Nữ doanh nhân trẻ đã tìm ra cách biến những rơm rạ vốn thường bị nông dân đốt bỏ thành nguyên liệu làm ra những sản phẩm có giá trị và tốt với môi trường.
Doanh nhân trẻ Jaruwan Khammuang (sống ở Lampang, Thái Lan) đang biến rơm rạ tưởng chỉ bỏ đi thành “vàng”. Cô đã nhận thấy tiềm năng cũng như cơ hội tạo ra các sản phẩm xanh từ những thứ này.
Sau khi học ở Bangkok, Jaruwan Khammuang quyết định trở về ngôi làng quê hương ở tỉnh Lampang.
Cô gái trẻ mong muốn chấm dứt cảnh nông dân đốt rơm rạ sau vụ thu hoạch gây khói và ô nhiễm với khí thải CO2. Jaruwan tin rằng chúng có thể được sử dụng như một tài nguyên quý giá.
Ở nhà máy Fang Thai của Jaruwan Khammuang, rơm rạ trải qua quá trình xử lý được biến thành bột giấy mà không cần thêm hóa chất. Từ nguyên liệu này sẽ dùng làm bát đĩa ăn một lần có thể phân hủy hoàn toàn hoặc làm giấy, bao bì thân thiện với môi trường.
Ngoài ra, sự hợp tác của Fang Thai và Đại học Chiang Mai đã cho ra đời lớp màng phủ làm từ tinh bột gạo, không thấm nước dùng trong sản xuất bao bì phân hủy sinh học, thay thế bền vững cho bao bì làm từ nhựa và polystyrene.
Sự nỗ lực để tạo ra sản phẩm từ rơm rạ đã giúp công ty giành được một số giải thưởng quốc gia và quốc tế. Fang Thai mang đến cho khách hàng sản phẩm chất lượng cao với mức giá hấp dẫn, hữu ích với cộng đồng.
Cơ quan chức năng của Thái Lan cho biết sản phẩm của Fang Thai không chứa thủy ngân, kim loại nặng. Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường nước này cũng tính toán cho thấy, việc làm của Fang Thai giúp giảm 28.000 tấn khí thải CO2 mỗi năm.
Theo DW/Seed