Một chiều, khi sang khu vực bệnh nhân đã hồi phục, tôi nghe thấy tiếng gọi: “Bác sĩ, bác sĩ, không nhận ra em à?”.
Tôi quay lại. À, chị Phương, bệnh nhân giường số 16 cũ – buồng bệnh nhân nặng tôi phụ trách, nay chuẩn bị xuất viện. Tôi nhớ tuần trước đó, chị nằm bẹp thở oxy dòng cao, người nhễ nhại mồi hôi, buồn bã lo âu, luôn nói nhát gừng: “đói bụng”, “khát”, “uống nước”. Đến độ tôi tưởng chị là người nước ngoài.
Ở khu vực Bình Dương có nhiều người Đài Loan, Trung Quốc nằm viện, biết vài từ tiếng Việt. Tôi phải dỗ chị “gắng ăn uống để lấy sức”. Thế mà chị đã hồi phục. Chị gọn gàng hẳn, mặt hồng hào tươi tỉnh, nói liền một hơi: “Ơn bác sĩ quá à, không có bác sĩ bữa trước tôi chết rồi”.
Một chị khác, nằm ở giường phía ngoài, đã ngoan ngoãn nghe theo lời khuyên của bác sĩ, bảo nằm nghiêng là nằm nghiêng, bảo nằm sấp là nằm sấp, không kêu than như vài bệnh nhân khác. Sáng hôm tôi đo cho chị, thấy oxy máu tốt quá, SpO2 lên 98%. Tôi giảm liều oxy thở xuống, một lúc sau quay lại đo, vẫn 98%. “Em đỡ nhiều rồi rồi nhé, mai cho chuyển sang buồng nhẹ hơn, sắp về được rồi”, tôi bảo. Chị mỉm cười, giọng thì thào: Tôi sắp được về rồi hả bác sĩ, mừng quá trời. Vẻ mừng rỡ của người thoát chết nó ấn tượng ghê lắm, chính chị cũng không tin là có ngày về.
Suốt tháng qua, mỗi đêm nằm xuống giường đi ngủ, tôi thầm cầu mong ngày mai được gặp lại các bệnh nhân ở khoa mình điều trị, chính tay tôi được viết bệnh án chuyển họ về khoa nhẹ.
Tôi biết rồi đây những người may mắn thoát qua đại dịch, trong ký ức của họ sẽ là những bóng áo xanh, áo trắng không rõ mặt người, chỉ những giọng nói Bắc – Trung – Nam, ân cần bên họ lúc khó khăn nhất. Dịch lắng xuống, chính chúng tôi cũng mang theo về miền Bắc rất nhiều tình cảm. Đó là tình đồng bào.
Chuyến đi chống dịch đem lại cho tôi cảm xúc lẫn lộn, khó tả. Nếu thoáng qua thì tôi thấy, trước cái chết mọi người đều bình đẳng, giàu cũng như nghèo. Nhưng trong tim tôi vẫn có điều bất ổn, đó là mọi nguồn lực trong xã hội chưa được huy động hết.
Công việc chăm sóc bệnh nhân Covid-19 rất quá tải. Chỉ sau một đêm thôi, sáng ra, chúng tôi vào buồng bệnh, đúng là ngập trong chất thải. Phải mất rất nhiều công sức thì vệ sinh bệnh nhân mới tạm ổn. Nhiều bệnh nhân không chịu nổi cảnh ướt át ấy, luôn mồm gọi bác sĩ.
Đấy mới chỉ là công tác vệ sinh đơn giản như thay bỉm, thay dra giường. Công tác chăm sóc, thực hiện y lệnh còn rất nhiều việc nữa: vệ sinh răng miệng hàng ngày, rồi tiêm truyền thuốc, cho uống thuốc sao cho đúng giờ, đúng kỹ thuật. Vệ sinh chăm sóc các ống thông dạ dày, đường tiểu. Cao hơn nữa là thay băng, vô khuẩn catheter tĩnh mạch trung tâm, rồi xoay trở xoa bóp chống loét, vỗ lưng phục hồi chức năng hô hấp…
Nếu bệnh nhân phải đặt ống thở máy, công tác chăm sóc còn nhân lên gấp bội. Ở khoa tôi, lúc bình thường, nếu có bệnh nhân thở máy thì phải cắt ra hai điều dưỡng chuyên chăm sóc một bệnh nhân thở máy, chưa kể bác sĩ cứ chốc lại phải đảo qua xem. Ví dụ sinh động nhất là hồi chúng ta chữa cho bệnh nhân số 91 – phi công người Scotland – anh em trong ngành thường nói vui, 91 người chăm một làm gì chẳng sống. Còn bây giờ, nhiều khi một người chăm 91. Thế nên giờ đây người ta rất sợ đặt ống thở máy.
Thế mà anh bạn tôi, đang làm ở một bệnh viện tư vừa báo tin vui, một bệnh nhân của anh vừa cai được máy thở, “rút được ống thở, sống rồi!”. Hỏi có bí quyết gì không, anh bảo: “Chẳng có bí quyết gì đâu, chỉ có chăm sóc thôi. Nhiều người chăm một người, chăm dữ lắm thì mới qua được”.
Điều đó nói lên rằng y tế công đang thực sự quá tải, nhà nước đang quá tải, cần có sự chung tay đóng góp của mọi nguồn lực trong xã hội để tháo gỡ. Cho y tế tư nhân tham gia điều trị Covid một cách chính thức, với chính sách công khai minh bạch, có giám sát là một giải pháp, thay vì để y tế công gánh vác toàn phần.
Tôi tin đây là một giải pháp khơi dậy nguồn lực trong dân – từ cả hai phía cung và cầu, để y tế công tập trung sức còn lại cứu chữa cho những người có hoàn cảnh khó khăn, người không có tiền thuê dịch vụ điều trị riêng cho mình.
Nếu cho phép thu phí điều trị bệnh nhân Covid thì bệnh viện tư nên được thu bao nhiêu?
Theo tôi, do điều trị bệnh nhân Covid có đặc thù là nguy cơ lây nhiễm cao, nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ nên năng suất làm việc giảm, chưa kể các điều kiện khác về trang thiết bị, thuốc, vì vậy mức phí có thể cao hơn bảng giá điều trị thông thường. Mức phí dịch vụ điều trị Covid của bệnh viện tư có thể sẽ cao hơn bệnh viện công một cách hợp lý, người bệnh nếu có thẻ Bảo hiểm Y tế thì vẫn được khấu trừ phần chi trả của bảo hiểm.
Như thế, tôi ước tính người mắc Covid điều trị tại bệnh viện tư sẽ phải chi thêm vài trăm nghìn một ngày nếu mức độ bệnh vừa, nằm phòng thường, cho đến vài triệu một ngày nếu bệnh nặng phải nằm phòng điều trị tích cực. Điều kiện kèm theo để đảm bảo công bằng là một bộ chính sách minh bạch của Bộ Y tế.
Có ý kiến sẽ bảo, cho tư nhân thu phí chữa Covid sẽ tạo ra bất bình đẳng trong xã hội. Tôi thì nghĩ, không có bình đẳng tuyệt đối trong xã hội, chúng ta có thừa nhận nó, cải tiến chính sách để góp phần điều chỉnh nó mới tạo ra bình đẳng hơn.
Đại dịch vẫn còn tính bất định rất lớn, do đó, ngay từ bây giờ, chúng ta phải chủ động thiết kế một xã hội có thể sống chung với dịch, tích cực tìm ra sự chuyển hoán mới thay vì ngồi đợi mọi thứ sẽ trở lại như xưa.
Đại dịch còn giúp chúng ta nỗ lực tìm ra cách thức làm việc hiệu quả, nhân văn hơn. Đưa y tế tư nhân vào cuộc là để cho một nhóm bệnh nhân có thu nhập cao sẵn sàng tự chi trả chi phí điều trị Covid, đây cũng là cách giúp tạo ra công bằng cho những người không có nhiều tiền.
Quan Thế Dân
Theo vnexpress.net