Gần đây, nhiều người ở huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau, có thu nhập khá cao từ việc khai thác con vẹm đất (người dân địa phương gọi là con vòm). Nguồn lợi tự nhiên phong phú đó đã giúp nhiều hộ gia đình có thêm điều kiện vươn lên.
Vòm đất là loài nhuyễn thể 2 mảnh vỏ, sinh sản và phát triển khá phổ biến tại các tuyến kênh, rạch hoặc các cửa sông, cửa biển của tỉnh Cà Mau. Trước đây, loài hải sản này không có giá trị kinh tế nên không được chú ý đến. Tuy nhiên, gần đây thương lái khắp nơi tìm về địa phương thu mua vòm đất làm thức ăn cho tôm hùm nên mở ra thêm cơ hội tăng thu nhập cho người dân địa phương.
Ông Thái Văn Hậu ở xã Phong Lạc, huyện Trần Văn Thời, làm nghề khai thác vòm đất hơn 2 năm nay. Mỗi ngày lặn mò vòm đất giúp ông kiếm được khoảng 400.000 đồng. Ông Hậu cho biết: “Những tháng mùa mưa vòm đất ít hơn tháng nắng, nhưng biết chỗ khai thác thì vẫn kiếm được 400.000-500.000 đồng/ngày. Vòm đất thích sống nơi có độ mặn cao nên mùa mưa phải ra gần cửa biển mới bắt được nhiều”.
Hiện người dân các xã Phong Lạc, Phong Ðiền… thuộc vùng mặn của huyện Trần Văn Thời đang khai thác vòm đất theo thủy triều. Khi nước ròng, họ sẽ đi mò; đến khi nước lớn thì về bán. Trung bình mỗi ngày, 1 người có thể mò được khoảng 300kg vòm đất. Gần đây bà con bắt đầu chuyển qua dùng cào để khai thác nên có thể đạt sản lượng cao hơn. Ông Kiều Minh Hiền, người chuyên cào vòm đất, chia sẻ: “Ðể bắt được vòm đất, có thể mò, nhưng mò thì chỉ bắt được trong mé còn giữa sông sâu thì chỉ có thể dùng cào. Từ khi chuyển qua dùng cào, mỗi ngày tôi bắt được hơn 1 tấn vòm đất, kiếm được khoảng 1 triệu đồng”.
Hiện vòm đất đang có giá từ 1.500-1.800 đồng/kg; sau khi thu mua, các thương lái sẽ vận chuyển vòm đất ra các tỉnh miền Trung để làm thức ăn cho tôm hùm. Anh Lê Văn Chiến, thương lái chuyên thu mua vòm đất chở đi tiêu thụ ở Khánh Hòa, cho biết nhu cầu vòm đất dùng làm thức ăn cho tôm hùm rất lớn. Tùy theo giá cả tôm hùm cũng như lượng vòm đất bắt được tại các tỉnh miền Trung mà giá cả có lên xuống, nhưng thực tế vòm đất chưa bao giờ bị khó về đầu ra. Bà con bắt được bao nhiêu sẽ tiêu thụ hết bấy nhiêu. Nhờ khai thác vòm đất mà thời gian qua nhiều người ở huyện Trần Văn Thời có nguồn thu nhập khá ổn định; đặc biệt những hộ gia đình không có việc làm có thêm nguồn sinh kế.
Theo Baocantho