Từ ngày ra đời đến nay, Truyện Kiều và tác giả của nó cũng trầm luân như chính số phận nàng Kiều, tôn vinh cũng có mà chê bai, mạt sát cũng không thiếu. Thời gian càng lùi xa, vẻ đẹp của Truyện Kiều càng hiện lên rực rỡ, tư tưởng của Nguyễn Du càng bộc lộ sự thâm thúy, sâu sắc, kể cả những điều mà mới đây, chúng ta từng coi là hạn chế.
Nguyễn Du trong và ngoài thời đại của ông
Nguyễn Du tên chữ Tố Như, hiệu Thanh Hiên, sinh ngày 23/11 năm Ất Dậu, tức ngày 3/1/1766 tại phường Bích Câu, Thăng Long. Bố là Nguyễn Nghiễm, làm quan đến Tể tướng. Mẹ là bà Trần Thị Tần, vợ ba của Nguyễn Nghiễm, người Tiên Sơn, Bắc Ninh. “Nguyễn Du sinh ra là đã được tập ấm và gia cảnh ngày nhỏ là lâu đài san sát, những người ngựa xe, võng lọng hàng ngày chầu chực ở trước cửa” (Nguyễn Hành cháu Nguyễn Du nhớ lại).
Năm 1820, khi Minh Mệnh lên ngôi, Nguyễn Du được cử làm Chánh sứ đi Trung Quốc lần nữa để cầu phong, nhưng chưa kịp đi thì đã mất tại Huế, hưởng thọ 56 tuổi.
Đó là ngày 16/9/1820. Sách Đại Nam chính biên liệt truyện chép: “Đến khi ốm nặng, ông không chịu uống thuốc, bảo người nhà sờ tay chân, họ thưa đã lạnh cả rồi. Ông nói “Được” rồi mất, không trối lại điều gì”.
Ngoài Truyện Kiều, Nguyễn Du còn nhiều tác phẩm chữ Nôm khác là Văn chiêu hồn, Văn tế sống Trương Lưu nhị nữ, Thác lời trai phường nón Tiên Điền gửi gái phường vải Trường Lưu và ba tập thơ chữ Hán: Bắc hành tạp lục; Nam trung tạp ngâm; Thanh Hiên thi tập.
Tôi cho rằng, nhìn Nguyễn Du nên thấy sự cộng sinh văn hóa từ Hà Tĩnh, Thăng Long, Bắc Ninh đến văn hóa Trung Hoa và các nước khác. Cái đặc sệt khởi nguyên Hà Tĩnh, có lẽ trước hết là sự phong tình để thành một người tài hoa, tài tình, tài tử; có sự hiếu học, trọng thực học để dù đỗ thấp mà uyên thâm Nho, Phật, Lão và văn chương chữ nghĩa nhất một thời, để mà trở thành tập đại thành của văn học dân gian và bác học, mà nhuần nhị và trở thành đỉnh cao của Hồng Sơn văn phái và văn hóa Kinh thành, Kinh Bắc. Ông đặc sệt Hà Tĩnh là người trung nghĩa nhưng thức thời; không thiết tha quan trường và nhìn danh lợi phù vân nhưng tận tụy với chức phận…
Nhiều nhà nghiên cứu trong thời đại chúng ta mặc dù hết lòng ca ngợi Nguyễn Du nhưng vẫn chịu ảnh hưởng vì lập trường giai cấp, vì nhân sinh quan và thế giới quan theo quan niệm ngày nay mà phê phán ông có khi nặng nề và không thỏa đáng. Chẳng hạn, Hoài Thanh trong “Quyền sống của con người trong truyện Kiều của Nguyễn Du” cho rằng, Nguyễn Du “đã cảm thông được một phần nỗi khổ chung của con người bị chà đạp” nhưng chỉ “cảm thông được một phần thôi” và “rốt cuộc Nguyễn Du vẫn là người của giai cấp phong kiến, của chế độ phong kiến”.
Rồi Đặng Mai trong “Đặc sắc của văn học cổ điển Việt Nam qua nội dung Truyện Kiều đã viết: “Chủ nghĩa nhân đạo của Nguyễn Du cố nhiên mới chỉ biểu hiện bằng những phương thức yếu ớt theo đạo lý chữ nhân của đạo Khổng, hoặc theo tinh thần hiếu sinh của đạo Phật, chưa phải là chiến đấu tính cho nhân đạo, cho con người”… Nguyễn Du là một thiên tài. Ngoài quê hương, hoàn cảnh xã hội còn có những yếu tố rất quan trọng từ tự nhiên, từ vũ trụ trong một thời điểm đặc biệt. Nhưng chỉ xét về mặt xã hội thôi, thì với sự “trông thấy” bao nhiêu vương triều lần lượt sụp đổ, bao nhiêu biến thiên lịch sử, bao nhiêu cố gắng con người mà không làm thay đổi được “thân phận” của mình, làm sao Nguyễn Du có thể cô trung và hoài vọng ở một nhà Lê, nhà Nguyễn hay kể cả nhà Tây Sơn? Lý tưởng của ông chắc khác hơn thế. Quang Trung là một Anh hùng dân tộc, anh hùng chống ngoại xâm, nhưng nội trị hẳn chưa phải là Nguyễn Du hoài vọng.
Có lẽ, Nguyễn Du không bế tắc gì khi buộc Từ Hải phải chết, khi buộc Thúy Kiều vào vòng trầm luân. Đời đã thế và vẫn còn phải thế. Nhà thơ có chỉ cho ta một con đường giải quyết mâu thuẫn, không chỉ dựa trên giáo lý đạo Phật mà ở kinh nghiệm sống, ở bản ngã của mỗi người: đó là quan niệm lấy chữ tâm để đối lại, là giải quyết tự trong mình.
Nó có thể không triệt để với đời nhưng thỏa mãn riêng mỗi người, như cách giải quyết chữ trinh, chữ tình của Kiều vậy. Còn lý tưởng xã hội của Nguyễn Du là gì? Nó không gửi ở nhà Nguyễn, nhà Tây Sơn hay nhà Lê mà có hình bóng của xã hội tự do bình đẳng bác ái theo lý tưởng của cách mạng tư sản mà sau đó ít lâu, cũng trong thế kỷ XVIII, đã xảy ra tại Pháp. Điều này có thể chứng minh được và càng chứng tỏ thiên tài của Nguyễn Du.
Trong nhiều phạm vi, Nguyễn Du không chỉ vượt lên thời đại của mình mà phần nào còn vượt lên quan niệm và hiểu biết của thời đại ngày nay.
Nguyễn Du đứng đâu để sáng tác Truyện Kiều?
Có người quan niệm “văn dĩ tải đạo” và sáng tác là để làm việc giáo hóa, giáo huấn. Có người sáng tác chỉ vì sở thích cá nhân, chỉ để thỏa mãn “cái tôi” nhất thời. Có người nguyện làm “con chim báo bão” của cách mạng…
Vấn đề vị thế của nhà văn, vì thế cần được đặt ra đầu tiên, từ đó mới có thể hiểu đúng và sâu sắc hơn tác phẩm của họ.
Nguyễn Du đứng ở đâu?
Trong sáng tác của Nguyễn Du, in đậm thế giới của người chết. Ma quỷ trong tác phẩm của ông không kinh dị mà gần gũi, chỉ là sự nối dài, sự báo trước của cuộc sống.
Trong học vấn và thể hiện nhuần nhị trong sáng tác, Nguyễn Du thể hiện là một nhà triết học sâu sắc, quán xuyến được cả Nho, Phật, Lão và triết lý dân gian.
Nguyễn Du sống trong thời đại phong kiến nhưng các vấn đề ông nêu lên không phải là trung – hiếu – tiết – nghĩa mà là câu chuyện tình yêu, chuyện đời và số phận con người.
Nếu đánh giá về Nguyễn Du, chỉ đứng trên lập trường của giai cấp phong kiến hay trên lập trường của Nhân dân lao động thì không hẳn thỏa đáng.
Hoàn cảnh xã hội, hoàn cảnh bản thân chỉ là để làm cho ông hiểu sâu sắc hơn về thân phận và cuộc sống con người, quan hệ giữa cái vô cùng và hữu hạn, giữa cái có và cái không, cái thường biến và cái bất biến mà thôi. Dường như cả lịch sử Việt Nam, hào hùng có, ly loạn có; tốt đẹp có, xấu xa có đều dồn hết cả vào mấy mươi năm của cuộc đời Nguyễn Du thời Lê mạt. Cái gì cũng tột đỉnh cả. Cái gì cũng tột đỉnh nên bộc lộ rõ bản chất của quan hệ con người với con người, con người với vũ trụ. Lại cũng nhờ Nguyễn Du từ tột đỉnh vinh hoa đến trần ai số phận mà sống trong một trường rất rộng của cõi người nên những điều ông nói, ông viết và làm nước mắt hậu thế tuôn rơi là vì ông thấy đời bằng cả trái tim, thấy đời bằng cả tuệ nhãn.
Nếu quan niệm Truyện Kiều là một cuốn tiểu thuyết bằng thơ, một tiểu thuyết luận đề thì đoạn mở đầu chính là giới thuyết cho luận đề ấy: Trăm năm trong cõi người ta/ Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau/ Trải qua một cuộc bể dâu/ Những điều trông thấy mà đau đớn lòng…
Tôi cảm phục nhà ngôn ngữ Cao Xuân Hạo đã đặt ra nghi vấn với chữ cõi và cho rằng câu trên nói về cuộc sống con người nói chung chứ không phải là trong trăm năm khoảng thời gian của một đời người. Tất nhiên, Nguyễn Du là người làm thơ theo trường phái khổ công “ngữ bất kinh nhân tử bất hưu”, kiểu Đỗ Phủ mà ông rất ngưỡng mộ về nhiều mặt nên vô cùng đa nghĩa và sâu xa, tầng tầng lớp lớp đều hướng nghĩa. Chẳng thế mà nhà thơ Xuân Diệu sinh thời đã hết sức cảm phục: “Nguyễn Du viết Truyện Kiều rất cẩn thận, ý tứ, chẳng có câu nào là vô tâm”…
Như vậy, với đoạn mở đầu là chuyện cõi người, trăm năm này cũng như trăm năm khác, luôn có mâu thuẫn giữa cái muốn có, cái mơ ước của con người (cá nhân cụ thể) và sự chi phối, hạn chế, thậm chí phũ phàng của tiền kiếp, của hiện thực xã hội. Đây không phải là “tài mệnh tương đố”, là “hồng nhan bạc mệnh” chỉ riêng cho Thúy Kiều. Nếu chỉ thế thì cần chi phải dùng đến tích bể dâu để biến cải.
Mệnh đề mà đoạn mở đầu này của Truyện Kiều đặt ra lớn hơn một câu chuyện tình rất nhiều nhưng lại tựu trung ở một điểm có tính khái quát cao nhất: Quan hệ giữa cá nhân và cuộc đời. Chữ khéo là trong câu Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau dùng tuyệt khéo.
Nhiều nhà nghiên cứu vẫn cho Thúy Kiều có xuất thân thuộc tầng lớp trên là hạn chế của Nguyễn Du. Tôi nghĩ rằng chọn nhân vật chính là Thúy Kiều ở tầng lớp trung lưu mới thật là thiên tài của Nguyễn Du.
Nếu chỉ là người lao động bình thường sao lại có học hành và tài sắc nhường kia, sao có thể đi ra khỏi “ngõ xóm” của mình mà gặp gỡ, mà phơi bày được mọi cảnh ngộ của cuộc đời? Không phải là nhân vật nữ tài sắc như Thúy Kiều lấy đâu để làm “phép thử” để mô tả bản chất của đàn ông từ Mã Giám Sinh đến Thúc Sinh, từ Hồ Tôn Hiến đến Từ Hải, và bản chất phụ nữ như Hoạn Thư… sao có được mối tình Kim Kiều day dứt và sáng trong, hiện thực và lý tưởng đến thế!
Nếu Thúy Kiều xuất thân ở tầng lớp cao hơn thì e rằng Nguyễn Du khó thoát khỏi tính ước lệ, tượng trưng để bước hẳn sang chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa lãng mạn.
Và không phải là người tài sắc như Thúy Kiều, có sức sống mãnh liệt, không ngừng phản kháng nhưng dám chấp nhận mọi hoàn cảnh sống; đắm say tình yêu và vẹn tròn đạo nghĩa, biết tự riêng mình xây dựng và bảo vệ hệ giá trị của mình, biết tùy thời quyền biến… thì làm sao ra khỏi được khuôn tước của một giai cấp, một thời đại, một quốc gia?
Chọn một câu chuyện Trung Hoa, cũng là một sự lựa chọn thiên tài khác, vì thế mà nó mang tính phổ quát hơn, nó tránh được án văn tự thường hay xảy ra dưới chế độ phong kiến.
Nói về thiên tài Nguyễn Du mà không nói về ngôn ngữ, về tài thơ trác tuyệt của ông thì cũng đã như không nói. Người ta đã phân tích nhiều về những câu thơ rung rinh ánh sáng, hình ảnh và lấp lánh nhạc điệu, nhất quán giữa cảnh và người như: Long lanh đáy nước in trời/ Thành xây khói biếc, non phơi, bóng vàng; Sông Tần một dải trong xanh/ Loi thoi bờ liễu mấy cành dương quan; Vầng trăng ai xẻ làm đôi/ Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường… Nhưng cũng không ít người bỏ qua những câu như: Lão kia có giở bài bây/ Chẳng văng vào mặt mà mày lại nghe. Tiếc của, Tú Bà có thể nói gì khác hơn là phải “văng” ra? Thật gợi tính cách, thật dân dã và thuần Việt! Hay: Già giang một lão một trai/ Một dây vô loại buộc hai thâm tình. Tôi nghĩ trên thế giới không có nhà văn, nhà thơ nào viết về cảnh bị trói có thể tài hoa đến thế, thấm đượm tình người đến thế.
Đấy là nói về chữ Nôm. Còn trong thơ chữ Hán của Nguyễn Du có vô số câu điển phạm, thần cú.
Theo KTĐT