Loài chim Bắc Mỹ đã duy trì giai điệu âm thanh của loài qua hàng thế kỷ bằng cách kết hợp khả năng bắt chước và “khuynh hướng tuân thủ”, một phương pháp học tập vẫn được cho là của riêng con người.
Cứ tới mùa hè, vang vọng khắp vùng đất ngập nước tại Bắc Mỹ là tiếng hót du dương của hàng ngàn con chim sẻ đầm lầy. Những con chim sẻ nhỏ màu nâu chỉ biết vài bài ca, nhưng chúng thấu hiểu các giai điệu đó.
Các nhà khoa học đã đưa ra bằng chứng cho thấy chim sẻ loài Melospiza Georgiana, đã hót những giai điệu không thay đổi trong một thiên niên kỷ, nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Nature Communications hôm thứ Tư (20/6).
Những con chim sẻ nhỏ tuổi bắt chước những chim sẻ lớn một cách chính xác đến mức các bản hòa tấu vẫn nguyên vẹn qua 1000 năm.
Các nhà khoa học cho rằng những con sẻ này bảo tồn văn hóa của chúng không khác gì con người, thậm chí còn tốt hơn.
“Chúng tôi có thể chứng minh rằng chim sẻ đầm lầy rất hiếm khi mắc lỗi khi chúng học các bài hát của chúng, và chúng không chỉ là học các bài hát ngẫu nhiên, mà còn chọn những bài quen thuộc thay vì những bài hát ít phổ biến”, nhà sinh vật học kiêm tác giả chính của chương trình nghiên cứu, Robert Lachlan tại Đại học Queen Mary tại London cho biết.
Giống như con người, chim sẻ non học giao tiếp thông qua bắt chước. Chúng không ghi nhớ tất cả các bài hát mà chúng nghe được, thay vào đó, chúng chọn các bài hát nghe thường xuyên nhất – một phương pháp học tập được các nhà khoa học gọi là “khuynh hướng tuân thủ”, phương pháp vốn được cho là chỉ có con người mới sử dụng.
Trong hai năm 2008 và 2009, Lachlan và các đồng nghiệp của ông đã thu âm các giai điệu du dương của 615 con sẻ đực sinh sống trên khắp vùng đông bắc Hoa Kỳ.
Họ sử dụng phần mềm phân tích âm thanh, chia nhỏ từng bài hát thành từng nốt nhạc hoặc âm tiết. Sau đó tiến hành đo độ chênh lệch âm giữa các bản thu. Kết quả phân tích cho thấy chỉ có 2% chim sẻ đực bị lệch khuông nhạc.
Việc kết hợp “khuynh hướng tuân thủ” và khả năng bắt chước chính xác đã giúp loài chim này duy trì bản sắc âm thanh qua nhiều thế kỷ, theo nhà nghiên cứu Lachlan.
ĐT/Tổng hợp