua món đồ quý về, trong khi nhiều đồ quý trong kho vẫn nằm im lìm, thì hồi hương thêm nữa mà làm gì?”, ông Sơn đặt vấn đề.

Rõ ràng, đây là một sự thật. Chúng ta hiện sở hữu rất nhiều cổ vật quý hiếm song chưa có chỗ để trưng bày hết, chưa có cách khai thác, quảng bá hết những di sản văn hóa này. Chính vì thế, nếu chỉ đưa cổ vật hồi hương, rồi lại cất kho và không chú trọng công tác bảo quản, không đưa ra trưng bày quảng bá, thì việc cổ vật hồi hương cũng không có mấy giá trị. Rộng hơn, cần có chiến lược để xác định danh mục cổ vật hồi hương để đầu tư đúng, trúng, tránh lãng phí.

 

Theo thoibaonganhang

Video hay


Cùng chuyên mục

Sáng mãi hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi cực Bắc Tổ Quốc.

Sáng mãi hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi cực Bắc Tổ Quốc.

Đại đoàn Đồng Bằng – Sư đoàn 320 Nghệ An – Hà Tĩnh gặp mặt kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Đại đoàn Đồng Bằng – Sư đoàn 320 Nghệ An – Hà Tĩnh gặp mặt kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Giảm nghèo thông tin góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững

Giảm nghèo thông tin góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững

QUẢNG TRỊ: Rực rỡ sắc màu Ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam

QUẢNG TRỊ: Rực rỡ sắc màu Ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam

Quảng Bình: Khánh thành Nhà tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Quảng Bình: Khánh thành Nhà tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Vũ Thị Minh Thuý đăng quang Hoa hậu Nhân ái tại Miss Asian 2024

Vũ Thị Minh Thuý đăng quang Hoa hậu Nhân ái tại Miss Asian 2024

Bế mạc Festival “Về miền Ví, Giặm – Kết nối tinh hoa di sản”

Bế mạc Festival “Về miền Ví, Giặm – Kết nối tinh hoa di sản”

Hội thảo Quốc gia về “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh”

Hội thảo Quốc gia về “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh”

Thiếu tướng Hoàng Sâm – Người con ưu tú của quê hương Quảng Bình

Thiếu tướng Hoàng Sâm – Người con ưu tú của quê hương Quảng Bình