Cứ vào mồng 1 tháng 3 âm lịch hàng năm, nhân dân tại xã Yên Đồng lại mở hội cổ truyền ruớc Long kiệu của Đức Mẫu Liễu Hạnh Đệ Nhất Giáng Sinh lên Phúc Lâm Tự – Chùa Đồi lễ Phật. Cùng với đó, các hoạt động khác cũng diễn ra với nhiều tục lệ truyền thống đặc sắc, hấp dẫn trong buổi lễ…
Theo truyền thuyết thì đây là lễ Thánh Mẫu Liễu Hạnh, ngài là một trong tứ bất tử của Việt Nam cùng với Tản Viên Sơn Thánh, Chử Đồng Tử Tiên Dung, Phù Đổng Thiên Vương…
Tương truyền, vào đầu thời nhà Hậu Lê, tại ấp Quảng Nạp, xã Vỉ Nhuế, huyện Đại An, phủ Nghĩa Hưng, trấn Sơn Nam; có ông Phạm Huyền Viên, người xã La Ngạn kết duyên cùng bà Đoàn Thị Hằng, người ấp Nhuế Duệ, cũng xã Vỉ Nhuế.
Hai ông bà là những người hiền lành, tu nhân tích đức nhưng hiềm một nỗi đã ngoài 40 mà chưa có con bèn đến chùa Phúc Lâm Tự cầu tự ,nguyện ăn chay làm việc thiện, tu nhân tích phúc. Một đêm rằm tháng hai, ông bà được thần báo mộng là Ngọc Hoàng sẽ cho con gái thứ hai là Công chúa Hồng Liên đầu thai làm con, từ đó bà có thai. Ông Huyền Viên ngồi đợi tin mừng, bỗng như có một nàng tiên từ trong đám mây bước xuống thềm nhà, và bà sinh một bé gái. Vì vậy ông đặt tên con là Phạm Tiên Nga.
Phạm Tiên Nga càng lớn càng xinh đẹp, mọi việc nữ công gia chánh đều thành thạo, đảm đang. Đến năm 15 tuổi đã có nhiều người đến dạm hỏi nhưng nàng đều khước từ vì nàng còn phải ở nhà chăm sóc cha mẹ già yếu, canh cửi quán xuyến công việc gia đình.
Về sau, cha mẹ Phạm Tiên Nga mất, bà bắt đầu chu du khắp nơi làm việc thiện (lúc này Tiên Nga vừa tròn 35 tuổi). Năm 36 tuổi bà đến bờ sông đồi dựng một ngôi chùa nhỏ trên thờ quan âm nam hải, dưới thờ thân phụ thân mẫu.. lấy tên là Kim Thoa Tự.
Bà đã ủng hộ tiền của và công sức giúp dân đắp đê ngăn nước Đại Hà từ bên kia phía núi Tiên Sơn (nay là núi Gôi).
Cùng với việc đắp đê, bà còn cho làm 15 cây cầu đá, khơi ngòi dẫn nước tưới tiêu, khai khẩn đất ven sông, giúp tiền bạc cho người nghèo, chữa bệnh cho người ốm, sửa đền chùa, cấp lương bổng cho các vị hương sư, khuyên họ cố sức dạy dỗ con em nhà nghèo được học hành… đến năm bà tròn 40 tuổi, bà đã hóa thần về trời.
Sau này, bà còn tái giáp thế thêm hai lần nữa, và lần tái giáp thế thứ ba, bà được đặt tên là Liễu Hạnh.
Sau khi bà mất, nhân dân xã Yên Đồng đã lập đền thờ bà cùng với Công Đồng Tam Giới Thiên Chúa, Tứ Phủ Vạn Linh…để bày tỏ lòng thành kính. Đền thờ của bà được đặt trên nền chùa cũ, gọi là Phủ Kim Thoa Linh Từ.
Ngày hội lớn của xã Yên Đồng cũng là để tưởng nhớ đến công lao của bà cùng tổ tiên, với những giá trị lịch sử văn hóa niên đại 2000 năm là chốn tổ đầu tiên với tục thờ Tứ Pháp cũng là nơi mà gắn bó với Thánh Mẫu Liễu Hạnh từ khi ngài sinh ra đến khi ngài mất đi cũng về quy y tam bảo tại Chùa Đồi.
Sau màn lễ cầu cúng, nghinh thần là phần hội với những trò chơi đậm màu sắc văn hóa dân gian. Dân làng thường tổ chức hội thi để đông đảo bà con và du khách được tham gia. Các phần thi thường là kéo co, cờ tướng, chọi gà, thi chim, bịt mắt bắt lợn, hát quan họ…
Rất đông người dân trên bờ theo dõi thuyền chở các tăng ni phật tử ra giữa sông làm lễ xin nước.
Theo lời những người cao tuổi trong làng, Thánh Mẫu Liễu Hạnh (người mẹ của muôn dân), ngài luôn che chở cho cháu con đời đời hạnh phúc, ấm no, thịnh vượng, ngài là tiên là phật là người, sinh sinh hóa hóa ba lần tái tam giáp thế, một trong tứ bất tử của người Việt, ngài che chở cho núi sông, cho đất nước con người Việt Nam… tưởng nhớ công ơn to lớn của ngài tòng tiền phụng sự, thinh kinh nghinh thủy, long vân khánh hội.
Cứ đến ngày khánh kỵ, từ cổ dĩ lai, nhân dân khắp vùng Nấp, Tràn, Vọng, Cốc Dương sẽ tập trung các đoàn cờ, kiệu, các đoàn tế lễ tại Phủ Quảng Cung và rước lên chùa Đồi, thỉnh kinh, xin nước thánh. Lễ hội này đã được tổ chức và kéo dài ở xã Yên Đồng nhiều năm trời và đang ngày càng được chú trọng, phát triển.
theo PLXH