Trước ‘Tịnh thất Bồng Lai’ (hay ‘Thiền Am bên bờ Vũ trụ’), ông Lê Tùng Vân từng lập ra và tự xưng là giám đốc trại dưỡng lão, cô nhi Thánh Đức ở ấp 2, xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh, TP.HCM.
Ông Lê Tùng Vân (89 tuổi, quê An Giang) là người đứng đầu Tịnh thất Bồng Lai (hay Thiền Am bên bờ Vũ trụ). Người đàn ông này tự xưng là Hoà thượng Thích Tâm Đức hay ‘thầy ông nội’. Hiện tại, Tịnh thất Bồng Lai đặt tại ấp Lập Thành, xã Hoà Khánh Tây, huyện Đức Hoà, tỉnh Long An.
Tháng 9/2020, trước những lùm xùm liên quan đến Tịnh thất Bồng Lai, ngành chức năng tỉnh Long An đã vào cuộc xác minh cơ sở thờ tự này. Theo đó, chủ hộ gia đình tự gắn tên gọi là Tịnh thất Bồng Lai là bà Cao Thị Cúc (SN 1960, ngụ xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước, tỉnh Long An).
Năm 2014, bà Cúc mua lại khu đất 2.000m2 tại đây và sửa thành điểm tu tại gia. Năm 2015, ông Lê Tùng Vân chuyển về đây sinh sống cùng bà Cúc, từ đó nơi này tự gắn cái tên Tịnh thất Bồng Lai. Dù vậy, mọi hoạt động tại nơi này đều do ông Lê Tùng Vân chủ trì, điều hành. Nhóm người nam nữ sinh sống trong Tịnh thất Bồng Lai thường mặc đồ tu sĩ, tự xưng là nhà sư, ni cô.
Lai lịch ‘thầy ông nội’ Lê Tùng Vân đứng đầu ‘Tịnh thất Bồng Lai’
Qua điều tra xác minh ban đầu của lực lượng chức năng, nhân thân của ông Lê Tùng Vân cũng được làm rõ.
Theo Vietnamnet, giai đoạn sau năm 1975, ông Vân rời An Giang lên sinh sống ở đường Lý Chiêu Hoàng, phường 10, quận 6. Đến năm 1990, ông Vân tự lập ra trại dưỡng lão, cô nhi Thánh Đức ở ấp 2, xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh, tự phong là giám đốc. Nơi này có hàng chục người lưu trú, được giới thiệu là trẻ mồ côi, người già cơ nhỡ.
Giai đoạn đó báo chí có những điều tra về cơ sở Thánh Đức có những sai phạm về hoạt động cơ sở bảo trợ xã hội theo quy định. Cụ thể, không đăng ký tạm trú, không làm thủ tục nhận con nuôi theo quy định, có dấu hiệu trục lợi từ hoạt động từ thiện…
Đáng nói, cơ sở Thánh Đức được thành lập, vai trò Giám đốc trại của ông Lê Tùng Vân có được là từ 2 quyết định của bà Nguyễn Thị Huỳnh Hoa, nhận là Giám đốc Trung tâm từ thiện hỗ trợ người cao tuổi trực thuộc Hội dân tộc TP.HCM, ký đầu tháng 1/2004.
Nhưng thực tế, từ nhiều năm trước, bà H đã bị Hội dân tộc TP.HCM khai trừ khỏi hội vì những sai phạm cá nhân. Nhưng bà vẫn tự nhận là Giám đốc một trung tâm ‘ma’, tức Trung tâm từ thiện hỗ trợ người cao tuổi của hội và tự khắc con dấu để có những quyết định tiếp tay cho ông Vân mở cơ sở Thánh Đức.
Cơ sở Thánh Đức lúc đó chưa được phép của Sở LĐ-TB&XH TP.HCM hay chính quyền huyện Bình Chánh. Từ những cơ sở đó, cuối tháng 7/2007, UBND huyện Bình Chánh có quyết định chấm dứt hoạt động của Trại dưỡng lão, cô nhi Thánh Đức.
Vào thời điểm là ‘giám đốc’ cơ sở Thánh Đức, ông Lê Tùng Vân còn liên quan đến việc mua bán đất mập mờ. Khi cơ sở Thánh Đức bị đình chỉ hoạt động thì hồ sơ việc mua bán đất đai mập mờ của ông Lê Tùng Vân được chuyển cho Công an huyện giải quyết.
‘Thầy ông nội’ Lê Tùng Vân từng phạt nặng khi trẻ phạm lỗi
Theo điều tra của báo Công an Nhân dân vào tháng 6/2007, cơ sở Thánh Đức là nơi ‘nuôi dưỡng’ 56 đối tượng, gồm 22 người dưới 16 tuổi, 4 người từ 17 đến 18 tuổi, 21 người từ 19 đến 50 tuổi và 9 người từ 55 đến 60 tuổi vào thời điểm đó.
Để điều hành, ông Lê Tùng Vân chia những người này làm 2 nhóm là nhóm học tập và nhóm làm việc (tất cả những ai từ 15 tuổi trở lên đều nằm trong nhóm làm việc). Một phụ nữ ở trại cho biết: ‘Nói là nói vậy thôi chứ học hành gì đâu anh. Thầy cô không có, nhà cửa còn chưa ra hồn, lấy đâu ra trường lớp…’.
Ngày hoạt động của ‘Trại dưỡng lão, cô nhi Thánh Đức’ thường bắt đầu vào lúc 6h sáng. Tất cả những ai từ 15 tuổi trở lên, đều phải ra các chợ, thu nhặt đầu cá đem về xay nhỏ để nuôi cá trê trong những ao ở ‘trại’, còn người ở nhà thì trông trẻ, nấu ăn, giặt giũ.
Thỉnh thoảng, có em bị đánh đập, bị xích chân mà ông Vân giải thích với hàng xóm chung quanh là: ‘Xích vì cháu bị bệnh tâm thần, sợ đi lạc’. Lại có em khi vi phạm kỷ luật của ‘trại’, đã bị ông Vân trói, treo lên trần nhà, rồi cho một số người trong trại, mỗi người đánh vài roi.
Mỗi ngày, những ‘người lao động’ đều phải làm việc, thậm chí khu vực làm việc còn không đảm bảo vệ sinh. Theo chia sẻ của một em ở trại thì thời gian làm việc mỗi ngày không tính bằng tiếng mà ‘làm hết thì nghỉ’.
Kết quả điều tra xác minh vào thời điểm đó của cơ quan chức năng cho thấy, cơ sở Thánh Đức thành lập trái phép, địa phương không hay biết, cơ sở vật chất tạm bợ, nhà cửa ẩm thấp, không đảm bảo sức khỏe, phát sinh bệnh tật, không đăng ký tạm trú, con dấu của ‘trại’ là dấu tự khắc, trẻ em trên 15 tuổi phải đi thu lượm đầu cá về xay, nuôi cá trê…
Lợi dụng tôn giáo, lợi dụng danh nghĩa nuôi trẻ mồ côi để trục lợi
Thực chất về hình thức, Tịnh thất Bồng Lai hiện tại không khác gì cơ sở Thánh Đức năm xưa. Ngày 22/9/2020, Công an tỉnh Long An công bố kết quả xác minh về nơi tự xưng là Tịnh thất Bồng Lai hoạt động như cơ sở thờ tự.
Theo đó, Tịnh thất Bồng Lai không phải là cơ sở thờ tự thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Những người sống ở đây đều tự xưng là sư thầy, ni cô,… rồi tham gia các chương trình truyền hình làm nhiều người lầm tưởng đây là cơ sở thờ tự Phật giáo và đã đến quyên tiền, ủng hộ.
Về kết quả kiểm tra nhân thân, hộ bà Cúc thời điểm đó (tháng 9/2020) có 18 người đang cư trú và có 6 trẻ em thì cả 6 em này đều không phải là trẻ em cơ nhỡ, mà có mẹ ruột đang sống cùng. Ngoài ra, nhiều thanh niên, trẻ em đang sinh sống tại hộ bà Cúc còn có quan hệ huyết thống với ông Vân.
Báo Tuổi trẻ dẫn lại thông tin từ công an Long An cho biết, nhiều người trong Tịnh thất Bồng Lai sử dụng nhiều tài khoản mạng xã hội cá nhân khác nhau đăng các thông tin không đúng sự thật, kêu gọi sự giúp đỡ của nhiều người là không phù hợp.
Bên cạnh đó, nơi đây cũng từng xảy ra nhiều vấn đề gây mất an ninh trật tự địa phương, có dấu hiệu lợi dụng tôn giáo để trục lợi, không chấp hành đúng các thủ tục pháp lý về khai báo nhân khẩu, lưu trú…
Theo DanViet