Đại đức Thái Minh là Ủy viên dự khuyết Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo nên thuộc quản lý của Giáo hội Trung ương.
Trao đổi với báo chí ngày 23/3, ông Nguyễn Mạnh Hà – Chủ tịch UBND TP. Uông Bí cho biết, đơn vị này cùng các sở ban ngành đang tiếp tục làm việc tại chùa Ba Vàng về các nội dung thông tin truyền thông, trang mạng… của nhà chùa.
“Ngày 24/3, thành phố sẽ họp để xin ý kiến các sở, ngành về hướng xử lý hành chính. Về mặt chính quyền chúng tôi đang làm theo hướng đó, khi nào hoàn thiện chúng tôi sẽ thông tin với báo chí”, ông Nguyễn Mạnh Hà nói.
Về thông tin triệu tập bà Phạm Thị Yến (người có những buổi thuyết pháp về oan gia trái chủ gây xôn xao dư luận) Chủ tịch TP.Uông Bí cho biết:
“Vào ngày 22/3, tôi đã đề nghị Công an thành phố triệu tập bà Yến, tuy nhiên bên Công an họ phải làm quy trình nghiệp vụ. Hiện tôi chưa có thông tin từ phía Công an”.
Trước đó, Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh có văn bản gửi lãnh đạo tỉnh khẳng định, trụ trì chùa Ba Vàng phải chịu trách nhiệm về những hoạt động thuyết giảng “trục vong, bắt ma” của bà Phạm Thị Yến (Chủ nhiệm câu lạc bộ Cúc vàng tập tu lục hòa chùa Ba Vàng).
Giáo hội tỉnh Quảng Ninh cũng có văn bản báo cáo Giáo hội Phật giáo Việt Nam, nêu rõ trong các cuộc họp thường kỳ, nhiều thành viên đã góp ý chân thành về việc tổ chức “trục vong” với đại đức Thích Trúc Thái Minh.
“Ban trị sự rất tích cực, kiên trì động viên, nhắc nhở trụ trì và tăng ni, phật tử chùa Ba Vàng tu học đúng giới luật Phật chế, thực hiện đúng Hiến chương Giáo hội và pháp luật. Tuy nhiên, sau nhiều thời gian, tình hình vẫn không tiến triển”, văn bản của Giáo hội Phật giáo Quảng Ninh nêu.
Về vấn đề nghị kỷ luật Đại đức Thích Trúc Thái Minh, Giáo hội tỉnh Quảng Ninh cho rằng, Đại đức Thái Minh là Ủy viên dự khuyết Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo nên thuộc quản lý của Giáo hội Trung ương. Địa phương sẽ thực hiện theo hướng dẫn của Trung ương.
Đây không phải lần đầu trụ trì chùa Ba Vàng bị Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh phản ứng bằng văn bản. Từ năm 2015, Đại đức Thích Trúc Thái Minh đã bị Giáo hội Phật giáo tỉnh nhắc nhở vì “lợi dụng phật tử tên Yến kêu gọi nhân dân về chùa cúng oan gia trái chủ, bắt ma, thu tiền với số lượng lớn”.
Trụ trì chùa Ba Vàng còn bị phản ánh tổ chức tu học không đúng với Phật pháp như mỗi ngày ăn một bữa; nửa tháng tắm một lần; mặc pháp y mọi lúc; chư tăng vào rừng tu, học, ngủ, nghỉ trong 49 ngày đêm bất kể mưa nắng; nằm ngủ dưới đất; tịch thu y pháp của các tỳ khiêu ni (tu nữ).
40 tăng ni trong chùa không chấp nhận những quy định mới này đã bỏ đi.
Sau khi nắm được thông tin liên quan đến chùa Ba Vàng, ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương – Ủy viên Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, chuyện vong báo oán, thỉnh giải oan gia trái chủ ở chùa Ba Vàng có dấu hiệu mê tín dị đoan.
“Cơ quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc, nắm rõ tình hình. Trên cơ sở đó, có hình thức xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật cũng như quy định của Giáo hội Phật Giáo.
Sau khi xử lý, cần thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân hiểu và tránh xa những hoạt động mê tín dị đoan”, ông Phương bày tỏ quan điểm.
Về chuyện bà Phạm Thị Yến (người thường xuyên xuất hiện trong các ấn phẩm truyền bá mang danh chùa Ba Vàng) rao giảng chuyện vong báo oán, Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện nhấn mạnh:
“Đối với trường hợp bà Phạm Thị Yến thì xã hội cần phải lên án, xử lý. Trong trường hợp này, có thể cấu thành tội lừa đảo, vì đã tạo ra lòng tin không có thật để thu tiền. Đó chính là lừa đảo tâm linh, đã vậy còn cưỡng đoạt tài sản bằng cách này cách khác.
Thậm chí cũng cần phải xem bà ấy làm việc này một mình hay có đồng phạm không? Nếu nhà chùa dung túng thì cũng bị liên đới trách nhiệm. Còn nếu nhà chùa chỉ đạo làm lại đóng vai trò tổ chức, phải xem xét xử lý theo pháp luật”.
Theo Baodatviet