Trong quyển “Phật Tổ Thống Ký” có chép rằng, Tổ sư đời thứ mười ba Ca Tỳ Ma La là người nước Ma Yết Đà. Trước khi về quy y Phật, ngài tu theo ngoại đạo, có đến ba ngàn đệ tử. Ngài thông suốt kinh điển, lại có nhiều phép thần bí. Nhân một cuộc đối đầu với Tổ thứ mười hai là Mã Minh, Ca Tỳ Ma La dùng nhiều tà thuật nhưng không thắng được Tổ sư, liền chịu khuất phục, lễ bái xin theo làm đệ tử.
Truyền thuyết kể rằng có lần mãng xà cuốn quanh thân ông muốn ăn thịt, nhưng Tổ thuyết pháp khiến rắn cũng kính ngưỡng, lại chỉ cho ngài một bậc thánh còn ẩn trong rừng là Long Thụ. Ca Tỳ Ma La thuyết pháp và truyền cho Long Thụ.
Hành trình xuất gia ngộ thiền
Ngài sinh sau đức phật nhập niết bàn 475 năm, cha là Ca Phất Trung Thiên, mẹ là Khưu Phước Thiện. Gia đình ngài tu theo đạo Bà La Môn, còn ngài là một cử nhân thần học, cũng là một giảng sư bậc nhất trong đạo Bà La Môn.
Một hôm tại thánh đường Chánh Thiên. Ngài lên tòa giảng về những vị ở nhân gian tích phước được lên cõi trời hưởng phước. Tổ Mã Minh hỏi ngài như sau: Người sống ở cõi trời sống được bao nhiêu năm? Ngài trả lời: Nếu tính thời gian ở trái đất này, người sống ở cõi trời sống gấp 100 lần người sống ở nhân gian, tức khoảng 7000 tuổi. Tổ Mã Minh hỏi: Khi người sống cõi trời hết tuổi thọ sẽ đi đâu? Ngài trầm ngâm suy nghĩ một hồi rồi trả lời: Đi… đi… Tổ Mã minh bảo: Ông nghiệm mà biết, ông suy nghĩ mà trả lời cho ta, lời nói đó là sinh diệt không đúng.
Ngài hỏi: Tại sao không đúng? Tổ Mã Minh nói: Vì lời nói mà ông tưởng tượng ra là lời nói theo chiều thành, trụ, hoại, diệt, tức luân hồi nên không phải là chân thật. Ngài nghe tổ nói vậy nên hỏi: Như vậy người tu nơi thế giới này làm sao không bị luân hồi? Tổ trả lời bằng 12 câu kệ: Muốn không bị luân hồi/ Tâm mình nên dừng, thôi; Chuyện đời của vật lý/ Chỉ cần dừng lại được. Không ai kéo được mình/ Tự nhiên mình không dính; Nhân duyên làm sao có/ Nhân quả lây đâu lên. Làm gì có sanh diệt/ Ông muốn khỏi trầm luân; Nên thôi tìm hay kiếm/ Tức khắc giải thoát ngay.
Vừa nghe tổ đọc xong 12 câu kệ ấy, Ca Tỳ Ma La liền lãnh hội được, ngài khóc và nói với tổ rằng suốt mấy chục năm, tôi đi làm ghề giảng sư, mục đích chính của tôi là muốn cho nhiều người nghe khen ngợi có chút tiền để hưởng thụ không phải vất vả đi làm, hôm nay nghe được mấy câu kệ của thầy dạy, tự nhiên tôi bừng hiểu, vậy tôi xin trình sự hiểu biết của tôi với thầy như sau: Luân chuyển vật lý thế gian/ Quy luật muôn kiếp ngàn đời là đây; Con xin cám ơn đức thầy/ Mười hai câu kệ ngộ thiền.
Từ đây con hết đảo điên/ Biết được bí huyền vật lý trần gian; Trước con suy tưởng muôn ngàn/ Diệu thuật, lừa gạt, kiếm vàng để tiêu. Hôm nay con nhận một điều/ Chỉ thôi, dừng, dứt là tiêu nghiệp trần; Tâm con nay đã rõ phân/ Không dính dục trần là hết trầm luân. Tự nhiên con biết pháp dừng/ Những thứ vật lý con dừng chạy theo;
Hiện nay con đã hết nghèo/ Muôn ngàn châu báu dính theo con liền. Lời thày sao lại linh thiêng/ Chỉ mấy câu kệ con liền nhận ra; Lời vàng của Phật Thích Ca/ Pháp thiền huyền diệu hiện ra nơi này. Con xin cám ơn đức thầy/ Đem lời chân quý con đây hiểu đời; Từ nay con chỉ dừng thôi/ Chỉ cần thanh tịnh ơi nơi tâm mình. Cảnh gì con cũng lặng thinh/ Khi thấy hay biết tự mình biết thôi;
Dù cho vật đổi sao dời/ Con chỉ nhớ lời của đấng từ bi. Con chỉ thực hiện vậy thì/ Luân hồi nhiều kiếp không gì với con; Từ nay con quyết không còn/ Nói chuyện không thật để con lừa người. Nhờ thầy con được vui tươi/ Nhìn thấy chân thật con vui trong lòng; Con không còn nguyện hay mong/ Chỉ cần thanh tịnh là xong luân hồi.
Khuất phục rắn thần ngàn năm
Sau khi được truyền tâm pháp, Ngài đi giáo hóa khắp nơi. Lần lượt đến nước Tây Ấn, nơi đây có Thái tử tên Vân Tự Tại rất ngưỡng mộ Ngài. Thái Tử thỉnh Ngài và đại chúng vào cung cúng dường, Ngài từ chối bảo: Phật cấm Sa môn không được gần gũi vua quan những nhà có thế lực, nên tôi không dám nhận lời.
Thái tử bạch rằng: Thưa Tôn giả! Phía Bắc thành nầy có một hòn núi lớn, trong núi có hang đá yên lặng bặt người thế tục, có thể ở nơi đó thiền định được. Tuy nhiên, trong đó có nhiều rắn và thú dữ, song tin tưởng đức cao dày của Tôn giả sẽ chuyển hóa chúng. Ngài nhận lời, sau đó cùng đồ đệ tiến thẳng đến núi ấy.
Vừa đến núi nầy quả gặp một con rắn lớn dài gần một dặm, trợn mắt nhìn Ngài, Ngài vẫn đi thẳng không ngó đến nó. Ngài đi đến phía Nam chân núi dừng nghỉ chỗ đất bằng, con rắn ấy đến quấn chung quanh Ngài, Ngài cũng chẳng đoái hoài, giây lát con rắn bò đi. Ngài tìm lại các đồ chúng theo Ngài thì họ đã chạy tán loạn hết. Ngài một mình đi thẳng đến hang đá.
Bỗng thấy một ông già mặc toàn đồ trắng đi ra chấp tay kính lễ Ngài, Ngài hỏi: Ông ở đâu? Ông già thưa: Con xưa làm vị Tỳ kheo rất thích vắng lặng, bực người mới học đến hỏi han, nhân đó nổi sân, bởi duyên cớ ấy khi chết đọa làm thân rắn ở trong hang nầy, đến giờ đã ngàn năm. Vừa gặpTôn giả là bực thánh đức nên ra kính lễ.
Ngài hỏi: Núi nầy còn có người nào ở nữa chăng? Và họ theo đạo nào? Ngươi chỉ cho ta biết? Ông già thưa: Cách đây mười dặm về phía Bắc có một tàng cây thật to, dưới tàng cây có năm trăm vị nhân tài ẩn dật, vị lãnh tụ hiệu là Long Thọ, thường vì chúng nói pháp, con cũng thường đến nghe. Ngài chờ đồ chúng tụ hội, cùng họ tiến đến phía Bắc. Vừa đến cây to, quả nhiên Long Thọ ra nghinh tiếp Ngài. Long Thọ vui vẻ đảnh lễ thưa Ngài: Chỗ núi sâu vắng vẻ, nơi hang ổ của thú dữ, đại đức chí tôn sao thương xót đến đây?
Ngài đáp: -Ta không phải chí tôn, đến để phỏng vấn hiền giả. Long Thọ lặng thinh thầm nghĩ: Tôn giả nầy được tánh quyết định, đạo nhãn đã sáng chưa? Phải là người đại thánh,thừa kế chơn tông chăng? Ngài biết liền bảo: Tuy tâm niệm của ngươi,ta đã biết rồi,chỉ cần xuất gia,lo gì ta chẳng phải thánh? Bấy giờ Long Thọ sám hối tạ tội. Ngài độ cho xuất gia.
Một hôm,Ngài gọi Long Thọ lại bảo: Nay ta đem đại pháp nhãn tạng của Như Lai trao cho ngươi, ngươi phải truyền nối chớ dứt. Nghe ta nói kệ: Phi ẩn phi hiển pháp, Thuyết thị chơn thật tế, Ngộ thử ẩn hiển pháp, Phi ngu diệc phi trí. Dịch nghĩa: Pháp không ẩn không hiển, Nói là mé chơn thật, Ngộ pháp ẩn hiển nầy, Chẳng ngu cũng chẳng trí.
Truyền pháp xong, Ngài trình thần biến rồi tịch diệt. Long Thọ và đồ chúng hỏa táng thân Ngài, lượm xá lợi xây tháp cúng dường. Trong các thư tịch cổ liên quan đều thống nhất vẽ Tổ thứ 13, Ca Tỳ Ma La tôn giả đang đi ở khu vực núi, bị con mãng xà quấn quanh người.
Ở chùa Tây Phương, tượng Ca Tỳ Ma La được tạc theo hình mẫu vẽ trong sách, nhưng ngài không tranh biện, đứng thẳng như từ đất mọc lên bất chấp gió thổi các tà áo bay kéo đi, cũng bất chấp những mãng xà đe dọa, khuôn mặt bình thản và tự tin, đôi mắt sáng nhìn xa. Toàn thân Ca Tỳ Ma La tôn giả được tạc bởi các khối căng tròn, óng mượt, những gấp nếp của áo cũng buông xuôi và ngả bay cùng chiều với khối, hình tĩnh mà lại động, từ trong hình tượng vươn lên là cả một sự nung nấu, sôi động.
Theo PLVN