Từ đầu tháng 6, tại nhà Gươl ở thôn làng thuộc các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam, không khí cũng như đời sống sinh hoạt của người Cơ Tu rộn ràng hẳn lên qua các lớp học nghề vót mây tre, đan những sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống và hiện đại.
Nâng cao tay nghề
Các lớp học được tổ chức và bao tiêu sản phẩm bởi Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam (VietCraft), thời gian qua đã đánh thức vùng nguyên liệu mây tre thiên nhiên ở miền cao, cũng như đôi tay khéo léo từ những người con của núi rừng, hứa hẹn sẽ cho ra đời những sản phẩm quà tặng độc đáo từ mây tre, tạo cơ hội giúp người Cơ tu nâng cao thu nhập thông qua việc bán sản phẩm và quà lưu niệm phục vụ du lịch.
Cũng nhờ những lớp học này, cảnh tập trung ăn uống cuối tuần, sinh hoạt ngày lễ tại nhà Gươl như thông lệ đã giảm rõ rệt. Thay vào đó, những sản phẩm từ mây tre với nét hoa văn truyền thống tưởng như bị mai một, đang dần tái hiện.
Tại thôn A Rớch, xã A Ting, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam, nhiều người già và người trẻrủ nhau về nhà Gươl học nghề đan lát. Bên nguồn nguyên liệu mây, tre chất cao sát vách nhà Gươl, các học viên ngồi ngay ngắn vót mây theo hướng dẫn của thầy giáo đến từ VietCraft. Nhà Gươl không đủ chỗ, một số nam thanh – nữ tú phải ra phía trước sân ngồi dưới bóng cây.
Lớp học được chia thành 2 nhóm: Nhóm truyền thống dành cho người lớn tuổi học đan những sản phẩm gùi, thúng, nia… sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày. Còn nhóm hiện đại dành cho lớp trẻ với các sản phẩm làm quà tặng như hộp, làng (túi xách), khay đĩa, giỏ đựng hoa quả, hoặc sản phẩm làm túi đựng thay bao bì nhựa và có cả bàn tròn khách sạn…
Chị Pơ Lang Thị Bhoon – một người tham gia lớp học – tâm sự, công việc đan lát xưa giờ chỉ do đàn ông, nhất là những người lớn tuổi hoặc già làng thực hiện. “Phụ nữ Cơ Tu rất ít người biết đan hoặc vót mây, tre. Lớp học là cơ hội để những sơn nữ chúng tôi lần đầu tiên biết vót và chẻ mây đúng quy cách, tự tay đan được những sản phẩm mà thầy giáo hướng dẫn”, chị Bhoon trải lòng.
Còn già ALăng Nơơh năm nay 72 tuổi, vừa cặm cụi chẻ mây vừa chia sẻ: “Thời trai trẻ tôi biết nghề nhưng chủ yếu đan gùi và một số đồ dùng sinh hoạt trong gia đình thôi! Nay tuổi cao, không còn sức lên nương rẫy, nên tôi theo lớp học này để luyện lại tay nghề. Hy vọng những sản phẩm dân tộc chúng tôi làm ra sẽ đẹp hơn và tiêu thụ được để tăng thêm thu nhập”.
Cải thiện sinh kế bền vững
Theo ông Nguyễn Văn Vinh (Nghệ nhân quốc gia – Trung tâm Dạy nghề mây tre đan Phú Vinh – giáo viên hướng dẫn lớp học), nhóm đan truyền thống là để duy trì các hoa văn, khuôn hình truyền thống; còn nhóm hiện đại học đan những sản phẩm “cách tân”, phù hợp với thị hiếu đa dạng của du khách.
Ngoài ra, nhóm trẻ còn được học cách pha chế nguyên liệu khoa học để giảm bớt thời gian so với cách làm truyền thống. Khi pha chế nguyên liệu theo kiểu truyền thống thì khi làm ra một sản phẩm, khâu làm nguyên liệu đã chiếm hơn một nửa thời gian.
Lớp học này sẽ được hướng dẫn phương pháp giãn dây về khâu pha chế nguyên liệu nên chỉ mất khoảng 1/10 thời gian so với cách truyền thống.
Để tạo ra một sản phẩm bất kỳ không khó, cái khó nhất là làm nguyên liệu. Bởi vì sau khi tạo ra nguyên liệu, thì tiếp đó lại phải tạo ra những nguyên liệu khác theo yêu cầu theo từng loại sản phẩm. Đặc biệt khó nhất là có những cái bé chỉ có 1 li, nhưng một khi thành công ở khâu nguyên liệu thì các sản phẩm đều làm được.
Qua các buổi dạy nghề, ông Nguyễn Văn Vinh cho biết: “Hầu như những người lớn tuổi ở đây tiếp thu rất nhanh. Riêng nhóm trẻ lúc đầu có bỡ ngỡ trước những sản phẩm làm ra thấy hoa văn khác lạ, nhưng cũng nhanh chóng thích nghi với nét hiện đại. Hai lớp học tại sông Kôn và Ating 1 đã hoàn tất, được VietCraft đặt hàng. Nhóm sản phẩm nào đạt chuẩn sẽ được hỗ trợ nguyên liệu 2 tháng đầu đặt hàng về nhà làm. Nhóm sản phẩm chưa đạt chuẩn sẽ được hướng dẫn học lại. Hiện một số sản phẩm thủ công mỹ nghệ tinh xảo do các học viên làm ra đã được trưng bày, giới thiệu tại Nhà Văn hóa huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam”.
Với lợi thế của vùng núi Đông Giang, lượng cây mây tự nhiên có hơn 1.000ha với 9 quần thể các loại. Mấy năm qua, các tổ chức hỗ trợ nông – lâm nghiệp trong và ngoài nước đã triển khai trồng thêm 25ha mây để phát triển nguồn nguyên liệu. Riêng chương trình “Bảo tồn và phát triển nghề đan lát của người Cơ Tu” đến từ dự án Trường Sơn Xanh do tổ chức USAID tài trợ và VietCraft thực hiện.
Theo ông Lê Bá Ngọc, Phó Chủ tịch VietCraft, chương trình thuộc Tiểu dự án nhằm cải thiện sinh kế bền vững cho cộng đồng các dân tộc thiểu số, thông qua việc phát triển chuỗi giá trị sản phẩm mây tre đan và cây dược liệu tại tỉnh Quảng Nam, nhằm nâng cao nhận thức của người dân sống phụ thuộc vào núi rừng, giảm dần áp lực của con người lên tài nguyên rừng.
Hiện VietCraft cùng một số tổ chức đang hỗ trợ cho hơn 2.500 người đồng bào dân tộc Cơ Tu, không chỉ giữ gìn và phát triển nghề đan lát truyền thống mà còn có việc làm ổn định, tăng thêm thu nhập.
Theo SGGP