Bé trai bị tử vong sau 3 tháng bị chó cắn, chó cắn 5 người rồi lăn ra chết… những thông tin này đang khiến dư luận cảm thấy hoang mang trong thời gian gần đây.
Thói quen nuôi chó của một bộ phận người dân đã hình thành từ lâu, tuy nhiên trước những vụ việc đáng tiếc xảy ra trên, một lần nữa nhắc nhở chủ nuôi cần chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật: không thả rông chó, rọ mõm cho chó khi thả ra đường… Có như vậy, mới tránh hậu quả khôn lường đi kèm xảy ra.
Nhức nhối nạn chó cắn người
Nhắc đến vụ bé trai S.A.N, 11 tuổi, ở huyện Yên Châu (Sơn La) bị tử vong sau 3 tháng bị chó cắn, dư luận không khỏi bàng hoàng. Sự thiếu nhận thức pháp luật về nuôi chó đang thực sự đáng lo ngại. Vào tháng 1-2019, cháu N có sang nhà bác họ chơi. Trong lúc chơi đùa, cháu N đã bị chó cắn. Ngay sau đó, gia đình đưa cháu đi cấp cứu ở bệnh viện.
Tuy nhiên, sau 3 tháng điều trị, do vết thương quá nặng, cháu N đã tử vong vào trưa 9-4. Và cũng chỉ một ngày sau đó, một số người dân ở thị trấn Tây Sơn, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) bất ngờ bị con chó nhà ông P.H.L lao ra cắn loạn xạ. Một bé gái 5 tuổi sau đó phải nhập viện và khâu hơn 10 mũi. Lo ngại hơn, đến ngày 13-4, con chó trên bất ngờ lăn ra chết sau mấy ngày bị nhốt. Hiện nhiều người dân trên địa bàn đang cảm thấy bất an.
Điểm lại hai vụ việc trên trong số nhiều vụ chó cắn người xảy ra trong thời gian qua để thấy rằng, bên cạnh sở thích nuôi chó làm cảnh, để giữ nhà của một bộ phận người dân, hiện nay cũng đang cảnh báo về nguy cơ xảy ra các vụ việc đau lòng tương tự, khi chủ nuôi không chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về nuôi chó. Cụ thể ở đây là Nghị định 90/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y (gọi tắt là Nghị định 90).
Nghị định này nêu rõ, cấm hành vi không đeo rọ mõm, không xích giữ chó và không có người đưa dắt chó ra nơi công cộng. Nội dung cấm trên nhằm mục đích bảo đảm an toàn tính mạng và sức khỏe cho chủ nuôi cũng như người xung quanh.
Vậy nhưng, khi khảo sát thực tế ở nhiều ngõ phố, khu dân cư hiện nay như: Võng Thị (quận Tây Hồ), Khu Đô thị Cổ Nhuế – Cổ Nhuế 1 (quận Bắc Từ Liêm), khu dân cư Xuân Đỉnh v.v…, PV Báo CAND ghi nhận nhiều trường hợp chủ nuôi phớt lờ các quy định cấm, thản nhiên thả rông chó không rọ mõm ra đường khiến người đi đường cảm thấy lo lắng trước nguy cơ bị những chú chó này tấn công bất cứ lúc nào.
Chị Hồng Nhung, 34 tuổi, một người dân sinh sống trên địa bàn phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội tỏ ra lo lắng khi nói đến tình trạng chó không rọ mõm thả rông ở một số khu dân cư thời gian qua: “Mỗi lần đi qua nhà hàng xóm, thấy chó thả rông không rọ mõm là mình lo lắm. Không biết nó có lao vào cắn mình không nữa!”.
Cùng với việc nuôi chó giữ nhà, thời gian qua, nhiều gia đình có xu hướng nuôi các giống chó to, chó dữ, nuôi theo đàn 4-5 con có xuất xứ từ nước ngoài. Trong khi đó, các biện pháp quản lý như: rọ mõm, nuôi nhốt thì không đảm bảo, khiến số vụ chó dữ cắn người gây hậu quả nghiêm trọng luôn chực chờ xảy ra.
Còn nhớ vào tháng 7-2018, một bé gái 8 tháng tuổi ở quận Ba Đình (Hà Nội) đã bị một con chó ngao Tây Tạng nặng khoảng 40kg cắn dẫn đến tử vong. Hay như vào tối 3-4 vừa qua, đàn chó của gia đình bà L.T.An ở thị trấn Lương Bằng (huyện Kim Động, Hưng Yên) đã lao vào cắn cháu N.Đ.H (7 tuổi) bị tử vong v.v… Thực trạng chó dữ cắn người đang khiến dư luận cảm thấy lo lắng.
Luật có quy định… nhưng
Tại Điều 7, Nghị định 90 quy định, sẽ phạt tiền từ 600 ngàn đồng đến 800 ngàn đồng đối với các hành vi: không tiêm phòng vaccine phòng bệnh dại cho động vật bắt buộc phải tiêm phòng; không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng.
Như vậy rõ ràng đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực nuôi chó, mèo đã có chế tài xử lý, nhưng câu hỏi đặt ra: “Vì sao ở nhiều địa phương, tình trạng thả rông chó không rọ mõm cắn người vẫn liên tiếp xảy ra? Phải chăng quy định trên chỉ nằm… trên giấy?”, trao đổi với PV Báo CAND, ông Chu Việt Dũng – Phó Chủ tịch UBND phường Cổ Nhuế 1 (Hà Nội), một trong những địa bàn có nhiều hộ gia đình nuôi chó (với hơn 500 con) cho rằng, sau khi Nghị định 90 có hiệu lực, chính quyền địa phương đã không ngừng phổ biến kiến thức pháp luật, tuyên truyền vận động bà con chấp hành nghiêm các quy định về nuôi chó, mèo. Song, một số hộ gia đình vẫn thả rông chó không rọ mõm ra đường.
“Chế tài xử lý đã có, nhưng khó khăn lớn nhất hiện nay trong việc xử lý các vi phạm đó là chính quyền địa phương chưa có lực lượng chuyên trách đi bắt, xử lý các trường hợp thả rông chó vi phạm. Do vậy, tình trạng thả rông chó vi phạm vẫn xuất hiện trên địa bàn”, ông Chu Mạnh Dũng cho biết thêm.
Cũng theo đại diện UBND phường Cổ Nhuế 1, cùng với việc chưa có quy định về thành lập lực lượng chuyên trách xử lý vi phạm, điểm nuôi, nhốt tập trung chó, mèo thả rông không rọ mõm vi phạm cũng là vấn đề cần đề cập đến. Cùng chia sẻ về vấn đề này, ông Trần Thành Ngọc, Phó Trạm trưởng phụ trách Trạm Thú y quận Tây Hồ (Hà Nội) nhấn mạnh, công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, hậu quả đi kèm với việc thả rông chó không rọ mõm, không tiêm phòng dại đóng vai trò rất quan trọng. Chủ nuôi có lưu ý, có chấp hành nghiêm các quy định về nuôi, nhốt chó, mèo thì những vụ tai nạn thương tích, tử vong do chó, mèo gây ra sẽ không xuất hiện.
Theo đánh giá của Trạm Thú y quận Tây Hồ, hiện trên địa bàn có khoảng 3.700 con chó, hằng năm, Trạm Thú y phối hợp với các phường trên địa bàn tiến hành 2 đợt tiêm vaccine phòng chống bệnh dại ở chó, mèo. Tuy nhiên, do thói quen của một số chủ nuôi, tình trạng thả rông chó không rọ mõm ra đường vẫn xuất hiện trên địa bàn, đây là vấn đề đáng bàn không của riêng ai.
Theo CAND