Cách tiến cử hiền tài của người quân tử

11:16 | 22/10/2021

Thông thường con người ai cũng có vị tư, vì lợi ích của cá nhân mình. Nhưng những người quân tử có phẩm đức cao thượng có thể vượt lên cái vị tư ấy mà “chí công vô tư”, vì lợi ích chung, vì mọi người, vì đại cuộc. Trong lịch sử thực sự đã có những con người cao thượng như vậy. Họ có thể gạt bỏ ân oán cá nhân, không vì tư thù mà tiến cử cho đất nước những người hiền tài, đem lại lợi ích cho dân chúng.


(Tranh minh họa: Họa sĩ Sỹ Hòa, Báo Bình Phước Online)

Tiến cử hiền tài không vì ơn riêng

Thời nhà Lý ở Đại Việt, Tô Hiến Thành từng trở thành quan đại thần phụ chính. Khi vua Cao Tông được 7 tuổi, Tô Hiến Thành lâm trọng bệnh, mọi việc lúc này dồn lên quan gián nghị đại phu Trần Trung Tá.

Là người tài năng đức độ, lại lo cho công việc nên Trần Trung Tá chắng mấy khi ghé thăm Tô Hiến Thành đang bệnh nặng. Trong khi đó quan tham tri chính sự Vũ Tán Đường lại ngày đêm túc trực tỏ vẻ lo lắng cho bệnh tình của Tô Hiến Thành, lo cơm nước thuốc thang cho ông.

Nhận thấy Tô Hiến Thành tuổi già sức yếu khó qua khỏi, Đỗ thái hậu (mẹ vua Lý Cao Tông) tới thăm và hỏi rằng nếu ông có mệnh hệ gì thì ai có thể thay ông được. Tô Hiến Thành đáp rằng: “Người thay thế thần chỉ có thể là Trần Trung Tá!”

Thái hậu ngạc nhiên, hỏi: “Tán Đường ngày ngày hầu hạ, thuốc thang cho ông, sao ông không tiến cử? Trần Trung Tá luôn thờ ơ với ông, sao ông lại ưa chuộng làm vậy?”

Tô Hiến Thành nói rành rẽ: “Nếu Thái hậu hỏi người lo việc đại sự quốc gia, thần cử Trần Trung Tá. Nếu cần người phục dịch cơm nước, thuốc thang, thì ngoài Võ Tán Đường, chẳng còn ai hơn được!”

Tiến cử người tài không tránh né kẻ thù, người thân

Trong “Lã Thị Xuân Thu – Khứ Tư” ghi lại một câu chuyện gọi là: “Ngoại cử không tránh kẻ thù, nội cử không tránh người thân” (tiến cử người ngoài không ngại kẻ thủ, tiến cử người nhà cũng không tránh né).

Kỳ Hề, còn gọi là Kỳ Hoàng Dương, là quan đại phu nước Tấn thời Xuân Thu, sau giữ chức Trung quân úy. Ông là người chí công vô tư, lòng dạ ngay thẳng, biết lấy đại cuộc làm trọng, không tính toán những chuyện nhỏ mọn, ân oán cá nhân.

Một lần, vua Tấn Bình Công, vị vua thứ 31 nước Tấn hỏi Kỳ Hoàng Dương: “Huyện Nam Dương thiếu một huyện lệnh, khanh xem ai có thể đảm nhận chức này?”

Kỳ Hoàng Dương đáp: “Giải Hồ có thể đảm nhận chức này”.

Vua Tấn Bình Công nói: “Chẳng phải Giải Hồ là người đối đầu với khanh à? Sao khanh lại tiến cử ông ấy?”

Kỳ Hoàng Dương thưa: “Quân vương hỏi ai có thể giữ chức vụ này, không hỏi ai là kẻ thù của thần!”

Vua Tấn Bình Công khen ngợi: “Tốt lắm!”

Thế là, vua Tấn Bình Công liền trao chức huyện lệnh Nam Dương cho Giải Hồ. Quả nhiên, Giải Hồ đã xứng đáng với chức vụ do Kỳ Hoàng Dương tiến cử.

Một thời gian sau, vua Tấn Bình Công lại hỏi Kỳ Hoàng Dương: “Hiện giờ đang thiếu một Quân úy, khanh xem ai có thể đảm nhận chức này?”

Kỳ Hoàng Dương trả lời: “Kỳ Ngọ xứng đáng chức vị ấy, thưa đại vương”.

Vua Tấn Bình Công lại nói: “Kỳ Ngọ chẳng phải là con của khanh sao?”

Kỳ Hoàng Dương trả lời: “Quân vương hỏi ai có thể đảm nhận chức Quân úy, không hỏi ai là con của thần!”

Vua Tấn Bình Công vui mừng khen ngợi: “Nói hay lắm!”

Thế là, vua lại phong Kỳ Dương làm Quân úy. Quả nhiên đã phong chức đúng người. Đối với cả hai lần tiến cử ấy, người dân ai nấy đều khen ngợi Kỳ Hoàng Dương.

Khổng Tử sau khi biết chuyện này liền khen ngợi: “Tề Hoàng Dương đúng là người hay! Ông ta tiến cử người ngoài thì không tránh né kẻ thù địch với mình. Tiến cử người nhà thì không vì là con mình mà ngần ngại. Người như thế đúng là chí công vô tư”.

Tiến cử hiền tài không vì tư mà hại công

“Tống sử – Sử Hạo truyền” có ghi chép rằng: Sử Hạo, tự là Trực Ông, người huyện Ngân ở Minh Châu, là người hay tiến cử hiền tài, từng tiến cử Trần Chi Mậu lên triều đình nhận chức quan Châu Quận.

Hoàng thượng biết Trần Chi Mậu từng nói xấu Sử Hạo, bèn nói: “Khanh muốn lấy đức báo oán à?”

Sử Hạo đáp: “Vi thần không có khái niệm về thù hận”.

Lần khác, Sử Mậu lại tiến cử Mạc Tế phụ trách công việc chiếu mệnh. Biết Mạc Tế có lần chửi rủa Sử Mậu vô cùng thậm tệ, Hoàng thượng nói: “Mạc Tế chẳng phải luôn chỉ trích khanh hay sao?”

Sử Mậu thưa: “Vi thần không thể vì việc tư mà để ảnh hưởng đến việc công”.

Giải Hồ là người ngay thẳng, công tư phân minh, đương thời ông có quan hệ rất thân với quan đại phu Triệu Giản Tử nước Tấn. Sau này Triệu Giản tử cần tìm người đảm nhận chức Tướng quốc, Giải Hồ lại tiến cử Kinh Bác Liễu là người đã cướp vợ của mình, vì ông nhận thấy chỉ có Kinh Bác Liễu mới có đủ năng lực giữ chức vụ này.

Quả nhiên Kinh Bác Liễu xử lý mọi việc chuẩn mực phân minh. Sau này khi Kinh Bác Liễu biết chính Giải Hồ tiến cử mình liền đến nhà Giải Hồ cảm tạ, nhưng Giải Hồ nói: “Tôi tiến cử ngài là vì việc công, vì ngài có đủ năng lực gánh vác được công việc đó. Còn chuyện tư giữa chúng ta thì tôi và ngài không thể đội trời chung”.

Tiến cử người đã chỉ trích mình

Trong “Ngô chí – Lục Tốn truyền” ghi lại chuyện về Lục Tốn như sau.

Lục Tốn, tự Bác Ngôn, người Ngô Quận. Thái thú Thuần Vô Thức từng dâng biểu tấu lên Tôn Quyền về Lục Tốn. Ông nói Lục Tốn lạm dụng chức quyền nhũng nhiễu bách tính. Lục Tốn vì chuyện này đã bị Tôn Quyền nghiêm khắc một phen.

Sau này, Lục Tốn tới kinh thành lại ca ngợi Thuần Vu Thức là vị quan rất tốt, rồi tiến cử với triều đình.

Tôn Quyền nói: “Thuần Vu Thức từng dâng biểu nói về tội của khanh, sao khanh lại tiến cử ông ấy?”

Lục Tốn trả lời: “Chủ ý của Thuần Vu Thức là muốn bảo vệ bách tính nên mới làm vậy. Nếu thần vì việc này mà gièm pha lại Thuần Vu Thức, chẳng phải khiến quân vương bị rối loạn hay sao? Việc này không nên tiếp tục kéo dài!”

Trong “Ngô chí – Lữ Mông truyền” cũng có ghi lại một câu chuyện về tiến cử như sau.

Lữ Mông, tự là Tử Minh, là người Nhữ Nam. Ông vì mắc sai lầm đã bị quan Thái thú ở Giang Hạ là Thái Dị tố cáo lên triều đình. Lữ Mông không vì chuyện này mà rất oán hận Thái Dị.

Sau khi quan Thái thú ở Dự Chương là Cố Thiệu qua đời, Tôn Quyền liền hỏi ý kiến Lữ Mông: “Ai có thể đảm nhận chức vụ này?”

Lữ Mông trả lời: “Thái Dị xứng đáng với chức này.”

Tôn Quyền mỉm cười nói: “Khanh muốn trở thành một Kỳ Hề đương thời sao?”. (Kỳ Hề trong sử sách là người chí công vô tư)

Cuối cùng Thái Dị trở thành quan Thái thú ở Dự Chương.

Trong lịch sử quả thực có rất nhiều nhân vật tiêu biểu về tiến cử hiền tài không nề thù riêng, ân oán cá nhân. Họ lấy việc đại sự, việc quốc gia làm trọng, đặt việc cá nhân của mình ở sau. Thậm chí nhiều người trong số họ không màng đến ân oán, lòng dạ khoan dung rộng lượng. Đó thực sự là những chính nhân quân tử có tấm lòng quảng đại, lưu danh sử sách.

 

Theo VisionTimes

Video hay


Cùng chuyên mục

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024):  GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024): GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Lê Duẩn với văn hóa và con người Việt Nam

Lê Duẩn với văn hóa và con người Việt Nam

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự ‘Ngày hội Văn hóa vì hòa bình’ của Hà Nội

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự ‘Ngày hội Văn hóa vì hòa bình’ của Hà Nội

Hành trình đến với bà con vùng bão lụt Yên Bái

Hành trình đến với bà con vùng bão lụt Yên Bái

TÌNH NGƯỜI TRẢI QUA NHỮNG NỖI ĐAU TỪ BÃO LŨ

TÌNH NGƯỜI TRẢI QUA NHỮNG NỖI ĐAU TỪ BÃO LŨ