Khi qua cầu Thị Nại, đã bao giờ bạn thử tự hỏi, dòng nước tuôn vào đầm mênh mông bên dưới đã chảy qua những nơi nào, trước khi về đến Quy Nhơn? Nếu chưa từng, mời bạn lên đường cùng tôi để xem vẻ đẹp thiên nhiên ở vùng đầm này có khiến bạn bất ngờ?
Đầm Thị Nại (thuộc địa phận 4 phường, xã của TP Quy Nhơn và 4 xã của huyện Tuy Phước) có chiều dài khoảng 16 km, chiều rộng ở nơi hẹp nhất khoảng 500 m và nơi rộng nhất khoảng 5.000 m, tổng diện tích mặt nước hơn 5.000 ha, là đầm lớn thứ hai trong các đầm phá ở Việt Nam. Đầm có mức độ đa dạng sinh học cao, với rừng ngập mặn, thảm cỏ biển, rất nhiều loài cá, tôm, ghẹ, cua, động vật thân mềm, rong biển… Đặc biệt, đầm còn là nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử ở các thời đại qua hàng chục thế kỷ.
Nếu khám phá đầm Thị Nại bằng đường thủy, con mắt của bạn sẽ được no nê nhiều hơn nhưng do tuyến giao thông này hiện chưa được thuận tiện lắm nên ta sẽ đi bằng đường bộ; ở một số vị trí có thể đi xuồng len lỏi qua rừng ngập mặn để ra đến giữa đầm. Dù vậy những trải nghiệm thú vị không vì thế giảm đi nhiều.
Cách đầu cầu Thị Nại khoảng hơn 100 m là QL 19 mới, đi theo lối này sẽ giúp hành trình từ Quy Nhơn đi khám phá vùng ven đầm Thị Nại không chỉ nhanh hơn mà không gian cảnh quan sẽ còn thêm phần hấp dẫn so với trước đây. Đi trên QL 19 mới khoảng chưa đến 5 km sẽ thấy con đường bên tay phải đi đến xã Phước Thuận (huyện Tuy Phước), rẽ vào đường này đi thêm vài trăm mét, “mắt sẽ níu chân” bạn dừng lại tham quan khi bắt gặp Tiểu chủng viện Làng Sông cổ kính, rợp bóng cây xanh. Sau đó, đi thêm hơn cây số nữa là đến chùa Long Phước, một trong những nơi nổi tiếng về truyền dạy võ cổ truyền Bình Định. Rời chùa Long Phước, đi vài trăm mét sẽ thấy cổng thôn văn hóa Tân Thuận phía bên tay phải, xe rẽ vào và bắt đầu lăn bánh qua các làng chài ven đầm Thị Nại.
Điểm đầu tiên bạn nên ghé đến để tìm hiểu cuộc sống của ngư dân là thôn Bình Thái (xã Phước Thuận), nơi có lăng Ông được xây dựng từ năm 1785, cùng đội bả trạo nổi tiếng từng đại diện cho huyện, tỉnh đi trình diễn giao lưu tại các ngày hội miền biển khắp nơi trong nước. Từ thôn Bình Thái ngược lên theo hướng về các xã khu Đông Tuy Phước, khung cảnh không ngừng cuốn hút với các làng chài, những cánh rừng ngập mặn, cuộc sống sinh hoạt, lao động của ngư dân với nhiều kiểu đánh bắt truyền thống mà những ai ở thành phố sẽ thấy lạ mắt.
Đến thôn Vinh Quang 2 (xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước), xuống đò để ra Cồn Chim – ốc đảo giữa mặt đầm mênh mông. Khó nơi đâu khiến bạn muốn tận hưởng đến trọn vẹn cảm giác bình yên thư thái như ở đây. Rừng ngập mặn được trồng lại ken dày trong suốt những năm gần đây khiến không gian cảnh quan như một bức tranh thủy mặc khổng lồ. Đặc biệt, nếu ở lại đến cuối chiều, bạn sẽ hiểu vì sao nơi đây có tên là Cồn Chim. Rất nhiều chim, chính xác hơn là rất nhiều đàn chim bay về tổ rợp cả một khoảnh trời, nhiều nhất là cò trắng nổi bật giữa rừng cây xanh.
Xuồng máy liên tục rẽ sóng nước êm êm, bạn sẽ thấy ngư dân chèo sõng đánh bắt kiểu lưới gõ truyền thống bên cạnh những điểm đặt rớ, hậu cảnh xa xa là những cánh quạt gió khổng lồ của Nhà máy phong điện Phương Mai 3 (Khu kinh tế Nhơn Hội). Tình cờ thôi nhưng dường như những người dân nơi đây đã chọn cỡ động cơ vừa phải để có tiếng máy nghe vừa phải. Để đến khi xuồng chạy đến phía hoàng hôn, mặt trời đỏ ối như quả cam khổng lồ từ từ lặn xuống thì chỉ còn nghe nho nhỏ tiếng tạch tạch… tạch tạch dễ chịu. Chuyến đi sẽ thêm phần thú vị nếu bạn ghé thưởng thức các loại thủy sản tươi ngon của đầm được phục vụ tại các hàng quán rộng rãi ở thôn Vinh Quang 2, khi các quán mở cửa bán lại sau đợt tạm dừng hoạt động để phòng, chống dịch.
Sau một ngày ngao du, bạn sẽ thấy thấm thía hơn khi ngân nga câu ca dao “Bình Định có đá Vọng Phu/Có đầm Thị Nại, có Cù Lao Xanh…”.
Theo Báo Bình Định