Quan niệm câu cá phải im lặng, tránh ồn ào trở nên quá sai lầm nếu như buông cần câu cá hoàng đế, loài cá ngoại lai, hung dữ, ăn tạp đang tung hoành ở hồ thủy điện Trị An gần 20 năm qua.
Mặt trời lặn dần xuống phía chân cầu Mã Đà (xã Mã Đà, H.Vĩnh Cửu, Đồng Nai), cũng là lúc nhiều cần thủ từ phương xa đến hồ Trị An chọn làm bãi đáp, rồi… cởi đồ, lao xuống nước câu cá hoàng đế.
Tay đập tay câu
Cứ vào chiều chủ nhật, anh Trương Quốc Hùng (28 tuổi, ngụ Đồng Nai) có thói quen chạy xe máy vượt khoảng 50 km từ TP.Biên Hòa đến hồ Trị An câu cá hoàng đế. Vừa đến nơi, Hùng cởi đồ nhét lên xe, rồi cầm 2 chiếc cần câu tay (mỗi cần dài hơn 5 m), trầm mình xuống nước.
Khi đi ra xa bờ cả chục mét, nước ngập đến ngực thì Hùng dừng lại, bắt đầu lấy cần móc mồi vào thả câu. Cần còn lại, Hùng đập mạnh liên hồi xuống mặt hồ khiến nước bắn tung tóe. Sau đó, Hùng liên tục lôi lên những con cá hoàng đế hung tợn bỏ vào giỏ, rồi tiếp tục đập nước.
Thấy tôi ngạc nhiên hỏi về cách ngâm mình dưới lòng hồ quẫy nước để câu cá, Hùng nửa đùa nửa thật: “Tại trời nóng quá nên mình xuống dưới này câu cho mát”. Rồi sau đó bật mí: “Để dụ cá hoàng đế tới đó mà. Loài này ăn động, mình đập như vậy nhằm tạo sự ồn ào thu hút nó bơi lại đớp mồi. Câu cá này sướng lắm, đớp một phát là lút phao luôn chứ không có nhấp nhấp như những loại cá khác. Còn thịt thì thơm, ngon, không có xương nhỏ, ăn rất béo”.
Theo nhiều “cao thủ” câu cá hoàng đế lâu năm trên lòng hồ Trị An, tuyệt chiêu đập cần xuống nước để dụ cá không biết xuất phát từ bao giờ và do “cao nhân” nào sáng tạo, nhưng xem ra rất có hiệu quả mà lại đơn giản nên lan truyền nhanh chóng.
Ông Lê Duy Phong (50 tuổi, ngụ xã Mã Đà) truyền bí kíp: “Hễ câu cá hoàng đế là phải đập cần, quẫy xuống nước thật mạnh, thậm chí nhảy xuống tắm cũng chả sao. Ai tắm cứ tắm, mọi người ở trên bờ vẫn thản nhiên buông cần và cá vẫn cắn câu.
Nhưng anh phải rành kỹ thuật móc mồi à nghe. Mồi dùng câu cá hoàng đế là tép sống, người câu phải khéo léo móc lưỡi câu vào đuôi con tép ở khoảng đốt thứ 2 và 3 (tính từ đuôi lên) để tép còn sống. Có vậy khi thả xuống nước tép vẫn bơi, kích thích cá hoàng đế lao lại đớp, nếu tép chết thì cơ hội cá ăn không cao”.
Chèo ghe ra cồn mới ‘cao thủ’
Trong những ngày lang thang trên lòng hồ, chúng tôi may mắn gặp được 2 “cao thủ” câu cá hoàng đế chuyên nghiệp, kiếm sống bằng nghề này, đó là anh Quách Duy Nam (31 tuổi) và ông Nguyễn Duy Phương (45 tuổi, cùng ngụ xã Mã Đà). Bằng kinh nghiệm mười mấy năm câu cá hoàng đế của mình, 2 người này nói rằng mùa này (mùa khô – PV) là thời điểm câu cá hoàng đế sướng nhất, bởi vì nước rút cá thường tập trung lại.
Rồi anh Nam ghé sát tôi, bật mí như sợ nhiều người nghe thấy: “Nhưng quan trọng phải biết cái điểm, nơi cá tập trung để mà ra đó câu. Chỗ đó thường gần những cái cồn, mực nước sâu khoảng 2 m, muốn ra đó phải đi ghe”.
Trông thấy vài người băng qua quán nước xuống bến gần đó để câu, anh Nam quay qua cười nhạt: “Tôi nói thiệt, câu cá hoàng đế mà không đi ghe, ngồi trên bờ câu thì chẳng được bao nhiêu con, xem như câu giải trí thôi. Ở đây, người Sài Gòn về thuê ghe (từ 200.000 – 800.000 đồng/chiếc/ngày; tùy loại lớn nhỏ) đi câu quá trời luôn, như vậy mới thú”. Lúc này, ông Phương ngồi bên liền chen vào: “Nhưng ra đó cũng phải biết cách câu, cách đập cần xuống nước sao cho tránh được va chạm với thân ghe. Nếu đụng vô ghe thì đó là đuổi cá đi chứ không còn là dụ nữa, vì cá hoàng đế dị ứng với âm thanh cộp cộp đó”.
Thấy tôi ngóng câu chuyện về công nghệ câu cá hoàng đế một cách say sưa, ông Phương bổ sung thêm: “Thường thì cá hoàng đế ăn theo khung giờ, sáng từ 6 – 10 giờ, chiều từ 14 – 16 giờ. Ngoài giờ đó nó cũng ăn nhưng rất chậm. Cá hoàng đế thường đi theo đàn nên khi đã ăn rồi thì người câu giật mỏi tay, cứ quăng cần xuống là giật cá lên.
Thời gian một đàn cá tập trung ăn khoảng 20 phút, sau đó nó bỏ đi, người câu lại chờ đàn cá khác đến”. Theo ông Phương, nếu hai người đi câu chung cần phải kết hợp tác chiến một cách nhuần nhuyễn. Một người móc mồi một người câu, làm vậy sẽ câu được nhiều cá hơn.
Về thu nhập, hai người cho biết ngày nào ít thì 5 kg, bán cũng được vài ba trăm ngàn. Ngày nào gặp cả đàn, có khi câu được đến cả 50 kg, kiếm tiền triệu. “Dù thu nhập không ổn định nhưng vẫn đủ sống. Với lại đi câu vậy nó khỏe re, sáng làm một chập, chiều làm thêm chập nữa, còn thời gian rảnh thì tranh thủ làm việc nhà, chứ đi làm thuê cực lắm lại chiếm hết thời gian”, anh Nam cười nói.
Cá ngoại lai, giờ trở thành ‘lai việt’
Ông Nguyễn Văn Hiệp, Trưởng phòng Bảo tồn thiên nhiên và hợp tác (thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai – đơn vị quản lý lòng hồ Trị An), cho hay cá hoàng đế có nguồn gốc ở Nam Mỹ (tên khoa học là Cichla ocellaris). Vào khoảng năm 2000, vài hộ dân địa phương đã nhập về, làm bè nuôi trên lòng hồ để bán cá kiểng.
Trong quá trình đó có vài con thoát ra tự nhiên. “Có lẽ do điều kiện sống phù hợp, nhiều thức ăn nên giống cá này nhanh chóng phát triển, sinh sôi nảy nở rất nhanh”, ông Hiệp cho hay.
Cũng theo ông Hiệp, đặc tính của loài này là hung dữ, ăn tạp nên thời gian đầu có nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại cá hoàng đế sẽ tiêu diệt cá bản địa, gây mất cân bằng sinh thái.
Tuy nhiên điều này đã không xảy ra, ngược lại cá hoàng đế lại đang nằm trong tốp đầu những loài cá được đánh bắt nhiều và mang lại thu nhập cao cho ngư dân. Hiện tại cá hoàng đế được bán với giá khá cao, con to từ 60.000 – 70.000 đồng/kg, nhỏ thì 25.000 – 30.000 đồng/kg.
Trên lòng hồ Trị An, đã có người bắt được con cá hoàng đế nặng đến 3 kg. Rồi ông Hiệp ví von: “Nói là ngoại lai nhưng nó sống ở lòng hồ gần 20 năm nay, chắc lai Việt luôn rồi. Và hình như chỉ có ở hồ Trị An thôi, chứ tôi chưa thấy xuất hiện nơi nào khác ở VN”.
Ban đầu không dám ăn, giờ trở thành đặc sản
Theo ông Nguyễn Văn Hiệp, do ban đầu thấy giống cá lạ, khi đánh bắt được nhiều người không dám ăn, mà đập chết hoặc thả lại xuống hồ. Nhưng sau đó, người dân tình cờ phát hiện ra thịt con cá này rất ngon, ăn béo, ngọt nước, lại không có xương nhỏ, từ đó bắt đầu khai thác bán ra thị trường và rất đắt hàng. Còn ông Nguyễn Hữu Phước, Hạt phó Hạt Kiểm lâm Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai, cho hay nhìn bên ngoài cá hoàng đế có vẻ hung tợn như miệng rộng và khỏe, vây trên sống lưng to cứng, lớp da bên ngoài rất dày, nhám. Màu sắc chủ đạo của nó là vàng xen lẫn chấm đen nên người dân gọi là cá hoàng đế, riết rồi thành quen. |
Theo Thanhnien