Hai năm 2019 và 2020 là hai năm, nhà biên kịch Lê Thế Song trở thành một hiện tượng hiếm có của làng sân khấu khi là tác giả kịch bản của 16 vở diễn trình làng. Trong năm 2019, anh là tác giả của 8 vở chèo tham dự Liên hoan sân khấu chèo toàn quốc tại Bắc Giang trong đó có tới 8 vở đoạt huy chương bạc. Trong năm 2020 anh cũng là tác giả của 8 vở diễn mới (trong đó có hai vở là tác giả chuyển thể) cho Sân khấu kịch Lệ Ngọc, Nhà hát Chèo Hà Nội, Nhà hát Chèo Việt Nam, Nhà hát chèo Quân đội, Nhà hát Tuồng VN, Nhà hát Chèo Thái Bình, Nhà hát Chèo Hưng Yên, Nhà hát Chèo Hà Nam.
Nếu tính từ khi Lê Thế Song tốt nghiệp lớp Biên kịch K31, Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội năm 2014, sau hai kịch bản đầu tay khá thành công cho Nhà hát chèo VN (Nam mô Thích Ca Mâu Ni Phật) và Nhà hát tuồng VN (Dưới bóng đa huyền thoại), cho đến nay, chỉ trong hơn 6 năm, tác giả này đã có tới hơn 30 kịch bản chèo, tuồng, cải lương, kịch nói được các đơn vị sân khấu chuyên nghiệp Trung ương và các địa phương phía Bắc dàn dựng. Riêng về chèo, có thể nói sau hiện tượng hai cha con tác giả Trần Đình Ngôn và Trần Đình Văn “bao sân” sàn diễn chèo những năm trước đây, có người nói giờ đã đến “thời của Lê Thế Song” bởi lẽ anh đang là nhà viết chèo được dựng nhiều nhất hiện nay, ở tuổi “Ngũ thập tri thiên mệnh”.
Được biết, không hề ngẫu nhiên khi Lê Thế Song đến với chèo. Quê hương anh là làng Ngò, xã Đức Lý, huyện Lý Nhân, một chiếu chèo nức tiếng ở Hà Nam. Gia đình anh cũng là một gia đình nghệ thuật, khi ông và ba anh đều là những trí thức, nhà giáo yêu văn học nghệ thuật và rất sành chèo. Thời học phổ thông ở quê hương, Lê Thế Song đã nổi tiếng về tài diễn chèo viết chèo. Anh từng lập đội chèo cho trường mình, thậm chí còn lập ban nhạc trẻ của làng Ngò mà anh vừa là người phối khí dàn dựng và là cây ghi ta bass chính. Học hết phổ thông, vì hoàn cảnh gia đình, Lê Thế Song không thể theo học và làm nghệ thuật chuyên nghiệp như mong muốn nhưng dù học và làm ở bất cứ đâu, anh vẫn không rời được cây bút, cây đàn, vẫn không ngừng nung nấu giấc mộng nghệ thuật.
Cơ hội đã đến với Lê Thế Song khi anh gặp Xuân Hồng, một “con nhà nòi” sân khấu, con gái của nhà viết kịch Hoàng Luyện. Xuân Hồng vốn định nối nghiệp sân khấu của cha mình nên từng theo học khóa 1 lớp diễn viên cải lương của Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội. Nhưng sau đó chị theo học tiếp khoa tiếng Anh Đại học Ngoại ngữ,khoa Quản trị kinh doanh Đại Học Mở Hà Nội rồi lấy bằng Thạc sỹ Y tế Công cộng. Từ năm 1999, Xuân Hồng đã phụ trách các truyền thông về y tế và sức khỏe qua nghệ thuật của nhiều tổ chức quốc tế như Tổ chức Oxfam Hồng Kong; Oxfam Anh; YWAM; Allianz Mission; Healthright International; BTC va WB Dự án Ninh Thuận…Biết khả năng viết diễn chèo và ca nhạc phong phú của Lê Thế Song, Xuân Hồng đã mời anh tham gia hoạt động cùng chị.
Thế là từ vở chèo ngắn đầu tiên viết dựng cho dự án của Tổ chức Oxfam Hồng Kông năm 1999 cho đến năm 2010, trong 11 năm trời, Lê Thế Song đã cùng Xuân Hồng thực hiện hơn 300 chương trình nghệ thuật phục vụ các dự án y tế cộng đồng gồm chèo, kịch nói, tuồng, cải lương, ca nhạc. Đây chính là thời gian Lê Thế Song được hào hứng sống trong môi trường văn hóa nghệ thuật mà anh từng mong ước dù chỉ là nghệ thuật tuyên truyền, là thời gian anh có điều kiện rèn nghề, học nghề thật quý giá. Lê Thế Song có điều kiện nhuần nhuyễn thêm nghề viết, dựng diễn chèo và ca nhạc thời trẻ, bắt đầu học viết và dựng tuồng, cải lương, kịch nói, lễ hội.
Sau hơn 10 năm cùng nhau làm nghệ thuật truyền thông, năm 2010, Xuân Hồng và Lê Thế Song đều nhận thấy cần theo hệ đào tạo nghệ thuật chính quy để nâng cao khả năng và trình độ. Hai người cùng thi và đỗ vào khóa K31 Biên kịch Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội. Trong 4 năm học tại đây, Lê Thế Song luôn được nhận học bổng và tốt nghiệp vào loại giỏi năm 2014.
Tôi mới quen Lê Thế Song trên Facebook tháng 10 năm 2020 vừa qua. Số là khi được xem vở “Tình sử Thăng Long” của Nhà hát chèo Hà Nội kết thức Liên hoan Sân khấu thủ đô năm 2020, tôi viết tút khen vở, đánh giá đây là một trong ba vở diễn xuất sắc nhất Liên hoan. Trong đó tôi khen tác giả kịch nói Phạm Văn Quý, đạo diễn Lê Tuấn và dàn diễn viên trẻ tài năng của Nhà hát chèo Hà Nội nhưng vô ý không hề nhắc gì đến tác giả chuyển thế Lê Thế Song. Thế là tôi nhận được ngay comment của Lê Thế Song trách khéo: “Anh nhận xét về vở diễn khá hay nhưng lại quên mất người đã chuyển kịch bản văn học sang chèo ạ! Buồn quá anh ơi!”. Tôi giật mình. Song trách đúng, để một vở kịch nói thành một vở chèo rất chèo mà hay như thế, chắc chắn công phu của tác giả chuyển thể không nhỏ. Tôi đã quên mất điều quan trọng này. Tôi đã là tác giả sân khấu từng được Ban Tổ chức Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1985 tại Nghệ An tặng huy chương vàng với tư cách tác giả chuyển thể vở kịch nói “Mối tình qua tết Lirboong” của Phạm Kim Anh sang ca kịch bài chòi cho Đoàn Dân ca kịch Phú Khánh tham dự Hội diễn cũng được tặng huy chương vàng cho vở diễn. Thế mà bây giờ…Xấu hổ quá, tôi đành “vụng chèo khéo chống” trả lời Song: “Vì là fb nên mình viết gọn. Một bản chuyển thể nhuần nhụy, mang đậm chất ca kịch, tổ chức các cao trào hô hát rất hay. Khi viết báo mình sẽ bổ sung cụ thể hơn. Bạn tha lỗi nhé”. Sau đó, Lê Thế Song chuyển kịch bản kịch nói của anh Quý và kịch bản chèo của Song, rồi còn tiếp tục chuyển hàng loạt kịch bản chèo khác mà Song là tác giả gốc cho tôi xem. Tôi đã đọc rất say mê các kịch bản này và hiểu Lê Thế Song không chỉ đơn thuần là người chuyển thể theo kiểu “cắm ca vào kịch” mà một tác giả kịch hát đẳng cấp hiện nay mà tôi rất có lỗi khi chưa được biết.
Từ đó đến nay, tôi đã được Lê Thế Song và Xuân Hồng mời đi xem 5 vở diễn mà Lê Thế Song là tác giả vừa ra mắt. Đó là các vở “Duyên phận ba đào” của Nhà hát chèo Thái Bình, “Duyên quê” của Nhà hát chèo Hưng Yên, “Tam khúc chúa” của Nhà hát tuồng việt Nam, “Nguyễn Văn Cừ, tuổi trẻ chí lớn” của Nhà hát chèo Quân đội và “Quan lớn Đệ tam” của Nhà hát chèo Hà Nam. Nhưng vì không đi xa được nên tôi không được xem hai vở của Thái Bình, Hưng Yên, chỉ xem được 3 vở diễn tại Hà Nội của Nhà hát tuồng Việt Nam, Nhà hát chèo Quân Đội và Nhà hát chèo Hà Nam.
“Tam khúc chúa” là vở tuồng thứ hai Lê Thế Song viết cho Nhà hát tuồng Việt Nam. Vở đầu tiên là “Dưới bóng đa huyền thoại” đã từng được đưa di dự và được huy chương vàng tại Liên hoan sân khấu Quốc tế ở Hàn Quốc và Trung Quốc. Tác giả tuồng trong cả nước hiện đếm chưa hết các ngón trên một bàn tay: TPHCM có Hữu Danh, miền Trung có Nguyễn Sỹ Chức, Đoàn Thành Tâm, và thật đáng quý khi miền Bắc có thêm Lê Thế Song. Dựa trên tiểu thuyết “Khúc gia trang dậy sóng trời Nam” của TS Khúc Minh Tuấn, “Tam Khúc chúa” là vở tuồng lịch sử nói về thời gian ba vị chúa họ Khúc âm thầm tự chủ để sau này Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán chính thức giành độc lập cho đất nước. Tác giả Lê Thế Song, đạo diễn Hoàng Quỳnh Mai và dàn nghệ sĩ tài năng của Nhà hát tuồng Việt Nam đã tạo nên một tác phẩm sân khấu rất hấp dẫn về một khoảng trống trong lịch sử đất nước. Riêng Lê Thế Song cho thấy anh đã là một tác giả tuồng khá vững vàng, nắm được các đặc trưng kịch chủng để tạo nên một kịch bản vừa đậm chất tuồng vừa dễ xem với khán giả hôm nay
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, một trong những Tổng bí thư xuất sắc nhất trong lịch sử 91 năm của Đảng ta. Đây là một Tổng bí thư rất trẻ mới 26 tuổi và làm Tổng bí thư chỉ trong 3 năm (1938-1940) nhưng theo đánh giá của Tổng bí thư Lê Duẩn “Nguyễn Văn Cừ ít hơn chúng tôi và các anh Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập từ 5 đến 10 tuổi nhưng là một trí tuệ lỗi lạc của Đảng, rất sắc sảo và nhạy bén về chính trị lại có khả năng đoàn kết và thuyết phục anh em”.
Vị Tổng bí thư quê hương quan họ là một lãnh tụ cộng sản tiêu biểu cho dũng khí cách mạng, tinh thần hy sinh vì nước vì dân và đặc biệt là ý thức chống chủ nghĩa giáo điều, xa rời thực tế cuộc sống, rất uyển chuyển, sáng suốt trong sách lược cách mạng và rất mạnh dạn tự chỉ trích những ấu trĩ, sai lầm trong nhận thức, hành động, đề cao tinh thần tự phê bình và phê bình như một vũ khí tạo nên sức mạnh to lớn và sự bền vững của Đảng. Trước đây 30 năm, tác giả Đào Thiện có một kịch bản về Nguyễn Văn Cừ từng được Đoàn Chèo Hà Bắc dàn dựng phục vụ rồi nhân 100 năm ngày sinh Tổng bí thư Nguyễn Văn Cừ, kịch bản này đã được Nhà hát Chèo VN phục dựng thành công. Tuy vậy, NSND Tự Long, Phó Giám đốc Nhà hát Chèo Quân đội, người đồng hương Từ Sơn, Bắc Ninh của Nguyễn Văn Cừ, vẫn cảm thấy còn nhiều điều phải nói về ông nhất là chất con người quan họ và ý nghĩa hiện đại của các tư tưởng lý luận trong cuốn sách “Tự chỉ trích”. Anh đã bàn để Lê Thế Song chấp bút kịch bản cho chính mình đạo diễn vở chèo “Nguyễn Văn Cừ – Tuổi nhỏ chí lớn”. Và Lê Thế Song, NSND Tự Long, ê kíp sáng tạo cùng tập thể Nhà hát Chèo Quân đội đã sáng tạo một vở diễn chính trị mà giàu chất trữ tình, đầy sức sống, xúc động, hấp dẫn, đặc biệt là rất chèo và rất quan họ, xứng đáng là một công trình nghệ thuật chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13.
Vở diễn “Quan lớn Đệ tam”, cũng kịch bản Lê Thế Song do NSND Tự Long đạo diễn, của Nhà hát chèo Hà Nam về ra mắt khán giả thủ đô trước Đại hội Đảng lần thứ 13 tại Nhà hát Lớn Hà Nội đêm 16/1 vừa qua cũng thành công hơn mọi mong đợi. Truyền thuyết về vị thượng đẳng thần tối cao của Thoái phủ chuyên cai quản miền sông nước trong tín ngưỡng thờ mẫu tứ phủ của dân tộc đã thành di sản văn hóa nhân loại hiện diện rất hấp dẫn trên sàn diễn chèo đã hoàn toàn chinh phục hơn 500 khán giả có mặt. Khán phòng luôn bùng lên những tràng vỗ tay nồng nhiệt. Thần thoại phát tích từ ngôi đền Lảnh Giang nằm bên bờ Lục Đầu giang nổi tiếng của quê hương Hà Nam đã được Nhà hát chèo Hà Nam đem về với người dân thủ đô theo cách không thể tuyệt vời hơn. Riêng với Nhà hát chèo Hà Nam quê hương, chỉ trong ít năm gần đây, Lê Thế Song đã đóng góp đến 5 kịch bản. Cái hay của vở chèo “Quan lớn Đệ tam” là lối kể chuyện sinh động, dân dã, ngăn gọn mà vẫn thể hiện được các đặc sắc màu sắc văn hóa và tư tưởng của truyền thuyết. Ở kịch bản này, ta thấy Lê Thế Song rất “thuộc” tính năng của mấy trăm làn điệu chèo đa dạng, sử dụng rất đúng lúc đúng chỗ và hiệu quả cao. Song tự tin đến mức chưa một lần phải sử dụng một số làn điệu quen thuộc rất được đông đảo người xem yêu thích như Luyện năm cung, Đào liễu… hầu như vở chèo nào cũng phải sử dụng một vài lần mà phần ca hát vẫn làm say lòng người xem.
Thật kính phục lòng yêu nghề, vốn hiểu biết, sự say mê khám phá bất tận, năng suất và chất lượng lao động của nhà biên kịch toàn năng này. Tuy kịch bản của Lê Thế Song chưa có cái nào thật nổi bật, thật xuất sắc như chính Lê Thế Song tự thừa nhận. Nhưng tôi tin rằng, với sự nghiêm túc trong lao động sáng tạo, tính khiêm nhường và khát vọng không ngừng học hỏi (Lê Thế Song đang sắp tốt nghiệp khóa 16 lớp thạc sĩ biên kịch), được nhiều đơn vị nghệ thuật danh tiếng và đạo diễn sân khấu tài năng tin tưởng, hợp tác, nhất là khi bên cạnh luôn có một người bạn đời bạn nghề rất hiểu biết và đặc biệt năng động là thạc sĩ Xuân Hồng, nhà hoạt động truyền thông quốc tế uy tín, tiếp sức, rồi Lê Thế Song sẽ có những bước tiến xa trong năm nay và những năm tới.
Đêm xem vở “Quan lớn Đệ tam” tại Nhà hát Lớn Hà Nội, khi vở diễn kết thúc, trong khi khán giả vẫn ngồi lại vỗ tay hoan nghênh, tôi thoáng nghe một người bạn gái, có lẽ là nghệ sĩ chèo, nói với Song khi bắt gặp anh xuất hiện phía cuối khán phòng: ” Vở hay quá. Tin rằng bạn sẽ trở thành một Tào Mạt mới”. Chắc chắn có không ít người tin như người bạn của Lê Thế Song, trong đó tất nhiên có tôi. Lê Thế Song có cả hàng chục năm để phấn đấu làm nên một vở chèo như ‘Đỉnh cao phía trước”, một bộ chèo như “Bài ca giữ nước” của nhà hoạt động chèo xuất chúng Tào Mạt…
Rất khó, nhưng không phải là không làm được nhất là khi Lê Thế Song vẫn đang hàng ngày “cất công mài sắc…”!.
Nguyễn Thế Khoa